Thứ Sáu, 30/07/2010 - 12:01
Yên Bái: Yêu cầu Phó bí thư tỉnh ủy giải trình tấm bằng “tiến sĩ”
(Dân trí) - Dư luận thời gian qua xôn xao thông tin ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó bí thư tỉnh ủy Yên Bái lấy bằng tiến sĩ chỉ sau… 6 tháng. Để làm sáng tỏ những nghi vấn trên, Tỉnh ủy Yên Bái đã báo cáo sự việc lên UBKT Trung ương.
Học 6 tháng có bằng… tiến sĩ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối năm 2008, ông Nguyễn Văn Ngọc làm đơn xin đi học tiến sĩ và được Tỉnh ủy Yên Bái phê duyệt. Quyết định số 878 của tỉnh cử ông Ngọc sang Malaisia học khóa đào tạo Tiến sĩ Kinh tế của Đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University - SPU), năm 2008.
Điều làm dư luận tỉnh Yên Bái xôn xao là trong khi chương trình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới phải kéo dài trên 2 năm thì ông Ngọc chỉ cần có 6 tháng học tập đã lấy được bằng tiến sĩ.
Tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của ông Ngọc (ảnh được Tỉnh ủy Yên Bái cung cấp).
Cụ thể, ngày 2/10/2008, Tỉnh ủy có quyết định cử ông Ngọc đi học nhưng đến tháng 3/2009, ông Ngọc đã báo cáo hoàn thành khóa học cùng với việc được nhận 1 tấm bằng tiến sĩ.
Sau đó, ông Ngọc đã đề nghị tỉnh Yên Bái hỗ trợ một phần kinh phí học tập. Điều này được thể hiện tại Công văn số 951 ngày 23/3/2009 của Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái gửi Sở Tài chính đề nghị vận dụng chính sách hỗ trợ cho ông Nguyễn Văn Ngọc.
Kèm theo công văn là một thông báo bằng tiếng Anh của trường Đại học Nam Thái Bình Dương (ban hành ngày 9/4/2008) về khóa đào tạo có chi phí 17.000 USD. Điều lạ là trong thông báo bằng tiếng Anh này không có một chữ nào nhắc tới ông Nguyễn Văn Ngọc mà chỉ là một tờ thông báo đơn thuần về chương trình đào tạo của nhà trường.
Mặc dù như vậy nhưng ngày 31/12/2009, tỉnh Yên Bái đã có Quyết định 2104/QĐ-UBND hỗ trợ 74 triệu đồng cho ông Ngọc. Khoản tiền này gồm 50 triệu theo chính sách thu hút tiến sĩ và 24 triệu vận dụng chính sách khuyến khích đào tạo đối với cán bộ đi học tiến sĩ (mỗi tháng 1 triệu đồng, tổng cộng 24 tháng).
Không hiểu 24 tháng học của ông Ngọc được tính như thế nào, trong khi chỉ 6 tháng kể từ khi có quyết định cử đi học, ông Ngọc đã thông báo có bằng tiến sĩ trong tay?! Lạ hơn nữa là cho đến nay (tháng 7/2010), tin từ Ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, cơ quan này vẫn chưa được “mục sở thị” tấm bằng “tiến sĩ kinh tế” của ông Ngọc để ghi vào hồ sơ cán bộ.
Báo cáo vụ việc lên Ủy ban kiểm tra TƯ
Việc ông Ngọc đã có bằng tiến sĩ hay chưa cho đến thời điểm này vẫn đang là một ẩn số với Tỉnh ủy Yên Bái.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: “Cho đến nay, ông Ngọc vẫn chưa nộp cho các cơ quan chức năng của tỉnh bản sao bằng tiến sĩ được cấp tại trường Đại học Nam Thái Bình Dương”.
Thay vào đó, ông Ngọc nộp một tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của trường Đại học IRVINE, bang California (Hoa Kỳ) cấp từ 10/4/2007 để lưu hồ sơ cán bộ.
Ông Phạm Văn Cường: “Đến nay ông Ngọc vẫn chưa nộp bằng Tiến sĩ...” (ảnh: Q.Đ)
Về tấm bằng thạc sĩ này, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 2/7/2010, trên trang thông tin của TS Mark A. Ashwill - nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục quốc tế tại Việt Nam (IIE) ở địa chỉ http://markashwill.wordpress.com đã cảnh báo về danh sách 20 trường ĐH không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền của Mỹ (danh sách này có ĐH IRVINE - nơi cấp bằng thạc sĩ cho ông Ngọc).
Phần lớn các trường này đều là “trường đại học trực tuyến” (online universities) và một số trường được xem là “lò sản xuất văn bằng” (diploma mills) vì có rất ít hoặc không có yêu cầu về học tập đối với người được cấp bằng.
Thông tin mà PV Dân trí có được, Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã yêu cầu ông Ngọc giải trình những nghi vấn về tấm bằng và ngôi trường mà ông Ngọc đã theo học. Để làm sáng tỏ những nghi vấn nói trên, Tỉnh ủy Yên Bái đã báo cáo sự việc lên UBKT Trung ương xem xét và giải quyết.
Liên quan tới bằng cấp của SPU, sau khi Dân trí đăng bài “Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh” ngày 17/6 về việc ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ nhận bằng tiến sĩ của SPU một cách đáng ngờ, chúng tôi đã nhận được một bức thư bằng tiếng Anh từ một người tự nhận là Chủ tịch SPU. Ông David Cornish, Hiệu đính viên Báo Điện tử Dân trí Tiếng Anh (DTiNews), có nhận xét như sau về nội dung bức thư: Là một công dân Mỹ, tôi sửng sốt khi được đọc bức thư mà “Đại học Nam Thái Bình Dương” gửi tới Báo Điện tử Dân trí, yêu cầu chúng tôi không được đăng thông tin bất lợi cho họ và thậm chí kèm theo đe dọa pháp lý. Bức thư được viết bằng thứ tiếng Anh “đáng ngờ” và không chỉ rõ chúng tôi có thể phúc đáp bằng cách nào. Qua tìm hiểu và đánh giá, chúng tôi xin chỉ ra một số điểm sau: 1. Đại học Nam Thái Bình Dương không được công nhận tại Mỹ. 2. “Trường Đại học” này được thành lập tại Delaware, Mỹ và không có địa chỉ cụ thể. 3. Bức thư của Chủ tịch “GS. TS. Geoff Taylor” được viết bằng thứ tiếng Anh không chuẩn. 4. Trường này sử dụng các quốc gia siêu nhỏ Belize và St. Kitts làm nơi công nhận, thực chất chỉ là bằng chứng về việc thành lập và không có tiêu chuẩn quốc tế. Nếu là một trường “Mỹ”, thì tại sao lại sử dụng các quốc gia kia để công nhận? 5. Không hề có trụ sở hay địa chỉ liên hệ trực tiếp tại Việt Nam. 6. Địa chỉ duy nhất họ từng có tại Mỹ là ở Hawaii, và bang này đã yêu cầu họ đóng cửa. 7. Theo thông tin từ website của trường này thì gần như ai cũng có thể “nhập học”, chỉ cần đóng 50 USD. A.H dịch |
Quốc Đô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét