Nằm cạnh trung tâm xã nhưng thôn 3A với hơn 80 hộ dân và gần 400 nhân khẩu được xem là "thôn cô đơn". Bởi từ nhiều năm qua người dân trong xã ai cũng biết rằng đây là thôn có nhiều người chết do bệnh ung thư, và người dân cho rằng do nguồn nước nơi đây đã bị ô nhiễm.
Biết chúng tôi về đây tìm hiểu, một số người dân đã dặn dò: "Nếu vào đây ai mời các chú uống nước thì đừng uống nhé, uống nước ở đây bị ung thư đó". Nghe người dân nói thế, chúng tôi không khỏi rợn người và quyết đi tìm thực hư thế nào.
Trước năm 1968, thôn 3A nằm ở gần ngoài đường cái lớn, gần Ủy ban xã. Nhưng sau năm đó, toàn bộ thôn được xã chuyển vào trong dốc núi, thuộc địa phận Khe Khế, Giếng Nẩy cách đó khoảng 500m để xã trồng hoa màu. Cuộc sống người dân cứ thế trôi đi êm đềm, đến năm 2005 người dân trong thôn bắt đầu hoang mang vì có nhiều người chết do ung thư, mà hầu hết là ở độ tuổi 40-50 như anh Nguyễn Hữu Cường (43 tuổi), anh Nguyễn Hữu Đương (41 tuổi), hay anh Nguyễn Hữu Thực (47 tuổi).
Quá hoang mang, lãnh đạo thôn đã báo cáo lên chính quyền xã và ngay lập tức xã báo cáo lên trên. Vào tháng 5/2008, đoàn chuyên môn của tỉnh về lấy mẫu xét nghiệm và kết luận nguồn nước tại thôn 3A đã bị nhiễm thạch tín và cấm người dân sử dụng. Trong gần 2 năm qua thôn 3A đã có 16 người chết vì ung thư, hiện nay trong thôn còn có 3 người ung thư giai đoạn cuối đang chờ chết như bà Nguyễn Thị Hiệu, anh Nguyễn Văn Thông và cháu Trần Văn Chính. Ngoài ra còn nhiều trường hợp bị một số bệnh khác như anh Nguyễn Hữu Lý, tay chân bị nổi các khối u rất lớn.
Một thực tế đáng buồn nữa là người dân ở đây muốn bán đất nhưng cũng không ai mua cho dù rẻ, con em của họ còn được gia đình khuyến khích nếu làm ăn được thì định cư tại nơi ở mới đừng về. Dẫu biết là vậy nhưng trong 2 năm qua người dân nơi đây vẫn phải sử dụng nguồn nước để sinh hoạt, nhà nào khá giả thì có thêm cái bình lọc cho đỡ ô nhiễm hơn.
|
Giếng nước ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải dùng. |
Bác Trần Văn Sáu, Trưởng thôn 3A cho biết: "Trước đây phía trên dốc của xóm có một cái kho đựng thuốc sâu, thôn lại nằm dưới chân núi nên lượng nước đổ từ khe xuống làm ngập các giếng của người dân. Và làm cho nguồn nước ở đây bị ô nhiễm.
Để khắc phục nguồn nước bị ô nhiễm người dân thôn 3A đã buộc phải tự cứu lấy mình bằng nhiều cách khác nhau, nhà khá giả mua bình lọc, người nghèo thì đựng nước mưa để sử dụng. Tại Trường THCS Thanh Phong, hơn 530 học sinh và gần 43 cán bộ giáo viên của trường trong 2 năm qua đã phải dùng nước bằng nguồn nước mưa mà nhà trường cùng với nhân dân đã bỏ vốn gần 40 triệu đồng để xây dựng. Nhiều lúc trời nắng hạn nhà trường lại phải xuống tận thị trấn để mua nước sạch cho giáo viên, học sinh.
Thầy Trần Công Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Phong cho biết: "Trong năm 2008, trường có hai thầy là thầy Trần Văn Thành và thầy Nguyễn Bá Trường cũng mất vì ung thư". Có nhiều giáo viên ở những nơi khác đến công tác tại đây không dám uống nước, thậm chí còn mang nước từ nhà đi, còn học sinh một số đựng trong các bình nhựa mang đi chứ không dám uống nước của trường
Đưa vấn đề này trao đổi với lãnh đạo xã Thanh Phong ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư kiêm Chủ tịch xã cho biết: "Xã cũng đã nắm được tình hình nhưng do vấn đề nằm ngoài sự giải quyết của xã, nên chỉ còn cách là động viên nhân dân cố gắng chờ đợi có kinh phí xây dựng các bể chứa nước để lấy nguồn từ nước mưa". Thế là từ trong nhiều năm qua, người dân thôn 3A đã phải sử dụng nguồn nước bẩn, nước ô nhiễm mà hậu quả của nó đã thấy rõ. Thế nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có phương pháp trước mắt nào để giải quyết và cứu lấy những con người vô tội nơi đây, những đứa trẻ chưa hiểu như thế nào là ô nhiễm cũng phải hằng ngày uống một thứ nước mà không biết là độc, cuộc sống người dân nơi đây đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét