Nhắm mắt uống thuốc không tên, giá “trên trời”
Sáng 6/9, khi tới phòng khám đa khoa Việt Hải khám bệnh, chị phải 450.000 tiền khám, mua một cuốn sổ khám 20.000 đồng. Chị được một bác sĩ người Trung Quốc khám, bảo chị bị polyp mũi, phải mổ phẫu thuật. Bác sĩ giải thích, tình trạng polyp mũi khiến mủ từ đây chảy xuống họng, gây ho. Vì thế, phải giải quyết tận gốc là polyp mũi mới mong hết ho. Nghe cũng hợp lý, chị quyết định mổ. Số tiền chị phải nộp đợt này là 2,6 triệu tiền mổ và gần 2 triệu cho việc truyền 3 chai dịch, 5 viên nhộng đã được bóc ra khỏi vỏ, không biết là thuốc gì để uống và một lọ thuốc nhỏ mũi không nhãn mác. “Chẳng biết là thuốc gì, nhưng bác sĩ kê thì chắc phải chuẩn bệnh thì đành cứ thế uống vậy”, chị Thủy nói.
Tưởng vậy là xong, nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu chị ở lại phòng khám để truyền 3 chai dịch mỗi ngày và chiếu tia hồng ngoại để… khô vết phẫu thuật (nhân viên y tế giải thích) với chi phí 1,4 triệu đồng mỗi ngày, việc điều trị sẽ phải kéo dài trong 5 ngày.
Đến chiều qua (9/9), tổng số tiền khám, thuốc thang đã hết gần 10 triệu. “Ho có đỡ đi một chút, nhưng vẫn có cảm giác khàn khàn, khó chịu. Mà ở đây lạ nhỉ, tiền nộp phẫu thuật, thuốc thang chẳng có hóa đơn. Đến sổ khám bệnh cũng chẳng được cầm lại?”, chị Thủy phàn nàn với phóng viên.
Bệnh nhân N.T.C (58 tuổi, Đắc Lắc) đang nằm ở phòng khám này để chờ điều trị bệnh trĩ hỗn hợp. “Tôi ra Hà Nội thăm người thân, cũng nghe quảng cáo phòng khám này nên tiện khám luôn. Không ngờ bác sĩ bảo trĩ hỗn hợp, giữ lại điều trị. Mà tôi cũng chẳng biết trĩ độ mấy (khi phóng viên hỏi), thấy nhân viên nói giá điều trị là 6 triệu, nhưng vì tôi ở xa nên được ưu tiên giảm 700.000 đồng”, chị C nói. Và để điều trị căn bệnh trĩ hỗn hợp này, bệnh nhân C cũng được truyền 3 chai nước/ngày (không biết nước gì) với giá thành 1 triệu đồng và soi đèn hồng ngoại.
Trước những sai phạm này, bác sĩ Bùi Quang Vinh, phụ trách phòng khám giải thích: “Thuốc tây kê đơn cho bệnh nhân, nguyên tắc là không được bóc hết vỏ. Trường hợp này, có thể do người bệnh ở xa, thuốc không uống cả viên mà chia ra, cần phải bẻ thuốc nên nhân viên y tế mới bóc hết vỏ thuốc”.
Còn lý giải về giá các chai truyền dịch ngất ngưởng, ông cho rằng có thể là trong cái chai này có pha các loại thuốc theo nhu cầu của bệnh như chống viêm, cầm máu, kháng sinh... khác nên mới đắt như thế. Cụ thể, giá chai Gluco 5% chai 250ml và natri 0,9% chai 250ml trên giá niêm yết chỉ có 8.880 đồng, nhưng thực tế lại được bán cho bệnh nhân với giá 300.000 đồng
Chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Việt Cường cho biết, từ đầu năm đến nay Sở y tế đã tiến hành kiểm tra một số phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn, uốn nắn xử lý một số vi phạm. Lỗi thường gặp nhất tại các phòng khám này là sử dụng bác sĩ, kỹ thuật chưa được cơ quan nhà nước cấp phép, nội dung quảng cáo không đúng hoặc vượt quá nội dung được cấp phép, cá biệt sử dụng bác sĩ nước ngoài nhưng kê đơn thuốc không có tiếng Việt. Riêng tại phòng khám Việt Hải trước đây từng bị xử lý vì hành vi vi phạm quảng cáo không đúng nội dung được cấp phép.
Hồng Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét