Tàu sân bay Trung Quốc sẽ đến biển Đông

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Tư, 17/08/2011, 07:53 (GMT+7)

TT - Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ đến biển Đông vào năm 2012, tiết lộ này khác với những gì Trung Quốc cam kết với các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế là chỉ dùng vào việc nghiên cứu và huấn luyện.

Tàu sân bay Thi Lang cập cảng Đại Liên, Liêu Ninh (Trung Quốc) ngày 14-8 sau khi chạy thử nghiệm trên biển - Ảnh: China.org.cn

Ngày 16-8, Nhân Dân Nhật Báo dẫn nguồn từ báo Đô Thị Phương Nam cho biết tàu sân bay Thi Lang bước đầu sẽ đến hoạt động ở biển Đông vào ngày 1-8-2012 và nằm dưới sự chỉ huy của Ủy ban Quân ủy trung ương Trung Quốc. Thông tin trên được đưa ra hai ngày sau khi tàu sân bay này hoàn tất chuyến thử nghiệm trên biển Hoàng Hải.

Chuyên gia chiến lược quân sự hàng đầu của Trung Quốc Kiều Lương cho biết với tàu sân bay này, Trung Quốc sẽ mở rộng bán kính chiến đấu, tăng cường khả năng chiến đấu vượt xa ngoài chuỗi đảo đầu tiên. Ông Kiều cho rằng sự khống chế trên không là điều kiện tiên quyết trong các cuộc chiến của hải quân Trung Quốc, đặc biệt là ở những vùng nước nằm xa lục địa. Việc đưa tàu sân bay ra biển vào năm 2012 sẽ tăng cường khả năng chiến đấu cũng như sức mạnh ngăn chặn của hải quân Trung Quốc. “Tàu sân bay sẽ đảm bảo giải quyết êm xuôi dòng chảy năng lượng và nguồn tài nguyên từ các vùng biển quốc tế vào Trung Quốc. Nó cũng đảm bảo an ninh và lợi ích của lao động Trung Quốc đang hoạt động trên các vùng biển xung quanh” - ông Kiều nói.

Thế nhưng Thời báo Châu Á lại bình luận: “Tàu lớn nhưng cú đấm nhỏ ở biển Đông”. Trên thực tế, đây là tàu chiến lớn nhất ở châu Á và có thể giúp Trung Quốc thay đổi cục diện trên biển trong khu vực. Song tàu sân bay không thể giúp Trung Quốc khẳng định được chủ quyền ở biển Đông vốn là “nỗi đau đầu” lớn nhất của Bắc Kinh. Và sự hiện diện của con tàu có thể sẽ là “của nợ” gây khó khăn cho quá trình ngoại giao của Trung Quốc hơn là trở thành tài sản quân sự của nước này.

Với chiều dài 300m và nặng khoảng 60.000 tấn, có thể xem tàu Thi Lang là tàu chiến lớn nhất châu Á, bởi cho đến nay trong khu vực, ngoại trừ Thái Lan đang sở hữu tàu Chakri Narubet có thể chở máy bay chiến đấu, không nước nào có phương tiện này.

Thời báo Châu Á cho biết với một tàu sân bay đang sẵn sàng hoạt động và nếu nó được đặt ở căn cứ hải quân vốn đã được mở rộng ở Tam Á, đảo Hải Nam, thì có thể hình dung được Trung Quốc đang muốn thể hiện ý định duy trì sức mạnh vượt trội trên không ở bất kỳ điểm nào trên biển Đông. Giới chuyên gia nhận định có thể Trung Quốc xem đây là điều kiện tiên quyết cho các nỗ lực ngoại giao hoặc quân sự của họ nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền trên biển cũng như buộc đối phương hủy bỏ mọi hoạt động thương mại, xây dựng chủ yếu trên các đảo ở biển Đông.

Cộng đồng quốc tế cũng đang hoài nghi về chức năng thật sự của tàu sân bay này, dù các quan chức quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu Thi Lang chỉ để “phục vụ nghiên cứu khoa học và huấn luyện” cũng như chỉ hoạt động mang tính chiến lược. Song, ngay trước khi con tàu bắt đầu chuyến thử nghiệm trên biển Hoàng Hải, Tân Hoa xã lại đưa tin và viết: “Việc xây dựng hải quân hùng mạnh tương xứng với vị thế đang lớn mạnh của Trung Quốc là một bước cần thiết và là một lựa chọn không tránh né để bảo vệ lợi ích quốc gia ngày càng được toàn cầu hóa của Trung Quốc”. Điều này cũng có nghĩa là tàu sân bay Thi Lang sẽ hoạt động vượt xa hơn cái mà Trung Quốc cam kết là chỉ mang tính “chiến lược”.

Báo này cũng ghi nhận chỉ ngay sau khi chiếc tàu sân bay Thi Lang kết thúc bốn ngày chạy thử trên biển (từ ngày 10 đến 14-8), Nhân Dân Nhật Báo đã dẫn lại hàng loạt bài báo đăng trên các báo chính thức của Trung Quốc với nội dung gần như đi ngược với cam kết ban đầu của nước này với các nước khu vực và cộng đồng quốc tế.

MỸ LOAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét