Trong tuyên bố tại Quốc hội hôm 11/8, Thủ tướng David Cameron cho biết, sẽ siết chặt quản lý đối với các trang web xã hội như Facebook, Twitter, đồng thời cảnh báo, các trang web này phải chịu trách nhiệm về nội dung của mình. Trước mắt, chặn ngay đường truyền thông tin bạo động của những kẻ gây rối qua các trang mạng xã hội này.
Thủ tướng David Cameron khẳng định, ngoài việc duy trì 16.000 cảnh sát tại thủ đô London và một số thành phố để gìn giữ trật tự, Quốc hội còn trao cho cảnh sát một số quyền như sử dụng vòi rồng, đạn cao su, có thể lột mặt nạ khi nghi ngờ người mang mặt nạ có dấu hiệu phạm tội…
Ông David Cameron cho biết, sẽ làm mọi việc cần thiết để tái lập luật pháp và trật tự trên đường phố, đồng thời khẳng định, sẽ không cho phép "văn hóa sợ hãi tồn tại trên các đường phố" của nước Anh. Thủ tướng David Cameron tuyên bố, sẽ xem xét tới việc sử dụng lệnh giới nghiêm để kiểm soát bạo lực, tội phạm nếu tình hình không được cải thiện.
Thủ tướng David Cameron tại Quốc hội hôm 11/8. |
Tuy loại trừ khả năng đưa quân đội vào dẹp loạn trong thành phố, nhưng Thủ tướng David Cameron nhấn mạnh, mọi lực lượng đều được tính đến trong tình huống xảy ra động loạn.
Ngày 12/8, cảnh sát Anh thông báo, đã bắt giữ hơn 1.000 người tại thủ đô London liên quan đến các vụ bạo động và hơn 590 đối tượng đã bị buộc tội. Hàng trăm cửa hàng đã bị cướp bóc, nhiều tòa nhà bị phóng hỏa và một số người thiệt mạng trong các vụ bạo động.
Cảnh sát vừa mở cuộc điều tra về nghi án giết người sau khi ông Richard Mannington Bowes, 68 tuổi được phát hiện bị thương trên đường phố London sau khi phải đương đầu với những kẻ gây bạo động. Ông Richard Mannington Bowes đã chết cuối ngày 11/8 do vết thương quá nặng cho dù được đưa đi cấp cứu.
Theo giới truyền thông Anh, đã có hơn 1.500 người bị bắt vì tham gia các cuộc bạo loạn và nhiều người đang bị xét xử kể từ "ngày thứ 7 đen tối" 6/8. Tính đến nay đã có hơn 460 người bị kết án.
Giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới sự thừa nhận của cảnh sát khi đã sử dụng phương pháp chống bạo loạn không phù hợp và đó là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bất ổn kéo dài trên phạm vi toàn quốc. Thủ tướng David Cameron cho biết, Cảnh sát trưởng thủ đô thừa nhận đã coi cuộc bạo loạn như một vấn đề mất trật tự công cộng bình thường, chứ không phải là những hành vi phạm tội. Giới truyền thông đưa tin, lực lượng an ninh và cảnh sát Anh đang lần lượt gõ cửa những kẻ nổi loạn để bắt giữ chúng.
Được biết, các nghị sĩ Quốc hội đã thảo luận trong 7 tiếng để thống nhất rằng, bạo loạn do những kẻ phạm pháp hình sự gây ra chứ không phải người biểu tình, đồng thời sẽ không có sự nhân nhượng nào đối với hành động của một nhóm người coi thường pháp luật.
Cơ quan chức năng đã và sẽ ghi lại hình ảnh của những người gây bạo động và công bố rộng rãi để không ai có thể trốn khỏi vòng pháp luật. Giới truyền thông đưa tin, toà án ở London, Manchester, Solihull… đang phải hoạt động hết công suất để xét xử những kẻ nổi loạn. Một số toà án phải làm việc cả ban đêm, nhưng vẫn không xử hết số đối tượng phạm tội.
Trong số những người bị xét xử hôm 11/8, dư luận đặc biệt quan tâm tới Chelsea Ives, 18 tuổi, người bị cáo buộc đã ném gạch vào xe cảnh sát trong cuộc bạo loạn diễn ra tại vùng ngoại ô Enfield, phía Bắc thủ đô London. Chelsea Ives được chọn là đại sứ Olympic 2012 bởi là một vận động viên tài năng, nhưng cô lại bị cáo buộc dẫn đầu trong vụ tấn công một cửa hàng điện thoại hôm 7/8. Tuy nhiên, khi xuất hiện tại Tòa án Westminster hôm 11/8, Chelsea Ives đã bác bỏ 2 cáo buộc kể trên.
Nhưng bà Adrienne, mẹ Chelsea Ives lại là người phát hiện ra con gái trên truyền hình khi xem tin tức và đã thông báo cho cảnh sát biết. Khi được phỏng vấn, bà Adrienne thổ lộ, đó là một quyết định vô cùng khó khăn, nhưng buộc phải làm những gì đúng với lẽ phải và cả hai vợ chồng đều vô cùng đau lòng trước sự kiện này.
Tòa án Manchester mới kết án 2 người tham gia cuộc bạo động ở thành phố này với mức tù 10 và 16 tuần. Những người bị xét xử thuộc mọi lứa tuổi, trong đó có một số bị cáo mới 11 tuổi. Những vụ bạo loạn ở London đã phá hủy hàng triệu đĩa nhạc của Sony với trị giá hàng triệu bảng Anh và Alison Wenham, Chủ tịch Hiệp hội Âm nhạc độc lập của Anh coi đó là một thảm họa đối với ngành công nghiệp âm nhạc của xứ sở sương mù.
Theo kết quả thăm dò dư luận, chỉ có 8% người Anh cho rằng việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ là nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo loạn, còn hầu hết mọi người đều coi đây là kết quả của hành vi phạm tội và sự gia tăng của văn hóa băng đảng. Nhiều người nói rằng, nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động là vấn đề xã hội - một bộ phận giới trẻ bị tách khỏi sinh hoạt cộng đồng và có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, trong khi nạn thất nghiệp gia tăng, cộng với tình trạng gia đình không kiểm soát được con cái.
Thủ tướng David Cameron cũng đã kêu gọi các bậc phụ huynh cần có biện pháp giáo dục con em tốt hơn trước tình trạng suy đồi đạo đức của một bộ phận cư dân
Lê Trịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét