>> VUSTA kiến nghị chưa thông qua đồ án quy hoạch Hà Nội
>> Hà Nội giữ quan điểm “bác” trục Hồ Tây - Ba Vì
>> Hội Kiến trúc sư phản bác trục Hồ Tây - Ba Vì
Hà Nội vừa có văn bản góp ý Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô gửi Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Theo đó, góp ý về đô thị hạt nhân trung tâm, Hà Nội cho rằng, cần định hướng chuỗi đô thị mở rộng (vành đai 3 - vành đai 4) là đô thị sinh thái, có mật độ xây dựng thấp, kiến trúc hiện đại đảm bảo tính chất cạnh tranh và hỗ trợ giảm dân cư cho lõi trung tâm, tổ chức các điểm nhấn cao tầng hợp lý, không nên xây dựng chuỗi khu đô thị nén cao tầng như đề xuất.
Về các đô thị vệ tinh, trước đây Hà Nội cũng đã có sơ đồ phát triển vùng lân cận với các đô thị vệ tinh đối trọng xung quanh (quy hoạch 108), nhưng thực tiễn cho thấy, đô thị Sóc Sơn, Hòa Lạc, Sơn Tây đã nhiều năm đầu tư vẫn không phát triển theo dự báo để trở thành các đô thị đối trọng và số lượng người đến đây chỉ để mua đất làm biệt thự, nhà cuối tuần, trang trại, không đáng kể so với yêu cầu giãn dân.
Vì vậy, thành phố đề nghị cần phải có giải pháp cụ thể để các đô thị vệ tinh phải đảm bảo vai trò thu hút dân từ trung tâm ra ngoài, song phải ngăn được làn sóng di cư từ các tỉnh lân cận vào trung tâm Hà Nội.
Trong đó, đô thị Hoà Lạc, cần nghiên cứu, ngoài các khu chức năng như công nghệ, đại học, trung tâm đô thị cao tầng, phần còn lại là đô thị sinh thái mật độ thấp, chất lượng sống cao để đáp ứng tính đối trọng và thu hút người dân khu đô thị trung tâm.
Với trục Hồ Tây - Ba Vì, Hà Nội cho rằng, để tạo ra các trục không gian cảnh quan từ Trung tâm Ba Đình - Hồ Tây về các phía Cổ Loa, Sóc Sơn, Ba Vì. Theo đó, trục này hỗ trợ liên kết các không gian cảnh quan lớn từ Ba Đình - Hồ Tây - Tây Hồ Tây - Trung tâm văn hóa du lịch Ba Vì. Trục này nên kết thúc tại trước Hồ Đồng Mô, chân núi Ba Vì.
Đoạn từ vành đai 3,5 đến vành đai 4 cơ bản đi thẳng tạo lập không gian mở gồm: quảng trường, vườn hoa, không gian xanh kết nối hành lang xanh và vành đai sông Nhuệ, các nhu cầu hoạt động công cộng văn hóa của thành phố mà trong nội đô còn thiếu, không có khả năng đáp ứng.
Trước mắt để tạo một trục cảnh quan, điểm nhấn không gian kiến trúc đô thị mới của Thủ đô chỉ nên xây dựng một đoạn từ vành đai 3 đến vành đai 4 và quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng trong khu vực hành lang xanh. Đoạn có hướng tuyến còn lại xác định theo địa hình và đặc điểm hiện trạng (ngoài vành đai 4) để khi cần xây dựng không giải phóng mặt bằng hoặc hạn chế tới mức thấp nhất.
Đoạn tuyến từ vành đai 3,5, vành đai 3, đến Hoàng Quốc Việt để phù hợp với điều kiện thực tiễn tại khu vực đoạn tuyến đi qua có nhiều dự án đã và đang xây dựng, các khu di dân giải phóng mặt bằng, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng, Hà Nội cho rằng, khi đã khẳng định không xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì, việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - chính trị - xã hội.
Tiếp đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong văn bản góp ý với đồ án cũng cho rằng, việc chọn địa điểm Ba Vì để dự trữ cho khu xây dựng các công trình của các bộ, ngành là không có cơ sở cả về khí hậu, đất đai, tính chất, cảnh quan và tính xã hội nhân văn. Chính vì vậy trục Hồ Tây - Ba Vì không còn cơ sở để tồn tại trong đồ án.
Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng nhấn mạnh, đề xuất làm đường Hồ Tây - Ba Vì còn thiếu căn cứ khoa học nhất là khi chúng ta đang tập trung đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long, đường mới Tây Thăng Long, đường sắt Láng - Hòa Lạc, nâng cấp đường 32. Trong khi dự báo tăng dân số của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây lên đến gần một triệu người là không có cơ sở.
Cấn Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét