|
Mới đây, website WikiLeaks lại công bố thêm hàng trăm ngàn điện tín từ các cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài gửi về cho Washington. Trong đó, các thông tin về Libya gây nhiều chú ý khi quốc gia Bắc Phi đang là tâm điểm thời sự thế giới.
Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tripoli được thành lập vào năm 2006 và là nơi tập trung chủ yếu các thông tin liên quan đến Libya. Trước đó, thông tin về Libya do các cơ quan ngoại giao Mỹ thu thập hầu hết được chuyển tải từ các nước trung gian.
|
Cảm tình viên của Mỹ
Theo tài liệu từ WikiLeaks, từ lâu Mỹ đã có cảm tình với Mustafa Jalil, Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) của phe nổi dậy hiện nay và coi ông này là lựa chọn khả dĩ nếu “xảy ra chuyện” ở Libya.
Mustafa Jalil, sinh năm 1952, tại thành phố Al-Bayda, phía đông Libya. Ông lấy bằng cử nhân nghiên cứu đạo Hồi và tiếng Ả Rập của ĐH Libya vào năm 1975. Sau đó, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống tư pháp Libya trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp vào năm 2007.
Khi chính biến bắt đầu tại Libya hồi tháng 2, ông Jalil là một trong những quan chức đầu tiên của chính quyền Gaddafi bỏ sang phe đối lập. Khi đó, nhân vật này còn khá lạ lẫm với dư luận bên ngoài. Tuy nhiên, ông Jalil đã được giới ngoại giao Mỹ chú ý từ lâu và đánh giá là một người có đầu óc cải cách, là tiếng nói phản biện thẳng thắn nhất trong chính quyền.
Ngày 25.1.2010, Đại sứ Mỹ tại Libya Gene Cretz lần đầu tiên gặp gỡ Jalil để thảo luận về Chương trình phát triển luật thương mại tại Libya do Washington bảo trợ. Trong cuộc gặp, ông Jalil đã nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho những chương trình cải cách pháp luật và nói Mỹ là nơi có thể khơi gợi những ý tưởng mới cho Libya. Sau cuộc gặp Đại sứ Cretz đánh giá Jalil là người “đáng được kính trọng và công bằng”. Ngoài ra, Jalil từng nhiều lần tuyên bố sẽ “không cho phép các lực lượng an ninh đứng trên pháp luật”.
Theo điện tín của Đại sứ quán Mỹ tại Tripoli, ông Jalil đã nộp đơn từ chức Bộ trưởng Tư pháp hồi tháng 1.2010 để phản đối những bất công trong hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, đơn của ông không được chấp nhận do chính quyền Libya không cho phép từ chức mà chỉ bãi nhiệm khi cần thiết. Khi đó, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi từng tuyên bố: “Bộ trưởng Tư pháp có quyền nói những gì ông ấy muốn, nhưng không nên nói ở đây”. Tài liệu của WikiLeaks dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng nếu không có sự ủng hộ của Saif al-Islam Gaddafi, con trai thứ hai của ông Gaddafi, thì ông Jalil đã bị thanh trừng từ lâu.
Saif al-Islam từng kêu gọi cải cách
Theo các điện tín đề ngày 28.8.2008, Saif al-Islam Gaddafi từng kêu gọi cải cách sâu rộng chế độ ở Libya. Saif al-Islam, người từng được cho là sẽ kế vị ông Gaddafi, đề xuất nhiều chương trình cải cách xã hội, chính trị, kinh tế và tuyên bố Libya đã “trì trệ” trong một thời gian dài. Ông này cũng từng chỉ trích hệ thống chính quyền nước này “lộn xộn, thiếu hiệu quả” và thất bại trong việc bảo đảm các nhu cầu cơ bản cho người dân.
Cho nên, Saif al-Islam nói Libya cần có một hiến pháp mới đủ sức mở đường cho cấu trúc chính quyền minh bạch hơn. Năm 2006, “thái tử” nhà Gaddafi từng phát biểu tại một diễn đàn thanh niên ở thành phố Sirte về một hiến pháp mới cho Libya nhưng đã bị những người bảo thủ chỉ trích nặng nề. Vì thế, trong bài phát biểu năm 2007, Saif al-Islam đã đề cập một cách khéo léo hơn và gọi sự thay đổi là một “khế ước xã hội” giúp đất nước phát triển.
Cũng theo hồ sơ từ WikiLeaks, Saif al-Islam đã đề ra một sự chuyển tiếp Libya sang một xã hội dân sự mạnh mẽ hơn để phát triển và đảm bảo tốt nhất “dân chủ, tự do và quyền con người”. Ông này còn nói Libya cần cải cách tư pháp, tôn trọng nhân quyền và tự do báo chí.
Khi những kế hoạch cải cách của Saif al-Islam vẫn chỉ mới là những tuyên bố thì chính biến bùng nổ ở Libya. Hiện nay, ông đang cùng cha mình ẩn náu và cương quyết không chịu đầu hàng với lời thề chiến đấu tới cùng với phe nổi dậy.
Ngô Minh Trí
Thanh Niên Online:
|
Nhu cầu năng lượng ngày càng lớn khiến nhiều quốc gia phải sử dụng nguồn điện hạt nhân. An toàn của nhà máy điện đặt ra không ít thử thách và tính nhạy cảm của vấn đề hạt nhân khiến Mỹ quan sát chặt chẽ các diễn biến liên quan, theo các tài liệu do WikiLeaks tiết lộ.
Lo lắng cho Romania
Điện tín ngày 28.1.2009 do Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Bucharest của Romania gửi về Washington trình bày nhiều thông tin liên quan đến an toàn hạt nhân ở nước này. Phía Mỹ thường xuyên đến quan sát các cơ sở hạt nhân của Romania và thảo luận với giới chức nước này trong công tác đảm bảo an toàn cho các nhà máy. Phía Mỹ đánh giá cao lực lượng an ninh tại các khu vực hạt nhân của Romania nhưng lại lo lắng về khả năng xử lý rủi ro.
|
Theo nội dung điện tín, dù giới chức Romania thừa nhận thiết bị của họ khá “lạc hậu”, còn giới chức Mỹ đánh giá: “Nhìn chung, khả năng bảo vệ hiện tại ở Romania giảm thiểu các nguy cơ; tuy nhiên, sự cố thực tế liên quan đến phát tán phóng xạ sẽ là một thử thách lớn”. Bức điện viết thêm: “Việc huấn luyện ứng phó khẩn cấp chưa tương xứng, đặc biệt là kẽ hở trong nguồn lực và kế hoạch hiệu quả để đối phó nhanh chóng các sự cố”. Trong thực tế, khả năng xảy ra các rủi ro tại nhà máy điện nguyên tử không cao nhưng một khi sự cố xảy ra thì hậu quả rất khôn lường và khó khắc phục. Điển hình sự cố nổ Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine xảy ra cách nay đã 25 năm nhưng quá trình thu dọn và xử lý rác thải hạt nhân vẫn chưa hoàn tất dù đã tiêu tốn hàng tỉ USD.
Ngoài ra, một điện tín từ Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Moscow của Nga cũng nói về các nhà máy điện hạt nhân mà nước này đang xây dựng cho các quốc gia khác. Theo đó, Tập đoàn Atomstroyexport của Nga đang theo đuổi các hợp đồng xây dựng cơ sở năng lượng hạt nhân ở nhiều nước và Mỹ đang liên tục theo dõi diễn biến.
Nhật từng được cảnh báo
Các điện tín mật từ WikiLeaks cũng cho thấy từ năm 2008 đã nảy sinh lo ngại về vấn đề an toàn điện hạt nhân ở Nhật Bản chứ không phải đợi đến sau sự cố tại Nhà máy điện Fukushima số 1 hồi tháng 3. Giới chức của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từng cảnh báo vào năm 2008 rằng một trận động đất mạnh sẽ gây ra “vấn đề nghiêm trọng” cho các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật, tờ The Telegraph trích một điện tín cho hay. Thông tin từ WikiLeaks cũng nói nhiều chuyên gia đã cáo buộc các quan chức IAEA đã bỏ lơ bài học từ các thảm họa năng lượng hạt nhân để bảo vệ cho sự phát triển của ngành này.
Bên cạnh đó, các nội dung điện tín do WikiLeaks công bố còn cho thấy Mỹ lo ngại về an toàn của những dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc đến năm 2020. Mỹ cũng chú ý các dự án nhà máy điện nguyên tử của Ấn Độ và hợp tác hạt nhân giữa nước này với Pháp.
Rủi ro ở Mỹ Nguy cơ một trận động đất lớn gây sự cố nghiêm trọng cho nhà máy điện hạt nhân Mỹ cao gấp 24 lần mức độ người ta từng nghĩ trước đây, theo bài phóng sự đặc biệt của AP đăng ngày 2.9. Trận động đất 5,8 độ Richter ngày 23.8 ở Bờ Đông nước Mỹ cho thấy khả năng các nhà máy điện hạt nhân nước này gặp động đất mạnh cao hơn nhiều so với những dự báo khi thiết kế chúng. AP dẫn lời một số quan chức của Cơ quan giám sát hạt nhân Mỹ cho rằng 25% trong số các lò phản ứng hạt nhân nước này cần được cải tạo để tăng cường độ an toàn. Theo đó, nhiều nhà máy cần thay thế các đường ống bền hơn, cải thiện khả năng chống thấm và ngăn lũ lụt để tránh rò rỉ phóng xạ. Trận động đất ở Bờ Đông đã làm xê dịch nhiều lò chứa chất thải hạt nhân của Nhà máy điện hạt nhân North Anna, cách thủ đô Washington 150 km về phía tây. AFP dẫn lời phát ngôn viên của ban quản lý nhà máy là Richard Zuercher cho hay 27/53 bể chứa chất thải hạt nhân bị xê dịch vài cm nhưng vẫn an toàn. Sau cơn địa chấn, khoảng 12 nhà máy điện hạt nhân dọc theo Bờ Đông cũng đã ghi nhận “những hiện tượng bất thường”. |
Ngô Minh Trí
Thanh Niên Online:
|
>> Quan tâm về an toàn điện hạt nhân
Ngày 28.8, một tòa án ở Iran tuyên án tử hình Majid Jamali Fashi, một người bản địa bị kết tội sát hại chuyên gia vật lý Massoud Ali Mohammadi vào tháng 1.2010 và làm gián điệp cho Israel. Vụ xét xử Fashi góp phần làm hé lộ chiến dịch bí mật và quyết liệt của Israel nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân của nước CH Hồi giáo.
Tiết lộ từ WikiLeaks
Trong hàng trăm ngàn thư tín ngoại giao của Mỹ do website WikiLeaks tung ra, nhiều hồ sơ cho thấy Israel cực kỳ lo ngại chương trình hạt nhân của Iran và thường xuyên thảo luận kín với giới chức các nước về biện pháp đối phó. Theo những tài liệu mới nhất từ WikiLeaks, Israel chỉ có 10-12 phút để chuẩn bị chống đỡ một cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Nhận định này được Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Gabi Ashkenazi đưa ra với một phái đoàn Quốc hội Mỹ vào tháng 11.2009. Ông Ashkenazi nói rằng Iran có khoảng 300 tên lửa Shahab, trong đó có loại có thể mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn chạm đến nhiều khu vực trên lãnh thổ Israel.
|
Qua nội dung các thư tín, có thể thấy rõ Israel đang lo sợ một Iran "hạt nhân hóa" và thường xuyên tìm cách gây áp lực lên đồng minh Mỹ để nước này hành động mạnh tay với Iran. Theo các tài liệu từ WikiLeaks, Tel Aviv thậm chí xác định năm 2010 là "năm cấp thiết" đối với việc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. "Nếu người Iran tiếp tục bảo vệ và củng cố các cơ sở hạt nhân của họ sẽ càng khó nhắm trúng và phá hủy chúng", một thư tín dẫn lời một quan chức Israel nhận định.
Trên thực tế, trong năm ngoái Mỹ không hề có hành động phủ đầu nào đối với Iran do Mỹ đang bận rộn tại Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, năm 2010 là thời điểm bắt đầu chiến dịch ám sát của tình báo Israel nhằm vào các nhà khoa học hạt nhân Iran. Tel Aviv đang cố gắng giải quyết mối lo từ Tehran theo cách của mình trong khi chờ Washington "nghĩ lại".
"Phát súng" đầu tiên
Vụ sát hại ông Massoud Ali Mohammadi được cho là đòn tấn công đầu tiên của Israel trong cuộc chiến triệt tiêu chương trình hạt nhân của Iran "từ gốc". Theo báo Asia Times, là một chuyên gia về lý thuyết trường lượng tử và là giáo sư vật lý hạt sơ cấp tại Đại học Tehran, ông Mohammadi từng công bố 53 báo cáo nghiên cứu trên các chuyên san khoa học có uy tín.
Nhà khoa học này bị ám sát vào ngày 12.1.2010 khi một quả bom cài trên xe máy phát nổ cạnh chiếc ô tô trước nhà riêng của ông ở khu Gheytariyeh, phía bắc Tehran. Dù ông Mohammadi không có bất kỳ mối liên hệ công khai với chương trình hạt nhân của Iran hay bất cứ dự án nhạy cảm nào, nhưng những diễn biến trong quá trình xét xử Majid Jamali Fashi cho thấy ông tham gia vào những kế hoạch mang tầm quan trọng quốc gia. Bản thân Fashi thừa nhận được Israel trả 120.000 USD để giết Mohammadi.
Tại phiên tòa, vợ nạn nhân là bà Mansoureh Karami chỉ trích nặng nề Israel và cơ quan tình báo của nước này và khẳng định chồng bà là người "hiến thân cho đất nước Iran". Giới quan sát đánh giá sự xuất hiện và những tuyên bố của bà Karami về người chồng quá cố cho thấy ông có liên quan đến các chương trình quốc phòng và hạt nhân nhạy cảm của Tehran.
Những nạn nhân tiếp theo
Nhiều tháng sau đó, lần lượt nhiều nhà khoa học hạt nhân Iran nổi trội khác trở thành mục tiêu của Israel. Theo báo Der Spiegel, vào ngày 29.11.2010, 2 nhà khoa học cao cấp bị ám sát gần như cùng lúc bằng bom gài trong xe tại các khu vực khác nhau ở thủ đô Tehran. Hậu quả là giáo sư vật lý hạt nhân Majid Shahriari thiệt mạng. Trong khi đó, tiến sĩ
Fereydoon Abbasi may mắn thoát chết. Ông này là một chuyên gia về phân tách đồng vị, quy trình quan trọng trong việc sản xuất nhiên liệu uranium làm giàu dùng để vận hành các lò phản ứng hạt nhân cũng như chế tạo bom. Sau khi bình phục, ông Abbasi được Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad bổ nhiệm làm Phó tổng thống kiêm Giám đốc Tổ chức năng lượng hạt nhân Iran.
Đến tháng 7 năm nay, ông Darioush Rezaei trở thành nạn nhân mới nhất trong chiến dịch bí mật của Israel. Chuyên gia 35 tuổi thiệt mạng sau khi bị bắn vào cổ trước nhà trẻ của con gái mình ở phía đông Tehran. Truyền thông Iran đưa tin 2 thủ phạm của vụ tấn công đã tẩu thoát bằng xe gắn máy. Theo các tài liệu mật, ông Rezaei tham gia phát triển công tắc cao áp, một bộ phận then chốt trong quá trình bắn đầu đạn hạt nhân, và đã nằm trong đích nhắm của lực lượng tình báo thù địch với Iran từ lâu.
Sau những vụ ám sát vừa qua, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia của Quốc hội Iran Kazem Jalali tuyên bố Israel đang "tuyệt vọng" trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad từng tuyên bố nước này không ngại chế tạo bom hạt nhân nhưng không có ý định làm điều đó. AFP dẫn lời ông Ahmadinejad phát biểu hồi tháng 6: "Nếu chúng tôi muốn chế tạo bom hạt nhân, chúng tôi chẳng sợ ai và cũng không ngại tuyên bố điều đó. Không ai có thể làm được cái quái gì".
Tình báo Israel khó có thể cử sát thủ của mình sang Iran nên họ tuyển dụng và đào tạo những người bản địa. Theo Asia Times, Fashi, thủ phạm giết ông Mohammadi được Lãnh sự quán Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ tuyển mộ và được đào tạo "sơ bộ" tại đây.
Y cũng đã gặp giới chức tình báo Israel ở Azerbaijan và Thái Lan, có lúc được đưa vào Israel để đào tạo tăng cường và chuẩn bị cho vụ ám sát. Tình báo Iran ước tính có khoảng chục người được Israel đào tạo và đang hoạt động trong lòng nước CH Hồi giáo.
Dĩ nhiên, Tel Aviv bác bỏ sự dính líu vào những vụ ám sát nói trên. Nhưng các chuyên gia tình báo tin rằng thủ phạm không ai khác chính là Cơ quan tình báo Mossad nổi tiếng, vốn đôi lúc phối hợp hành động với các đồng nghiệp CIA của Mỹ. Theo nhiều hồ sơ mật, trong 5 năm qua, CIA nỗ lực thu phục những sinh viên khoa học của Iran nhằm đẩy nước này vào cảnh thiếu hụt các chuyên gia chế tạo bom. Tình báo Mỹ cũng cố gắng dụ dỗ các nhà khoa học cao cấp của Iran đào tẩu nhưng không đạt nhiều kết quả.
Những vụ ám sát cho thấy Iran vẫn còn sơ hở trong việc bảo vệ nguồn nhân lực khoa học hạt nhân của nước này và nếu tình hình cứ tiếp diễn, Tehran rất có thể sẽ trả đũa. Về phần mình, Israel không loại trừ khả năng không kích các cơ sở hạt nhân Iran như đã từng làm ở Syria nếu chiến dịch ám sát không đem lại kết quả mong muốn. Các thư tín ngoại giao được WikiLeaks tung ra cho thấy chính quyền Úc từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu Israel tấn công Iran.
Cảnh báo của Tổng thống Pháp Iran vừa yêu cầu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không đưa ra những lời phát biểu dựa trên thông tin "thiếu kiểm chứng". Trước đó, AFP dẫn lời ông Sarkozy tuyên bố ngày 31.8 rằng Pháp sẽ hợp tác với các đồng minh tăng cường hậu thuẫn các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm buộc Iran nhượng bộ về vấn đề làm giàu uranium. Tổng thống Pháp cảnh báo thêm rằng nếu các biện pháp trừng phạt không đem lại kết quả mong muốn, một quốc gia khác có thể tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran. Ông Sarkozy không nêu tên nước này. Đáp lại, ông Hasan Tajik, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Tây Âu thuộc Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: "Như đã nhiều lần khẳng định, hoạt động hạt nhân của Iran là hoàn toàn hòa bình và các báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đã xác nhận điều đó. Các hoạt động phòng thủ của Iran cũng hoàn toàn nhằm mục đích ngăn chặn. Những phát biểu dựa trên thông tin thiếu kiểm chứng có thể gây mất ổn định khu vực". |
Trùng Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét