|
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, Thăng Long - Hà Nội đúng là mảnh đất dạn dày lửa đạn và cũng là một tòa thành bách chiến bách thắng bởi kẻ thù nào chạm tới mảnh đất thiêng này cũng đều phải tháo chạy. Mỗi tấc đất Thăng Long - Hà Nội còn ghi dấu biết bao sự tích oai hùng và cũng đượm thắm máu đào bao liệt sĩ.
Nhưng Thăng Long vì sao lại còn là "phi chiến địa"? Đúng, có câu thơ (khuyết danh): “Thăng Long phi chiến địa, Thiên hạ vạn đại xương”. Ngụ ý rằng, Thăng Long - Hà Nội là kinh đô, là trái tim của cả nước. Bất kỳ kẻ thù nào nhòm ngó đất nước ta đều nhắm vào địa linh này. Cho nên, Thăng Long mới là trận địa của bao cuộc chiến qua bao đời và tỏ rõ tinh thần bách chiến bách thắng. Nhưng cho dù là không kẻ thù nào khuất phục được, cho dù là luôn chiến thắng nhưng không ai lại muốn Thăng Long - Hà Nội lúc nào cũng là chiến địa? Vì thế, tác giả câu thơ trên muốn khẳng định một điều: Khi Thăng Long không phải là chiến địa (có nghĩa là không kẻ thù nào nhòm ngó đất nước) thì cuộc sống của mọi người sẽ mãi hạnh phúc.
Cầu Giấy – Hà Nội – nơi hai viên chỉ huy quân Pháp (Francis Garaier và Henri Rivière) lần lượt đền tội |
Rất có thể đây chính là nguyện vọng hòa bình của người dân Thăng Long - Hà Nội. Họ muốn Thăng Long không là chiến địa để thiên hạ muôn đời thịnh vượng. Như vậy, hai cách nói trên không có gì trái ngược nhau mà còn bổ sung cho nhau. Là vùng đất trăm trận chiến cho nên người Thăng Long hiểu thế nào là sự tàn phá của chiến tranh và do đó ý nguyện hòa bình đã trở thành niềm mong muốn thường trực của các thế hệ người Thăng Long - Hà Nội.
Sự thực lịch sử là mấy chục năm sau khi Vương triều Lý định đô tại Thăng Long, Thủ đô của nước Đại Việt đã phải gồng mình chống lại dã tâm của quân xâm lược Tống. “Tiên phát chế nhân” các năm 1022, 1058. Nhà Lý đã cho quân sang đánh đòn cảnh cáo tại Cảng Khâm. Năm 1075, quân Tống tập trung binh lương lớn ở các cảng biển, địa phương gần biên giới, ráo riết chuẩn bị cuộc tiến công lớn bằng hai đường bộ và thủy vào nước ta, Lý Thường Kiệt đã thực hiện kế sách: “Ngồi yên đợi giặc không bằng ra tay trước để chặn thế mạnh của giặc”, cho quân tiến đánh các cảng Khâm và Liêm; rồi vây diệt thành Ung Châu. Chiến dịch tiến công của Lý Thường Kiệt sang đất địch thành công, bàn đạp Nam chinh của quân Tống bị công phá. Nhưng dã tâm xâm lược Đại Việt của Nhà Tống không suy giảm. Năm 1077, đại quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy theo đường bộ với sự hỗ trợ của cánh quân thủy của Dương Tùng Tiên theo đường biển tiến vào nước ta. Quân bộ giặc bị chặn đứng trước phòng tuyến Sông Cầu có đoạn gọi là "Như Nguyệt", quân đường biển bị quân thủy ta do Lý Kế Nguyên chỉ huy chặn ở Mũi Ngọc, Trà Cổ, hai cánh quân địch không phối hợp được với nhau. Đó là thời điểm bài thơ “Nam quốc sơn hà...” bất hủ vang lên. Chủ động đánh giặc từ xa, ngăn và diệt giặc từ sông Cầu, Thăng Long được bảo vệ nguyên vẹn, khẳng định rõ một chân lý: “Nước Nam là của người Nam”.
Trong thời Trần, cả ba lần quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta, cả ba lần chúng đều đặt chân lên đất Thăng Long. Nhưng vào được tòa thành trống, quân giặc không thể biến Thăng Long thành bàn đạp tiến công tiêu diệt quân đội và triều đình Nhà Trần, càng không thể biến Thăng Long làm lị sở thống trị non sông Đại Việt. “Thăng Long phi chiến địa” còn có ý nghĩa ở phương diện này. Để rồi, trong khi để cho giặc “trú tạm” trong thành Thăng Long, quân và dân Đại Việt với “hào khí Đông A” trên dưới một lòng, vua tôi đồng thuận, đã lập nên một võ công oanh liệt: 3 lần đánh thắng đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, để sau này, khi Trần Phu sứ thần nhà Nguyên đặt chân đến nước ta, nghe tiếng trống đồng mà thêm bạc tóc:
“Bóng lòe gươm sắt lòng thêm đắng
Tiếng rộn trống đồng tóc đốm hoa”
Thế kỷ 15 đất nước rơi vào ách đô hộ của giặc Minh; nghĩa quân Lam Sơn khởi nghĩa. Trải 10 năm nằm gai nếm mật, quân khởi nghĩa lớn mạnh tiến lên giải phóng đất nước. Một trong những mục tiêu là giải phóng Thăng Long (lúc này mang tên Đông Quan). Sau khi đánh trận tiêu diệt lớn ở Tốt Động - Chúc Động, Lê Lợi - Nguyễn Trãi một mặt thực hiện bao vây Đông Quan bằng quân đội và cả bằng đòn tâm lý chiến, tiến công Vương Thông và quân Minh bằng đạo lý hòa bình, nhân nghĩa Việt Nam. Sau chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang đại thắng, quân tiếp viện của nhà Minh thua trận, quân Minh ở Đông Quan phải bước vào “Hội thề Đông Quan” để được an thân rút về nước.
Với vị trí là kinh đô hoặc ngay cả khi không phải là kinh đô nhưng với vị trí đặc biệt của thủ phủ cả miền Bắc, thời nào Thăng Long cũng là mục tiêu chủ chốt của các đạo quân xâm lược hòng chiếm ưu thế chính trị-quân sự-kinh tế để thôn tính toàn cõi, áp đặt sự thống trị toàn diện. Thăng Long bị giặc đánh chiếm nhưng thời nào người Thăng Long cũng chủ động đứng ở tuyến đầu cùng binh sĩ triều đình, dân binh các địa phương đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mãn Thanh, chính nhân dân các vùng Đầm Mực, Ngọc Hồi đã giúp quân của Vua Quang Trung công phá và bao vây, tiêu diệt quân giặc, người dân nội thành Thăng Long cũng có sáng kiến làm “con rồng lửa” đốt trại giặc Thanh. Để rồi quân giặc bị bất ngờ, hoảng loạn mà chịu chết ở Đống Đa hay đạp lên nhau mà chạy, đứt cả cầu phao qua sông Hồng, xác trôi theo dòng nước xiết. Để rồi đoàn quân chiến thắng của Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến vào thành giữa rừng người dân chào đón.
"Đầy đường già trẻ cùng nhau nói
Thăng Long nay lại thuộc về ta"
Sông Như Nguyệt, nơi có phòng tuyến chống quân xâm lược nhà Tống |
Tiếp nối truyền thống Thăng Long, Đông Đô, thành Hà Nội đã nêu một tấm gương đánh giặc kiên cường với hình ảnh tiêu biểu của các tổng đốc Nguyễn Tri Phương (1873) Hoàng Diệu (1882) “treo mình tử chiến giữ thành” những năm thực dân Pháp mở rộng xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ 19. “Hà thành thất thủ” nhưng người Thăng Long không chịu bó tay chịu chết. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp xâm lược liên tiếp nổ ra. Hai viên chỉ huy quân Pháp Francis Garaier và Henri Rivière lần lượt đền tội ngay tại vùng đất Hà Nội. Nghĩa quân Yên Thế, ròng rã trong 30 năm làm cho giặc Pháp ở Hà Nội ăn không ngon ngủ không yên.
Lịch sử của Thăng Long - Hà Nội bao giờ cũng vậy. Dã tâm xâm lược Việt Nam của giặc ngoại xâm hàng bao thế kỷ đều bị đập tan với những trận “quyết chiến chiến lược” trong và ngoài Thăng Long.
“Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng”
Vào năm 1288, sau chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3, nhà vua anh minh Trần Nhân Tông đã có hai câu thơ như vậy. Đó cũng là một thời “Thăng Long phi chiến địa” tự đốt cháy mình để giành chiến thắng./.
Hà Thành (Báo TNVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét