Bất đồng về Luật Biểu tình

Người Lao Động Online:

Thứ Sáu, 18/11/2011 14:30

Biểu tình là một trong những quyền tự do dân chủ cơ bản đã được hiến định, do đó việc xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện là rất cần thiết


Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước (trái)và Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn của báo chí về vấn đề Luật Biểu tình bên lề Quốc hội
Luật Biểu tình làm “nóng” phiên thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, sáng 17-11.
Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng hiện chưa phải thời điểm thích hợp để có Luật Biểu tình. Tuy nhiên, một số ĐB khác ủng hộ việc ban hành luật này và cho đây là quyền lợi chính đáng của người dân.

Lo ngại bị lợi dụng

Không khí phiên thảo luận bất ngờ sôi nổi với đề nghị của ĐB Hoàng Hữu Phước (TPHCM) nên loại bỏ Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật nhiệm kỳ QH khóa XIII.
Để bảo vệ quan điểm của mình, vị ĐB này trích dẫn từ những năm 1960, từ ngữ “biểu tình” mới xuất hiện ở Mỹ và khẳng định là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ.
Từ phân tích trên, ĐB Phước nói: “Việt Nam có cần biểu tình không? Nếu không cần, tại sao lại đưa dự án Luật Biểu tình, nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ”.
Ông Phước băn khoăn Luật Biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm.
“Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn. Hiện ở nhiều nước phát triển, nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, cướp bóc, làm ô danh đất nước” – ông Phước nhận xét.
Để đi đến kết luận của mình, ông Phước dẫn việc những nơi có biểu tình đã xâm hại quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của người dân, ở những cuộc tập hợp đông người gần đây ở TPHCM chỉ nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng thóa mạ, văng tục, đe dọa những người đang tập hợp.
Tiếp tục thảo luận về việc có nên đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, ĐB Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận) bày tỏ sự nhất trí cao với ĐB Hoàng Hữu Phước là không nên xây dựng Luật Biểu tình.
“Ở TPHCM và Hà Nội vừa qua, người dân xuống đường cũng có người có động cơ tốt nhưng có bị lợi dụng không?” – ông Kỷ bày tỏ. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) và ĐB Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cũng đề nghị chưa đưa Luật Biểu tình vào chương trình khóa này.

Đừng biến chúng ta thành ốc đảo

Tiếp tục “hâm nóng” không khí nghị trường, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại nêu quan điểm ngược lại. Ông Quốc nhấn mạnh chúng ta đang được hưởng ngày Quốc tế Lao động là thành quả của cuộc đấu tranh của những người lao động ở Chicago – Mỹ từ những thế kỷ trước.
Chúng ta tự hào trong lịch sử cách mạng Việt Nam, cuộc biểu tình ngày 1-5-1938, hạt nhân lãnh đạo là những người cộng sản tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình và ủng hộ Chính phủ Mặt trận nhân dân.
ĐB Dương Trung Quốc cho biết tại Sắc lệnh 31 ban hành 11 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích nội hàm của chữ “biểu tình” để chúng ta nhận thức nó từ hai chiều.
Theo ông Quốc, phải nhìn biểu tình cả hai mặt của biểu tình, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ để thực thi quyền hành pháp.
ĐB Dương Trung Quốc nói: “Tôi không tán thành việc các ĐBQH nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn QH, chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối”.
ĐB Dương Trung Quốc phân tích không phải tự nhiên mà Chính phủ đã đề nghị đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật.
“QH hết sức thận trọng. Phát biểu như thế là xúc phạm đến người dân. Cần phải có Luật Biểu tình càng sớm càng tốt để tránh dẫn đến hỗn loạn. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, cần có lộ trình thích hợp, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay” - ông Quốc bày tỏ.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng có Luật Biểu tình thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn, hoạt động biểu tình sẽ diễn ra đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm; mọi hành vi lợi dụng sẽ có cơ sở để nghiêm trị.
“Biểu tình là một trong những quyền tự do dân chủ cơ bản đã được hiến định, do đó việc xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện là rất cần thiết. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đã từng được dư luận quốc tế ủng hộ mạnh mẽ từ rất nhiều cuộc biểu tình”- ông Nghĩa nhận định.
Chiều 17-11, QH tiếp tục thảo luận về dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Hầu hết ý kiến ĐB ủng hộ sự cần thiết ban hành sớm dự luật này. ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng hiện mức độ hiểu biết và tuân thủ pháp luật của bộ phận người dân còn hạn chế.

Có luật để quản lý tài sản Nhà nước

Góp ý về Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của QH khóa XIII, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) góp ý trong điều kiện nhân lực, tài lực có hạn thì nên lựa chọn một chương trình vừa sức, dành ưu tiên cho những luật điều chỉnh các vấn đề bức xúc trong xã hội, không nên làm theo cách lâu nay là “dễ làm, khó bỏ”.

Một vấn đề được người dân dành nhiều sự quan tâm là hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiệu quả chưa cao được ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng cần thiết ban hành Luật Quản lý đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, thực chất là quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thay vì hạ xuống thành một nghị định.

Góp ý chương trình, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị nên xây dựng Luật Từ chức. Theo ông Đương, hiện có tới 1/3 công chức chính trị, công chức hành chính có “chân trong, chân ngoài”, làm việc không hiệu quả cần giảm bớt. Bên cạnh đó, những người đứng đầu, nhất là người đứng đầu không đủ tài trí, thì cũng nên từ chức.

Bài và ảnh: Thế Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét