(VnMedia) - Dù đã bước sang tuổi 76, ông Nguyễn Thành Hòa vẫn chưa cảm thấy mệt mỏi với công việc đưa đò suốt 16 năm qua tại bến đò An Phú Đông (Q.12, TP Hồ Chí Minh).
Khách đi trên chuyến phà “tình nghĩa” của ông Tám Hòa |
Đằng sau những chuyến đò
Ông Nguyễn Thành Hòa trước đây là một thầy giáo nghèo, sau gần 30 năm đứng trên bục giảng, ông đã nghỉ hưu và đưa vợ, con trở về An Phú Đông sinh sống. Lúc này, Q.12 và Gò Vấp vẫn còn cảnh đò ngang cách trở vì chưa có một cây cầu nối liền hai bờ sông Vàm Thuật - một nhánh sông Sài Gòn chảy qua. Có những lần đi đò ông chứng kiến cảnh hành khách, trong đó đa số là học sinh vượt sông qua Gò Vấp học trên chiếc đò bé xíu, chòng chành dưới dòng nước chảy xiết quá nguy hiểm - ông Hòa chợt nảy sinh ý định xin được đầu tư khai thác bến đò.
Ông Hòa bộc bạch: “Về hưu rồi nhưng có lẽ tôi vẫn còn nặng lòng với con chữ. Thấy con em trong xóm chăm học, ngày nắng cũng như mưa phải liều mình trên những chuyến đò quá tải, không áo phao, lỡ có tai nạn xảy ra thì hậu quả rất khó lường. Sau khi được chính quyền cho phép khai thác bến đò, trong lòng vui mừng khôn xiết, nhưng khổ nỗi trong túi không có một đồng nào thì làm sao mua đò? Thế là tôi phải chạy khắp nơi để vay mượn”.
Những ngày đầu, không có vốn đầu tư đò mới, ông chỉ thuê 2 chiếc đò cũ với giá 500.000 đồng/tháng. Do đò nhỏ (ngang 1m, dài 4m) nên chỉ chở được 5-7 người, với lại phải chèo bằng tay nên mất khá nhiều công sức và thời gian. Sau một thời gian cải tiến bằng cách gắn máy kohler vận chuyển nhanh hơn nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả. Trong lúc khốn khó, ông Hòa vẫn khao khát đầu tư một chiếc phà để chở bà con an toàn hơn.
Thế rồi vận may cũng đến, trong một lần đưa khách sang sông, một vị khách tên Thúy – sau này được biết là Giám đốc chi nhánh ngân hàng huyện Hóc Môn do quá sợ hãi liền đặt vấn đề với ông: Bác Hòa ơi! Đi đò kiểu này chắc có ngày tôi chết! Bác nên làm phà để chở bà con an toàn hơn. Nếu gặp khó khăn về tài chính thì lên tôi giúp cho…”. Thế là ông Hòa đã về thuyết phục vợ lấy mảnh đất đang canh tác để cầm cố ngân hàng có tiền sắm phà. Năm 2000, ông Hòa đưa chiếc phà đầu tiên đi vào hoạt động trước sự vui mừng của người dân địa phương. Rồi đến năm 2002, 2004 và 2010 ông liên tục sắm thêm 3 chiếc phà hiện đại, an toàn và có sức chở lớn hơn rất nhiều. Số tiền đầu tư cũng lên con số vài tỷ đồng.
Trắng đêm đợi khách sang sông |
16 năm chưa tăng giá vé
Anh Nguyễn Thanh Cường, nhân viên thu tiền vé, cho biết: “Vé người đi bộ 500 đồng/người/lượt. Một người + xe đạp 800 đồng/lượt. Một người + xe máy 1000 đồng/lượt. Giá vé từ 22h đến 4h sáng giá vé được thu gấp đôi.
Phà hoạt động từ 3h30 sáng đến 23h30 tối. Song, nhiều lúc nửa đêm có người cấp cứu vì đau ốm hay sinh nở cần đi phà thì bữa đó xem như mọi người phải thức trắng”.
Sự tận tâm của bến đò dần được người dân tín nhiệm, khách đi đò ngày càng đông. Dù bây giờ đã đầu tư phà thay thế đò, nhưng ông Hồng vẫn thu tiền vé theo giá đò. Ngay cả khi giá dầu đã tăng hàng trăm lần nhưng bến đò vẫn chưa một lần tăng giá vé (từ năm 1996 đến nay). Lượng khách qua phà ngày càng đông, ước tính khoảng 7.000 khách/ngày. Khách đông nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu vì giá vé quá thấp, chưa kể đến chi phí bảo trì máy móc, chi phí cho 12 nhân viên làm việc/ca và tiền dầu 210 lít/ngày… có khi ông Hòa lỗ nặng nếu ngày đó vắng khách.
Nhiều hành khách thấy ngạc nhiên hỏi tại sao giá vé rẻ như bèo vậy, thậm chí khuyên ông tăng giá vé nhưng ông quyết định không tăng vì thấy bà con lối xóm vẫn còn nghèo khó, gắng gượng được chừng nào hay chừng ấy. Không chỉ có giá vé rẻ, mà hơn 1000 học sinh, sinh viên là con em địa phương đang theo học ở các trường ĐH Công Nghiệp, Nguyễn Công Trứ, Hoàng Hoa Thám, cấp 3 Gò Vấp… cũng hoàn toàn được miễn phí từ trước đến nay. Chính vì thuận lợi này, nhiều sinh viên ở tỉnh lên học ở Gò Vấp do chi phí nhà trọ quá cao cũng qua giang phà về An Phú Đông thuê nhà trọ giá rẻ hơn để ở.
Ông Hòa cho biết, giá vé hiện nay tại bến phà của ông rẻ nhất so với 40 bến đò khác ở TP HCM |
Từ sáng sớm đã có hàng trăm học sinh, sinh viên, người đi chợ đã tấp nập chờ sẵn ở bến phà. 4 chiếc phà lớn luân phiên nhau cập bến (5 phút/chuyến) để rước học sinh và người đi làm kịp giờ. Vừa bước lên phà ai nấy đều được một người phụ nữ đến phát áo phao an toàn.
Anh Nguyễn Phát Phú, ngụ ở đường Nguyễn Thái Sơn (F.5, Q.Gò Vấp), cho biết: “Nhà bố mẹ vợ tôi ở đường Hà Huy Giáp (Q.12), nếu đi từ đường Lê Đức Thọ - Nguyễn Oanh – Hà Huy Giáp với quãng đường kéo dài 10km. Trong khi đó, chỉ cần 1.000 đồng qua phà, rẽ vào đường Vườn Lài - QL1A - Hà Huy Giáp sẽ rút ngắn quãng đường hơn 4km, như vậy tôi vừa tiết kiệm được tiền xăng, thời gian và an toàn hơn nhiều”.
Ông Hòa tâm sự: “Ngoài hơn 1000 học sinh, sinh viên tôi hoàn toàn không thu phí thì 6.000 khách còn lại vẫn đi phà với cái giá thấp nhất trong nước.Vì thế mọi người vẫn gọi tôi là người đưa đò không công. Có một điều không ai biết là Tám Hòa (người dân vẫn gọi là ông Tám Hòa) vì đầu tư phà để đem lại sự an toàn cho hành khách, kiên quyết không tăng giá vé đã khiến tôi lâm vào cảnh nợ nần, bán hết đất đai và kể cả căn nhà đang sống. Đã lỡ miệng tuyên bố không tăng giá vé với người dân và báo đài rồi, tôi mới cố cầm cự tới bây giờ, nhưng giá xăng dầu tăng “phi mã” kiểu này chắc tôi cũng phải điều chỉnh giá cước mới tồn tại để phục vụ người dân được”.
Khi hỏi vì sao ông lại mạo hiểm mua phà khi tuổi đã già và kinh doanh phà cũng đang dần lỗi thời thì ông Hòa như phấn khích hẳn lên: “Tôi biết không sớm thì muộn nơi đây sẽ có cây cầu vắt qua sông Vàm Thuật, nhưng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư phà. Ngày nào tôi còn sống, còn phục vụ được nhân dân thì tôi vẫn không chùn bước”. Hoạt động từ năm 1996 đến nay, bến đò An Phú Đông chưa có một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Vì thế bến đò An Phú Đông nhiều năm liền đạt danh hiệu xuất sắc đảm bảo ATGT đường thủy và được nhân dân tin yêu.
Tâm Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét