28/06/2011 15:56
|
|
>> Bốn cựu lãnh đạo Khmer Đỏ ra tòa
Nhân vật số hai của Khmer Đỏ Nuon Chea đã từ chối ở lại phòng xử trong phiên điều trần ngày 28.6, trong đó tập trung giải quyết trường hợp của cựu Ngoại trưởng Khmer Đỏ Ieng Sary.
Nuon Chea, người được xem là nhà lý luận của Khmer Đỏ, nói ông ta chỉ trở lại phiên tòa để “tích cực tham gia” về trường hợp của mình và đã được các nhân viên an ninh dẫn giải ra khỏi tòa án.
Hôm 27.6, bị cáo 84 tuổi này cũng đã rời phòng xử án chỉ sau nửa tiếng đồng hồ phiên tòa diễn ra nhằm phản đối quy trình điều tra và thủ tục pháp lý.
|
Theo AFP, bốn cựu lãnh đạo của Khmer Đỏ, bao gồm cả cựu Chủ tịch nước Khieu Samphan và cựu Bộ trưởng Xã hội Ieng Thirith, được phép vắng mặt nếu từ chối hợp tác.
Cả bốn phải đối mặt với các tội danh diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh vì trách nhiệm trong cái chết của gần 2 triệu người trong thời kỳ cai trị kinh hoàng của Khmer Đỏ từ năm 1975 đến 1979.
Một nông dân tên Thein Ouen phát biểu với AFP tại phòng dành cho công chúng theo dõi phiên tòa: “Noun Chea là một kẻ xấu xa. Tôi hoàn toàn thất vọng vì cách cư xử của hắn. Tôi nghĩ hắn không muốn tham gia vào phiên tòa. Chúng tôi muốn hắn nói sự thật về chế độ Khmer Đỏ song hắn cố gắng che giấu nó”.
Các nạn nhân của Khmer Đỏ còn giận dữ hơn khi Ieng Sary đòi hỏi rằng ông ta phải được miễn tố vì đã được ân xá vào năm 1996 nhằm đổi lại việc dẫn một số lớn binh sĩ ra đầu hàng.
Phiên tòa phức tạp do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, dự kiến kéo dài hàng năm trời, được xem là đóng vai trò quan trọng nhằm giúp chữa lành những vết sẹo cho một đất nước Campuchia tổn thương sâu sắc vì chế độ Khmer Đỏ.
Tuy nhiên, Va Chhorn, người cũng xem trực tiếp phiên xử tại phòng dành cho công chúng nói: “Bọn họ chỉ cố gắng chối bỏ trách nhiệm. Họ đã phạm tội giết người hàng loạt. Họ nên hợp tác với tòa án để tìm lại công lý cho mọi người”.
|
Ieng Sary, 85 tuổi, vốn bị tuyên tử hình vắng mặt trong phiên tòa vào năm 1979 của chính phủ Campuchia.
Tuy nhiên, bộ mặt đối ngoại của Khmer Đỏ nhận được một lệnh ân xá của Hoàng gia vào năm 1996 nhờ việc đầu hàng chính phủ.
Tại phiên tòa, các công tố viên đã lập luận rằng lệnh ân xá chỉ giúp Ieng Sary tránh khỏi cái chết từ án tử hình năm 1979 và nó không ngăn cản việc ông ta tiếp tục bị truy tố, theo như tiền lệ từ các phiên tòa xử tội ác chiến tranh khác trên thế giới.
Phiên điều trần sơ khởi dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30.6 để giải quyết những phản đối về thủ tục tố tụng và tranh luận về vấn đề bồi thường cho gần 4.000 nạn nhân tham gia phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự.
Sơn Duân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét