Chủ Nhật, 20.11.2011 | 12:44 (GMT + 7)
Sau khi giá thành sản xuất kinh doanh điện 2010 chính thức được công bố hôm 19.11 thì Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra một cảnh báo có thể cắt điện của Thủ đô Hà Nội vì … thiếu dây.
Không có chuyện tăng giá điện để bù lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN
VTC chưa rời “cuộc chơi” mua lại EVN Telecom
Lần đầu tiên công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện
Nguyên nhân là do ngành điện bị lỗ nặng không có nguồn để tái đầu tư.
Việc chậm tiến độ các dự án cũng gây thiệt hại cho ngàn điện. Nếu các dự án điện nhiệt điện than thực hiện đúng tiến độ sẽ giảm được việc ngành điện chạy dầu giúp giá thành điện thấp đi, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Các ban quản lý dự án của EVN, Bộ Công thương, Chính phủ cũng nhìn thấy đây là một điểm yếu, không chỉ là ngành điện mà ở công tác đầu tư xây dựng cơ bản. |
vneconomy.vn
Tổng giám đốc EVN: “Tôi đau lòng vì lương ở EVN quá thấp”
BẢO ANH19/11/2011 18:18 (GMT+7)
Thông tin trên vừa được Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh cung cấp với VnEconomy bên lề buổi họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh và giá thành điện năm 2010 của đơn vị này, chiều 19/11.
Theo lãnh đạo EVN, lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn tập đoàn là 7,3 triệu đồng/tháng/người. Riêng năm 2010, lãnh đạo EVN không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết, lỗ bằng 95% lương.
Trước thông tin cho rằng, dù kêu lỗ nhưng lương của lãnh đạo ở EVN vẫn rất cao, ông Phạm Lê Thanh thừa nhận là có phản ánh đó. Tuy nhiên, theo ông, cần xem xét cụ thể bởi đó có thể là lương, có thể là thu nhập. Còn lương để hạch toán vào giá thành điện thì chỉ 7,3 triệu đồng/tháng.
“Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn có thể được, còn nếu ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”, ông Thanh nói.
Cũng theo lãnh đạo EVN, năm 2010 là năm đầu tiên tập đoàn này lỗ với khoản lỗ lên tới 10.162 tỷ đồng. Con số này được tính toán sau khi lấy tổng doanh thu 90.934 tỷ đồng trừ đi chi phí 101.096 tỷ đồng. Khoản lỗ này chưa bao gồm lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện mà EVN góp vốn và lỗ do chênh lệnh tỷ giá lên tới 15.463 tỷ đồng.
Lý giải cho khoản lỗ khá lớn do chênh lệch tỷ giá nói trên, Tổng giám đốc Thanh cho hay, thực ra năm 2010 một số nhà máy thuộc EVN có lãi trong sản xuất điện, song do tài sản tự có của EVN chỉ khoảng 30%, còn lại khoảng 70% là vốn vay bằng ngoại tệ, nên mới bị ảnh hưởng lớn của biến động tỷ giá.
Mặt khác, theo ông Thanh, hiện nay nhiều người vẫn hiểu rằng, EVN lỗ là do phải đang bù lỗ cho những người nghèo, nhưng thực chất là tập đoàn này đang phải bù lỗ cho những người giàu và trung lưu.
“Theo tính toán của chúng tôi, nếu một gia đình dùng 1 triệu đồng tiền điện/tháng thì EVN phải bù 300 nghìn đồng/tháng, 2 triệu đồng thì bù lỗ 600 nghìn đồng. Đây là một nghịch lý của ngành điện”, ông Thanh nói.
Lãnh đạo EVN cho biết, chính vì khoản lỗ trên đã tạo ra áp lực khiến tập đoàn này không huy động được vốn, vì các nhà đầu tư nhìn vào bảng cân đối tài chính sẽ không cho vay, thậm chí không giải ngân.
Một thông tin đáng quan tâm từ lãnh đạo EVN cho hay, do khâu truyền tải hiện rất yếu kém nên sắp tới đây, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng có nhà máy điện nhưng không truyền điện đi các nơi khác được.
“Nếu chúng ta không có những động thái tích cực hơn nữa thì năm 2012 tới đây, cả nước sẽ đủ điện nhưng riêng Hà Nội có thể thiếu điện và bị cắt điện. Bởi, hiện nay đường dây Vân Trì – Sóc Sơn, trạm Vân Trì 220 kv, Trạm Thành Công 220 Kv... nếu không được đóng trước 3/2012 thì Hà Nội sẽ bị cắt điện”, ông Thanh cho hay.
-
Hoang
11:13 (GMT+7) - Thứ Hai, 21/11/2011
Là 1 người quản lý về nhân sự của 1 cty CP tại Tp.HCM vậy mà tôi cũng còn mơ ước về mức thu nhập này. Không biết ông Thanh có nghĩ đến thu nhập bình quân hiện nay của CNV các ngành khác, mức sống CNV trong các khu chế xuất, khu CN hay không?
-
HA
11:11 (GMT+7) - Thứ Hai, 21/11/2011
Luong mình trong lực lượng vũ trang cũng chỉ hơn 5 triệu/tháng mà đấy là tá rồi đấy, chứ cấp úy hay nhưng người khác làm gì đã đến 5 triệu. Nói như bác Thanh thì chắc mình chết đói hết. Lương 7tr tháng là niềm mơ ước của bao nhiêu người đấy!
-
Việt Nam
10:45 (GMT+7) - Thứ Hai, 21/11/2011
Ta tạm tính qui theo đô la Mỹ là 7.300.000 đ/ 21.000 = 347,62 đô la Mỹ một tháng.
Như vậy trong 01 năm thu nhập bình quân của CBCNV ngành điện tương đương là 4.172 đô la Mỹ. Trong khi đó thu nhập bình quân cả nước 2010 tương đương 1.100 đô la Mỹ/năm.
“Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn có thể được, còn nếu ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”.
Chắc bác Tổng Giám Đốc đang tính mức sống bên... Thái Lan áp cho CBCNV ngành điện? -
Quang Huy
10:34 (GMT+7) - Thứ Hai, 21/11/2011
Mức lương 7 triệu/tháng là giấc mơ của doanh nghiệp tư nhân chúng tôi trong thời buổi khó khăn này. EVN có tiêu chí cao nên kêu 7 triệu/tháng là khổ?
-
Vũ Thị Lanh
09:27 (GMT+7) - Thứ Hai, 21/11/2011
Tổng giám đốc điện lực nói mức lương ở chỗ ông mà tôi thấy thèm, niềm mơ ước bấy lâu nay của chúng tôi.
-
Thùy
08:55 (GMT+7) - Thứ Hai, 21/11/2011
TGĐ kêu đau lòng, thì ko biết là các cty khác tại HN còn đau tới đâu nhỉ?
Như c.ty mình cũng ở HN, nhưng lương TB chỉ bằng 1 nửa EVN. Hơn nữa, đó chỉ là lương, thế còn tổng thu nhập thì thế nào, đó ko phải tiền, là chi phí đưa vào giá thành hay sao? -
Anh Trần
08:11 (GMT+7) - Thứ Hai, 21/11/2011
Tôi đọc bài này xong thì cũng thấy đau lòng thật sự vì nhiều người trong xã hội phải lao động cật lực chỉ mong được mức thu nhập 5-6 triệu/tháng.
-
Trần Thị Trúc
08:07 (GMT+7) - Thứ Hai, 21/11/2011
Nghe Bác Phạm Lê Thanh nói "đau lòng vì lương của cán bộ quá thấp".
Bác xuống mấy khu công nghiệp, lương công nhân 1.5 tr/tháng, lương nhân viên văn phòng ở ngành tài chính - ngân hàng bình quân cũng chỉ 5 tr/tháng. Chẳng biết bác có đứt ruột không? -
Anh Trần
08:01 (GMT+7) - Thứ Hai, 21/11/2011
Chỉ riêng lương thôi mà đã 7,3 triệu đồng/người vào thời điểm năm 2009, mức này tương đương mức lương TB nhân viên của các ngân hàng tại Việt Nam. Nếu tính luôn cả những khoản "thưởng" trong năm thì thu nhập của ngân viên ngành điện sẽ là bao nhiêu? Như vậy mà ông Tổng giám đốc điện lực vẫn cảm thấy đau lòng vì "chỉ có ngần đấy thôi"?
-
Hoàng Bình
22:33 (GMT+7) - Chủ Nhật, 20/11/2011
Lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn tập đoàn là 7,3 triệu đồng/tháng/người. Nếu so sánh với một cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính có hệ số lương là 8,8 (7.300.000 đ/ 830.000 đ). Đây là ngạch, bậc lương mà không phải một cán bộ công chức có địa vị nào trước lúc nghỉ hưu cũng có thể đạt được.
Người ta đã quen với “lợi ích nhóm” đến mức không còn biết mặt bằng thu nhập của xã hội hiện nay là thế nào? -
Quantc
11:56 (GMT+7) - Chủ Nhật, 20/11/2011
Ối giời ơi!
Mức lương bình quân của EVN không hề thấp , so sánh với mức lương các ngành, lĩnh vực khác...
Mức luơng đó là niềm mơ ước của rất nhiều nguời... -
Nguyễn Hương
11:29 (GMT+7) - Chủ Nhật, 20/11/2011
Lương thế không thấp đâu. Nhiều ngành còn thấp hơn cơ. Thời buổi giá cả tăng cao, nhiều người phải khổ.
-
Việt Hùng
09:30 (GMT+7) - Chủ Nhật, 20/11/2011
Buồn cười Tổng giám đốc Thanh, lương 7,3 triệu đồng tháng mà kêu là thấp. Chắc tổng giám đốc không biết đại đa số lương của cán bộ công nhân viên chức chỉ từ 3-5 triệu đồng. Lương 7,3 triệu là tương đương lương một thượng tá công an 20 năm trong nghề rồi đấy bác Thanh ạ. Với lại căn cứ vào đâu mà ông cho rằng 7,3 triệu đồng không đủ sống ở thành thị?
-
Nguyễn Thanh Xuân
00:51 (GMT+7) - Chủ Nhật, 20/11/2011
Tôi không hiểu ông Phạm Lê Thanh có tiếp xúc với đại bộ phận công chức, văn phòng, người lao động bao giờ không. Phát biểu của ông dường như thể hiện ông chỉ toàn tiếp xúc với tầng lớp "elite" của XH.
Tổng công ty nơi tôi làm việc thu nhập trung bình cho 3 năm 2009 - 2011 chưa đầy 4tr ngoài ra không có thu nhập khác. Họ phần lớn là trụ cột gia đình, phải nuôi vợ con. Nhiều công ty tư nhân thì nhân viên cực giỏi tốt nghiệp ĐH may ra mới có mức lương 7tr.
Tất cả họ đều vẫn sống, vẫn hàng ngày đổ mồ hôi lao động. Chưa kể đến người lao động khác như công nhân, thợ, làm tiểu thủ công nghiệp... đang sống tại Hà Nội thu nhập hàng tháng chưa đến 3 tr đ.
Nói như ông Thanh chắc họ phải về quê hết. Hay ông cho rằng họ không phải đang sống mà đang cầm hơi? Hay ông nghĩ rằng "sống" của nhân viên ngành điện nó khác với "sống" của đại bộ phận quần chúng lao động.
Hãy làm ơn đừng dùng những sáo ngữ như "đau lòng" trong trường hợp này. Ông nên dùng từ này cho những người lao động không đủ tiền trang trải viện phí cho con đau ốm khi mà mức lương của cả hai vợ chồng chưa đủ bằng lương 1 nhân viên của ông. -
Long
22:55 (GMT+7) - Thứ Bảy, 19/11/2011
Ông Tổng Giám đốc EVN này có biết ở các doanh nghiệp khác mức lương của người lao động là bao nhiêu không? Năm 2011 , họ phải làm bục mặt ra mà lương chẳng bằng lương bình quân năm 2009 của các ông đấy.
vneconomy.vn
“Nợ của EVN tạo thành nợ dây chuyền trong Petro Vietnam”
TỪ NGUYÊN12/10/2011 16:49 (GMT+7)
Tại buổi họp báo do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) tổ chức chiều 11/10, tân Tổng giám đốc Petro Vietnam Đỗ Văn Hậu cho biết, do khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, vấn đề thu xếp vốn cho sản xuất, đầu tư các dự án của tập đoàn không nhiều thuận lợi như trước đây.
Không những thế, khoản nợ lên tới 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với các đơn vị thuộc Petro Vietnam đã làm cho bức tranh tài chính của các đơn vị này bị "méo mó".
Xung quanh tình hình hoạt động của tập đoàn kinh tế lớn nhất nước, Tổng giám đốc Petro Vietnam đã có cuộc trao đổi với VnEconomy.
Petro Vietnam nhìn nhận như thế nào về số nợ 10.000 tỷ đồng mà EVN nợ các đơn vị thành viên. Có ý kiến cho rằng, chỉ vì khoản nợ trên mà nhiều doanh nghiệp của Petro Vietnam không thể cổ phần hóa và khó tìm nhà đầu tư chiến lược?
Con số hiện tại mà EVN nợ Tổng công ty Khí (PV Gas) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) là khoảng 10.000 tỷ đồng. Với con số đó thì không nói ai cũng biết là nó gây khó khăn cho các đơn vị của Petro Vietnam như thế nào rồi. Cũng chính vì nợ của EVN nên đã gây nên nợ dây chuyền giữa các đơn vị thuộc Petro Vietnam.
Khoản nợ đó đã làm cho bức tranh kinh tế của không ít các đơn vị thuộc Petro Vietnam bị "méo mó".
Hơn nữa, với cơ chế hiện tại, tôi có thể khẳng định rằng đầu tư vào ngành điện là khó hiệu quả. Tuy nhiên, Petro Vietnam là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, nên phải có trách nhiệm rất lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chính vì vậy, chúng tôi kiên quyết triển khai các nhà máy điện mà đang đầu tư, bao gồm 4 nhà máy điện khí và 5 dự án điện than rất lớn và các dự án điện khác như điện gió, điện mặt trời...
Với khả năng huy động vốn, và quyết tâm của toàn tập đoàn, chúng tôi tin tưởng sẽ thành công trong lĩnh vực điện, phấn đấu trong tương lại điện do Petro Vietnam sản xuất sẽ chiếm 25 -30% tổng công suất điện toàn hệ thống.
PV Gas hiện đã cổ phần hóa rồi, chỉ đang thảo luận để có được cổ đông chiến lược, nhưng đây là công việc khó. Còn PV Power là 100% vốn của Petro Vietnam nên không cổ phần hóa, chí cổ phần hóa một số doanh nghiệp thuộc PV Power mà thôi.
Về kinh doanh xăng dầu, tại sao Petro Vietnam lại cho phép PV Oil phát triển mạnh mạng lưới bán lẻ xăng dầu sang Lào, trong khi giá xăng dầu ở Lào còn thấp hơn trong nước và PV Oil cũng đang kêu lỗ vì kinh doanh xăng?
Thực tình thì với cơ chế giá như hiện nay thì không có đơn vị kinh doanh xăng dầu nào có lãi. Đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính và Công Thương vừa rồi cũng kết luận là có lỗ. Nhưng với cơ chế hiện tại thì chúng tôi buộc phải chấp nhận.
Tuy nhiên, PV Oil có các lĩnh vực khác để bù vào khoản lỗ đó, chẳng hạn như sản xuất pha chế xăng, làm đại lý xuất khẩu dầu thô...
Hiện PV Oil đang chiếm khoảng 30% thị phần ở Lào, và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp này là mua xăng ở Thái Lan về Lào bán tại Lào, còn đưa từ Việt Nam sang rất ít. Với phương thức này, PV Oil hiện đang có lãi, nên tập đoàn chỉ đạo đơn vị này tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại đó.
Vừa qua, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương có kết luận là Petro Vietnam đầu tư hơi mạnh tay ra ngoài ngành. Tập đoàn phản hồi như thế nào?
Báo chí vừa qua có đưa tin Petro Vietnam đầu tư ra ngoài 6.600 tỷ. Số liệu này dựa trên một báo cáo của chúng tôi, nhưng nó không hoàn toàn phản ánh đúng cái gọi là “ngoài ngành” vì trong số 6.600 tỷ đó thì có một tỷ lệ lớn vào hai tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí và Tài chính Dầu khí. Đó là những khoản đầu tư trong ngành. Còn nếu đúng là ngoài ngành thì chỉ một tỷ lệ rất nhỏ.
Hiện chúng tôi đang tiến hành thu gọn các dự án đầu tư ngoài ngành sao cho có hiệu quả. Những dự án ngoài ngành, không liên quan đến hoạt động chính thì sẽ hoãn và đình giãn.
Ông nói là thu xếp vốn của tập đoàn hiện gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề xuất vay một lượng vốn lớn của Petro Vietnam để làm các dự án giao thông?
Bộ không có ý định vay lượng tiền lớn của tập đoàn. Chỉ có khó khăn nhỏ của một vài tuyến đường ở nhà máy ethanol Phú Thọ nên Bộ đang có “ý tưởng” đề nghị tập đoàn ứng trước cho một số vốn để hoàn tất dự án đó.
Hiện chúng tôi đang nghiên cứu xem có thể giúp Bộ được không. Tuy nhiên, tiền để phục vụ các dự án đó là tiền của ngân sách, nên giờ lấy ra sử dụng nó cũng không phải là chuyện đơn giản.
Ông có thể cho biết, vì sao kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế của Petro Vietnam lại bị hoãn dù đã chuẩn bị từ 2 năm trước?
Đúng là kế hoạch phát hành trái phiếu chúng tôi đã chuẩn bị từ năm 2009. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt là sau vụ việc của Vinashin thì tín nhiệm của chúng ta bị tụt xuống, làm cho chi phí và cơ hội phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trong nước khó khăn hơn. Khi đó chúng tôi dự kiến sẽ lùi sang năm 2011.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn, buộc Petro Vietnam lại phải lùi hoãn, nhưng chúng tôi quyết không từ bỏ kế hoạch phát hành khoản trái phiếu đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét