Phát biểu trên truyền hình về việc quân Mỹ rút khỏi Iraq, Thủ tướng Maliki cho rằng đây là thành quả của tất cả người dân Iraq và nhấn mạnh Iraq là một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Thủ tướng Iraq cũng cam kết chính quyền sẽ nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và xây dựng đất nước thịnh vượng, đồng thời khẳng định sẽ không để tái diễn tình trạng xung đột phe phái.
Ông Maliki còn nhắc lại những thành tích mà lực lượng an ninh nước này đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như ngăn chặn các cuộc xung đột phe phái.
Thủ tướng Maliki cũng chỉ trích một số đảng phái tiến hành các chiến dịch tạo sự hồ nghi về khả năng của Baghdad trong việc kiểm soát an ninh đất nước sau khi quân Mỹ rút khỏi, cho rằng mục đích của hành động trên là cản trở quá trình rút quân.
Ông Maliki tỏ ý tin rằng người lính Mỹ cuối cùng sẽ rời khỏi Iraq vào cuối năm 2011 đúng như kế hoạch.
Thủ tướng Iraq nhấn mạnh quan hệ Iraq-Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới, từ hợp tác trong lĩnh vực quân sự mở rộng sang thực hiện Hiệp định khung chiến lược (SFA) được ký giữa hai nước vào cuối năm 2008.
Phát biểu của Thủ tướng Maliki được đưa ra trong ngày quân đội Mỹ chính thức ngừng các hoạt động chiến đấu tại Iraq và giảm quân số xuống còn 50.000 người (so với khoảng 144.000 binh sỹ hồi đầu năm ngoái).
Trước đó, ngày 30/8, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã đến Iraq để tham dự lễ đánh dấu sự chuyển đổi nhiệm vụ của các lực lượng Mỹ ở Iraq.
Cũng trong ngày 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast tuyên bố việc quân Mỹ vẫn hiện diện tại Iraq viện dẫn lý do huấn luyện cho quân đội Iraq là "không thể chấp nhận được" và điều này cho thấy Washington không có các biện pháp nghiêm túc để rút quân.
Theo ông Mehmanparast, sự hiện diện của lực lượng quân sự nước ngoài tại Vùng Vịnh không phải là yếu tố tích cực đối với các nước trong khu vực.
Khoảng 50.000 binh sỹ Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Iraq cho đến khi rút quân hoàn toàn vào cuối năm 2011, với nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq chống lực lượng nổi dậy.
Sau 7 năm tiến quân vào Iraq, hơn 4.400 lính Mỹ đã tử nạn tại chiến trường này, trong khi có khoảng 100.000 thường dân Iraq thiệt mạng do bạo lực./.
Ảnh minh họa |
Ngày 31/8, Tổng thống Barack Obama thực hiện đúng lời hứa với cử tri Mỹ trong chiến dịch vận động tranh cử cũng như cam kết khi bước vào Nhà Trắng rằng, sẽ rút binh sĩ tham chiến khỏi chiến trường Iraq vào năm 2010. Hơn 7 năm phát động cuộc chiến tại Iraq, bài học mà người Mỹ rút ra vẫn thật cay đắng khi hàng tỷ USD đổ ra để kết quả thu được vẫn chỉ là số 0.
Cách đây 7 năm, khi những binh sỹ Mỹ đầu tiên đặt chân đến Iraq, họ không thể nghĩ rằng họ phải chờ đợi lâu đến thế mới được trở về nhà và Chính phủ Mỹ cũng không nghĩ rằng hàng tỷ USD đã bỏ ra để cuối cùng kết quả thu về “tay trắng”. Điều mà thế giới thấy đó là cuộc chiến của Mỹ ở Iraq đã để lại hậu quả nặng nề cho nước này và cả cho chính nước Mỹ. Cho đến lúc này, chưa có nền dân chủ thực sự nào được xây dựng lại Iraq.
Những bóng đen xung đột, bạo lực sắc tộc, tôn giáo và khủng bố đe dọa an ninh và công cuộc tái thiết quốc gia vùng vịnh giàu dầu lửa này. Và thực tế hiện nay đang chứng minh rằng, việc Mỹ rút quân chiến đấu khỏi Iraq không phải vì Iraq đã ổn định.
Cuối tuần qua, khi thời hạn quân chiến đấu Mỹ rút khỏi Iraq chỉ tính bằng giờ, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã đặt nước này trong tình trạng báo động khủng bố cao nhất, đồng thời cảnh báo các âm mưu gieo rắc sợ hãi và hỗn loạn khi quân đội Mỹ chính thức rút lực lượng chiến đấu ở Iraq vào cuối tháng này. Các phần tử nổi dậy ở Iraq đã tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng cảnh sát và binh lính nước này, biến tháng 8/2010 thành tháng đẫm máu nhất trong hai năm vừa qua, với trung bình năm người bị giết hại mỗi ngày. Và sau 24 giờ tới, khi người lính chiến đấu Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq, một lỗ hổng lớn về an ninh càng lộ rõ khiến dư luận không khỏi hoài nghi về nguy cơ bạo loạn, bất ổn.
Cam kết rút quân của Tổng thống Obama đang thành hiện thực. Cuộc lui binh chiến lược hoàn tất trong hôm nay của Nhà Trắng đánh dấu một bước mới chuyển trong chiếc lược của Mỹ trên toàn cầu. Đó là từ chiến lược can dự không xác định sang chiến lược can dự có giới hạn nhằm nhấn sâu thêm về cam kết rút quân của vị Tổng thống da màu khi chỉ còn 3 tháng nữa là tới cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ. Nhưng cho dù cam kết đã được thực hiện, nước Mỹ sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian để xoá bỏ hình ảnh của một kẻ xâm lược và bù đắp những tổn hại về kinh tế và tinh thần.
Trong 7 năm qua, "Cỗ máy chiến tranh" tại Iraq đã ngốn gần 750 tỷ USD ngân sách của nước Mỹ. Hiển nhiên, nó đã đẩy lui nền kinh tế, khiến Mỹ mất vị trí ngôi đầu, không còn hùng mạnh như trước. Hệ lụy nhãn tiền, mất mát này đã kéo cả châu Âu vào cuộc khủng hoảng tài chính với hiệu ứng lan xa làm rung chuyển cả thế giới tài chính trong năm 2009. Ngoài ra, nước Mỹ cũng hứng chịu mất mát không thể gì bù đắp nổi, gần 4.500 lính Mỹ bỏ xác nơi chiến trường và hơn 32.000 người mang thương tật suốt đời.
Nếu như 3 ngày trước đây, trong tuyên bố được coi là lời mào đầu cho bài diễn văn chính thức về việc rút quân, Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh “cuộc chiến ở Iraq đang đi đến hồi kết và người dân nước này có quyền tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình”. Nhưng liệu người dân Iraq sẽ tự quyết định ra sao nếu như đất nước này đã bị “sới” lên bằng sự thù địch và bom đạn của các cường quốc lớn.
Chỉ còn vài giờ nữa, Tổng thống Mỹ Obama sẽ đọc một bài diễn văn dài, sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình của Mỹ. Chắc chắn bài diễn văn này sẽ nói đến tầm quan trọng của thời điểm mà Mỹ chuyển đổi sứ mệnh tại Iraq cũng như chính sách của Mỹ với nước này. Nhưng dù có nói gì đi chăng nữa thì cũng khó có thể thay đổi được rằng, nước Mỹ đã “thất bại” tại Iraq - thất bại trong các kế hoạch trấn áp Al Qaeda, thất bại trong chiến lược xây dựng một nhà nước Iraq dân chủ và phát triển. Hơn thế, nước Mỹ vẫn còn tiếp tục phải gánh chịu những hội chứng chiến tranh Iraq mà hàng chục ngàn lính Mỹ đang mắc phải, trong một thời gian dài./.
Thu Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét