Nhà tài phiệt Boris A. Berezovsky. Ảnh: AP. |
Nhà tài phiệt số 1 lực lưỡng hung hăng, đằng đằng sát khí, nói nhiều, ngồi ở một góc phòng xử án. Ở góc kia, nhà tài phiệt số 2, bảnh bao, lịch sự, kín đáo, kiệm lời, giận dữ, hết sức khó chịu khi phải xuất hiện ở đây.
Vụ kiện tụng giữa hai nhà tài phiệt người Nga Boris A. Berezovsky và Roman A. Abramovich đang vén lên những bức màn bí mật về một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nước Nga.
Hai cộng sự trong những năm 90 đang có cuộc chiến tranh cãi nảy lửa tại Tòa án Tối cao Anh trong tháng qua. Ông Berezovsky, 65 tuổi, tuyên bố rằng ông Abramovich nợ ông khoảng 5,8 tỷ USD. Ông Abramovich, 45 tuổi, thì nói ông chẳng nợ nần gì Berezovsky cả. Đây được coi là vụ kiện cá nhân lớn nhất thế giới.
Theo lời khai trước tòa án, mọi chuyện bắt đầu với cuộc gặp gỡ của hai nhà tài phiệt vào năm 1994 trên một chiếc du thuyền tư nhân đến vùng Caribbe. Khi đó, ông Berezovsky từ bỏ vị trí của một học giả để trở thành ông chủ của một đại lý hãng xe hơi lớn nhất của Nga. Berezovsky còn là bạn thân của tổng thống Nga lúc đó Boris Yeltsin. Abramovich, một cựu binh và cũng là nhà nhập khẩu đồ chơi, đang bắt đầu mở rộng công việc kinh doanh sang lĩnh vực dầu mỏ. Abramovich đã quyết định cùng Berezovsky chung vốn trong một thương vụ táo bạo.
Abramovich đóng góp sự láu cá của mình trong kinh doanh và tiền bạc, đổi lại Berezovsky dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục chính phủ tư nhân hóa hai tập đoàn dầu khí Siberia để rồi sau đó sẽ bán cổ phần cho Sibneft, một công ty do Berezovsky, Abramovich và một doanh nhân giàu có ở Georgia là Arkady Patarkatsishvili chung vốn làm ăn. Thỏa thuận cũng sẽ giúp ông Berezovsky nhận được một số tiền lớn từ Abramovich để tái đầu tư vào công ty truyền thông ORT của Berezovsky.
Ông Berezovsky nói thỏa thuận này kèm điều kiện ông sở hữu một phần của công ty dầu mỏ Sibneft. Nhưng Abramovich sau đó đã đe dọa và ép Berozovsky bán cổ phần cho Abramovich vào năm 2001 với giá chỉ 1,3 tỷ USD. Sau đó chính ông Abramovich quay ra bán số cổ phần đó cho công ty với giá lên tới 11,9 tỷ USD vào năm 2005.
Phía Abramovich bác bỏ tất cả những cáo buộc trên. Abramovic khẳng định rằng Berezovsky không hề nắm giữ cổ phần trong công ty Sibneft. Thay vào đó, vai trò Berezovsky trong các giao dịch đó là cung cấp “krysha”, nghĩa đen là “mái nhà” hay “bảo vệ”. “Ảnh hưởng chính trị của ông ấy rất cần thiết và tôi đã trả tiền cho những ảnh hưởng đó”, Abramovich trình bày với tòa án.
Những mánh khóe làm ăn, bao gồm những liên doanh trong lĩnh vực hàng không và khai thác nhôm, đòi hỏi hai người và các cộng sự gặp nhau ở những nơi đặc biệt kín đáo, chẳng hạn ở câu lạc bộ của Berezovsky ở Moscow, ở Riviera, ở dãy núi Alps của Pháp, ở khách sạn Dorchester ở London, trên máy bay riêng và siêu du thuyền, sân bay trực thăng và nhiều phi trường. Ông Berezovsky dựa vào chứng cứ quan trọng là cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện của họ ở phòng VIP của sân bay Le Bourget ở Paris vào năm 2000. Trong giấy tờ trình lên tòa án, Berezovsky cho biết ông đồng ý mua lại cuốn băng này từ một người đàn ông với giá 80 triệu USD (hoặc 5% số tiền đền bù nếu ông thắng trong vụ kiện) nhưng ông từ chối tiết lộ danh tính của người này.
Tỷ phú Nga Roman Abramovich. Ảnh: EPA. |
Abramovich thì biện hộ rằng, trong suốt thời gian đó ông liên tục phải cung cấp một số tiền lớn để giúp đỡ Berezovsky về mặt tài chính, người mà Abramovich nói là có “lối sống xa hoa”. Chẳng hạn như ông đã thanh toán các hóa đơn thẻ tín dụng của bạn gái Berezovsky, tiền thuê máy bay cho ông Berezovsky và mua cho ông một ngôi nhà ở Cap d’Antibes, Pháp. Abramovich nói, năm 2000, ông đưa cho Berezovsky 305 triệu USD bởi vì “tôi muốn ông ấy có thể gây dựng sự nghiệp riêng ở nước ngoài”.
Cả hai người giờ đây tỏ rõ sự khó chịu, thậm chí khinh thường khả năng của nhau. “Để có được sức bật trong kinh doanh, bạn phải là người thông minh”, ông Berezovsky nói ở tòa án, “nhưng Abramovich không có tư chất đó”. Trong khi đó, Abramovich mô tả đối thủ của mình là một người “ba hoa và khoác lác một tấc lên trời”. Ông còn nói đối thủ là người không có đầu óc làm kinh doanh, cẩu thả, vô tổ chức và thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp.
Cả hai người cũng khoác lác đến mức tự huyễn hoặc mình. Abramovich khẳng định trong các giấy tờ trình tòa án rằng ông không có “lối sống xa hoa”, chỉ nhắc nhở tòa án là ông có một số bất động sản khổng lồ ở London và một lâu đài ở Pháp cũng như câu lạc bộ bóng đá Chelsea và du thuyền lớn nhất thế giới. Berezovsky khai bằng thứ tiếng Anh hoa mỹ nhưng lại không đúng ngữ pháp (Abramovich nói tiếng Nga và dùng phiên dịch). Berezovsky thì liên tục có những lời khai mâu thuẫn khi bày tỏ quan điểm về việc dùng một công ty truyền thông để ủng hộ một chính trị gia đổi lấy các quyền lợi chính trị có phải là tham nhũng hay không.
Tranh chấp giữa hai nhà tài phiệt đã kéo dài suốt bốn năm mà không có kết quả. Vụ kiện được bắt đầu từ sự ngẫu nhiên oái oăm năm 2007. Lúc đó Berezovsky vừa rời cửa hàng Dolce & Gabbana, bỗng nhiên nhận ra Abramovich đang bước vào cửa hàng Hermes gần đó.
Berezovsky lệnh cho một vệ sĩ quay lại xe ô tô lấy các giấy tờ của tòa án nhằm kiện Abramovich - rõ ràng là ông ấy đã chuẩn bị và luôn mang theo mình những giấy tờ này - rồi vào cửa hàng Hermes. Ông đưa các giấy tờ tòa án cho Abramovich và nói “tôi có món quà này cho ông”.
Berezovsky nói cảnh tượng đó “giống như một cảnh trong phim ‘Bố già’”.
Thật vậy, giữa lúc truyền thông châu Âu đang đói tin tức, vụ kiện tụng này đã tạo lên một không khí náo nhiệt như phim ảnh. Khi đến tòa, hai nhà tài phiệt mang theo cả đoàn tùy tùng với những vệ sĩ tai mang máy bộ đàm, và cả những cô bạn gái điệu đà với những chiếc túi xách hàng hiệu.
Trong mười năm qua, vận may chỉ đến với một người.
Berezovsky rời khỏi nước Nga vào năm 2001 và tị nạn ở Anh. Berezovsky đã bị Nga kết án vắng mặt vì tội nhận hối lộ, gian lận và tham ô. Hồi đầu năm ngoái, tờ Sunday Times ước tính tổng giá trị tài sản của Berezovsky khoảng 800 triệu USD.
Còn Abramovich vẫn là một công dân Nga, và có quan hệ thân thiết với Thủ tướng Vladimir Putin. Thời báo Sunday Times ước tính tài sản của nhà tài phiệt này là 17 tỷ USD.
Cao Thu (theo NYT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét