Hiểm họa treo trên cầu vượt Cát Lái

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 13/08/2011, 08:19 (GMT+7)

TT - Vụ xe container bị lật ngày 11-8 là vụ tai nạn thứ tư liên tiếp tại cầu vượt Cát Lái. Dư luận đặt dấu hỏi nguyên nhân nào dẫn tới những vụ tai nạn này?

Hiện trường vụ tai nạn lật xe container ngày 11-8. Các thanh chắn cầu đã bị gãy nhưng container chưa rơi xuống đường - Ảnh: SƠN BÌNH

Video clip "Xe container chổng vó trên cầu vượt Cát Lái" - TVO

Trưa 12-8, chúng tôi trở lại cầu vượt Cát Lái (Q.2, TP.HCM). Dù xe container bị nạn đã được di dời từ đêm hôm trước nhưng dấu tích vụ tai nạn vẫn còn. Thanh rào chắn của cầu vượt Cát Lái bị bẻ cong, đứt đoạn. Một cột đèn chiếu sáng bị gãy từ vụ tai nạn lần trước tới nay vẫn chưa được lắp đặt lại.

Thanh chắn cầu bị gãy

Vụ lật xe container đầu tiên xảy ra trưa 14-9-2010, một xe container chở gốm sứ xuất khẩu theo hướng từ xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái (Q.2) đã bị lật nhào đè lên thành cầu vượt, gốm sứ bên trong bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Tiếp đó, sáng 24-6-2011, tại nhánh B1 cầu vượt Cát Lái, một container rơi từ trên xe xuống đường làm hư hỏng mặt cầu và rào chắn khi xe này lưu thông từ phía cảng Cát Lái vào nội thành. Ngày 26-7, một xe container lưu thông trên nhánh A cầu vượt Cát Lái từ hướng xa lộ Hà Nội vào cảng đã bị rớt container xuống mặt cầu. Vụ thứ tư xảy ra chiều 11-8 khi một xe đầu kéo container lưu thông từ xa lộ Hà Nội về cảng Cát Lái đã bị lật nhào giữa cầu. Thanh chắn cầu bị xe tông gãy nhưng container chưa bị rơi xuống đường. Chiếc xe này bị hư hỏng nặng, hóa chất rò rỉ từ container chảy đầy ra đường.

Có độ dốc lớn

Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 2, hiện cầu vượt Cát Lái vừa cong và có độ dốc lớn nên nhiều xe chở quá tải phải chạy với tốc độ cao để vượt lên đỉnh dốc dẫn đến xe chạy quá tốc độ quy định, trong khi đó mặt đường trên cầu lại trơn trượt.

Do đó cần có biện pháp tạo mặt đường nhám để xe không bị trơn trượt khi lên mặt cầu, nhất là ở đoạn cong lớn.

Bên cạnh đó, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết sẽ xem xét bố trí lại làn xe cho hợp lý hơn.

Đại diện đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc cho biết tốc độ tối đa cho phép các xe container nói trên lưu thông qua cầu vượt Cát Lái là 30km/giờ. Tại đầu các nhánh đường dẫn lên cầu, cơ quan chức năng đều đã gắn biển hạn chế tốc độ, nhưng nhiều tài xế vẫn không chú ý, bất cẩn.

“Vì cầu vượt được thiết kế vòng cua nên nếu tài xế tăng ga vượt quá tốc độ cho phép sẽ rất dễ dẫn tới khả năng xe bị lật. Mặt khác, qua phân tích nguyên nhân một số vụ tai nạn gần đây cho thấy nhiều tài xế chủ quan, không chốt gù, cố định container vào thân xe chắc chắn nên khi qua đoạn vòng cua của cầu, thùng container đã bị văng ra khỏi xe, rớt xuống cầu” - trung tá Phạm Văn Tuyến, đội phó đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, phân tích.

Phía dưới là xa lộ

Những vụ tai nạn liên tiếp tại cầu vượt Cát Lái gần đây khiến người dân chứng kiến không khỏi lo ngại bởi phía dưới cầu vượt Cát Lái là xa lộ Hà Nội với hàng chục ngàn lượt người qua lại mỗi ngày. Nếu lại xảy ra tai nạn, các thanh chắn không đỡ được các thùng container nặng hàng chục tấn rơi xuống đầu người đi đường, điều gì sẽ xảy ra?

Ông Vũ Kiến Thiết - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 - khẳng định: “Việc thiết kế cầu vượt Cát Lái là thực hiện đúng với quy chuẩn về giao thông, đặc biệt là độ cong của cầu làm đúng thiết kế”.

Tuy nhiên, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông đô thị TP.HCM, chủ đầu tư dự án đại lộ Đông - Tây - cho biết đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế rà soát toàn bộ thiết kế ở công trình này để đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả.

Ban quản lý dự án cũng đề xuất các giải pháp căn cơ lâu dài để trình Sở Giao thông vận tải TP xem xét như gắn thêm biển báo hiệu giao thông hạn chế, lắp đặt thêm hàng rào trên lan can cầu để ngăn thùng container rơi xuống xa lộ Hà Nội.

NGỌC ẨN - BÁ SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét