Theo dấu chân Người xưa (bài đăng trên TẠP CHÍ ĐỐI NGOẠI của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, số tháng 5 năm 2010)
Ở Paris đã lâu, nhưng năm nay, thấy không khi hừng hực kỷ niệm ngày Đại thắng 30/04 của nước nhà mà báo chí phương Tây đưa tin, tôi không khỏi cảm thấy bồi hồi nghĩ đến người Cha già dân tộc, đến những thăng trầm mà Người đã trải qua, tôi lặng lẽ cầm máy ảnh đi tìm lại những con đường mà trong cuộc đời tha hương của mình Người đã ghé qua Paris.
Thời kỳ đầu khi Người lưu lại Paris được tính chính thức từ mùa đông năm 1917 và ở đó đến cuối năm 1923. Tôi đã đi đến các địa danh nơi Người từng sống, những con phố dân dã, những căn hộ nhỏ, từ phố Marcadet đến ngôi nhà số 6 phố Gobelins thuộc quận V, rồi đến con phố nhỏ mang tên phố Du Marché des Patriarches cạnh đó. Tại đây, dưới căn hầm ngầm mà giờ đây đã trở thành một phòng thể thao dành cho trẻ em, là nơi Bác đã làm việc như một thợ rửa ảnh, rồi những trang đầu của tờ báo Le Paria, một tờ báo châm biếm đả kích chế độ thực dân Pháp cũng ra đời tại đây mà người chủ bút không ai khác là Nguyễn ái Quốc. Chuyện kể rằng Bác đã lấy tiền công rửa ảnh rất rẻ, nhưng có sao đâu, điều quan trọng là làm công việc này, Bác có nhiều thời gian để gặp gỡ giới chính trường. Tiếp đến tôi đến ngõ Compoint (Villa Compoint) nằm trên quận XVII. Sau một hồi vận lộn với cảnh tắc đường tại quảng trường Vichy, rồi đến Đại lộ Vichy, tôi rẽ vào con phố nhỏ Gui Moquet, bên tay trái tôi là Ngõ Compoint. Chỉ mới nhìn cái tên đó thôi, tôi đã cảm thấy bồi hồi, trong tôi dâng tràn cảm xúc. Trời hôm nay thật đẹp, xanh thẳm trong veo. Khu phố cụt ấy đầy cây trổ lá xanh mướt đầu xuân, những tia nắng chẻ nhỏ xuyên qua các đám lá. Vào đây, ta như lạc vào một thế giới khác, thật yên tĩnh. Xa những con lộ đông đúc ồn ào náo nhiệt !
Ngõ nhỏ Compoint hiên nay.
Thế rồi tôi đến chính ngôi nhà số 9bis.
Tác giả bài viết trước tấm bảng đồng ghi rõ khoảng thời gian Bác đã từng sống trong ngôi nhà này.
Mắt tôi đập ngay vào một tấm bảng đồng gắn trên tường ghi rõ : Nơi đây Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc vì Độc lập tự do của dân tộc Việt nam và các dân tộc thuộc địa khác dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc từ năm 1917 đến 1923. Mắt tôi ngấn lệ ! Đang loay hoay, quay mặt ra phố để giấu đi cơn xúc động mãnh liệt đang trào dâng trong mình, thì cửa nhà bật mở, một người đàn ông Pháp đứng tuổi bước ra, nhìn tôi với ánh mắt cởi mở. Cố nén cơn xúc động, tôi hỏi « Xin chào ! Ông sống ở đây lâu chưa ? » Chắc đã gặp cảnh người Việt đến trước ngõ nhà mình như vậy, ông mỉm cười, đáp : « Cũng đã hơn hai mươi năm ! » « Ông thông hiểu khu phố này chứ, và lịch sử ngôi nhà ông đang ở đây ? » « Có, tôi biết khá nhiều !... » Thế là tôi giới thiệu ngay mình là người Việt, đang lần theo dấu chân Người xưa để tìm hiểu thêm về một đoạn đời của Người đã từng sống ở đây. Ông mời tôi lên nhà ! Ông gọi vợ và giới thiệu tôi rất niềm nở : « Mình có khách này ! Bà đây muốn tìm hiểu về nơi Hồ Chí Minh đã từng sống ! » Sau một hồi nói chuyện thân mật, tôi được biết ông bà tên là Marie-Jo và Jean Sibuet. Bà thật hiếu khách. Mở cửa thông ra ban công để tôi có dịp quan sát khắp khu nhà. Bà kể rằng hầu như tất cả những ngôi nhà trong khu phố này đều đã bị đập phá đi để xây dựng lại từ cách đây mấy chục năm. Cả khu nhà cao tầng này trước đây là ba căn nhà nhỏ, một là cửa hàng bán than đốt cho tầng lớp dân nghèo, một nhà là quán cà phê bar với tên gọi Bougnat, nơi ta có thể gọi một món ăn dân dã mà chẳng tốn bao tiền. Và họ có vài phòng để cho sinh viên, hay người làm công ít tiền thuê, và Bác Hồ của chúng ta đã ở trong một phòng ngôi nhà ấy. Từ ban công nhìn xuống, vẫn còn một khu vườn nhỏ phía sau. Và một ngôi nhà nhỏ, thấp, lọt thỏm giữa khu nhà cao tầng, vẫn còn mang trọn kiến trúc từ thời trước, bà nói với tôi đó chính là ngôi nhà mà bậc thầy văn học Zola đã từng sống, và ông đã miêu tả nó rất chi tiết trong một tác phẩm của mình. Bà còn kể rằng khi ba ngôi nhà nhỏ bị đập đi để xây lại, nhà thầu khóan đã phải cam kết cho gắn tấm bảng đồng lên bức tường kia. Tấm bảng đồng có gắn tên Hồ Chí Minh. Rồi tấm bảng ấy đã bị đánh cắp, tấm biển hiện giờ được mang về từ thành phố Montreuil, một nơi mà Bác cũng đã để lại ở đó rất nhiều kỷ niệm ! Bà còn kể, ông bà đã đến Việt nam từ mười năm trước, cùng chồng và các con, tất thảy là bảy người, và rất xúc động khi viếng thăm lăng Bác tại Hà nội. Bà nói sẽ còn quay lại đó nữa.
Ông bà Marie Jo và Jean Sibuet.
Ngôi nhà được cho là bậc thầy của nền Văn học Pháp, Zola, đã từng sống.
Dời ngõ nhỏ Compoint, tôi ra công viên Monceau, cách đó không xa lắm, cũng nằm trên quận XVII. Đây là một khu vườn không rộng như Luxembourg nhưng cổ kính, với những hàng cây cổ thụ hai người ôm không xuể. Vườn đầy hoa rực rỡ dưới ánh nắng. Các bức tượng rêu phong thách đố mưa nắng, khách ra vào viếng thăm đông như trảy hội. Vô số các hàng ghế băng đều đã có người ngồi. Lặng lẽ, tôi ngắm nhìn những hàng cây cổ thụ, trong đầu hình dung Bác mỗi chiều sau giờ làm việc nhọc nhằn thường ra chốn này thư giãn : Bác đã đứng dưới cây nào đây ? đứng ngắm bức tượng của Victor Hugo, hay một ông thần nào đó trong truyền thuyết cổ Hy lạp để mơ về một ngày độc lập của nước mình, dân chúng thoát khỏi lầm than, xiềng xích..., chiếc ghế nào bác đã ngồi để nghiền ngẫm những tác phẩm của Zola, của France, của Dicken, Shakespeare, Hugo hay Romain Rolland, hay những bài báo về chính trường Pháp, về giai cấp vô sản thế giới... Và đây cùng là nơi mà nhân chuyến viếng thăm nước Pháp năm 1946, có những ngày lưu trú tại khu này, Bác đã được bà con kiều bào đón tiếp nồng nhiệt. Sáng sáng bác dậy từ buổi sớm tinh mơ, chạy tập thể dục trong vườn này, đến lúc về, dùng trà, cà phê xong rồi mà các anh em bà con mới thức dậy.
Công viên Monceau. Chiếc ghế nào Bác đã từng ngồi...!
Tôi lại dời khu công viên yêu kiều ấy để đến khách sạn Royal Monceau, nằm trên đại lộ Hoche, thuộc quân XIII. Cả khu nhà sang trọng đang vào thời kỳ sửa sang, giàn giáo bắc đầy ngổn ngang. Tôi bị những người cai quản công trường cấm vào, nhưng sau khi nghe tôi giải thích là chỉ muốn vào xem khu tiền sảnh thế nào thôi. Mặc dù những cây cọc xếp lộn xộn đây đó, nhưng tôi vẫn nhận ra cả một khu mênh mông. Chính nơi đây mà, vào ngày 25 tháng sáu năm 1946, Hồ Chí Minh, trưởng đoàn cán bộ cao cấp của nước Việt Nam non trẻ sang Pháp để đàm phán hòa bình đã có một cuộc họp báo chính thức, và hôm đó Bác đã tặng một bông hồng cho tất cả những người phụ nữ có mặt tại đó. Phóng viên tờ báo Le Monde của Pháp đã đưa tin : Bác là « một con người dễ mến và kín đáo, có phong thái như một mandarin hiền từ ». Ngày 13 tháng bảy cùng năm đó, cũng nhân một cuộc họp báo Bác Hồ đã tuyên bố : « Tôi đã luôn luôn sống lén lút. Và tôi đã chỉ ra khỏi bóng tối vào ngày 20 tháng tám năm 1945 « Thế ông đã bị vào tù chưa ? » « Ô, có chứ, khắp nơi, mỗi nơi một ít. - Có lâu không ? - Trong tù thì bao giờ cũng lâu... »
Phố nhỏ Du Marché des Partriarches
Dời khách sạn sang trọng, tôi cho xe chạy vòng quanh Khải Hoàn Môn rồi chạy xuống dọc đại lộ Champs Élysée. Cũng ngày 13 tháng bảy năm ấy, Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa đã đến đây đặt một vòng hoa bên tượng đài các liệt sĩ vô danh. Ngày hôm sau 14 tháng bảy, Bác đã có mặt trên khán đài chính thức tham dự cuộc diễu binh tuần hành mừng ngày quốc khánh Pháp. Tôi đến Montreuil, một thành phố xanh mát nằm cạnh Paris. Nơi đây, hình bóng đất nước Việt nam và Bác hiện lên rõ rệt, ta có thể thấy cả những khóm chuối, khóm trúc, vườn cây ổi, cây na... Có nhà bảo tàng lịch sử sống (Musée de l'histoire vivante), nơi luôn trưng bày những hình ảnh về lịch sử Việt nam trong thời bị thực dân đô hộ. Rồi tôi cũng đã đến thành phố Fontainebleau, một thành phố khá xa Paris, nơi dự kiến diễn ra cuộc Hội nghị đàm phán Hòa bình năm 1946 ấy. Thành phố tuyệt vời với lâu đài Hoàng gia cổ kính thâm nghiêm, nền kiến trúc với phong cách La mã và lấy khuôn mẫu từ thành phố Florence của Italia. Những bức tranh tường thật hoàn mỹ, những hình trạm, điêu khắc gần như có một không hai trên thế giới. Khu công viên rộng lớn có hồ nước trong xanh, yên tĩnh.
Ảnh chụp mặt tiền của lâu đài Hoàng gia Fontainebleau.
Năm 1919, Bác đã cùng chiến đấu với các nhà lãnh đạo Công đoàn đổi mới và theo lời khuyên của Paul Vaillant-Couturier, Người cho xuất bản trong tờ L'Humanité, các bài như « Kỷ niệm của một người viễn xứ » và vở kịch « Con rồng tre ». Người cũng hợp tác với tờ Populaire và trở thành người bạn thiết của Jean Longuet, cháu nội của Karl Marx. Tôi đến Versailles, nơi mà nhân danh người đại diện của « Nhóm đồng bào yêu nước Việt nam tại Pháp », Người đã tham gia một cuộc họp báo, giới thiệu cuốn sách gồm tám điểm, đòi nhà cầm quyền Pháp và những quốc gia tham dự khác phải công nhận những quyền cơ bản của dân tộc Việt nam.
Tôi đến viếng thăm thành Tours, nơi mà ngày 26 tháng 12 năm 1920 Bác đã tham gia Hội nghị quốc tế Cộng sản đảng. Tại đây, Bác đã tranh luận rất nhiều nhưng chủ yếu vẫn trên tinh thần đòi quyền cho các dân tộc bị áp bức, nhất là Đông dương thời đó. Cũng từ Hội nghị này, cùng với một nhóm cựu thành viên đảng Xã hội Pháp, trong đó có Duclos, Vaillant-Couturier, Marty... Người thành lập đảng Cộng sản Pháp. Như vậy Nguyễn ái Quốc là chiến sĩ đảng Cộng sản Việt nam đầu tiên.
Còn nhiều nơi khác, nơi mà Người đã từng sống, từng ghé qua, nhưng tôi chưa đến được, thầm dặn lòng sẽ cố gắng đến thăm như những thành phố miền tây nam nước Pháp, như Lourde, như Biarritz mà vào năm 1946 ấy, do các nhà cầm quyền Pháp đã có chủ ý không hợp tác với đoàn cán bộ cao cấp của Việt Nam, đã liền ra lệnh cho phi cơ đến đó chứ không phải đến thẳng Paris như dự định. Bác đã tận dụng dịp này để thăm viếng bà con Việt kiều nơi đây và đi thăm thú thành phố biển quay ra Đại tây dương hùng vĩ này và thành phố Lourde huyền thoại. Hay còn cả ngôi nhà của người bạn lớn của Bác là Raymond Aubrac, nằm ở vùng nông thôn ngoại ô không xa Paris, nơi Bác đã đề nghị được đến ở vào giữa tháng tám cho đến tận lúc trở về nước vào ngày 15 tháng chín năm 1946, để tránh xa khỏi những cảnh ồn ào rắc rối của chính trường và đô hội, chỉ vào Paris khi có công việc chính thức. Bác được miêu tả là thường dậy từ buổi bình minh, ngồi thỏa mái trên thềm đá, theo cách của người Việt nam và đọc báo chí xuất bản từ Paris, Người đọc rất nhiều, và ngồi đọc như vậy cả nhiều giờ liền không nghỉ. Hay cả một quán ăn Việt nam nằm gần tòa nhà Mutualité mà Bác thường viếng thăm và có một thời, người ta gọi đó là quán cụ Hồ.
Tôi cũng muốn thăm lại thành phố Toulon, nơi người đã đến để lên con tàu hộ tống Dumont d'Urville trở về nước vào tháng chín năm 1946, trong sự trầm tư vì đã rong ruổi khắp nơi trên đất Pháp trong gần ba tháng trời, đấu tình đấu lý hết lời với các nhà cầm quyền Pháp mà vẫn không đạt được thành công như ý nguyện.
Năm tháng qua đi, mọi thứ đã đổi thay, những nơi Bác ở, những con đường Bác qua giờ đã thay hình đổi dạng, nhưng khi đến đó, tôi cảm thấy hình như Người vẫn hiện diện đâu đây, quanh tôi, dõi ánh mắt đôi khi vui vẻ, nhiều lúc đăm chiêu lên sự phát triển của một đất nước, một dân tộc mà Người đã dành trọn cả đời mình để phục vụ.
Hiệu Constant
Paris 06/05/2010
(Tài liệu tham khảo Hồ Chí Minh - Jean Lacouture, NXB Seuil năm 1974
Tạp chí Planète Action : số 15, tháng ba năm 1970)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét