Hợp tác tình báo Mỹ - Pakistan tiếp tục gặp trở ngại

CAND.COM
4:40, 28/06/2011




Những nỗ lực nối lại hợp tác tình báo giữa Mỹ và Pakistan tiếp tục vấp phải trở ngại sau khi những thông tin tình báo mà Mỹ chia sẻ với Pakistan bỗng dưng lọt vào tay các phiến quân Taliban. Đồng thời, thái độ hợp tác thờ ơ của Pakistan cho thấy Mỹ đang mất dần chỗ đứng ở Nam Á sau hàng loạt sự cố do chính mình gây ra.

Ngày 9/6 vừa qua, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Giám đốc CIA Leon Panetta đã đến Pakistan gặp gỡ tướng Ashfaq Parvez Kayani - Tổng Tư lệnh quân đội Pakistan - và tướng Ahmed Shuja Pasha - Giám đốc Cơ quan Tình báo Pakistan ISI - để thảo luận về hướng hợp tác tình báo trong tương lai, một nỗ lực nhằm khôi phục lại quan hệ chung giữa hai nước. Tuy nhiên, chuyến đi của ông Panetta đã được chào đón bởi loạt đánh bom tự sát ở thành phố Peshawar làm chết 35 người và hơn 100 người bị thương.

Từ hơn một năm nay, chính quyền Mỹ đã nhiều lần thúc ép Islamabad tăng cường các cuộc truy quét vào các khu bộ lạc vùng rừng núi phía bắc - tây bắc và tây nam Pakistan, nơi được xem là "thiên đường của khủng bố", nhưng sự đáp ứng của Islamabad dường như là "để cho có" chứ không thật sự mặn mà. Đây có thể được xem là giai đoạn u ám nhất cho quan hệ đối tác song phương Mỹ-Pakistan, đồng thời là giai đoạn thử thách nghiêm trọng nhất cho sự hiện diện chiến lược của Mỹ ở khu vực Nam Á.

Chuyến đi của ông Panetta, ngoài mục đích nêu trên còn có một phần liên quan đến những vụ việc rò rỉ thông tin tình báo gần đây liên quan đến việc truy quét các phiến quân Taliban.

Cuộc đối thoại hôm 10/6 giữa ông Leon Panetta và tướng Ashfaq Parvez Kayani chưa thể tạo nên bước đột phá nào trong việc cải thiện quan hệ 2 nước.

Sự việc diễn ra từ khoảng giữa tháng 5/2011, nhân chuyến công tác đến Pakistan, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Marc Grossman và Phó giám đốc CIA Michael Morell đã cho tướng Kayani và tướng Pasha xem những đoạn video ghi hình từ vệ tinh do thám và những thông tin tình báo mật liên quan các cơ sở chế tạo vũ khí của phiến quân Taliban và Al-Qaeda ở các vùng bộ lạc Bắc và Nam Waziristan.

Một trong các video ghi hình ảnh về một cơ sở chế tạo bom của phiến quân Taliban tại một trường học dành cho nữ ở thành phố Miram Shah thuộc Bắc Waziristan, nơi được xem là hang ổ của mạng lưới khủng bố Haqqani. Video thứ hai cho thấy một cơ sở vũ khí khác do Al-Qaeda quản lý ở tỉnh Nam Waziristan. Việc chia sẻ những video tình báo này là thêm một nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng lại lòng tin với đối tác Pakistan.

Ngay sau chuyến đi của 2 ông Grossman và Morell, chính quyền Mỹ tiếp tục yêu cầu Pakistan cho phép CIA tiếp cận khu nhà ở của Osama bin Laden ở thị trấn Abbottabad. Khoảng một tuần sau, Pakistan chấp thuận yêu cầu này.

Sau đó, nhân chuyến thăm Pakistan đột xuất hôm 27/5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc lại vấn đề “chia sẻ thông tin” những video tình báo. Sau chuyến đi, bà Hillary tiếp tục điện thoại "nhắc nhở" Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gilani. Một tuần sau chuyến thăm của bà Hillary, vào ngày 4/6, Pakistan mới "động binh" thực hiện điều bà Clinton nhắc. Tuy nhiên, khi quân đội Pakistan đến các địa điểm nêu trong video tình báo của Mỹ thì phiến quân đã rút đi từ trước đó.

Sự việc đã khiến giới chức tình báo và an ninh Mỹ nghi ngờ có sự rò rỉ thông tin từ nội bộ Pakistan - kể cả khả năng ISI đã "mật báo" để phiến quân biết được và đi trước một bước. Một quan chức Pakistan cũng xác nhận khả năng này với báo chí và cho biết quân đội Pakistan hiện đang tra xét xem thông tin đã rò rỉ từ đâu.

Báo Time cho biết, tại cuộc gặp đầu tiên vào chiều tối ngày 10/6 với tướng Kayani và tướng Pasha, ông Panetta đã đưa ra một đoạn video thu từ vệ tinh dài 10 phút, trong đó cho thấy hình ảnh các phiến quân đang di dời khỏi các cơ sở chế tạo bom ở Waziristan. Theo giới chức an ninh Mỹ, các phiến quân Taliban tại tỉnh Bắc Waziristan là lực lượng do Hafiz Gul Bahadur and Sirajuddin Haqqani chỉ huy thường xuyên thâm nhập qua biên giới Afghanistan tấn công quân Mỹ và NATO.

Ông Panetta đặt thẳng vấn đề rằng, có khả năng là phiến quân đã được mật báo trong vòng 24 giờ sau khi thông tin tình báo được chia sẻ giữa Mỹ và Pakistan, vì vậy chúng đã biết mình bị lộ nên đã dời đi trước khi quân đội Pakistan đến.

Chuyến thăm Pakistan ngày 9/6 của ông Panetta nhằm mục đích chính là "thảo luận một bộ khung hợp tác chia sẻ thông tin tình báo trong tương lai" giữa Mỹ và Pakistan. Ông Panetta cũng tái khẳng định mong muốn của Washington là khôi phục lại mối quan hệ tin cậy và mang tính xây dựng với Pakistan. Mặc dù quan hệ 2 nước đã xấu hẳn đi sau vụ tiêu diệt Osama bin Laden, nhưng Mỹ vẫn duy trì những hỗ trợ cần thiết cho quân đội Pakistan trong cuộc chiến chống phiến quân Taliban.

Tuy nhiên, ông Panetta cũng thừa nhận rằng, những vụ việc nêu trên và thái độ thờ ơ của giới chức quân đội Pakistan đang gây thêm trở ngại cho những nỗ lực hàn gắn mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan. Trái với yêu cầu "muốn thấy những bước đi quyết định của Pakistan" của Ngoại trưởng Hillary, trong những tuần lễ gần đây, Pakistan còn thể hiện một thái độ lạnh nhạt hiếm có, bằng hành động trục xuất 135 cố vấn Mỹ phụ trách công tác huấn luyện cho các lực lượng Pakistan.

Ngày 9/6, ngay sau khi đón tiếp ông Panetta, tướng Kayani đã phát biểu trên phương tiện truyền thông rằng các khoản viện trợ quân sự của Mỹ nên chuyển sang hỗ trợ kinh tế cho người nghèo, đồng thời nhắc lại yêu cầu Mỹ phải chấm dứt oanh tạc bằng máy bay không người lái.

Có thể, chỉ một chuyến "du thuyết" của ông Panetta thôi thì chưa đủ để Mỹ lôi kéo "đồng minh" Pakistan trở lại với mình. Nhưng quan điểm chung của giới phân tích là Mỹ và Pakistan vẫn cần nhau bất chấp nhiều bất đồng và "hiểu lầm" còn tồn tại giữa hai bên


Nguyên Khang (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét