Hình ảnh tướng Giáp xuất hiện lần đầu trên sách báo phương Tây có lẽ là tấm ảnh chụp chung với tướng Leclerc, khi hai vị lãnh đạo quân đội cùng đi duyệt binh tại Hà Nội ngày 22 tháng 3-1946, trước những đơn vị Pháp vừa mới trở lại, và Việt Nam vừa mới thành lập.
Võ Nguyên Giáp thời ấy chưa có quân hàm, mặc thường phục, đội mũ phớt cố hữu, và Leclerc chào quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lá cờ cũng mới được chính thức công bố trước đó.Jean Sainteny, Đặc ủy Cộng Hòa Pháp tại Bắc Bộ, có mặt hàng đầu bức hình, kể lại: "Cuộc duyệt binh có sự tham dự" của tiểu đoàn Việt Nam đầu tiên, gồm hầu hết là cựu binh sĩ khố đỏ, hàng ngũ chỉnh tề. Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng quốc phòng, đi cạnh Leclerc (…) ; quốc thiều Việt Pháp đã trổi lên và quan khách đứng nghiêm trước đài tử sĩ Việt Pháp. Giáp nghiêm nghị và tươi cười, mũ phớt chụp xuống tận tai, chào với nắm tay ».
Cuốn Lịch sử một hòa đàm dang dở của tác giả Jean Sainteny, xuất bản năm 1953, tóm tắt một bi kịch lịch sử kéo dài 30 năm. Cuối sách có phụ lục tiểu sử tướng Giáp (đến năm 1948) « người nhỏ thó nhưng rắn rỏi, Võ Nguyên Giáp kết hợp óc thông minh xuất chúng với ý chí sắt đá và cá tính can trường ».
Sainteny là chính khách uy tín, đã trở lại Hà Nội làm Tổng đại diện cho Pháp, 1954-1958, và sau đó tới năm 1966 là Đặc phái viên của Tổng thống De Gaulle tại Miền Bắc.
Trong hình, bên cạnh Sainteny là tướng Salan, thời ấy là thiếu tướng Tư lệnh quân lực Pháp tại Bắc Bộ, có nói thêm: "tiểu đoàn Việt minh có lúc ngừng bước, dập nhịp để hát vang một đoạn ca giải phóng, rất gây ấn tượng", như theo cuốn Mémoire (Hồi ức) của tướng Raoul Salan, xuất bản năm 1971.
Tướng Salan lăn lộn trên chiến trường Đông Dương từ 1924, cấp bậc trung úy; trong Hồi Ức I (viết đến thời kỳ năm 1946), ông nói nhiều đến những cố gắng thương thảo giữa hai bên Việt Pháp vào năm 1946 với nhiều cảm tình và kỷ niệm tốt đẹp với tướng Giáp.
Một ví dụ là chuyện đang hội họp căng thẳng thì cận vệ vào báo tin vợ ông sinh con gái; tướng Giáp chúc mừng và mấy hôm sau gửi tặng vợ ông một bức bình phong sơn mài rất đẹp tả cảnh nông thôn miền Bắc. Chuyện nhỏ thôi, nhưng ngày nay đọc lại vẫn cảm động.
Hồi Ức II (1946-1954) kể lại chi li cuộc chiến tranh Việt Pháp, khách đối tác trở thành địch thủ, khi thắng khi thua, nhưng lời lẽ lúc nào cũng tao nhã. Khi Salan qua đời, 1985, tướng Giáp có gửi người viếng tang và phân ưu.
Khách mã thượng một thời
Gần đây hơn, tướng Marcel Bigeard đã tham dự mặt trận Điện Biên Phủ ở cấp tá, trong hổi ký Một mảnh vinh quang, viết 1973, nhắc lại trận Trung Lào đầu 1954, một tướng lãnh Pháp đã reo mừng: "cho Việt Minh đo ván".
"Giáp từ ấy đã tồn tại hai mươi lăm năm, đã thua điểm đôi khi, thậm chí đo ván, nhưng ông luôn luôn rút ra bài học, giành lại ưu thế để đến chung cuộc trở thành một tướng lãnh không ai bì kịp, sau khi đã canh tân, đã chỉ huy trong một phần tư thế kỷ cuộc chiến với người Pháp, người Mỹ. Xin ngả mũ chào ông, ông Giáp", theo tác giả Marcel Bigeard trong cuốn Pour une parcelle de gloire, xuất bản tại Paris năm 1975.
Giáp, từ lâu người Pháp vẫn có thói quen gọi tên ông như vậy, lý do chính là dễ phát âm, dễ nhớ, dễ viết, hơn nữa, họ dùng tên này khi vị đại tướng chưa có quân hàm, như trong sách Sainteny, Salan. Cũng có người gọi xách mé, về sau, khi quân Việt Nam, đêm 19-12-1946, tổng công kích vào người Pháp.
Dần dần tên Giáp thành cách gọi thông dụng của sách báo phương Tây, kể cả dưới ngòi bút những tướng lãnh, hay sử gia kinh viện. Có khi tên Giáp đồng nghĩa với Việt Minh; thậm chí với Việt Nam.
Đặng Tiến
Sử gia người Pháp, Georges Boudarel, có nhiều kiến thức về Việt Nam, đã từng tham dự chiến cuộc Việt Pháp về phía Việt Minh, có một tác phẩm, tựa đề vỏn vẹn một chữ: Giáp, chiếm trọn bìa sách, trên nền hình vị tướng, xuất bản năm 1977 tại Paris.
Người đánh giá tướng Giáp dè dặt nhất có lẽ là Bernard Fall, sử gia Pháp lai Mỹ, giáo sư Đại Học Howard, tử thương năm 1967 tại mặt trận Quảng Trị, chuyên gia hàng đầu về chiến tranh Việt Nam từ 1953 với cuốn « Đại lộ buồn thiu » (1961) và nhiều tác phẩm khác.
Theo Bernard Fall, tướng Giáp không phải là người sáng tạo ra thuyết chiến tranh nhân dân như nhiều người thường nói; tác giả của nó là Trường Chinh, với cuốn sách mỏng Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947), lấy lại ý của Mao Trạch Đông từ Trường kỳ kháng chiến, với ba giai đoạn đưa đến tổng tấn công.
Sách của tướng Võ Nguyên Giáp (1951 và 1952), chỉ phát triển những tư tưởng sẵn có. Theo Fall: "sự đóng góp sáng giá nhất của Giáp trong chiến tranh cách mạng có lẽ là đã nhận định được thế yếu của những chế độ dân chủ khi phải đương đầu với một chiến cuộc vô hạn định. Trong chế độ dân chủ, dân chúng sẽ đòi hỏi chính quyền phải chấm dứt 'cuộc đổ máu vô ích', quốc hội sẽ chất vấn (…) Điều này đúng với 1967 cũng như đã đúng với 1951" (trích dẫn từ Les deux Vietnam, Bernard Fall, xuất bản năm 1967 tại Paris.
"Giáp đã phạm sai lầm lớn lao khi ngỡ là người Pháp đã chín muồi cho giai đoạn thứ ba (tổng tấn công) từ mùa xuân 1951), và đã tổn phí một phần lớn của ba sư đoàn mới thành lập", chống lại quân chính quy của tướng De Lattre, trong hai chiến dịch Hoàng hoa Thám, vẫn theo Bernard Fall.
Những dè dặt của Bernard Fall nhắc nhở chúng ta chừng mực trong việc xưng tụng tài ba của vị "tướng quân huyền thoại" được tác giả người Anh, Ducan Towon, xếp vào số 21 danh tướng thế giới qua 25 thế kỷ. Bách khoa Toàn thư Anh, 1985, tập 10, ghi tên hai danh tướng Việt Nam: Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp.
Người Việt Nam kính trọng Đại Tướng, không những vì tài thao lược và những chiến công mà còn vì nhiều lý do khác, tâm cảm hướng về một lãnh tụ bình dị, ngay thẳng, tiến bộ, luôn luôn tận tụy với đất nước, suốt cuộc đời sẽ còn dài hơn thế kỷ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét