Nga cung cấp S-300 cho Syria

Thanh Niên Online:

Nhiều nguồn tin cho hay Nga đã cung cấp cho Syria các tổ hợp tên lửa hiện đại S-300 để chống lại những cuộc tấn công từ bên ngoài.

Báo Al Quds-Al Arabi dẫn một số nguồn tin giấu tên cho hay 3 tàu chiến Nga đến Syria hồi tuần qua chở theo nhiều thiết bị kỹ thuật và cố vấn để giúp thiết lập một hệ thống phòng không bao gồm cả một số giàn tên lửa S-300. Đây được xem là một trong những hệ thống phòng không uy lực nhất hiện nay với radar có thể cùng lúc theo dõi 100 mục tiêu và chỉ cần mất 5 phút để triển khai tác chiến.

Ngoài tên lửa, Nga đã lắp đặt các radar tối tân ở tất cả các cơ sở quân sự và công nghiệp của Syria, theo Al Quds-Al Arabi. Hệ thống radar này bao phủ các khu vực miền bắc và nam nước này, cho phép phát hiện sự di chuyển của binh lính và máy bay. Các mục tiêu theo dõi còn có phần lớn lãnh thổ Israel và căn cứ quân sự Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ đang được NATO sử dụng. Trong khi đó, báo Famagusta Gazette của Síp đưa tin tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga đang trên đường đến Địa Trung Hải từ căn cứ tại biển Barents. Sự xuất hiện của tàu sân bay Nga được loan báo cùng thời điểm Mỹ điều hàng không mẫu hạm USS George H.W.Bush đến gần vùng biển Syria.


S-300 là hệ thống phòng không hiện đại và uy lực - Ảnh: Army.mil

Nguy cơ chiến tranh ở Syria đang lơ lửng sau khi Pháp đề nghị thành lập “hành lang nhân đạo” trong khi có tin Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc lập vùng cấm bay ở Syria để “bảo vệ người dân với ý nghĩa nhân đạo”. Mới đây, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn thử tên lửa ESSM từ một tàu khu trục ở vùng biển giáp Syria, theo website Turkeynavy.net. Trong diễn biến đáng lo ngại mới nhất, phe chống đối Syria đã lên tiếng kêu gọi nước ngoài không kích các “mục tiêu chiến lược” tại nước này.

Ngoài ra, theo AFP, Liên đoàn Ả Rập đang cân nhắc đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt Syria sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phớt lờ yêu cầu cho quan sát viên quốc tế vào nước này trong ngày 25.11.

Ai Cập, Yemen vẫn bất ổn

Hàng ngàn người hôm qua tiếp tục tập trung tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập để phản đối chính quyền quân sự, theo AFP. Tuy nhiên, các tướng lĩnh khẳng định sẽ tiếp tục nắm quyền và cuộc tổng tuyển cử, bước đầu tiên trong lộ trình chuyển giao quyền lực và dân chủ hóa, sẽ diễn ra vào ngày 28.11 như bình thường. Đợt bất ổn lớn kéo dài mấy ngày qua đã khiến ít nhất 41 người thiệt mạng, theo Reuters. Ngoài ra, có 2 nữ phóng viên nước ngoài tố cáo bị tấn công tình dục tại Cairo.

Ở Yemen, đụng độ tiếp tục xảy ra vào ngày 25.11 giữa 2 phe ủng hộ và phản đối Tổng thống Ali Abdullah Saleh, theo AFP. Ông Saleh đang ở Ả Rập Xê Út để chữa bệnh và chưa rõ khi nào mới về nước để thực hiện thỏa thuận chuyển giao quyền lực đã ký.

Trùng Quang



thanhnien.com.vn

(TNO) Quân chống đối ở Syria đã có cuộc gặp bí mật với giới cầm quyền mới ở Libya ngày 25.11 nhằm đảm bảo vũ khí và tiền bạc cho cuộc nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, theo báo Anh Telegraph.

Tại cuộc gặp, vốn được tổ chức ở Istanbul và bao gồm các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, quân nổi dậy Syria đã yêu cầu “sự hỗ trợ” từ các đại diện Libya và được đề xuất cung cấp vũ khí và có thể cả những người tình nguyện.

“Có một điều gì đó đang được hoạch định nhằm gửi vũ khí và thậm chí các tay súng Libya sang Syria”, tờ báo dẫn một nguồn tin Libya giấu tên, “Có một sự can thiệp quân sự đang được thực hiện. Chỉ trong vài tuần bạn sẽ thấy”.


Cờ của Libya và Syria trong một cuộc biểu tình ở Tripoli hồi tháng 9.2011 - Ảnh: Reuters

Theo ghi nhận của Telegraph, các cuộc thảo luận sơ bộ về việc cung cấp vũ khí diễn ra khi các thành viên của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), phong trào chống đối chính ở nước này, thăm Libya đầu tháng này.

“Người Libya đang đề nghị cung cấp tiền bạc, sự huấn luyện và vũ khí cho Hội đồng Dân tộc Syria”, Wisam Taris, một nhà vận động nhân quyền có liên hệ với SNC, nói thêm.

Thông tin trên được tiết lộ khi các tay súng chống đối Syria đã tấn công một căn cứ không quân bên ngoài thành phố Homs và giết 6 phi công, theo thông báo của quân đội Syria.

Các vụ tấn công đã trở thành sự kiện thường nhật kể từ khi phong trào chống đối bắt đầu ở Syria. Cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 3.500 người, chủ yếu do chiến dịch trấn áp mạnh tay của chính phủ, theo các số liệu chưa được kiểm chứng của truyền thông phương Tây.

Chính phủ al-Assad tiếp tục chống lại áp lực của Liên đoàn Ả Rập, phớt lờ thời hạn chót 25.11 mà tổ chức này đặt ra để chính phủ Syria chấp nhận 500 quan sát viên quốc tế vào nước này, đồng nghĩa với việc tổ chức này sẽ chuẩn thuận các biện pháp trừng phạt Damascus trong cuộc họp cuối tuần này.

Tháng trước, chính quyền lâm thời Libya đã trở thành chính thể đầu tiên công nhận phong trào đối lập Syria là “chính quyền hợp pháp” của nước này.

Các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền cho biết, hiện những lô hàng vũ khí lớn vẫn chưa được chuyển sang Syria do khó khăn về hậu cần. Nhưng những đề xuất lập một “vùng đệm” bên trong Syria, do Liên đoàn Ả Rập giám sát, hoặc có thể sự xuất hiện một khu vực hoàn toàn do phe chống đối Syria kiểm soát có thể giải quyết vấn đề này.

“Đề nghị của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya là nghiêm túc”, ông Taris nói. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống al-Assad, hiện đang chứa chấp khoảng 7.000 nhà hoạt động đối lập, bao gồm thủ lĩnh của Quân đội Giải phóng Syria, một tổ chức chống đối mới thành lập, trong một “vùng an toàn” dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Các nguồn tin tại thành phố Misrata của Libya cho biết một số vũ khí có thể đã được gửi. Một số người buôn lậu đã bị bắt quả tang bán vũ khí cho những người mua Syria ở Misrata, tờ báo dẫn lời một người buôn lậu súng cho các tay súng Libya trong cuộc xung đột vừa qua ở quốc gia Bắc Phi.

Libya thời hậu chiến tràn ngập vũ khí, phần lớn lấy từ các kho quân sự được duy trì bởi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi trước đây.

Hameda al-Mageri thuộc Hội đồng Quân sự Tripoli, cho biết người Libya liên kết chặt chẽ với sự nghiệp của người Syria. Có hàng trăm người muốn sang chiến đấu ở Syria, hoặc giúp bằng những cách khác nếu họ có thể làm được.

Tuy nhiên giới chức Libya bác bỏ thông tin trên. “Đây là điều bạn nghe ở ngoài đường. Về mặt chính thức thì không có điều này. Tôi sẽ không bao giờ đưa các tay súng đi chiến đấu ở ngoài nước”, Ramadan Zarmoh, người đứng đầu Hội đồng quân sự Misrata, nói.

Các bộ trưởng của Liên đoàn Ả Rập sẽ họp tại Cairo (Ai Cập) vào cuối tuần này để xem xét các biện pháp trừng phạt Syria.

Thủ tướng Anh David Cameron và người đồng cấp Qatar Sheikh Hamad bin Jassem al-Thani, ngày 25.11 đã cam kết tăng cường tiếp xúc với các nhóm đối lập Syria.

“Họ đã nói rõ về tầm quan trọng của việc chính quyền Syria chấp nhận sáng kiến hòa bình của Liên đoàn Ả Rập nhằm chấm dứt bạo lực và họ đồng ý về sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại với các phong trào đối lập Syria để hậu thuẫn quá trình chuyển tiếp sang một nền dân chủ ổn định và toàn diện”, một phát ngôn viên của Phố Downing cho biết.

Các biện pháp đang được xem xét được cho là bao gồm việc ngừng toàn bộ các chuyến bay đến sân bay Syria, ngừng các giao dịch với ngân hàng trung ương nước này và phong tỏa các tài khoản ngân hàng của chính phủ Syria.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu có đủ sự hậu thuẫn cho việc áp dụng các biện pháp nói trên hay không. Li-băng đã công khai phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria.

Khang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét