"Không kịp thời tăng lương, người lao động không cân đối được chi tiêu"

Thứ Bẩy, 13/08/2011 - 11:36

(Dân trí) - Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ LĐ - TB & XH cho rằng, Chính phủ buộc phải điều chỉnh lương để giải quyết khó khăn trước mắt của người lao động. Nếu không kịp thời tăng lương, người lao động không cân đối được chi phí tối thiểu.
 >>  Lương tối thiểu có thể lên 2 triệu đồng/tháng
 >>  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Rõ ràng lương đang không theo kịp giá cả
 >>  “Giá cả tạo áp lực cho cả người thu nhập trên trung bình”
Theo phương án đề xuất mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB &XH) vừa chính thức trình Chính phủ, mức lương tối thiểu dự kiến áp dụng dụng từ 1/10 sẽ được điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng, đối với vùng 1, trong khi vùng 2 là 1.780.000 đồng/tháng. Riêng vùng 3 và vùng 4 vẫn giữ nguyên so với đề xuất ban đầu là 1.550.000 đồng và 1,4 triệu đồng/tháng.
Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền- tiền lương, LĐ- TB & XH đã có cuộc trao đổi với báo chí liên quan đến vấn vấn đề này:
Được biết, đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu trước lộ trình mà Bộ LĐ- TB &XH vừa chính thức trình Chính phủ lần này  nhằm vào nhiều  mục tiêu, xin bà cho biết cụ thể?
Thứ nhất, đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu trước lộ trình được Bộ quyết định trình Chính Phủ nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn của người lao động trước tình hình giá cả tiêu dùng leo thang và lạm phát hiện nay. Đợt điều chỉnh này sớm hơn thời điểm 1/1 hàng năm. Như vậy, người lao động cần hiểu là sẽ không có điều chỉnh lương tiếp vào 1/1 năm 2012  và cũng để doanh nghiệp (DN) yên tâm lên kế hoạch cho sang  năm.
Thứ hai, đợt điều chỉnh này còn thực hiện thống nhất giữa khối DN trong nước và nước ngoài, tạo ra một thị trường lao động lành mạnh, không có phân cách chia giữa DN nước ngoài và DN trong nước như trước đây.
Điều thứ ba là đợt điều chỉnh lương này chỉ nhằm đưa ra quy định mức sàn lương tối thiểu. Như vậy, ở mỗi doanh nghiệp, người lao động muốn được trả lương cao hơn cần nâng cao năng lực thỏa thuận của công đoàn khi đàm phán với chủ doanh nghiệp. Cùng đó, người lao động cũng phải tăng năng suất, tìm cách tiết kiệm chi phí.
Điều chỉnh lương tối thiểu chỉ là sàn để bảo vệ người lao động, không quyết định vấn đề lương chung (Ảnh có tính minh hoạ).
 
Tuy nhiên, phương án mà Bộ trình Chính phủ hiện thấp hơn khá nhiều so với đề nghị  từ phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra, sau khi đã tiến hành khảo sát thực tế ở nhiều địa phương? 
Phần lớn các nghiên cứu mà Tổng liên đoàn thực hiện đều ở TP HCM và Đồng Nai thì không thể coi là khảo sát đại diện cho cả nước. Phải có cái nhìn tổng thể chứ không thể nhìn ở một điểm. Hơn nữa, với mỗi đợt điều chỉnh, Chính phủ cũng phải cân nhắc để đảm bảo hài hòa chung. Một phần là hướng về lợi ích người lao động, một phần cũng phải đảm bảo để duy trì hoạt động của DN. Quay ngược trở lại là vấn đề công ăn việc làm, tránh thất nghiệp.
Phản ứng của các DN trước đợt điều chỉnh lương sớm này ra sao, thưa bà?
Trên thực tế, đợt điều chỉnh lương này có thể không tác động nhiều đến các DN có vốn nước ngoài bởi họ mang vốn từ nước ngoài vào, chịu lãi suất thấp, trong khi đó, DN trong nước đang phải oằn mình trước lãi suất đang rất cao. Khó khăn nhiều là những DN sử dụng nhiều lao động gia công, phải tùy thuộc vào đơn hàng, trong khi phải nhập nguyên vật liệu bằng vốn vay (DN trong nước phần lớn sử dụng nguồn vốn vay), nên đầu vào tăng, cộng thêm giá xăng dầu, vận tải không giảm xuống.
Nhiều DN vừa và nhỏ cũng đang kêu khó tồn tại. Như một số DN các tỉnh phía Nam đã nhấc vùng. Từ 1/7, họ đã bị nhấc lần thứ 2, bây giờ lại tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/10. Vậy là điều chỉnh 3 lần. Đó là chưa kể DN hàng năm có điều chỉnh phương án tăng lương theo quy định của họ. Tuy nhiên, trước đời sống khó khăn của người lao động, Bộ tiếp tục kêu gọi các DN ủng hộ Chính phủ.
Được biết, Bộ cũng đã trình Chính phủ phương án hỗ trợ DN?
 
Đây cũng là vấn đề Chính phủ đang phải bàn bạc, cân nhắc. Có thể là giãn thuế hay giảm thuế cho DN. Việc giãn thuế là cho DN có điều kiện có thêm nguồn lực vượt qua thời kỳ khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều chỉnh lương để đuổi theo lạm phát chỉ là vòng luẩn quẩn?
Trước thực trạng như hiện nay, Chính phủ buộc phải điều chỉnh lương để giải quyết khó khăn trước mắt của người lao động. Bây giờ, mớ rau, con cá ngoài chợ đều tăng, nếu không kịp thời tăng lương thì họ làm sao cân đối được chi phí tối thiểu trong cuộc sống.
Nhưng tôi cũng cho rằng phải tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát. Ví dụ, hàng bình ổn phải mang đến  người tiêu dùng hay nếu chính sách quy hoạch tốt, nhà ở gắn với khu công nghiệp tốt thì không đến mức họ phải đi lại, nhà xa. Rồi tổ chức công đoàn,  DN hãy đứng ra tổ chức bữa ăn tốt cho người lao động...
 
Về phía người lao động, muốn có lương cao thì phải có năng suất, hiệu quả. Bản chất của lương tối thiểu chỉ là cái sàn để bảo vệ những lao động yếu thế nhất trong xã hội thôi, chứ không quyết định vấn đề lương chung.
 Xin cảm ơn bà!
P. Thanh (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét