Trong khi chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của tổng thống Obama ít thu hút và ít gây quan ngại cho giới chức chính trị, quân sự và các chuyên gia phân tích Bắc Kinh, thì ngược lại, mọi động thái của Mỹ liên quan đến Việt Nam và Bắc Triều Tiên, thậm chí cả những chuyến thăm của những quan chức cấp thấp của Mỹ tới Việt Nam cũng được phía Trung Quốc mổ xẻ tận ngọn nguồn.
Liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông, tờ nhật báo Sri Lanka Guardian hôm nay có bài phân tích về : « Mối quan ngại của Trung Quốc về Bắc Triều Tiên và Việt Nam ».
Mỹ muốn gì trong quan hệ với Bắc Triều Tiên ? Đây là câu hỏi đau đầu nhất của Bắc Kinh. Trong khi chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của tổng thống Obama ít thu hút và ít gây quan ngại cho giới chức chính trị, quân sự và các chuyên gia phân tích Bắc Kinh, thì ngược lại, mọi động thái của Mỹ liên quan đến Việt Nam và Bắc Triều Tiên, thậm chí cả những chuyến thăm của những quan chức cấp thấp của Mỹ tới Việt Nam cũng được phía Trung Quốc mổ xẻ tận ngọn nguồn.
Một loạt câu hỏi được đặt ra : Phải chăng Hoa Kỳ muốn dùng Việt Nam và Bắc Triều Tiên để chống lại đà vươn lên của Trung Quốc nhằm trở thành một cường quốc quân sự ở Thái Bình Dương, và cũng để làm suy yếu Trung Quốc về chính trị, cũng giống như trước kia Mỹ đã từng sử dụng Trung Quốc để chống Liên Xô? Có phải Hoa Kỳ và Hàn Quốc phối hợp hành động để lật đổ chính quyền hiện tại của Bình Nhưỡng, và thiết lập một bộ máy lãnh đạo mới có lợi cho Mỹ ? Liệu Trung Quốc có thể tin tưởng rằng chính quyền mới của con trai Kim Jong Il cũng sẽ trung thành với Bắc Kinh ? Giới lãnh đạo quân sự Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng ra sao nếu chính phủ mới của Bắc Triều Tiên muốn làm thân với Mỹ ?
Mối lo lắng của Bắc Kinh về « thời hậu Kim Jong il » được thể hiện qua việc ông Kim vừa mới đến Bắc Kinh cách đây không lâu , lại trở lại thăm Trung Quốc từ hôm 25/8. Lần này, Kim Jong-Il đi cùng con trai ông là Kim Jong Un, người được cho là sẽ kế thừa chức vụ lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Tờ báo đặt câu hỏi : Có phải chuyến thăm này nhằm trấn an Bắc Kinh là hãy yên tâm về người kế nhiệm Kim Jong Il ?
Một quan ngại khác của Bắc Kinh là việc Hoa Kỳ và Hà Nội ngày càng tỏ ra thân thiết. Một loạt câu hỏi lại được tờ báo đặt ra : Trung Quốc phải phản ứng sao đây, tiếp tục gây sức ép hay hòa dịu với Hà Nội ? Phải phản ứng thế nào trước việc Mỹ công khai hóa quan điểm về lợi ích của Hoa Kỳ ở Biển Đông ? Có phải Mỹ, Việt Nam và Phlippine đã cùng nhau thỏa thuận ngầm để chống lại ý đồ của Trung Quốc trong khu vực ?
Tờ báo so sánh những phản ứng khác nhau của Trung Quốc dành cho Phlippines và Pakistan. Trong vụ cảnh sát Philippines tấn công tội phạm trên xe buýt làm chết 8 du khách Trung Quốc vừa rồi, Bắc Kinh đã chỉ trích nặng nề Manila. Ngược lại, trong vụ người Trung Quốc bị Taliban tấn công hồi năm 2007, rồi đến việc những kỹ sư Trung Quốc bị quân khủng bố bắt cóc ở Pakistan, Trung Quốc tỏ ra thông cảm với những khó khăn của lực lượng an ninh Pakistan và không hề có một chỉ trích công khai nào. Thêm nữa là Trung Quốc không hề cảnh báo dân mình là không nên đến Pakistan, nhưng lại khuyên họ đừng đi du lịch ở Philippines. Như vậy, có phải vì chính sách Biển Đông của Philippines và sự ủng hộ của Manila với những tuyên bố của Mỹ, mà Trung Quốc đã có hành động mạnh bạo như vậy với Philippines hay không ?
Tờ báo kết luận : Những vấn đề này còn phải được tiếp tục nghiên cứu trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng tới.
Kim Jong-il và con trai sang Trung Quốc để tìm hậu thuẫn chính trị
Trong bối cảnh quan hệ hai miền Triều Tiên đang căng thẳng, Hoa Kỳ công khai ủng hộ Hàn Quốc bằng những cuộc tập trận chung rầm rộ hồi tháng rồi. Bắc Triều Tiên thì dựa vào nước đồng minh được cho là thân thiết nhất là Trung Quốc. Cách đây 4 tháng, chủ tịch Kim Jong-il đã đi thăm Trung Quốc. Thế mà vừa rồi, lại có tin rằng ông Kim lại đến Bắc Kinh. Sự kiện chưa được các hãng truyền thông của Trung Quốc xác nhận. Hôm nay, nhật báo Le Figaro có bài viết với tựa đề : « Chuyến thăm bí ẩn Trung Quốc của Kim Jong-il và con trai ».
Tờ báo cho hay : Tờ mờ sáng thứ năm, người dân tỉnh Cát Lâm vùng đông bắc Trung Quốc thấy Kim Jong Il xuất hiện ở một trường học mà cha ông là Kim Nhật Thành đã từng học ở đó cách đây 80 năm. Rồi sau đó đoàn xe tiếp tục lên đường. Như vậy một lần nữa, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên lại hành động bí ẩn và gây bất ngờ cho giới quan sát. Ở Seoul, phủ tổng thống là nơi đầu tiên tiết lộ vụ việc do cơ quan mật vụ của Hàn Quốc đã phát hiện những dấu hiệu khả nghi trong mấy ngày qua. Thế nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn có phản ứng như thường lệ : hành động lặng lẽ và từ chối xác nhận thông tin về việc đến Trung Quốc của người láng giềng này.
Chuyến thăm bất chợt này đã gây nhiều ngạc nhiên, bởi vì chỉ cách đây 4 tháng ông Kim đã đến thăm Trung Quốc. Le Figaro nhận định : « Sự vội vã này có thể cho thấy ông Kim đã có sự thay đổi quan trọng nào đó trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại". Giả thuyết thứ nhất mà Le Figaro đưa ra là : thúc đẩy tiến trình « thừa kế ngai vàng » vốn đã được Bình Nhưỡng âm thầm chuẩn bị từ năm rồi. Theo báo chí Hàn Quốc, có thể con trai thứ của Kim Jong Il là Kim Jong Un cũng tháp tùng Kim Jong Il trong chuyến thăm này. Bình Nhưỡng trước đó đã thông báo triệu tập một cuộc họp đặc biệt Đảng Lao Động Triều Tiên vào đầu tháng 9 để « bầu lãnh đạo mới ».
Một chuyên gia quan hệ quôc quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng : có thể trong cuộc họp này, «vị thái tử » sẽ lần đầu tiên bước ra khỏi hậu đài để chính thức trở thành nhân vật số 2 trong Đảng. Ông Kim Jong Il năm nay 68 tuổi. Ông bị tai biến năm 2008. Có thể vì lo ngại cho tình hình sức khỏe của mình, nên lần này ông Kim dẫn « thái tử » đến giới thiệu với nhà cầm quyền Bắc Kinh để tìm sự hậu thuẫn cho « triều đại » của mình.của từ phía « người anh em Trung Quốc ». Giả thuyết thứ hai mà Le Figaro đưa ra liên quan đến việc Bắc Triều Tiên hiện tại đang rất cần sự hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh.
Lũ lụt có thể gây ra nạn đói ở Bắc Triều Tiên
Cũng liên quan đến quan hệ Trung Quốc- Bắc Triều Tiên, nhật báo La Croix có bài: « Lũ lụt có thể sẽ gây ra thảm họa lương thực ở Bắc Triều Tiên ».
Đầu tiên, bài báo nhắc lại trận lụt xảy ra ở sông Áp Lục, thành phố Đan Đông, thuộc ranh giới phía bắc của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên. Theo chính quyền thành phố Đan Đông, thiệt hại mà phía Bắc Triều Tiên gánh chịu là nặng nề hơn phía Trung Quốc. Chủ tịch Kim Jong Il đã phải điều động quân đội để cứu hộ cho thành phố Tân Nghĩa Châu, một đặc khu kinh tế của Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, việc mưa bão hoành hành suốt mùa hè đã tàn phá đường sá, mùa màng và làm chết nhiều người. Giáo sư xã hội học Hàn Quốc, ông Cheoleon Lee nhận định : « Kinh tế Bắc Triều Tiên chưa bao giờ thảm hại đến thế. Lũ lụt mùa hè rồi sẽ có thể gây ra một thảm họa lương thực cho 20 triệu người dân trong mùa đông này ».
Trong bối cảnh đó, La Croix cũng cho rằng chuyến thăm bất chợt của ông Kim Jong Il một mục đích kép : tìm kiếm sự hỗ trợ về chính trị cũng như về kinh tế. Giáo sư Lee cho rằng : « Trung Quốc là chỗ dựa cuối cùng của Bình Nhưõng. Ông Kim Jong Il không còn lựa chọn nào khác là phải củng cố quan hệ với Trung Quốc. Ông Kim cũng buộc phải lo chuẩn bị cho người thừa kế, vì hiện tại sức khỏe ông không được tốt ».
Lướt web quá nhiều dễ gây trầm cảm
Libération cho biết các trẻ vị thành niên ngày càng mất nhiều thời gian cho việc lướt mạng. Thế nhưng, hãy cẩn thận : nếu tha thẩn quá mức trên Internet thì sức khỏe tinh thần sẽ bị ảnh hưởng.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Archives of Pediatric And Adolescant Medecine của Mỹ, những thiếu niên lướt web mỗi ngày từ 5 tiếng đồng hồ trở lên sẽ có nguy cơ bị trầm cảm gấp 2,5 lần so với các bạn cùng trang lứa sử dụng internet một cách vừa phải. Nghiên cứu khẳng định : « Những thiếu niên với sức khỏe cơ bản bình thường, nhưng nếu sử dụng Internet quá nhiều sẽ có nguy cơ bi trầm cảm do bị lệ thuộc quá mức vào Internet».
Nghiên cứu cũng cho biết rằng không chỉ có nam giới mới quá lệ thuộc vào Internet như người ta vẫn thường nghĩ, mà tỷ lệ lướt mạng quá mức ở giới nữ cũng không hề kém.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét