Trong báo cáo gần đây, chính phủ Nhật thừa nhận nguy cơ bị Trung Quốc soán ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nếu đối thủ này đạt mức tăng trưởng GDP danh nghĩa 10,5% trong năm nay.
ảnh minh họa
Tuy nhiên Nhật cũng cho rằng để có thể chạm tới vị thế nền kinh tế thứ hai thế giới thì Trung Quốc cần phấn đấu nhiều về GDP bình quân đầu người.
GDP danh nghĩa của Nhật trong quý 2 đạt mức 1.286 nghìn tỷ đôla, trong khi đó Trung Quốc đạt mức cao hơn, 1.335 nghìn tỷ đôla. Nhưng nếu tính bình quân đầu người thì Trung Quốc vẫn thua xa Nhật và hiện xếp hạng thứ 99 trên thế giới. Báo cáo của IMF cho thấy GDP bình quân đầu người trong năm 2009 của Trung Quốc chỉ vào 3.566 đôla, thấp hơn so với mức 39.573 đôla của Nhật Bản.
GDP bình quân đầu người là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá một nền kinh tế đã phát triển hay đang phát triển. Với GDP bình quân đầu người hiện duy trì dưới 5.000 đôla, thì Trung Quốc vẫn bị coi là một nước có thu nhập bình quân đầu người dưới trung bình.
Để vượt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người trên mức 5.000 đôla, mà vẫn đảm bảo không gây ra tình trạng bong bóng nền kinh tế, Trung Quốc cần học tập Hàn Quốc và Singapore, là hai quốc gia thành công với nỗ lực tăng GDP bình quân đầu người từ 5.000 đôla lên 20.000 đôla trong 20 năm qua. Hơn nữa, đất nước tỷ dân còn cần tránh đi vào vết xe đổ của Brazil và Argentina, cũng như Nhật Bản, là ba nền kinh tế thất bại trong quá trình tăng GDP bình quân đầu người và gây mất cân bằng tăng trưởng kinh tế.
So sánh GDP giữa Nhật và Trung Quốc trên cơ sở tham chiếu GDP Mỹ. Dự báo của Economist Intelligence Unit cho thấy năm nay, GDP của Trung Quốc sẽ chiếm 38% GDP Mỹ, trong khi tỷ lệ của Nhật chỉ là 34%. |
Trung Quốc hiện có lợi thế hơn so với Nhật về dân số, nguồn tài nguyên dồi dào, tốc độ tăng trưởng nhanh và chính sách linh hoạt. Dân số Trung Quốc hiện cao gấp 6-7 lần Nhật, trong khi đó tỷ lệ tăng trưởng được kỳ vọng sẽ đạt mức trung bình 7% trong vòng 10 năm tới so với mức 2% của Nhật. Những điều này cho thấy Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng phát triển.
|
Tờ China Daily dẫn nhận định của chuyên gia cấp cao phụ trách mảng nghiên cứu thị trường Chi Hung Kwan từ Nomura Institute of Capital nhận định “cách đây 20 năm, GDP của Trung Quốc chỉ vào khoảng một phần tám so với Nhật, nhưng năm nay thì đã vượt Nhật. Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ dù tăng trưởng hiện chỉ chiếm khoảng một phần so với Mỹ”.
Sau thời gian dài phấn đấu trở thành trung tâm tài chính và sản xuất toàn cầu kể từ Thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã vượt Đông Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ kể từ năm 1968. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế thần tốc, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản vào những năm 1980 và cú sốc từ vỡ bong bóng bất động sản vào 1991, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đã trượt dài trong chuỗi ngày tăng trưởng ì ạch và buộc phải đi vay nợ cả trong nước và nước ngoài. Tỷ lệ nợ công trên GDP của Nhật hiện chạm mức 200%, cao gấp 10 lần so với mức 20% của Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngại ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Nhật có thể sẽ sớm bị thay thế nếu như Trung Quốc thành công với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân đầu người và Nhật chưa tìm được biện pháp cân đối chi tiêu, tăng nguồn thu ngân sách và kích thích tăng trưởng GDP thực tế để giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Tăng trưởng GDP của Nhật trong quý 2 chỉ đạt 0,4% so với mức 4,4% trong quý đầu năm, trong khi đó xuất khẩu – một trong những nhân tố chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Nhật lại đang bị đe dọa do đồng yên tăng giá mạnh.
Tờ Wall Street Journal dẫn nhận định của Bộ trưởng Tài chính Nhật ông Yoshihiko Noda rằng chính phủ Nhật hiện đang xem xét nghiêm túc việc giới hạn chi tiêu từ nguồn thu thuế nhằm thúc đẩy mở rộng tăng trưởng kinh tế. Ông nói “nếu chúng tôi thu thuế nhiều, chúng tôi có thể làm được nhiều thứ nhưng lúc này việc tăng nguồn thu từ thuế có thể chưa phù hợp”.
Gửi vào 28/08/10 16:04
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét