Lãi suất cho vay VND vẫn ở mức cao

HNMO:
23/09/2011 21:15

(HNMO)- Mặc dù nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay bằng VND nhưng trong tuần qua, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, trong đó lãi suất cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất lên tới 25%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần từ ngày 10/9 đến 16/9, lãi suất huy động VND ít biến động, các tổ chức tín dụng huy động với mức lãi suất phổ biến 14%/năm đối với tiền gửi bằng VND; 2%/năm đối với tiền gửi bằng USD của dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức kinh tế.

Đáng chú ý, lãi suất cho vay bằng VND vẫn ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 17-19%/năm; lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh khác phổ biến ở mức 18-21%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất 22-25%/năm.

Như vậy, mức lãi suất của tuần thứ 2 trong tháng 9 hầu như không thay đổi so với thời gian trước đó mặc dù từ ngày 8/9 và một vài ngày sau đó nhiều ngân hàng thương mại đã công bố giảm lãi suất cho vay bằng VND nhằm dần đưa lãi suất về mức 17-19%/năm theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Ảnh minh họa

Trên thị trường liên ngân hàng, cũng trong tuần qua, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng bằng VND có xu hướng tăng nhẹ đối với các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng trở xuống và không kỳ hạn. Riêng các kỳ hạn dài từ 3 tháng đến 12 tháng, lãi suất lại có xu hướng giảm so với mặt bằng lãi suất bình quân tuần trước đó với mức giảm từ 0,56% đến 0,75%/năm.

Lãi suất bình quân qua đêm ở mức 12,71%/năm, tăng 0,01%. Lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại đều dao động quanh mức 13% và 13,5%; trong đó cao nhất thuộc về kỳ hạn 1 tháng, ở mức 13,76% (ngoại trừ lãi suất không kỳ hạn).

Đối với các giao dịch bằng USD, lãi suất có xu hướng giảm đối với các kỳ hạn qua đêm, 2 tuần và 3 tháng với mức giảm từ 0,02% đến 1,25%. Riêng kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng lãi suất tăng. Lãi suất bình quân qua đêm ở mức 0,72%/năm, giảm 0,02%/năm; lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại dao động từ 1,60% đến 5%/năm. Trong tuần không phát sinh giao dịch USD 6 tháng và không kỳ hạn; giao dịch USD 12 tháng phát sinh không đáng kể.

Tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần qua đạt xấp xỉ 98.638 tỷ VND và 2.375 triệu USD, bình quân đạt khoảng 19.728 tỷ VND và 475 triệu USD/ngày.

Các giao dịch VND tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần), với tổng doanh số 2 kỳ hạn này chiếm 68% tổng doanh số; giao dịch bằng USD vẫn tập trung vào kỳ hạn qua đêm, với doanh số kỳ hạn này chiếm 48% tổng doanh số.

Thứ Bảy, 24/9/2011, 22:22 (GMT+7)




thesaigontimes.vn

Những chuyển động ngầm của lãi suất

Hải Lý
Thứ Bảy, 24/9/2011, 12:34 (GMT+7)









Mức lãi suất 17-19%/năm hiện nay vẫn còn cao so với sức chịu đựng của các doanh nghiệp cần vay vốn. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) - Lãi suất cho vay trước sau gì cũng phải giảm nữa, về 15-16%/năm thì doanh nghiệp mới vay. Lãi suất 17-19%/năm vẫn là quá cao để người sản xuất - kinh doanh có lời, nền kinh tế có tăng trưởng.

Mười hai ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cơ chế tháo gỡ những vấn đề thanh khoản, nguồn vốn, phạm vi hoạt động. Trong số này, năm ngân hàng được cho là yếu kém nhất sẽ được giám sát và có thể được tiếp nhận “cứu trợ” tái cấp vốn ngay.

Mười ngày đầu tiên thực thi trần lãi suất, không ít ngân hàng kêu bị rút tiền. Có ngân hàng nói với báo chí họ bị rút cả ngàn tỉ đồng. Một độc giả đọc xong, liền ghi lại tên ngân hàng bị rút tiền và cho biết sẽ không gửi tiết kiệm ở ngân hàng đó. Lập luận của bà là: “Sao người ta rút ở ngân hàng đó mà không rút ở ngân hàng khác? Chắc ở đó có vấn đề, tốt nhất không gửi”. Giới quan sát không lập luận như người gửi tiền. Họ suy diễn, kiểu ấy chắc có vấn đề về thanh khoản, nên mới lên tiếng như thế. Nói bị rút tiền, khác nào “lạy ông tôi ở bụi này!”.

Hai sự dịch chuyển

Trần lãi suất huy động đang làm dịch chuyển dòng tiền. Sự dịch chuyển thứ nhất là từ kênh tiết kiệm chảy vào một số kênh khác, như vàng, bất động sản, chứng khoán. Tiền chảy sang bất động sản có thể có, nhưng vẫn hết sức mờ nhạt. Tiền sang cổ phiếu được ghi nhận khi các công ty chứng khoán cho biết số tiền mới được nhà đầu tư nộp vào tài khoản gần đây tăng lên 3.000-5.000 tỉ đồng/công ty loại vừa và lớn. Số tiền này có khả năng được giải ngân, có khả năng không, song ít nhất nó minh chứng mối quan tâm đến cổ phiếu đang hiện hữu. Một phần của tiết kiệm chuyển hướng vào vàng. Bằng chứng là người dân vẫn hào hứng mua vàng mỗi khi giá xuống, dù giá trong nước cao hơn thế giới cả triệu đồng/lượng.

Sự dịch chuyển thứ hai là tiền tiết kiệm từ các ngân hàng nhỏ về các ngân hàng lớn, có tiếng tăm, có mạng lưới rộng và dịch vụ tốt. Sự dịch chuyển này diễn ra đúng ý đồ của cơ quan quản lý. Trước hết đa số các ngân hàng không lành mạnh đều đã hết dư địa tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cho vay phi sản xuất còn cao. Do đó dù có huy động được vốn nhiều, họ cũng không thể cho vay thêm, hoặc chỉ có thể cho vay thêm một phần rất nhỏ nữa. Cái họ muốn níu kéo chính là thị phần, nguồn dự trữ bù đắp thanh khoản và nguồn vốn để duy trì các khoản nợ không thể trả đúng hạn. Nói một cách khác, họ phải nuôi nợ nhưng nuôi bằng cách nào nếu không phải là tái tài trợ (đảo nợ)? Muốn tái tài trợ, phải có tiền cho vay mới, để người nợ lấy khoản vay mới trả nợ cũ.

Ở thị trường liên ngân hàng, lãi suất những ngày này đang cao hơn huy động từ dân cư. Với các ngân hàng có vấn đề, lãi suất vay mượn được tiền còn cao hơn nữa vì người cho vay tính phí rủi ro vào đấy. Một khi nguồn vốn huy động từ dân cư không còn như trước, từ liên ngân hàng cũng thu hẹp, thì cách còn lại là “gõ cửa” NHNN xin tái cấp vốn. Tái cấp vốn lúc này đi kèm với điều kiện khắc nghiệt!

Ngược với các ngân hàng nhỏ, các ngân hàng lớn đang được hưởng lợi. Hầu hết các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng cổ phần hàng đầu đều còn khả năng tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Sacombank, theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đến 31-8-2011 tăng trưởng tín dụng mới có 6,4% so với cuối năm ngoái. Vietcombank sáu tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chưa đầy 10%. Mức tăng tín dụng của Agribank, BIDV còn thấp hơn. Giảm lãi suất là cơ hội để các ngân hàng nói trên mở cửa tín dụng. Tất nhiên, các ngân hàng cần thời gian để điều hòa dòng vốn. Tính toán của VPBank là ngân hàng cần ba tháng để hạ mặt bằng lãi suất đầu vào để có thể cho vay đại trà 17-19%/năm. Hiện tại giá thành nguồn vốn huy động của nhiều ngân hàng vẫn xung quanh 18%/năm do tiết kiệm lãi suất cao trước đây.

Cái nhìn mới về lãi suất

Đã manh nha một cách nhìn mới về lãi suất.

Trong khi một số ngân hàng phàn nàn bị rút vốn, một số ngân hàng khác im lặng. Ngân hàng XYZ bắt đầu khuyến mãi các loại dịch vụ đi kèm cho cả người dân và doanh nghiệp nếu gửi tiền dài hạn sáu tháng trở lên. Thí dụ miễn phí chuyển tiền du học, phát hành thẻ quốc tế, phí bảo lãnh, mở L/C, phí giao dịch ngoại hối... Tổng giám đốc một ngân hàng phân tích: “Lãi suất cho vay trước sau gì cũng phải giảm nữa về 15-16%/năm thì doanh nghiệp mới vay. Lãi suất 17-19%/năm vẫn là quá cao để người sản xuất - kinh doanh có lời, nền kinh tế có tăng trưởng. Cùng lãi suất 14%/năm, huy động kỳ hạn càng ngắn, ngân hàng càng thiệt và nếu không hạ được lãi suất đầu ra, tín dụng cuối năm và năm tới sẽ khó khăn nhiều”.

Có cơ sở cho một nhận định như vậy. Cơ sở thứ nhất là NHNN cho biết không nhất thiết sử dụng hết room tín dụng còn lại của năm nay. Mục tiêu của NHNN là tăng trưởng tín dụng năm 2011 đạt 18%, có thể thấp hơn. Cơ sở thứ hai là tăng trưởng tín dụng năm sau dự kiến mức 18-20%. Khi tăng trưởng tín dụng bị khống chế, ngân hàng sẽ phải lựa khách hàng để cho vay. Không ngân hàng nào muốn cho doanh nghiệp chấp nhận lãi suất 20-23%/năm vay cả vì rủi ro đi kèm lãi suất cao là chắc chắn.

Tín hiệu về tăng trưởng tín dụng quyết định dòng vốn đầu vào. Liệu ngân hàng có thật sự cần thiết thu hút vốn trong dân bằng mọi giá, kể cả lãi suất cao, khi đầu ra được ấn định mức nhất định? Nhìn từ đây, lãi suất huy động sẽ phải hạ xuống, độ nóng của thị trường tiền tệ những năm qua sẽ được san đều cho thị trường vốn. Đỉnh của lãi suất đã qua rồi! Và những ngân hàng nhạy bén không phải là những ngân hàng kêu to nhất đang bị rút vốn.


nld.com.vn

Tiểu xảo lách lãi suất

Thứ Ba, 20/09/2011 21:50

Huy động vốn theo kỳ hạn ngày, tuần… sao cho “lãi mẹ đẻ lãi con” là một trong những thủ thuật vượt rào lãi suất đầu vào

Sau khi có quyết định lãi suất tiền gửi VNĐ không quá 14%/năm thực thi được 2 tuần, thị trường lãi suất tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số ngân hàng (NH) đang đối mặt nguy cơ nguồn vốn sụt giảm phải tìm cách “lách”.

“Chiêu” kỳ hạn ngày

Một trong những “chiêu” đang được nhiều NH áp dụng là tăng lãi suất huy động ngắn ngày (tính theo ngày hoặc tuần) chạm mức 14% để thu hút khách hàng. NH Phương Tây tung ra loại tiền gửi kỳ hạn 1, 2, 3, 4, 5, 6 ngày, lãi suất đều ở mức 13,8%/năm (0,0386%/ngày). Nhiều NH khác cũng áp dụng lãi suất 14%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần, tiền gửi thanh toán. Câu hỏi đặt ra liệu mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn ngày, tuần có vượt trần lãi suất 14%/năm?

Giả sử khách hàng gửi 100 triệu đồng theo kỳ hạn 1 ngày lãi suất 13,8%/năm thì ngày đầu tiên, người gửi nhận được số tiền lãi 38.600 đồng. Đến ngày thứ hai, số lãi này được cộng vào số tiền gửi ban đầu, cứ thế, “lãi mẹ đẻ lãi con” cho đến hết tháng thì lãi suất thực tế sẽ lên tới 15%-16%/năm. Tương tự, người gửi tiết kiệm theo kỳ hạn tuần, các khoản tiền gửi thanh toán cũng hưởng được lãi suất thực tế cao hơn 14%/năm...

Dòng vốn bắt đầu dịch chuyển mạnh khiến các NH nhỏ gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Ảnh: Hồng Thúy
Ngoài ra, do áp lực về chỉ tiêu huy động vốn nên các chi nhánh, phòng giao dịch của nhiều NH còn “vượt rào” lãi suất bằng chi trả trực tiếp phần lãi suất cộng thêm, chuyển tiền vào tài khoản cho người “đóng vai” giới thiệu khách hàng đến NH gửi tiền hoặc hợp thức hóa phần lãi suất trả thêm thông qua việc mua - bán vàng…
Tuy nhiên, khi một trong những cách thức lách luật lãi suất có nguy cơ bị cơ quan quản lý phát hiện, một NH lớn đã đi trước một bước bằng cách kỷ luật cán bộ của mình nhằm “né” các biện pháp xử lý vi phạm lãi suất của NH Nhà nước. Dư luận cho rằng đây cũng là một tiểu xảo của NH liên quan đến lãi suất huy động vốn.

Nguồn vốn dịch chuyển

Do cùng một mặt bằng lãi suất đầu vào nên thị trường có sự chuyển dịch tiền từ NH này đến NH khác. Mặt khác, trước đây, một số doanh nghiệp tạm ngưng hoặc thu hẹp sản xuất, dùng vốn tự có gửi NH, nay lãi suất giảm mạnh, họ rút ra để kinh doanh. Từ đó, nguồn vốn của một số NH nhỏ sụt giảm, dẫn đến mất cân đối số vốn ra vào (thanh khoản) tạm thời nên những NH này buộc phải cạnh tranh huy động vốn theo kỳ hạn ngày, tuần…

Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NH Đông Á (DongA Bank), cho biết DongA Bank “bốc hơi” trung bình 20 tỉ đồng/ngày. Còn phó tổng giám đốc của một NH khác ở TPHCM cũng cho biết đang hết sức lo lắng khi nguồn vốn của NH mình sụt giảm 200 tỉ đồng sau gần 2 tuần áp dụng trần lãi suất 14%/năm, buộc phải vay vốn NH bạn với lãi suất 15%-16%/năm (kỳ hạn tuần) và 17%-18%/năm (kỳ hạn tháng).

Trong khi đó, 12 NH lớn đang nắm giữ 80% thị phần cho biết nguồn vốn gần như không sụt giảm. Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc NH Hàng hải (Maritime Bank), nói tình hình huy động vốn của Maritime Bank không có biến động tiêu cực trong những ngày gần đây. Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Trương Văn Phước cũng khẳng định dư nợ cho vay không tăng nên Eximbank đang dư thừa vốn…

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng: Mặt bằng lãi suất đầu vào xuống còn 14%/năm, người dân rút tiền từ NH nhỏ đến gửi NH lớn là tất yếu. Mộ bộ phận dân cư cũng rút tiền để mua vàng, USD… mà biểu hiện của nó là giá vàng và tỉ giá ngoại tệ tự do trong những ngày gần đây đều tăng. Để sống còn, các NH nhỏ buộc phải vay vốn NH bạn, đồng thời cần thông báo trực tiếp “sức khỏe” của mình với NH Nhà nước để được tái cấp vốn.

Lãi suất cho vay vẫn còn rất cao

Tuần qua, dù nhiều NH đưa ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, 18% - 19%/năm, cá biệt có gói tín dụng chỉ trên 16%/năm cho nhiều đối tượng khách hàng, nhất là cho vay phục vụ xuất khẩu, có sử dụng các dịch vụ của NH… Tuy nhiên, ngoài các gói tín dụng ưu đãi, mặt bằng lãi suất cho vay của các NH nhìn chung vẫn còn trên dưới 20%/năm. Tại nhiều NH, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khoảng 22%- 23%/năm; lãi suất cho vay tiêu dùng từ 20%- 24%/năm; cho vay nhà đất từ 20,3% - 22,8%/năm và cho vay mua xe từ 21,8% - 23%...

Thy Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét