Mỹ “vào hùa” cùng EU siết chặt trừng phạt Iran

Thứ Tư, 25/01/2012 - 15:01

(Dân trí) - Sau khi EU áp đặt biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ Iran, Mỹ cũng đã lập tức đưa thêm ngân hàng lớn thứ ba của Nhà nước Hồi giáo vào danh sách đen nhằm siết chặt hơn nữa luồng tiền có thể cấp cho hoạt động phát triển hạt nhân của nước này.
 >>  Iran phản pháo quyết định cấm vận dầu mỏ của EU
 >>  Mỹ và phương Tây tiếp tục siết chặt gọng kìm đối với Iran

Trụ sở Ngân hàng Tejarat tại thủ đô Tehran. 
Những “nạn nhân” mới nhất trong quyết định trừng phạt của Mỹ nhằm vào hệ thống tài chính - ngân hàng của Iran là Ngân hàng Tejarat và Trade Capital Bank có trụ sở tại Belarus.
Washington cho biết hai thực thể tài chính này đã cung cấp các dịch vụ tài chính cho một số ngân hàng và công ty vốn đang phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ vì có liên quan tới chương trình hạt nhân quân sự của Iran. Tính đến nay, đã có 23 thể chế tài chính của Iran, trong đó có toàn bộ các ngân hàng lớn nhất của nước này, đã bị Mỹ áp đặt trừng phạt.
"Các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Ngân hàng Tejarat sẽ làm tăng sự cô lập tài chính đối với Iran, khiến nước này gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận với các ngoại tệ mạnh, làm giảm đi tham vọng của Tehran trong việc cung cấp tài chính cho chương trình hạt nhân trái phép của nước này", Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Cohen cho biết.   
Với việc bị đưa vào sổ đen, Trade Capital Bank và Ngân hàng Tejarat với gần 2.000 chi nhánh tại Iran cùng các chi nhánh tại Pháp, Tajikistan sẽ không thể tiếp cận được với hệ thống tài chính của Mỹ.
Trước đó, các Ngoại trưởng EU đã lần đầu tiên quyết định áp đặt lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ của Iran, bao gồm việc cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và vàng của nước này. Quyết định của EU được xem là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế Iran vốn phụ thuộc tới 70% vào dầu mỏ , vì EU hiện là thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất của nước này.
Lệnh cấm của EU đã lập tức đẩy giá dầu mỏ tăng mạnh trong 2 phiên liên tiếp và hiện đang đứng ở mức 99,24 USD/thùng cho dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3/2012 và 110, 25 USD/thùng cho dầu Brent biển Bắc giao cùng thời kỳ.
Iran đã lập tức lên án lệnh cấm vận của EU là thiếu cân nhắc, không công bằng; đồng thời cho rằng việc EU quyết định không nhập khẩu dầu của Iran sớm muộn cũng sẽ thất bại. Tehran cũng cho rằng EU đưa ra quyết định trên do “chịu sức ép chính trị từ phía Mỹ” và rằng Tehran sẽ không bao giờ từ bỏ quyền phát triển hạt nhân dân sự vì bất kỳ sức ép nào.

Vũ Anh
Theo AFP, Reuters

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét