Bị cấm, tiền âm phủ giống tiền polymer thật vẫn tràn lan

16:36:00 25/08/2010
In tiền âm phủ gần giống với tiền thật là vi phạm quy định của Nhà nước. Quyết định 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm sao chụp tiền Việt Nam đồng dưới bất cứ mục đích nào. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất đồ vàng mã vẫn cho in và bán loại tiền âm phủ có mẫu mã, màu sắc gần giống với tiền thật, gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Thậm chí, một số đối tượng đã dùng loại tiền này làm phương tiện để lừa đảo.

Nguy cơ thật, giả lẫn lộn

Rằm tháng 7, đâu đâu cũng thấy người dân tìm mua các loại tiền, vàng mã để cúng. Một trong những loại tiền âm phủ được ưa chuộng và có sức tiêu thụ mạnh chính là tiền polymer âm phủ. Tuy không phải làm bằng chất liệu polymer, nhưng những tờ tiền âm phủ được làm bằng giấy cứng, có màu sắc giống với tiền polymer thật. Khi mới nhìn qua, có lẽ hầu hết mọi người đều nhầm lẫn. Tiền polymer thật có mệnh giá bao nhiêu thì tiền polymer âm phủ có đủ các mệnh giá đó, từ loại tiền nhỏ là 10.000 đồng cho đến loại 500.000 đồng.

Những ngày này, tại các điểm bán đồ mã hoặc ngay trên vỉa hè đều có người bán hàng rong bày bán các loại tiền này kèm với tiền vàng mã truyền thống. Trên mỗi tờ tiền polymer âm phủ, một mặt được in màu sắc khác một chút so với tiền thật, nhưng mặt sau thì màu sắc gần như giống hệt tiền thật. Nếu không nhìn kỹ dòng chữ "ngân hàng địa phủ" thì có lẽ ai cũng nhầm tưởng là tiền thật. Giống tiền thật nhất chính là tờ có mệnh giá 50.000 đồng. Mỗi tập polymer âm phủ thường được đóng 60 tờ, bọc trong giấy nilon tạo độ cứng, được bán với giá 3.000 đồng/tập. Nhìn hình thức đẹp và giống tiền thật nên nhiều người dân chọn mua loại tiền mới này thay cho loại tiền âm phủ truyền thống trước đây để cúng lễ.

Tiền âm phủ được in giống tiền thật.

Do mẫu mã, màu sắc giống với tiền thật nên không ít người dân đã bị nhầm lẫn loại tiền này. Có lần, bà Nguyễn Thị Lanh ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội đã nhìn thấy tập tiền 500.000 đồng khách đặt trên bàn thờ trong ngày giỗ. Tưởng là khách cúng tiền thật nên khi họ ra về, bà Lanh cầm tập tiền đuổi theo ra cổng, ấn vào tay khách. Khi được mọi người nhắc là tiền đó để "hóa" cho các cụ thì bà Lanh mới biết rằng đó không phải là tiền thật, thậm chí bà còn thấy xấu hổ với khách vì sự nhầm lẫn của mình.

Không chỉ gây nhầm lẫn, một số đối tượng đã lợi dụng sự giống nhau giữa tiền polymer âm phủ và tiền thật để lừa đảo. Gần đây nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 25-7 tại Hà Nội. Đối tượng Lê Văn Quỳnh ở Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã dùng tiền âm phủ lừa đảo, chiếm đoạt 500 đô la Australia và 4 triệu đồng của một khách nước ngoài. Người khách có quốc tịch Australia khi đang đi bộ trên phố cổ, quận Hoàn Kiếm thì Quỳnh đến tiếp cận và dẫn ông khách này đi thăm quan. Sau đó, Quỳnh giới thiệu rằng có thể đổi tiền cho ông này với mức cao. Ông khách tin lời và đưa cho Quỳnh 500 đô la Úc. Quỳnh đưa cho ông ta số tiền 6 triệu đồng tiền âm phủ. Đúng lúc Quỳnh đổi tiền, tổ công tác của Công an phường Đồng Xuân phát hiện và bắt quả tang.

Sau khi được các đồng chí Công an giải thích số tiền đổi cho Quỳnh, vị khách nước ngoài mới biết đó không phải là tiền thật. Theo lời khai của Quỳnh tại cơ quan Công an, anh ta cho biết trước đó đã từng lừa lấy 4 triệu đồng của khách bằng thủ đoạn đổi giúp 8 tờ polymer mệnh giá 500.000 đồng ra tiền mệnh giá thấp hơn.

Phải quản lý và xử phạt các cơ sở in ấn

Trước sự xuất hiện của loại tiền âm phủ làm giống tiền polymer thật và một số nguy cơ do nó mang lại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, quản lý ngay từ khâu xét duyệt mẫu in tiền vàng mã. Theo Điều 3, Quyết định số 30/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: "Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước".

Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ sở in đồ vàng mã vẫn lén lút in ấn mẫu tiền giống với tiền thật và đưa ra lưu hành trên thị trường. Còn người mua, bán thì thực hiện công khai mà không bị nhắc nhở, xử lý.

Theo một cán bộ quản lý thị trường, hiện mới có quy định xử lý cơ sở in ấn theo Nghị định số 105/2007/NĐ-CP về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm, chứ chưa có quy định xử lý đối với việc sử dụng tiền âm phủ giống với tiền thật.

Để tránh việc nhầm lẫn và lợi dụng tiền âm phủ cho mục đích khác, đề nghị cơ quan cấp phép, quản lý cơ sở in ấn có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không nên để loại tiền âm phủ giống với tiền thật đưa ra lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, người dân cũng nên ủng hộ quy định bảo vệ tiền Việt Nam bằng cách tẩy chay loại tiền âm phủ này


Việt Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét