Từ giải thưởng Fields ngẫm về nền khoa học trong nước

Thứ Sáu, 03/09/2010 - 06:43

(Dân trí) - “Khi ngành khoa học cơ bản “bơi” theo cơ chế thị trường thì việc nhân tài tìm mọi cách để ra nước ngoài học tập và nghiên cứu là điều dễ hiểu. Nếu chúng ta không có cơ chế thích hợp thì nền khoa học trong nước sẽ xuống cấp một cách nghiêm trọng”.
Đây là nhận định của GS.TS Nguyễn Hữu Dư - phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội và là phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam.
Người Việt Nam đang rất đỗi tự hào về sự kiện GS Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Fields, song trong cái hơi men “ngất ngây” đó chẳng hẳn ít người đặt ra câu hỏi: Liệu nền khoa học cơ bản trong nước hiện nay ra sao? Sự thành công của GS Ngô Bảo Châu có phải xuất phát từ nền giáo dục trong nước?...
Trả lời báo chí về câu hỏi: Việc anh đoạt giải là thành tựu của nền giáo dục Pháp và Mỹ chứ không phải là nền giáo dục Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn nhìn nhận: “Nên nói chính xác hơn, thành công của cá nhân tôi phụ thuộc nhiều vào môi trường nghiên cứu khoa học của Pháp và Mỹ. Nhiều tố chất toán học ở tôi đã được hình thành từ thời gian học phổ thông ở Việt Nam, vì vậy phủ nhận nền giáo dục Việt Nam ở đây là rất không công bằng”.
Có thể câu trả lời của GS Ngô Bảo Châu khiến nhiều người “hoài nghi” về nền giáo dục trong nước. Tuy nhiên nhìn nhận một cách thực tế thì nhiều năm trở lại đây những người đam mê với môn khoa học nghiên cứu đều tìm cách ra đi, để rồi chỉ khi họ tiếp cận với nền giáo dục hiện đại mới có thể thành danh được.
Trước thực trạng này nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nhìn nhận: “Trong niềm tự hào về Ngô Bảo Châu, bỗng nhiên tôi ngậm ngùi thấy nhiều em chỉ có thể thành danh ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển. Đương nhiên chúng ta không thể chạy đua với họ, nhất là về điều kiện vật chất song có nhiều chuyện ta có thể làm được ai cũng biết song không biết vì sao mãi không có sự thay đổi”.
Trước những trăn trở đó, chúng tôi - những phóng viên viết về giáo dục đã có một cuộc hành trình tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Vì sao nhân tài trong nước cứ lần lượt ra đi? Ngành khoa học cơ bản Việt Nam hiện nay đang ở mức độ như thế nào?...
Bài 1: Nguyên nhân của việc nhân tài ra đi
Như chúng ta đã biết, bắt đầu từ những năm 1960, Nghị quyết đại hội Đảng đều nói một câu rất là mạnh: “Khoa học kỹ thuật là then chốt”. Tuy nhiên trong cả quá trình dài thực hiện chúng ta vẫn chưa thể hiện được tất cả điều đó ra.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dư thì mặc dù là vậy nhưng trong thời kỳ bao cấp với sự giúp đỡ của khối Đông Âu cộng với sự chỉ đạo của các bậc thiên tài lãnh tụ như bác Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm… đã nhìn xa trông rộng nên đã tạo cho Việt Nam một nền khoa học cơ bản (KHCB) tương đối tốt. Mặc dù vào thời điểm đó so với các nước tiên tiến trên thế giới thì chúng ta chẳng thấm vào đầu nhưng ở góc độ khu vực thì đó là một thành quả được khẳng định.
Tuy nhiên khi thời kỳ bao cấp qua đi, cơ chế thị trường du nhập vào đất nước quá nhanh trong khi đó nhận thức chuyển biến của chúng ta chưa kịp. Đáng lẽ phải duy trì một nền khoa học cơ bản bằng những đầu tư và chính sách đặc biệt thì chúng ta gần như đã lãng quên và để KHCB cũng phải "bơi" với thị trường như tất cả với các ngành khác. Lợi thế của KHCB không phải là bơi trong một thị trường như vậy. Chính vì thế nó đã làm mai một một cách nhanh chóng.
Những đội ngũ KHCB được đào tạo từ thời hệ thống Đông Âu cũ thì ngày càng già và về hưu. Trong đó đội ngũ kế cận thì lại chưa đáp ứng được. Cũng may mắn trong thời gian đó chúng ta đã gửi được một số sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài và hiện tại họ đã quay trở lại song lực lượng thì không đông đảo như ngày xưa.
Nhiều nhà khoa học đều cho rằng, chúng ta đều nhận thức được là bất cứ một nền kinh tế xã hội nào thì KHCB đóng vai trò như một xương sống. Đấy là một đầu tư rất lâu mới ra được thành quả nhưng nó sẽ là một chỗ dựa vững chắc để phát triển bền vững nền kinh tế xã hội. Chính vì thế việc sao nhãng phát triển nền KHCB là một điều rất đáng tiếc. Những sự sao nhãng ấy chắc chắn còn để lại một quán tính về sự ảnh hưởng của nó và sẽ cần một thời gian dài mới có thể khôi phục lại được.
Có một thực tế là những năm gần đây, những học sinh giỏi, thậm chí là cả những em đạt huy chương vàng quốc tế về các môn học như Toán, Lý, Hóa… đều cũng không theo đuổi các ngành học KHCB. Điển hình là cách đây khoảng 2 năm có những em đạt huy chương vàng về Toán sau đó các em theo học các trường khối kinh tế… Đây là một điều đáng tiếc cho nền KHCB Việt Nam bởi cơ hội để những em này trở thành các chuyên gia đầu ngành rất là lớn.
Thiếu sự đầu tư cần thiết
KHCB tương đối khác với các ngành khoa học khác. Nó cần có những cái đầu ngành và những cái đầu ngành này sẽ như một cỗ máy động lực để kéo nền KHCB lên chứ chúng ta không thể lấy đám đông để thay thế.
Ví dụ, một ngành muốn phát triển mũi nhọn trước hết phải có một chuyên gia cực giỏi. Chuyên gia này phải được đào tạo một cách hết sức bài bản. Để đào tạo được một chuyên gia như vậy hết sức là tốn kém nhưng sau khi đào tạo được rồi thì việc sử dụng họ cũng tốn kém không kém.
Như chúng ta đã biết, khi một nhà khoa học ở Hàn Quốc nghiên cứu về nhân bản vô tính thì Chính phủ nước này đã có một chính sách đó là chữ kỹ của nhà nghiên cứu này có thể chi tiền mà không cần hỏi lý do gì. Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta thì chưa có cơ chế như vậy. Một thực tế là những người đam mê với ngành KHCB muốn phát triển thì họ phải tìm cách ra đi. Đây là một điều hết sức bất lợi cho chúng ta. Trong khi đó, số còn lại ở trong nước thì không thể làm việc đúng đắn.
Trước thực trạng này, GS.TS Nguyễn Hữu Dư tâm sự: “Sinh viên ở các khoa cơ bản trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia HN đều phàn nàn rằng, khi ra trường họ còn nghèo hơn là lúc đang đi học”.
Nếu chúng ta tìm chịu khó tìm hiểu một chút thì chắc hẳn sẽ thấm thía lời của GS.TS Dư hơn. Khi đang đi học thì rõ ràng các em được gia đình chu cấp mà không cần phải suy nghĩ gì nhiều mà chỉ chú tâm vào việc học. Nhưng khi ra trường để kiếm được mức lương như hồi đi học được chu cấp thì họ phải làm đủ thứ. Với sự lăn lộn như vậy thì làm sao họ có thể chú tâm vào nghiên cứu khoa học được?
Đang buồn hơn là có những người buộc phải làm những công việc không phục vụ cho nghề nghiệp như đi dạy, gia sư... Đặc biệt là đối với những người tham gia vào công tác giảng dạy tại chức thì làm sao phát huy được khả năng nghiên cứu khoa học.
“Nếu không đi nước ngoài được thì những người này cần có một gia đình cực kì tốt để đảm bảo cho họ về cuộc sống. Nếu thiếu yếu tố này thì chắc chắn họ khó có thể chú tâm để nghiên cứu khoa học”, GS.TS Dư nhấn mạnh.
Những năm gần đây, trước thực trạng nền KHCB trong nước đang có dấu hiệu xuống cấp, Chính phủ đã có những sự đầu tư rất “mạnh tay” để đầu tư trang thiết bị nghiên cứu cho các trường ĐH trọng điểm. Tuy nhiên với một nền kinh tế còn nghèo nên những sự đầu tư này chẳng “thấm” vào đâu.
Vậy có giải pháp nào tối ưu để tháo gỡ hiện trạng nền KHCB trong nước? Chúng tôi sẽ tiếp tục mổ xẻ về vấn đề này trong bài kế tiếp "Giải pháp nào để cứu vãn nền KHCB?”.
Nguyễn Hùng

Thứ Tư, 01/09/2010 - 18:30
(Dân trí) - Chiều 1/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp gỡ thân mật chúc mừng GS. Ngô Bảo Châu. Cùng dự buổi gặp mặt có lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Khoa học - Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội...

 >> GS Ngô Bảo Châu là “Công dân Thủ đô ưu tú” thứ 11
 >> GS Ngô Bảo Châu hạnh phúc khi trở về Việt Nam
Chủ tịch nước cùng với gia đình GS Ngô Bảo Châu
Chủ tịch nước đã bày tỏ niềm xúc động và nhiệt liệt chúc mừng sự kiện GS. Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields. Chủ tịch nước cho biết, thành quả của Ngô Bảo Châu là sự chịu khó, khổ luyện của bản thân, sự giúp đỡ, chăm sóc của gia đình, sự dìu dắt của thầy cô.
Chúng ta tự hào về nền giáo dục của đất nước mình, tuy còn những yếu kém, nhưng trong kỳ thi quốc tế, nhiều em đoạt giải về toán, vật, lý, hoá học. Việt Nam mới đi lên từ trong chiến tranh nhưng chúng ta từng bước vươn lên vị trí cao, chứng tỏ trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam có thể vươn tới đỉnh cao của trí tuệ thế giới - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch nước, phía trước chúng ta còn nhiều điều phải làm tiếp, đưa đất nước mình phát triển. GS. Châu đoạt giải thưởng Fields sẽ tiếp sức cho chúng ta tạo môi trường, cơ chế chính sách thoả đáng để thu hút nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu ở nước ngoài về nước làm việc.
Tại buổi gặp thân mật, Chủ tịch nước đã trực tiếp giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Khoa học - Công nghệ nghiên cứu, đề xuất để Viện nghiên cứu cao cấp về toán sớm đi vào hoạt động.
Trước tình cảm và sự động viên khích lệ của Chủ tịch nước, GS. Ngô Bảo Châu đã rất cảm kích và xúc động cho biết, sẽ nỗ lực cùng với cộng đồng toán học Việt Nam đóng góp sức mình giúp nền toán học nói chung và đất nước ngày càng tiến lên.
GS. Ngô Bảo Châu còn cho biết, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đến năm 2020 là một quyết định đúng đắn và dũng cảm, sẽ là một sự hỗ trợ lớn cho phát triển toán học.
Khi thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán thì Viện này không đóng vai trò đơn thuần nghiên cứu về Toán, ở tầm cao hơn sẽ giúp cho Toán học phát triển đúng hướng, xứng tầm với quốc gia Việt Nam.
GS. Ngô Bảo Châu mong muốn đất nước tạo một cơ chế mới cởi mở hơn, tạo một không khí khoa học, một môi trường làm việc đầy sức sống, đồng thời có những chính sách thoả đáng cho các nhà khoa học như một phần thưởng để họ làm việc, cống hiến nhiều hơn...
GS. Ngô Bảo Châu
Trước đó, khi nói về việc nhận được giải thưởng Fields, GS. Ngô Bảo Châu đã tâm sự trên Blog của mình: “Nỗi lo lớn đã trở thành niềm vui lớn. Nó là sự tự hào đã được nhân lên trong trái tim của triệu con người. Tôi chỉ mong ước một cách chân thành là nó sẽ ở lại trong trái tim bạn như một niềm tin nho nhỏ, được giữ gìn cẩn thận. Không phải ai cũng có khả năng để đoạt giải Nobel hay Fields, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa.
Tôi cũng muốn tin rằng giải thưởng Fields sẽ đánh dấu một bước ngoặt, sẽ đem đến một luồng gió mới cho khoa học và giáo dục đại học ở nước ta. Cá nhân tôi quá bé nhỏ so với một dự kiến lớn như vậy. Nhưng bên cạnh bao nhiêu yếu kém, trì trệ, bảo thủ, tôi còn thấy những người lớn tận tụy vì khoa học, những bạn trẻ tràn trề niềm say mê khoa học. Hy vọng chúng ta sẽ đi cùng một con đường”.
Chia sẻ với báo chí về việc thành lập Quỹ Khuyến học, GS. Ngô Bảo Châu cho biết: Tôi đang bàn bạc với nhiều người bạn cũng như một số doanh nghiệp để thành lập Quỹ khuyến học hay Quỹ học bổng. Tôi sẽ dành trọn số tiền thưởng của giải Fields cho Quỹ. Đây không phải là một món tiền lớn nhưng có ý nghĩa, hy vọng nó sẽ làm chất xúc tác để nhiều tổ chức và cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ.
Đặc biệt, GS. Châu cho hay, tôi có thêm quốc tịch Pháp từ đầu năm 2010, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Quốc tịch Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Mặt khác, tôi có nghĩ trong trường hợp có cái huy chương, bên cạnh toán học Việt Nam, toán học Pháp sẽ vì thế mà được vinh danh một cách xứng đáng.
Hồng Hạnh

Thứ Tư, 01/09/2010 - 18:22
(Dân trí) - Sáng nay 1/9, tại Viện Toán học Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu có cuộc gặp nhỏ với báo chí. Tại đây, GS Châu đã chia sẻ dự kiến xây dựng Viện Nghiên cứu toán học cao cấp trong chương trình Toán học trọng điểm quốc gia mà Chính phủ vừa phê duyệt.
 >>  GS Hoàng Tụy: Viện Toán là viện khoa học thành công nhất ở Việt Nam
 >>  GS. Ngô Bảo Châu - bước ngoặt của nền Toán học Việt Nam
 >>  651 tỷ đồng đầu tư cho chương trình trọng điểm phát triển Toán học
 >>  Vận mệnh ngành toán Việt sắp thay đổi?
GS Ngô Bảo Châu.
Về xây dựng Viện Toán học cao cấp, GS Ngô Bảo Châu cho biết: Một trong những tư tưởng then chốt của Viện là sự kết hợp của các nhà khoa học có những khả năng, có điểm nổi trội khác nhau, của các nhà khoa học làm việc tại Việt Nam và các nhà khoa học trẻ làm việc tại nước ngoài. Chúng tôi hi vọng do cơ sở tiền đề rất tốt đó thì Viện sẽ sớm được thành lập.
Khi Viện Toán học cao cấp thành lập thì sẽ có sự khác biệt thế nào với Viện Toán học hiện nay? Và trong tương lai có nên sáp nhập 2 viện này với nhau hay không, thưa GS?
Viện Toán học là 1 bộ phận của Viện Khoa học Việt Nam, làm việc dựa trên các đề tài khoa học do nhà nước chỉ định. Viện có cơ cấu và biên chế cố định.
Còn Viện nghiên cứu toán học cao cấp theo tôi nghĩ có vai trò rất khác. Vai trò của nó là hướng tới chấn hưng việc giảng dạy toán học trong cả nước. Ví dụ như mô hình viện Princeton đã ra đời từ năm 1930, sau khoảng 70 năm hoạt động thì viện đó đã đóng góp vai trò đưa nền toán học Mỹ đứng đầu thế giới.
Viện đó đóng vai trò rất lớn với sự hình thành và phát triển của khoa học Mỹ. Sau đó, rất nhiều các nước học tập mô hình Viện Toán học đó như Pháp, Đức, Anh, cũng như rất nhiều các nước đang phát triển như Hàn Quốc. Mô hình đó còn rất mới ở Việt Nam nhưng thực ra đã được thử nghiệm trên thế giới, chứ không phải chúng tôi mày mò, thử nghiệm một mô hình mới.
Đây là mô hình rất thích hợp cho các ngành khoa học cơ bản, thích hợp với các ngành khoa học lý thuyết, không thích hợp với khoa học thực nghiệm bởi vì cán bộ luôn luôn luân chuyển.
Chúng tôi là những nhà toán học đi tiên phong làm trước nhưng không có nghĩa là muốn dành riêng cho Toán một tài trợ nào đó. Các ngành khác nếu tham gia thì tôi vô cùng ủng hộ. Hiện tại với tinh thần ủng hộ của  toán học với các ngành khác. Nếu các nhà vật lý hay các nhà kinh tế có đề tài liên quan đến toán học và nhất là lại hợp tác với nhà toán học, mà cả 2 bên đều có lý lịch khoa học uy tín thì chúng tôi rất ủng hộ chuyện đó.
Về vấn đề tài chính cho Viện tồn tại và phát triển, những người có sáng kiến thành lập viện có kế hoạch vận động tài chính như thế nào ngoài nguồn của chính phủ?
Như viện Princeton có nguồn lực tài chính cực kỳ lớn là những nguồn từ tư nhân, cụ thể vốn tư nhân có thể lên tới 500 triệu đô nhưng cần hiểu rõ quy chế hoạt động của viện.
Tiền vốn của viện đó được gửi vào một chỗ và dùng tiền lãi vận hành bộ máy của viện. Bộ máy của viện là máy móc và giáo sư cơ hữu, giáo sư cơ hữu khoảng 50 người. Hàng năm có tầm khoảng hơn 100 người đến làm việc, nhất là những bạn làm Postdoc (sau tiến sĩ) sau PhD (tiến sĩ) khoảng 60 đến 70% người là hoàn toàn vốn của nhà nước.
Vì sau Ph.D anh chỉ là một nhà khoa học chuyên nghiệp nhưng mới chỉ là tập sự, chỉ là mới bắt đầu. Sau khoảng 2 năm làm việc độc lập và có điều kiện tiếp xúc với những nhà khoa học có cùng lứa tuổi, cùng ngành và đồng thời có những thắc mắc nhỏ, một vài câu hỏi với những giáo sư gần như là số 1 thế giới để có thể có được cho mình những kinh nghiệm lớn hay những giải đáp có thể làm thay đổi công việc nghiên cứu khoa học.
Những người từ nơi khác đến làm  việc tại viện là do chính phủ Mỹ trả tiền, còn những người làm việc cơ hữu tại viện là do viện trả tiền bằng số tiền đã tích lũy được trong khoảng 70 năm hoạt động đã qua. Bây giờ chúng ta bắt đầu cũng không thể có tích lũy như vậy được.
Chúng ta đã đánh giá toán học Việt Nam đang xếp thứ 55 đến 60 thế giới và phấn đấu xếp thứ 40. Giáo sư nghĩ sao về xếp hạng này? Chúng ta nên đặt vai trò của Toán ứng dụng vào vị trí nào?
 Con số 55 hay 40 không có ý nghĩa gì cả, ý nghĩa của chương trình là chấn hưng nền khoa học Việt Nam. Mục đích của chương trình là tạo ra nhóm nghiên cứu mới, nguồn nhân lực mới cho các trường đại học Việt Nam.
Về Toán ứng dụng, Toán học là một khối thống nhất nếu như cắt ra một phần toán học làm việc với Vật lý, một phần làm việc với kinh tế thì bản thân nó sẽ tự hủy hoại mà chết.
Động lực của toán học chính là sự thống nhất của nó, khi tôi làm về “Bổ đề cơ bản” tôi không bao giờ nghĩ rằng cái tôi làm liên quan đến vật lý lý thuyết nhưng chính mô hình của vật lý lý thuyết là chìa khóa mở ra “Bổ đề cơ bản”. Đây là ví dụ về công trình của tôi nhưng là ứng dụng của rất nhiều các ngành khoa học khác.
Theo tôi nghĩ, nếu chúng ta ra nghị quyết là chỉ làm về ứng dụng thôi, đó là làm toán liên quan đến đê điều, liên quan đến thời tiết thì theo tôi chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ có một công trình khoa học có giá trị. Khoa học mà làm theo chỉ đạo thì không thể gọi là thành công, khoa học cần phát triển theo nội lực của khoa học và kinh nghiệm của các ngành khác thì chúng ta không thể chỉ đạo khoa học là một cái này hay cái khác.
Khi Viện toán học cao cấp ra đời, chúng ta có nghĩ đến việc kéo các giảng viên là Việt kiều từ nước ngoài về?
Bây giờ xã hội tương đối tự do và cởi mở, chúng ta không thể giao nhiệm vụ là anh phải làm cho tôi cái này hoặc là về trường kia làm. Chúng ta đang tập làm môi trường khoa học cởi mở, như tạo ra vườn ươm, cho người ta môi trường để vài ba người có thể làm việc với nhau. Ngoài ra việc lương bổng phải xứng đáng. Tuy nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để họ làm việc là họ phải có đồng nghiệp và các nhóm làm việc.
Ở các trường đại học hầu hết là không có kinh phí để mời các nhà khoa học nước ngoài về làm việc vì không có môi trường. Viện nghiên cứu toán học cao cấp ra đời nhằm mục đích đó. Viện chỉ là vườn ươm để các nhóm làm việc ra đời, còn sau đó bản thân các trường đại học phải tự vận động chứ viện không làm thay tất cả.
Chúng ta cần làm thế nào để số phận Viện nghiên cứu toán học cao cấp này không bị như số phận các hệ thống trường chuyên?
Tôi nghĩ là nhà nước đã rất dũng cảm khi quyết định Chương trình Toán học trọng điểm này. Thực ra khi đã quyết định rồi thì trái bóng thuộc về phía chúng tôi. Chúng tôi phải làm cho tốt, tạo ra các nhóm nghiên cứu. Và nếu được nhiều trường đại học tiếp nhận và quay về các trường đại học tức là các trường đại học có nhiều giảng viên có trình độ khoa học thực sự thì đấy là thành công của chúng tôi. Khoảng thời gian 10 năm là đủ dài để thấy được sự thay đổi đó.
Còn cá nhân tôi thì, công việc chính của tôi vẫn là làm giáo sư ở ĐH Chicago nhưng nếu viện này thành lập thì từ tháng 6 đến tháng 8 tôi sẽ ở Việt Nam và trực tiếp tham gia làm khoa học ở Việt Nam. Trong năm học tôi sẽ thường xuyên về hơn.
Xin cảm ơn GS!
Hồng Hạnh (ghi)
-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét