"Campuchia muốn yêu cầu cộng đồng quốc tế can thiệp và tổ chức một hội nghị về vấn đề tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan," Thủ tướng Hun Sen tuyên bố trong một buổi lễ có sự tham dự của các nhà ngoại giao nước ngoài.
"Vấn đề này rất nóng bỏng. Nó có thể gây nên một cuộc đổ máu," ông cho biết thêm.
Theo ông, các nỗ lực song phương nhằm giải quyết cuộc xung đột với Thái Lan sẽ không có hiệu quả và kêu gọi Liên Hiệp Quốc, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước khác giúp giải quyết tranh chấp.
Căng thẳng giữa hai quốc gia đối với khu vực biên giới tranh chấp đã bùng phát sau các cuộc biểu tình của phong trào "Áo Vàng" ủng hộ hoàng gia tại Bangkok về vấn đề này.
Cuối tuần qua, các phương tiện truyền thông Thái Lan dẫn lời Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho biết ông sẵn sàng sử dụng cả biện pháp ngoại giao và quân sự để giải quyết tranh chấp.
Phe đối lập Thái Lan đã cáo buộc chính phủ sử dụng cuộc tranh chấp để khơi dậy lòng yêu nước và thúc đẩy sự ủng hộ về chính trị ở trong nước.
Hôm 08/8, Thủ tướng Hun Sen đã viết thư gửi Liên Hiệp Quốc cáo buộc Thái Lan vi phạm nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc bằng việc đe dọa sử dụng vũ lực đối với Campuchia.
Campuchia có "quyền hợp pháp để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình trong trường hợp có hành động cố ý xâm lược," ông Hun Sen viết trong bức thư, đã được công bố cho các phương tiện thông tin.
Thủ tướng Abhisit hôm 09/8 cho rằng bức thư được viết dựa trên những thông tin không chính xác.
"Campuchia muốn tô vẽ một hình ảnh của Thái Lan như là một kẻ xâm lược hoặc sử dụng vũ lực, điều này không đúng sự thật," ông nói với các phóng viên.
Campuchia và Thái Lan đã triển khai quân đội tại khu vực biên giới tranh chấp của họ kể từ tháng 7/2008, khi ngôi đền cổ Preah Vihear được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Hồi tháng 6, quân đội hai nước đã xảy ra xung đột trên biên giới của họ, cuộc xung đột mới nhất trong hàng loạt các cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét