Thứ Năm, 16/09/2010 - 07:50
Theo anh Hoàng Văn Lưỡng (38 tuổi, trú tại thôn Quy Lai, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang), vào thời điểm trên khi anh đang đánh bắt cá tại vùng nước lợ cách bờ biển thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương chừng hơn 200m thì có một con hải cẩu lớn đã lọt vào lưới.
Vội kêu thêm 7 ngư dân ở xung quanh, anh Lưỡng cùng mọi người phải mất gần nửa tiếng mới bắt được con hải cẩu này vì nó vùng vẫy quá mạnh và luôn gừ miệng chực cắn để tự vệ. Phải dùng một lưới nhỏ và mang găng tay, các ngư dân này mới bắt được hải cẩu.
Theo ước tính, con hải cẩu này nặng trên 25kg, rất khỏe mạnh và hay sủa (tiếng như tiếng chó). “Tuy nhiên, là hải cẩu đực hay hải cẩu cái thì chưa ai xác định được vì thò tay vào chuồng là nó cắn”, một người vui miệng nói.
Hiện, chú hải cẩu đã được nuôi ở một lồng nước chừng 2m2 sát bờ phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam.
Thông tin con hải cầu “lưu lạc” vào vùng biển Thừa Thiên - Huế khiến cho hàng trăm người dân hiếu kỳ đã đến xem.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, mắt trái của hải cẩu hay nhắm lại (có thể do tổn thương), đuôi bị xước nhẹ và nó có vẻ hơi yếu và sợ hãi vì trong lồng có nhiều cá, tôm do người dân bỏ vào nhưng đã hơn 1 ngày, chú hải cẩu vẫn không ăn.
Anh Nguyễn Tất Thành (59 tuổi, trú tại thôn Thai Dương Hạ Trung, xã Hải Dương) cho biết cách đây 20 ngày, nhiều ngư dân đã thấy chú hải cẩu này xuất hiện quanh khu vực này.
Theo một ngư dân ở đây, cách 15 năm trước cũng có 1 con hải cẩu được người dân bắt được ở ngoài khơi biển Hải Dương. Sau đó, hải cẩu đã được thả về biển.
Đã có một vài lái buôn ra giá cho chú hải cẩu từ 1 - 3 triệu nhưng anh Lưỡng không bán.
Chiều 15/9, khi PV Dân trí điện thoại báo tin cho ông Phan Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế thì ông này cho hay hiện sở vẫn chưa biết thông tin này.
Theo ông Việt, hải cẩu xuất hiện tại bờ biển Việt Nam nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng là một hiện tượng hiếm thấy từ trước đến nay. Nguyên nhân có thể do biến đổi khí hậu. Theo luật pháp đối với động vật quý hiếm, cá nhân đã phát hiện và bắt giữ hải cẩu không được phép mua, bán.
“Chúng tôi sẽ chỉ đạo đoàn cán bộ của Chi cục Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản về ngay tại hiện trường để bảo vệ hải cẩu trước sự chọc phá của dân. Đồng thời, liên lạc với các viện nghiên cứu để xác định mẫu của chú hải cẩu này và tìm ra nguyên nhân vì sao hải cẩu lại “lưu lạc” đến đây”, ông Việt cho biết.
Dưới đây là chùm ảnh về chú hải cẩu hiếm hoi bị lạc trong biển Hải Dương được PV ghi lại vào trưa 15/9.
Đại Dương
Thứ Năm, 16/09/2010 - 23:27
Thừa Thiên - Huế:
Đôi mắt khẩn thiết của chú hải cẩu mong muốn về sống dưới “mái nhà” biển cả.
Trong mấy ngày qua, nhiều lực lượng gồm công an xã, biên phòng cùng Chi cục Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang phối hợp với người dân bảo vệ, chăm sóc chú hải cẩu.
Hiện, cơ quan chức năng đang ra sức kêu gọi người dân bàn giao hải cẩu cho chính quyền, tuy nhiên những ngư dân bắt được hải cẩu không chịu và đặt giá 15 triệu đồng vì họ đã có công bắt được động vật quý.
Ông Phan Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiện - Huế cho hay: “Sở đang tích cực tuyên truyền và giải thích cho người dân biết Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Còn nếu họ cứ khăng khăng đòi tiền “chuộc” hải cẩu thì chúng tôi sẽ dùng đến biện pháp cưỡng chế để cứu hải cẩu”.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì việc ngư dân bắt được loại hải cẩu này là một hiện tượng lạ. Chi cục đã mời 2 đoàn gồm các nhà khoa học, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hải sản (Viện Hải Dương học Nha Trang) về Huế để cùng giúp đỡ, chăm sóc hải cẩu trong ngày 17/9.
Chiều 16/9, PV Dân trí cũng đã có cuộc trao đổi với PGS - TS. Võ Văn Phú, Chủ nhiệm bộ môn Tài nguyên và Môi trường (Khoa Sinh học, ĐH Khoa học Huế) được biết: “Đây là loài hải cẩu đen đặc trưng cho vùng khí hậu lạnh từ 40 độ Vĩ Bắc trở lên Bắc bán cầu.
Loài này thường sinh sống dưới những tảng băng trôi, có thể nín thở đến 30 phút để lặn xuống nước bắt mồi (cá). Hải cẩu hô hấp bằng phổi, là động vật đẳng nhiệt nên chúng không thích hợp với nhiệt độ tại vùng nước ven bờ của ngư dân đang nuôi, lại càng không tương thích với độ mặn của nước đầm phá (nước lợ). Vì vậy nếu không nhanh chóng đưa về môi trường sống thích hợp, chú hải cẩu này sẽ có nguy cơ tử vong cao”.
Theo TS. Phú, chú hải cẩu với chiều dài trên 1 mét, nặng trên 25 kg cho thấy đây là hải cẩu đã trưởng thành. Việc cần nhất hiện nay là các cơ quan chức năng phải làm thế nào đưa hải cẩu về sống ở biển hoặc các khu du lịch, resort có môi trường nước thích hợp cùng các chuyên gia chăm sóc.
Đại Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét