TT - Trước việc các tỉnh thành “bắt tay” nới lỏng chấm thi, tình trạng tốt nghiệp không thực chất, một lần nữa yêu cầu đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT lại được đặt ra...
Giám thị kiểm tra giấy báo thi, chứng minh nhân dân... của thí sinh tại hội đồng thi Nguyễn Thái Bình(TP.HCM) kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 - Ảnh: Như Hùng |
* TS VŨ THỊ PHƯƠNG ANH (giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP.HCM):
Không nên thi cụm, chấm chéo
Một kỳ thi chung mà Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu thì đương nhiên sẽ có khâu sai sót hoặc không đạt hiệu quả như ý. Với một đáp án chi li cho môn tự luận thì 64 tỉnh thành sẽ có 64 cách hiểu khác nhau, chưa kể mỗi giám khảo cũng sẽ có cách vận dụng khác nhau. Có thể các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long ngồi lại để thống nhất một cách chấm bằng văn bản nên nhiều người bàn luận. Nhưng có địa phương cứ im im mà làm thì đâu có ai biết?!
Nếu Bộ GD-ĐT vẫn ra đề chung, chỉ nên ra đáp án tổng quát, sau đó mỗi địa phương sẽ tự vận dụng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình. Đáp án các môn tự luận không nên quá chi li như hiện nay. Có thể sẽ có địa phương chấm chặt quá, có nơi lại chấm lỏng quá nhưng vẫn còn một số môn thi trắc nghiệm cho ra kết quả chính xác. Chứ chấm chéo như hiện tại thì việc chấm thi các môn tự luận cũng không thể chính xác tuyệt đối được.
Theo tôi, không nên tiếp tục duy trì việc thi cụm và chấm chéo vì nó không còn ý nghĩa mà lại quá nhiêu khê, tốn kém. Cái dở của chúng ta là chỉ thực hiện tiền kiểm mà quên khâu hậu kiểm. Sau khi thi xong hãy lấy kết quả thi của từng địa phương để phân tích, đánh giá xem có phù hợp với quá trình dạy - học của địa phương không. Ví dụ: địa phương A đang thiếu nhiều giáo viên, trang thiết bị dạy học còn lạc hậu... nhưng điểm thi lại quá cao thì cần xem lại độ trung thực của nó.
* Ông ĐINH QUANG HẢO (nguyên trưởng Phòng khảo thí, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Cải tiến cách đánh giá
Dù có thay đổi phương thức thi cử như thế nào vẫn không thể không thông qua bàn tay con người. Vì thế, điều đầu tiên cần làm là giáo dục tư tưởng cho những người làm công tác thi. Một kỳ thi có nghiêm minh hay không, do chính những cán bộ quản lý ngành GD-ĐT của địa phương đó quyết định.
Chúng ta cần xem xét lại tại sao năm đầu tiên khi thực hiện “hai không” thì rất thành công mà sau này không thành công nữa? Công tác tổ chức, thanh tra, kiểm tra có bị buông lỏng không? Nếu muốn có kết quả thực chất phải chấp nhận “đau khổ” vài năm với tỉ lệ đậu tốt nghiệp thấp. Song song đó, Bộ GD-ĐT cũng nên cải tiến cách đánh giá: ngoài tỉ lệ đậu tốt nghiệp của các tỉnh thành, cần xét thêm sự tiến bộ của mỗi địa phương. Có nơi tỉ lệ đậu thấp nhưng có tiến bộ so với năm trước thì vẫn được khen ngợi - đó mới là động lực khiến các địa phương chấp nhận tỉ lệ tốt nghiệp thực chất của địa phương mình.
* Ông ĐẶNG ĐÌNH ĐẠI (hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân, Hà Nội):
Bỏ kỳ thi quốc gia
Bỏ kỳ thi quốc gia là vấn đề nhiều cán bộ quản lý giáo dục nói đến từ lâu. Cũng có những ý kiến trái chiều, lo ngại việc giao cho địa phương sẽ xảy ra tiêu cực. Nhưng tôi xin hỏi, tổ chức cồng kềnh, tốn kém như hiện nay mà trung bình 100 học sinh chỉ 1-2 học sinh trượt thì cũng không cần thiết phải tổ chức hoành tráng làm gì. Chúng ta phải tính đến việc: dần dần các nhà trường để bảo toàn uy tín cho mình sẽ phải làm nghiêm để có chất lượng thật, các sở GD-ĐT phải có trách nhiệm trước nhân dân cũng không thể làm liều.
Thực chất, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là công việc đánh giá kết quả học tập để công nhận phổ cập chương trình phổ thông. Nhưng khi nó được đặt ở tầm quốc gia thì khiến mọi người căng thẳng, lo đối phó bằng nhiều cách, nhìn nhau để có “mặt bằng chất lượng” cao hơn. Còn nếu coi đó là vấn đề của địa phương, các địa phương sẽ phải làm thật, tức là dạy học thật, thi thật. Có ý kiến cho rằng không “thi quốc gia” học sinh sẽ không chịu học hoặc học lệch để thi đại học. Nhưng ngay bây giờ, chuyện học lệch đã có chứ đâu cần đến khi bỏ thi tốt nghiệp. Để không lệch thì khâu kiểm tra, đánh giá phải làm nghiêm trong quá trình học.
Cũng không cần quá lo ngại việc các địa phương không có khả năng tổ chức thi, ra đề. Dù là đề thi do sở GD-ĐT ra nhưng đã có chuẩn kiến thức kỹ năng, cứ bám vào đó mà ra đề. Yêu cầu đề thi phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì không địa phương nào dám làm ẩu, ra đề dễ. Không phải ôm đồm tổ chức một kỳ thi cồng kềnh như hiện nay, Bộ GD-ĐT sẽ có thời gian và công sức để tính đến các giải pháp giám sát và thúc đẩy chất lượng dạy học thật.
* Ông LÊ TIẾN HƯNG (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An):
Giao về cho các trường
Thập niên 1980, khi tôi còn là một hiệu trưởng, Bộ GD-ĐT đã giao cho hiệu trưởng các tỉnh thành chịu trách nhiệm về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi thấy việc trường tổ chức rất nhẹ nhàng và nghiêm túc. Hơn ai hết hiệu trưởng phải ý thức được trách nhiệm trước bộ, trước người dân, trước học sinh nên phải cố gắng làm tốt. Trong một tập thể giáo viên, khi phải chịu trách nhiệm, cũng sẽ khó có ai dám thỏa hiệp với tiêu cực, kể cả hiệu trưởng.
Khi giao về trường, hiệu trưởng hay giáo viên sẽ ý thức được việc mình làm cho mình. Giao kỳ thi về trường có một thuận lợi nữa là chỉ có nhà trường, thầy cô giáo mới hiểu rõ học sinh của mình nhất để tổ chức một kỳ thi phù hợp với hoàn cảnh, đánh giá đúng thực chất học sinh. Việc chủ động tổ chức thi cũng giúp nhà trường chủ động điều chỉnh việc dạy học, giáo dục học sinh. Cách làm tốt như thế nhưng tôi không hiểu sao Bộ GD-ĐT không áp dụng nữa mà thay thế bằng một kỳ thi cồng kềnh, hoành tráng và tốn kém mà lại không thể kiểm soát được tiêu cực.
Giao lại kỳ thi cho các nhà trường tổ chức, tiêu cực chắc chắn được hạn chế, tạo niềm tin cho người dân, cho người làm giáo dục, đỡ tốn kém, nhẹ nhàng, giảm căng thẳng cho thí sinh. Và để có thể tổ chức được, cần phải giao quyền cho hiệu trưởng. Quyền sẽ đi đôi với trách nhiệm. Mặt khác, phải phát huy được cao độ tính dân chủ trong nhà trường. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có thể thống nhất thời gian tổ chức trên cả nước, nhưng tổ chức thế nào, coi thi, chấm thi thì nên để các trường tự quyết định.
H.HG. - V.HÀ - M.GIẢNG ghi
Tuổi Trẻ Online -Chúng tôi có ý kiến
Thi tốt nghiệp THPT: bỏ, không bỏ?
TT - Ở nước ta, không có thứ gì dễ bàn như chuyện giáo dục, nhưng cũng không có thứ gì khó khăn như chuyện này. Những tranh luận xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là một ví dụ cho nhận định trên.
Trước hết, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay rất cao. Nhưng rất cao và rất phấn khởi lại có vẻ chưa đi liền với nhau. Việc 11 sở GD-ĐT ở ĐBSCL tìm cách “áp dụng sáng tạo” đáp án của bộ nhằm chấm thi lỏng cho địa phương mình đã “đóng góp” không nhỏ vào nghịch lý nói trên. Nếu “văn hay nhờ tay thầy chấm”, tốt nghiệp cao nhờ cách áp dụng đáp án chấm thi linh hoạt thì có nhất thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho căng thẳng và tốn kém không?
Và cuộc tranh luận xung quanh việc nên tổ chức hay nên bỏ thi tốt nghiệp THPT đã xảy ra.
Phe ủng hộ việc bỏ thi tốt nghiệp cho rằng học là để có kiến thức chứ không phải để lấy bằng, đánh giá học sinh phải thông qua cả quá trình học tập chứ không thể chỉ qua mấy ngày thi đầy may rủi.
Phe phản đối việc bỏ thi tốt nghiệp cho rằng có học thì phải có thi; không tổ chức thi thì làm sao có thể bảo đảm được kỷ luật dạy và học, làm sao bảo đảm các chuẩn mực cần thiết cho cả quốc gia?
Tóm lại, cả phe ủng hộ cũng như phe phản đối đều có những lý lẽ của mình. Vì vậy, hành động theo phe nào cũng đều không dễ.
Tuy nhiên ở đời, học để biết là khá trừu tượng, học để thi thì rất cụ thể. Học để biết vì vậy chưa chắc đã tạo được động lực trực tiếp và chưa chắc đã áp đặt được một tinh thần kỷ luật mạnh mẽ như học để thi.
Thi cử không chỉ là để đánh giá mà còn để áp đặt các chuẩn mực cần thiết lên cả hành vi dạy của thầy giáo và hành vi học của trò.
Vấn đề là tổ chức thi tốt nghiệp THPT như thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng nên dành quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh. Đây là một ý kiến cần được cân nhắc.
Theo tôi, vấn đề dành quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh cần được xem xét trong một kế hoạch tổng thể về việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của sự phân cấp, phân quyền này là những gì địa phương làm được thì trung ương không nên làm.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét