Thứ Tư, 17/08/2011, 07:13 (GMT+7)
Vụ "Tấm bia đường sắt bị đập bỏ":
Yêu cầu chuyển rùa và bia mới đi nơi khác
TT - Ngày 16-8, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan hữu quan giải quyết vụ dựng bia và rùa đá trái phép trên đèo Hải Vân (xem Tuổi Trẻ các ngày 23-5, 14-7 và 20-7).
Nhà bia mới nằm ở vị trí gây nguy cơ tai nạn giao thông cao trên đèo Hải Vân - Ảnh: THÁI LỘC |
Văn bản này xác định tấm bia và rùa cũ dù chưa được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa nhưng đây là địa điểm có dấu hiệu di tích. Do đó yêu cầu UBND thị trấn Lăng Cô chuyển rùa và bia đá mới đi nơi khác, không biến nơi đây thành điểm tham quan du lịch, trả lại nguyên trạng, đưa rùa đá cũ về vị trí ban đầu.
Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân trong việc tổ chức xây dựng nhà bia vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là việc phá nát bia đá cũ. UBND tỉnh cũng yêu cầu cung cấp hồ sơ, hình ảnh (file gốc) về bia đá cũ cho Sở Văn hóa - thể thao và du lịch để xác định nội dung và giá trị của công trình.
Trước đó, vào cuối tháng 7-2011, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực địa hiện trường, lập biên bản xác định khu nhà bia mới xây dựng trái phép, nằm trong hành lang an toàn quốc lộ 1A, gây nguy cơ tai nạn giao thông cao, gây nguy cơ sạt lở và đứt đường đèo trong mùa mưa bão...
THÁI LỘC
tuoitre.vn
Thứ Hai, 23/05/2011, 07:14 (GMT+7)
TT - Tấm bia nằm trên hòn Rùa - ngay trên hầm đường sắt số 9 cạnh quốc lộ 1A (thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) vừa bị đập phá.
Rùa đá cõng bia còn tương đối nguyên vẹn này sẽ được thay thế bằng rùa mới - Ảnh: THÁI LỘC |
Theo các cụ trưởng lão làng An Cư Đông, tấm bia là nơi đánh dấu sự kiện hoàn thành tuyến đường sắt Bắc - Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20.
Tại hiện trường, trong phần nền móng đang xây dựng rộng chừng 100m2, một con rùa đá lớn bằng đá thanh dài gần 2m, rộng chừng 1,5m, cạnh đó là đầu rùa nằm lăn lóc. Hai bên phần móng đang xây là hai bãi mảnh vụn của bia đá, với dấu đập vỡ còn rất mới. Trên rất nhiều mảnh vỡ một mặt có khắc chữ Hán, mặt còn lại là chữ Pháp, cùng nhiều hoa văn chạm khắc xung quanh.
Tấm bia được xem đánh dấu sự kiện trọng đại của ngành đường sắt đã bị đập nát - Ảnh: THÁI LỘC |
Ông Trần Văn Giảng - chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô - cho biết ông đã cho khởi công dự án dựng bia ở hòn Rùa. Một tấm bia mới sẽ được dựng ngay tại vị trí tấm bia cũ và được nâng lên cao chừng 1m, xung quanh có thêm các công trình tôn tạo như bệ bêtông, hồ bán nguyệt... Tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đều do các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp. V
ề lý do thay bia mới, ông Giảng nói do tấm bia cũ bị vỡ và được gắn lại cho nên không được đẹp, dựng bia mới là theo nguyện vọng của dân làng An Cư Đông...
Về việc đập bia cũ, ông Trần Văn Giảng - chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô - cho biết: “Chúng tôi không chỉ đạo đập bia, mà có lẽ vì các công nhân nghe làm rùa và bia mới nên đập vỡ nó trong quá trình tháo dỡ bia cũ. Chúng tôi cũng quên nhắc nhở. Khi kiểm tra thì bia đã bị đập rồi!”... |
Tuy dự án được triển khai từ cuối tháng 4-2011 nhưng từ cuối năm 2010, UBND thị trấn Lăng Cô đã đặt làm rùa và bia mới bằng đá thanh. Theo ông Giảng, rùa mới sẽ y như rùa cũ cả hình dáng lẫn kích thước. Riêng bia sẽ khắc toàn bộ chữ Hán lẫn chữ Pháp, song sẽ làm nhỏ hơn bia cũ.
“Không hiểu vì sao ngày xưa người ta làm bia quá lớn, át cả thân rùa, mất cân đối. Nay chúng tôi giữ nguyên khổ rùa, nhưng bia thì làm bé lại cho cân đối, điều này được tính toán trên máy. Bia mới sẽ có đường nét sắc sảo hơn, đẹp hơn!” - ông Giảng nói.
Với quy mô bia và những chữ Hán lưu trên các mảnh vỡ bia cũ còn ghi: “hỏa xa thiếc lộ” (đường sắt xe lửa), “cửu bách tam thập” (chín trăm ba mươi), “dẫn thủy nhập điền”..., nhà nghiên cứu Huỳnh Đình Kết, giám đốc Nhà bảo tàng Huế, cho rằng nhiều khả năng đây là tấm bia được dựng để kỷ niệm sự kiện hoàn thành tuyến đường sắt Bắc - Nam thập niên 1930 (tuyến đường sắt Bắc - Nam khánh thành năm 1936, tức “nhất thiên cửu bách tam thập lục niên”).
Bia dựng ở khu vực đèo Hải Vân bởi nằm ở vùng đất kinh đô đương thời, lại là một trong những đoạn đường sắt làm công phu, nguy hiểm và cũng tốn kém nhất...
Không chỉ ông Huỳnh Đình Kết, nhiều người cảm thấy tiếc cho một giá trị văn hóa nguyên bản đã bị đập bỏ.
THÁI LỘC
tuoitre.vn
Thứ Năm, 14/07/2011, 07:40 (GMT+7)
Vụ “Tấm bia đường sắt bị đập bỏ”:
TT - UBND thị trấn Lăng Cô đã cho một công ty trên địa bàn dựng tấm bia mới ngay tại địa điểm Hòn Rùa trên đèo Hải Vân, nơi có tấm bia nội dung liên quan đến ngành đường sắt đã bị đập bỏ trước đó.
Rùa bia cũ và nhà bia mới đang xây dựng tại Hòn Rùa - Ảnh: THÁI LỘC |
Điều đáng nói là chất liệu, kích cỡ cả rùa lẫn bia và nội dung bia mới khác với bia cũ đến mức không thể hiểu nổi...
Ngày 13-7, khu vực Hòn Rùa trên sườn đèo Hải Vân (thuộc thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - nơi có “tấm bia đường sắt bị đập bỏ” (Tuổi Trẻ ngày 23-5), công trường xây dựng nhà bia mới đang trong giai đoạn hoàn thành. Ngay vị trí bia cũ, một nhóm công nhân đang hoàn thiện ngôi nhà bia tứ giác bằng bêtông, cùng với hệ thống bình phong, hồ nước... Trong nhà, một tấm bia và rùa đá đã được dựng lên trước đó. Phía bên trái nhà bia, cạnh quốc lộ 1A là con rùa đá cũ lắp ráp tạm từ những mảnh vỡ, được sắp lại đặt trên một bệ ximăng. Phía bên phải là một số ít mảnh vỡ bia cũ bị đập bỏ nằm lăn lóc, rất nhiều mảnh đã biến mất so với hiện trạng hai tháng trước đây.
Bia cũ: không chỉ liên quan đến ngành đường sắt
Theo ông Lê Văn Thuyên, giải pháp khả thi hiện nay là cho đập bỏ tấm bia mới, đặt rùa cũ ở vị trí trước đây. Riêng bia cũ, không phục hồi được thì phải gắn tấm biển ghi rõ hiện trạng tấm bia cũ và tóm tắt một số nội dung còn lưu lại tại các mảnh vỡ để con cháu mai sau có điều kiện tiếp tục nghiên cứu, phục hồi. |
Một cụ già của thị trấn Lăng Cô chỉ chúng tôi đến gặp ông Hà Thúc Thưng - giáo viên dạy ngoại ngữ ở thị trấn Lăng Cô, người có mặt tại hiện trường ngay sau khi tấm bia cũ bị đập bỏ để đo vẽ và ghi chép “bia di tích Hòn Rùa”.
Những bản dập trên mảnh bia ông Thưng lưu lại được ghi một số cụm từ quan trọng như: “Dương lịch nhất thiên cửu bách tam thập”, “cơ khí dẫn thủy nhập điền tại Vĩnh An”, “khai thông thủy đạo tại Nam...”, “...thông thiên lý quan lộ”, “...lập hỏa xa thiết lộ...”, “Đông Pháp Công Chính đồng sự”... Trên một mảnh khác có ghi tên “Bùi Giang” và hai mảnh nhỏ nữa, một ghi chữ “quan”, một ghi “thanh tra”...
Ông Lê Văn Thuyên, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế, cho rằng khó có thể xác định lai lịch và nội dung bia một cách khoa học theo phương pháp xử lý văn bản học. Tuy nhiên, có thể khẳng định đây không phải thuần túy là “bia đường sắt”, bởi sự kiện khánh thành tuyến đường sắt Bắc - Nam vào năm 1936 được tổ chức tại ga Hảo Sơn (Tuy Hòa).
Riêng đoạn Đông Hà - Đà Nẵng thì hoàn thành vào năm 1906... “Nhiều khả năng đây là bia tuyên dương công trạng những người thực hiện những công trình quan trọng về thủy lợi, đường thủy, đường sắt và đường bộ, là một tư liệu văn hóa lịch sử lẫn nghệ thuật rất quý cần được bảo vệ nguyên vẹn!”, ông Thuyên nói.
Đầu, chân rùa cũ (trên) và đầu, chân rùa mới (dưới) có sự khác biệt khá lớn về mặt chi tiết và đường nét - Ảnh: T.LỘC |
Bia mới: ngụy tạo và dấu ấn trọc phú
Điều đáng nói là tấm bia mới dựng khác hẳn hoàn toàn với bia cũ, cả ở nội dung lẫn hình thức. Ở phần nội dung bia có hai mặt, một mặt chữ quốc ngữ và mặt sau chữ Hán (bia cũ một mặt chữ Hán, một mặt chữ Pháp - PV).
Phần chữ quốc ngữ ghi: “Bia tưởng niệm. Nơi đây, vào khoảng đời vua Tự Đức (1847-1883), một tấm bia được các quan viên ngành giao thông công chính và nhân dân địa phương lập nên để tưởng niệm công đức của ông Bùi Giang - quan viên ngành giao thông công chính, đã có công trong việc khai mở tuyến đường sắt và đường bộ qua Hải Vân quan hùng vĩ nhưng đầy bất trắc và hiểm trở. Nhưng tấm bia này đã bị tàn phá do chiến tranh. Nay, trên nền cũ này, toàn thể Đảng ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn Lăng Cô cùng nhau phục dựng một tấm bia mới, không ngoài mục đích ghi nhớ công đức các bậc tiền bối hữu công, ích quốc, lợi dân, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, nhân dân sống an lành, ấm no hạnh phúc. Lăng Cô ngày Tết Đoan Ngọ, dương lịch 2011. Bia này được ông Nguyễn Ngọc Thanh và bà Đỗ Thị Thanh Tâm phụng lập”(*).
Trong khi đó ở mặt chữ Hán có nhiều sự khác biệt so với mặt chữ quốc ngữ, kể cả tiêu đề “Bia kỷ niệm” (thay vì tưởng niệm) và phần cuối ghi là “Thanh Tâm công ty phụng tạo”...
Về mặt hình thức, bia mới làm bằng đá trắng, phần trán tròn vành và hoa văn kỷ hà đơn giản... cao 110cm, rộng 76cm, dày 17cm. Trong khi đó bia cũ bằng đá thanh, phần trán có gờ và trang trí bằng hoa văn hoa lá theo phong cách nhà Nguyễn, cao 1,85m, rộng 1,12m, dày 24cm. Riêng con rùa mới dài 180cm, ngang 80cm, nhỏ hơn hẳn so với rùa cũ (dài 2,3m, ngang 1,38m). Tất cả chi tiết từ đầu, chân, sống lưng và mai rùa đều khác biệt hoàn toàn. Đặc biệt đuôi rùa mới không những “mập” gấp cả chục lần so với bia cũ mà còn quay theo chiều ngược lại.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan nhận xét: “Việc dựng bia đá tại vị trí công cần phải thận trọng cả về nội dung lẫn hình thức. Nội dung bia mới lại không thể hiện hết bia cũ, cho dù chỉ mới đọc qua một số mảnh vỡ. Nội dung phần chữ quốc ngữ và chữ Hán của bia mới cũng có nhiều điều chưa khớp nhau. Riêng phần “vào khoảng thời Tự Đức” thì không thể chấp nhận được, bởi thời Tự Đức chưa bao giờ thiết lập đường sắt...”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Văn Thuyên nói: “Làm bia mới không có ý nghĩa gì cả, là phi văn hóa, có tính chất ngụy tạo bởi nhiều nội dung hoàn toàn sai, thiếu cơ sở khoa học. Nếu không đập bỏ nó thì chẳng khác để lại dấu ấn văn hóa trọc phú của thời đại ngày nay đáng hổ thẹn!”.
THÁI LỘC
(*) Ông Thanh và bà Tâm là chủ khu du lịch Thanh Tâm, một trong sáu khu du lịch đang hoạt động tại bãi biển Lăng Cô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét