Đến lượt Indonesia phản đối đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc | RFI

BIỂN ĐÔNG - INDONESIA -
Bài đăng : Thứ tư 04 Tháng Tám 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 04 Tháng Tám 2010

Đến lượt Indonesia phản đối đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc
Quần đảo Trường Sa khu vực tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Quần đảo Trường Sa khu vực tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
REUTERS/Stringer
Trọng Nghĩa

Tháng 5/2009, trong thư gởi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên khoảng 80% Biển Đông. Việt Nam đã phản đối ngay, nhưng ngày 08/07/2010 vừa qua, đến lượt chính quyền Indonesia phản bác lập luận của Trung Quốc. Jakarta cho rằng những đòi hỏi của Bắc Kinh « rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế », phá hoại Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển và « xâm phạm quyền lợi chính đáng của cộng đồng quốc tế ».

Phải chăng Trung Quốc đã đi quá đà khi công khai đòi hỏi chủ quyền trên 80% vùng Biển Đông và càng lúc càng bộc lộ ý định sẵn sàng dùng võ lực để áp đặt yêu sách của mình khi vừa phô trương sức mạnh quân sự, vừa nâng vùng biển tranh chấp lên hàng « quyền lợi quốc gia thiết thân », ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương ?

Câu hỏi này đang được giới quan sát nêu lên khi nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, trước đây còn kín đáo, nhưng hiện đã công khai bày tỏ thái độ quan ngại trước tham vọng của Bắc Kinh. Báo chí quốc tế trong những ngày gần đây đã đặc biệt chú ý đến hành động phản đối của Indonesia trước các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Phản ứng của Indonesia bắt nguồn từ bức thư xác định chủ quyền do Trung Quốc gởi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon vào tháng 5 năm 2009, kèm theo tấm bản đồ cho thấy phạm vi vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Phạm vi này bao phủ khoảng 80% Biển Đông, chạy dài cho đến tận một bãi đá ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia.

Trung Quốc tuyên bố là họ có « chủ quyền không thể tranh cãi » trên các hòn đảo trong vùng, cũng như trên các vùng biển lân cận được định giới rõ trên tấm bản đồ họ kèm theo. Bắc Kinh còn xác định quyền chủ quyền và thẩm quyền pháp lý trên các vùng biển liên can cũng như trên các tài nguyên dưới đáy biển và dưới lòng đất. Theo giới chuyên gia, như vậy là Trung Quốc đòi kiểm soát luôn cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, sản sinh từ các hòn đảo mà họ tự nhận chủ quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét