Game online "rút vào... bí mật"?!

16:10:00 18/09/2010
Tưởng rằng, sau những tuyên bố quyết liệt của các cơ quan chức năng, thì game online sẽ... không còn đất sống. Ấy thế nhưng, theo điều tra của chúng tôi, sau khi "lệnh giới nghiêm" được ban ra (bắt đầu từ ngày 1/9/2010), hoạt động của các đại lý Internet trên địa bàn TP Hà Nội hầu như chỉ bị ảnh hưởng không đáng kể. Và cũng gần như ngay lập tức, rất nhiều đại lý đã có những biện pháp đối phó, lách luật.
>> Đã có “vòng kim cô” cho… trò chơi trực tuyến

Những hệ lụy xấu mà Game Online (GO) gây ra đối với giới trẻ nói riêng, với xã hội nói chung là điều không có gì còn phải bàn cãi. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã có một động thái được dư luận đánh giá là "mạnh tay" nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn còn phải kiểm chứng.

Cấm cứ cấm, chơi cứ chơi (!?)

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ TT-TT, từ nay đến hết năm 2010, Bộ sẽ tạm dừng cấp phép mới các trò chơi trực tuyến (game online) trong khi chờ quy chế mới về quản lý trò chơi được ban hành; tạm dừng quảng cáo trò chơi trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet dừng cung cấp đường truyền cho các đại lý Internet sau giờ đóng cửa theo quy định của chính quyền địa phương.

Gương mẫu đi đầu, Sở TT-TT thành phố Hà Nội ngay sau đó đã tiến hành thống kê và gửi danh sách các đại lý Internet vi phạm quy định về khoảng cách trường học đến các đại lý cung cấp dịch vụ Internet. Theo đó, đại lý nào gần trường học với khoảng cách dưới 200m có hạn chót là hết tháng 8/2010 mà không di dời địa điểm sẽ bị đề nghị cắt đường truyền.

Thống kê sơ bộ cho kết quả có 313 đại lý Internet vi phạm quy định này trong tổng số hơn 3.400 đại lý Internet trên địa bàn TP Hà Nội. Sở cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet cắt vĩnh viễn đường truyền Internet đối với những đại lý vi phạm (danh sách do thanh tra cung cấp).

Ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cũng cho biết, Sở đã gửi kiến nghị Bộ TT-TT yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet và GO phải có phần mềm giám sát, truy cập theo giờ, lọc các trò chơi được phép lưu hành. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện có 72 trò chơi GO đang được lưu hành trên mạng, trong đó 2/3 số đó là trò chơi bạo lực.

Tưởng rằng, sau những tuyên bố quyết liệt của các cơ quan chức năng, thì GO sẽ... không còn đất sống. Ấy thế nhưng, theo điều tra của chúng tôi, sau khi "lệnh giới nghiêm" được ban ra (bắt đầu từ ngày 1/9/2010), hoạt động của các đại lý Internet trên địa bàn TP Hà Nội hầu như chỉ bị ảnh hưởng không đáng kể. Và cũng gần như ngay lập tức, rất nhiều đại lý đã có những biện pháp đối phó, lách luật.

21 giờ ngày 9/9/2010, chúng tôi có mặt tại đại lý GO số 103 E3 Lê Thanh Nghị. Chỉ cần nhắc tới con phố này, các “tín đồ” của GO đã "nhộn nhạo" cả người. Bởi từ nhiều năm nay, biết bao nhiêu "giang hồ hiệp khách" đã ra đời, "trưởng thành" tại đây. Với hàng vài chục đại lý Internet, mỗi đại lý có từ vài chục đến cả trăm dàn máy công suất cao, phục vụ 24/24 giờ, thỏa mãn mọi nhu cầu của các "thượng đế".

Lúc chúng tôi đến, may quá còn 2 máy trống. "Nhập vai" dân nghiền net, thế là chúng tôi hòa mình vào thế giới của những "trai anh hùng gái thuyền quyên" cùng nhau “bôn tẩu giang hồ”. Chỉ thấy âm thanh rầm rộ của đám người ngựa đang di chuyển, tấn công, đồ sát... được phát ra bởi những cặp loa công suất lớn khiến cho những người không quen cảm thấy nhức óc. Bên tả, các chiến binh với giáp trụ sáng ngời, trang bị gươm giáo súng ống đến tận răng xông vào bắn giết như điên trong "Đột kích", "Tru Tiên Online"... Bên hữu, đám hảo hán cưỡi những con ngựa lênh khênh lao vào cuộc huyết chiến trong "Cửu Long tranh bá", "Thiên Long bát bộ"... Cả quán game lúc này đều như say trong một cơn cuồng sát.

Thấy chúng tôi chỉ vào các website đọc báo, rồi chơi trong các webgame, mấy game thủ liếc mắt qua với vẻ... khinh thường, rồi lại say sưa bôn tẩu. Đồng hồ lúc này đã chỉ sang "giờ giới nghiêm" là 23 giờ. Trong khi các game thủ vẫn không rời mắt khỏi màn hình, thì những nhân viên của quán bắt đầu lục tục chạy ra kéo cửa xếp lại. Một cậu còn đi các bàn, "khua" những game thủ có xe để ở ngoài để dắt vào trong nhà. Sau khi dắt xe chúng tôi vào bãi để xe ở phía cuối quán, là sân của một khu tập thể, một cậu nhân viên không quên dặn: "Chỉ được lấy xe tầm 2 giờ sáng anh nhé".

Tất cả các cửa chính, cửa phụ của quán đều đã được đóng kín, khóa chặt; chỉ còn một khe nhỏ đủ cho 1 người lách được vào. Điện cũng được tắt bớt đi, chỉ còn độ 1-2 bóng tỏa ánh sáng le lói. Song chẳng hề gì, với các game thủ thì bàn phím đã thuộc làu làu, nhắm mắt cũng gõ trúng. Sau khi nhân viên thay ca và bàn giao từng xấp tiền lẻ đã được vuốt gọn gàng cho ông chủ thì họ cũng chúi mũi vào màn hình để tiếp tục chơi GO như các game thủ khác. Thỉnh thoảng đứng lên, vừa ngáp vặt, họ vừa lờ đờ đi cung cấp "lương thực" như thuốc lá, trà đá, nước giải khát... theo yêu cầu của các "chiến binh". Cùng lúc, các cô bác bán xôi, bánh mỳ, bánh bao, cháo thịt... cũng tấp nập chào mời. Loáng thoáng có một vài game thủ tạm rời bỏ "chiến trường", mua đồ ăn lót dạ.

Gần 1 giờ sáng, một tốp thanh niên không biết từ đâu kéo nhau đổ bộ vào quán. Tất cả đều lách người qua khe cửa, dĩ nhiên phải là khách quen mới biết được. Trong đó, có cả mấy em teen nữ xinh như mộng. Theo lời chủ quán, trong giới gamer nữ hiện đã xuất hiện các nhóm được gọi là G2S (viết tắt của Girls Game Sex). Đó là những cô gái nghiện game, tụ bạ thành hội và sẵn sàng... vui vẻ với những ai cung cấp tiền cho họ chơi game, nạp thẻ, ăn uống, ngủ nghỉ.

2 giờ sáng, chúng tôi thanh toán tiền rồi mò sang khu Bách Khoa. Tấp vào đại lý Internet 106K3 Bách Khoa, một người chạy ra dắt xe tít vào một ngõ trong. Ngồi vào ghế chủ quán giao hẹn mỗi lần ra vào mất 4.000 đồng, không tính giờ. Cửa xếp loẹt xoẹt mở, chui qua một bức màn cảnh tượng bày ra trước mắt tôi vẫn hệt như khi chưa có "lệnh cấm". Nhiều game thủ cởi trần, cắm mặt vào game loạn đả. Một số chắc do mệt quá, xếp ghế lăn ra ngủ. Ngồi được tầm 30 phút thì một nhóm G2S đứng lên thanh toán, leo lên một chiếc taxi rồi mất hút.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu như các đại lý Internet khu vực Lê Thanh Nghị, Đồng Tâm, Bách Khoa đều áp dụng chiêu khóa cửa chính, mở cửa hậu để tiếp tục kinh doanh dịch vụ Internet thâu đêm suốt sáng.

Tình trạng kinh doanh Internet ở những quán game có mặt tiền lớn, trên phố to thì như vậy, còn ở những ngõ phố nhỏ như Pháo Đài Láng, Khương Thượng thì vẫn "y như cũ". Các game thủ vẫn tha hồ "thế thiên hành đạo" bất kể ngày đêm!

Game Đạt 316, D4 Giảng Võ đã “treo cà phê... bán game!” (ảnh Vietnamnet)

Nhiều chiêu lách luật

Trên nhiều diễn đàn GO, hiện chủ đề hot nhất vẫn là "Sau 23 giờ chơi game ở đâu" và "Quán game ruột chuyển chỗ nào". Và sau khi Hà Nội có lệnh cấm các dịch vụ Internet quá gần trường học, thì các chủ quán lập tức có những biện pháp đối phó.

Điển hình là quán Game Đạt 3 tại địa chỉ 116, D4 Giảng Võ. Đây vốn là một địa chỉ yêu thích của nhiều game thủ ở thủ đô. Các máy ở đây hiếm khi có chỗ trống. Tuy nhiên, từ ngày 15-8-2010, Đạt 3 đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vì quán đặt ngay trước cửa Trường Mầm non Hoa Sen và chủ quán không có bằng cấp về công nghệ thông tin. Nhiều game thủ Hà thành đi qua thấy quán treo biển bán nhà, thanh lý máy thì thở dài vì mất đi địa chỉ yêu thích.

Thế nhưng, chưa đầy một tuần sau, Game Đạt 3 bỗng dưng... “đội mồ sống dậy” khi cửa quán lại rộng mở, các game thủ lại "chiến" ầm ầm. Chỉ có khác là quán có thêm 2 tấm biển dán giấy khổ lớn với dòng chữ "Quán bán cafe nước giải khát, khách được truy cập Internet miễn phí". Các game thủ khi vào chơi đều phải mua một cốc cà phê hoặc chai nước ngọt. Lúc ra thanh toán dĩ nhiên vẫn phải chịu thêm tiền ngồi máy, song lại được tính chung vào "tiền nước".

Ngày 30/8, thanh tra Sở TT-TT TP Hà Nội đi kiểm tra vẫn thấy đại lý này hoạt động. Té ra, quán game này có hẳn tới 3 đường truyền. Nhà cung cấp ngắt đường này thì họ dùng đường khác. Cho tới thời điểm này, Game Đạt 3 đã buộc phải ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, chủ quán vẫn cười hì hì: "Quán chuyển về phố Nguyễn Ngọc Vũ, cách cầu 100m, hai hôm nữa khai trương nhé".

Bên cạnh đó, một chủ quán net cho biết từ ngày nghe phong thanh tin phải đóng cửa sau 23 giờ liền lập tức đăng ký sử dụng những đường truyền nhỏ hơn để cầm cự hoạt động. Hoặc chuyển sang gói cước trung bình, thậm chí dùng tới cả USB 3G. Tuy nhiên khi dùng đường truyền nhỏ đồng nghĩa với việc chất lượng đường truyền yếu. Chỉ cần 1 trong số 30 máy ở quán download hay xem phim trực tuyến, lập tức tất cả các máy khác sẽ bị giật màn hình. Có chủ quán láu cá hơn, đã nhờ đường truyền Internet ở... nhà bên cạnh để đấu nối vào mạng nhà mình.

Một số chủ quán lại khuyến khích game thủ kết nối mạng LAN (mạng nội bộ) giữa các máy trong quán. Và thế là các cuộc chiến vẫn có thể tiếp diễn, không cần quan tâm đến việc có mạng hay không.

Trong một diễn biến khác, các nhà cung cấp dịch vụ Internet tỏ ra không mấy nhanh nhẹn trong việc... cắt đường truyền, mặc dù về kỹ thuật việc này chỉ cần những động tác hết sức đơn giản. Nhiều người sử dụng Internet đã nhận xét vui: "Nếu mà các thuê bao cá nhân chây ỳ không chịu nộp tiền sử dụng dịch vụ đúng thời gian thì sẽ bị cắt xoẹt không thương tiếc. Ấy thế nhưng khi Bộ TT-TT, các Sở TT-TT địa phương đề nghị cắt đường truyền đối với các dịch vụ Internet trái quy định của Nhà nước thì... "hãy đợi đấy"!

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở TT-TT TP Hà Nội cho biết: "Chiều ngày 10/9, nhà cung cấp dịch vụ FPT đã gửi công văn đến Sở thông báo trước mắt sẽ thực hiện ngay việc cắt đường truyền đối với các đại lý Internet gần trường học. Với những đại lý khác doanh nghiệp này... hứa sẽ sớm thực hiện quy định cắt dịch vụ sau 23 giờ".

Cũng theo quy định của Sở TT-TT, tại máy chủ của đại lý Internet phải cài phần mềm quản lý nội dung truy cập để lực lượng chức năng kiểm tra. Song cũng không có nhiều đại lý chấp hành. Có đại lý chấp nhận thì các máy hầu như đều được cài đặt phần mềm Deep frezee (đóng băng ổ cứng). Khi có phần mềm này, chỉ cần khởi động lại máy thì toàn bộ thông tin mà game thủ truy cập đều bị xóa sạch.

Cần nhiều động thái hơn nữa

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 account (tài khoản) đăng nhập vào các chương trình GO. Cao nhất là game Audition của VTC có tới 2 triệu 500 ngàn tài khoản đăng nhập; “Đột kích” cũng có tới 1 triệu 800 ngàn tài khoản đăng nhập. Thời gian nhiều người tham gia chơi nhất vào khoảng từ 19 đến 23 giờ hàng ngày.

Cho dù những quy định của Bộ TT-TT có được thực hiện nghiêm túc đi chăng nữa thì vấn nạn GO vẫn còn nhiều điều cần phải bàn.

Trước tiên, việc xóa các điểm kinh doanh Internet cách trường học 200m là rất cần thiết. Thế nhưng với các điểm cách trường 201-210m thì dĩ nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh. Trên thực tế khoảng cách này cũng chỉ đáng vài bước chân - thiết nghĩ cũng không phải là biện pháp lâu dài để hạn chế học sinh nghiện game. Hơn nữa, có nhiều quán nếu tính đường chim bay thì dưới 200m, nhưng phải đi đường vòng qua tường cạnh cổng trường lại quá 200m, nên không thể đề nghị dừng cung cấp dịch vụ được. Nên cần điều chỉnh quy định trong những trường hợp này cho hợp lý.

Thứ hai, việc cắt đường truyền của các dịch vụ Internet sau 23 giờ phải kết hợp với việc kiểm tra của các cơ quan chức năng sở tại tránh việc các chủ đại lý Internet dùng đường truyền khác để tiếp tục kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần phải tiến hành thực hiện nghiêm túc quy định trẻ em dưới 18 tuổi không được sử dụng dịch vụ Internet, nếu không có sự giám sát của người lớn.

Và sau một thời gianchúng tôi khảo sát tình hình các quán net ở Hà Nội sau "giờ giới nghiêm", nếu như nhìn từ bên ngoài thì rõ ràng các cửa tiệm đã thực hiện nghiêm túc lệnh cấm. Nhưng chỉ cần đi sâu tìm hiểu, thì té ra vẫn là một cảnh khác, là một thế giới đang thức, rất nhộn nhịp như không hề biết tới việc Hà Nội đã thực sự về đêm


Minh Tiến - Chuyên đề An ninh thế giới số 994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét