Trung Quốc doạ Nhật Bản


Cập nhật lúc 12h04" , ngày 12/09/2010 -
Tàu Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (11/9) đã quyết định hoãn các cuộc đàm phán về vấn đề biển Hoa Đông với Nhật đồng thời cảnh báo nước này sẽ phải “nếm trái đắng” nếu tiếp tục có "hành động khinh suất" liên quan đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên.

Lời cảnh báo sắc lạnh trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra đúng một ngày sau khi một tòa án Nhật đưa ra phán quyết kéo dài thời gian giam giữ thêm 10 ngày đối với thuyền trưởng một tàu cá của Trung Quốc. Con tàu này đã đụng độ với tàu tuần tra của Nhật Bản hôm 7/9 ở ngoài khơi nhóm đảo gọi là Senkaku (theo tiếng Nhật) hay là Điếu Ngư (theo tiếng Trung Quốc).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Jiang Yu đã phản ứng một cách đầy giận dữ trước quyết định trên của tòa án Nhật Bản.

Phát biểu trong một tuyên bố được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc www.mfa.gov.cn chiều hôm 10/9, bà Jiang cho biết, Bắc Kinh đã quyết định hoãn vòng đàm phán sắp tới với Tokyo nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai nước ở khu vực Biển Hoa Đông. Các cuộc đàm phán này trước đó được dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 9.

Nữ phát ngôn viên Jiang còn cảnh báo, điều tồi tệ hơn có thể xảy ra nhưng không nói cụ thể đó là gì. "Phía Nhật đã phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của Trung Quốc khi vẫn quyết định tiếp tục giam giữa thuyền trưởng Trung Quốc để chờ đưa ông này ra xét xử theo luật địa phương. Trung Quốc bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối hành động đó", bà Jiang nói.

"Hành động của Nhật Bản là vi phạm luật quốc tế và lý lẽ thông thường trong các vấn đề quốc tế. Đó là những hành động vô lý, bất hợp pháp và vô nghĩa. Nếu Nhật Bản tiếp tục hành động theo kiểu bất cẩn và kinh suất như vậy, họ sẽ phải nếm trái đắng từ việc làm của mình ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Phản ứng trước quyết định trên của phía Trung Quốc, một nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cho rằng “việc Trung Quốc đơn phương thông báo hoãn các cuộc đàm phán là điều thật đáng tiếc," hãng tin Kyodo đưa tin.

Sau đó, cũng trong ngày hôm qua, Nhật Bản đã chính thức gửi văn bản bày tỏ sự phản đối đối với Trung Quốc sau khi một con tàu thuộc Cục Đại dương nước này tìm cách chặn không cho một chiếc tàu của Lực lượng Bảo vệ Nhật Bản thực hiện chuyến đi thám hiểm đại dương ở khu vực cách đảo Okinawa của Nhật Bản về phía tây bắc khoảng 280km.

Toyky cho biết tàu của họ rõ ràng đang hoạt động trong khu vực đặc quyền kinh tế của mình và vẫn ở khu vực đó sau khi hoàn thành cuộc thám hiểm. Đây là cuộc đụng độ thứ 3 trên khu vực biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc chỉ trong vài ngày ngắn ngủi vừa qua. Trước vụ việc này và vụ việc một thuyền trưởng Trung Quốc bị Nhật bắt giữ vì tội cản trở người thi hành công vụ, hôm 7/9, một tàu tuần tra bờ biển của Nhật Bản đã va chạm với tàu cá của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.

Những vụ đối đầu trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc diễn ra liên tục trong mấy ngày gần đây đã khiến cho cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài bao lâu nay giữa hai cường quốc Châu Á này xung quanh nhóm đảo ở biển Hoa Đông trở nên ngày một căng thẳng.

Sự ngờ vực

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo từ lâu đã luôn bị bao phủ bởi sự ngờ vực, không tin tưởng lẫn nhau cũng như sự cay đắng của Trung Quốc về giai đoạn bị Nhật Bản chiếm đóng trước và trong thế chiến II.

Báo chí Trung Quốc từng cảnh báo rằng dân chúng nước này có thể sẽ nổi giận về vụ Nhật Bản bắt thuyền trưởng của họ và những phản ứng cứng rắn chính thức của Bắc Kinh nói trên dường như là để tránh những lời cáo buộc về sự yếu kém của họ từ những người dân đang đầy tức giận.

Sáng hôm qua, Trung Quốc đã huy động số lượng cảnh sát nhiều hơn thường lệ để đến bảo vệ Đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, chỉ có một nhóm nhỏ khaongr 10 người Trung Quốc tụ tập biểu tình vào buổi chiều trước khi bị giải tán.

Tokyo đã bày tỏ sự phản đối về cuộc biểu tình nói trên và kêu gọi sự bình tĩnh. Tuy nhiên, Tokyo không có biết nước này có ý định xét xử thuyền trưởng người Trung Quốc hay không và liệu họ định giam giữ ông này trong bao lâu.

Cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển Hoa Đông đang bùng lên đã khiến cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á lao đao sau một thời gian dài được cải thiện. Trước đó, năm 2005 và 2006, quan hệ hai nước từng rơi vào khủng hoảng với một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ ở mỗi nước và cuộc chiến ngoại giao quyết liệt.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét