15/02/2011 06:00
(VTC News) - Tôi đã đến nhiều ngôi làng có nhiều tỷ phú ở Việt Nam, như làng Đồng Kỵ (Từ Sơn) với hàng trăm giám đốc buôn gỗ, làng phá dỡ máy móc Tề Lỗ và làng Thổ Tang giết mổ đại gia súc ở Vĩnh Phúc, nơi mà nông dân toàn cưỡi xe bạc tỷ, nhưng quả thực, chưa thấy làng nào giàu có như ở làng Mẹo (tên chính thức là làng Phương La, xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình).
Nếu xét về số lượng giám đốc, thì có thể làng Mẹo không nhiều bằng Đồng Kỵ, bởi ở Đồng Kỵ, nhà nhà lập công ty, người người làm giám đốc. Có chuyện vui rằng, cứ mở mắt mỗi sáng, lại thấy ở làng Đồng Kỵ xuất hiện giám đốc mới. Người dân Đồng Kỵ cần cái chức danh đó để tiện giao dịch hàng hóa mỹ nghệ, chứ chẳng phải bệnh sĩ. Tuy nhiên, xét về mức độ giàu có của các tỷ phú, thì làng Đồng Kỵ có lẽ còn xếp ở chiếu dưới. Nếu cộng doanh thu của cả làng Đồng Kỵ, cả làng Tề Lỗ hay Thổ Tang, cũng chưa chắc đã bằng doanh thu của một tỷ phú ở làng Mẹo.
Vì sao làng Mẹo lắm tỷ phú như vậy? Để trả lời được câu hỏi này không phải chuyện dễ dàng. Phải tìm hiểu làng Mẹo từ cả ngàn năm trước mới hiểu được con người làng Mẹo ngày nay.
Làng Mẹo giàu có từ gần ngàn năm nay vì nghề dệt. |
Tôi cứ nhớ mãi cái con số đau lòng trong báo cáo của một lãnh đạo tỉnh Thái Bình, rằng người nông dân Thái Bình thu lời chưa đầy 1.000 Việt Nam đồng/ngày từ cây lúa. Vị lãnh đạo này tính toán có lý hẳn hoi: Với 1 sào lúa/đầu người, trừ chi phí phân, đạm, giống, thuốc trừ sâu, cày bừa… giỏi lắm, chăm chỉ lắm, người nông dân mới lãi được độ 300 ngàn đồng/năm. Ấy vậy mà, từ quê lúa nghèo khó ấy, đã mọc lên một ngôi làng kỳ lạ, toàn “vĩ nhân kiếm tiền”. Một tỷ phú ở cái làng ấy, có doanh thu bằng cả tỉnh cấy lúa, một tỷ phú ở tỉnh ấy nộp thuế bằng cả chục lần nông dân cả tỉnh nộp thuế. So sánh như vậy có thể khập khiễng, nhưng cũng lý thú.
Theo gia phả họ Trần, vào cuối thời Lý, người họ Trần về làm ăn, sinh sống tại vùng Hải Ấp, lập làng, lấy tên là Ứng Mão. Tên cổ Ứng Mão hiện vẫn còn trên chiếc cổng cổ của làng. Người đứng đầu họ Trần là ông Trần Hoằng Nghị, thân sinh của Thái sư Trần Thủ Độ. Theo các nhà nghiên cứu, có thể cái tên Ứng Mão sau đọc chệch đi thành làng Mẹo.
Cụ Trần Hoằng Nghị là con cụ Trần Hấp. Cụ Nghị dạy nhân dân trong làng biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, nên được dân làng tôn làm Thượng Đẳng Phúc Thần. Làng nghề phát triển mạnh mẽ, phồn thịnh từ thời kỳ đó. Dân làng Ứng Mão lập chợ, xây cầu, buôn bán khắp nơi. Sản phẩm làng Mẹo phục vụ triều đình, cung tiến ra nước ngoài.
Đường vào làng Mẹo qua một cách đồng. |
Thế kỷ 17 là thời kỳ phát triển rực rỡ của làng Mẹo. Khi đó, làng có tên Hương La, có nghĩa là lụa thơm. Thế kỷ 20, đất nước chìm trong ách nô lệ, phong kiến, song nghề dệt ở làng Mẹo vẫn phát triển, người dân được đảm bảo đời sống. Vải làng Mẹo nổi danh thiên hạ, có mặt tràn lan ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Vải bò xuất khẩu ầm ầm sang châu Âu. Bất kỳ sản phẩm nào gắn mác làng Mẹo đều bán chạy. Sau khi trải qua thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, làng Mẹo đã phát triển thần kỳ. Và chỉ trong thời gian hơn 20 năm, hàng loạt tỷ phú đã sinh ra từ ngôi làng này.
Người tìm hiểu kỹ lưỡng nhất về làng Mẹo và lịch sử nhà Trần là nhà nghiên cứu Đặng Hùng. Ông Hùng đã bỏ ra gần 30 năm trời để hoàn thành cuốn sách có tựa đề “Long Hưng – đất phát nghiệp Vương triều Trần”. Dù ông ra sức bác bỏ ông Hoằng Nghị Đại Vương là Trần Hoằng Nghị, là người sinh ra Thái sư Trần Thủ Độ, song ông phải công nhận rằng, người làng Mẹo là những người cực giỏi, giỏi từ gần ngàn năm trước.
Làng Mẹo. |
Tìm về lịch sử, ông Hùng thấy rằng, thời nào cũng vậy, người dân làng Mẹo chỉ có giàu hay không, chứ không bao giờ bị đói. Người Thái Bình có câu: “Người làng Mẹo quẳng đâu cũng không chết”.
Người làng Mẹo không chỉ khéo léo trong nghề dệt, mà còn cực giỏi trong giao dịch bán hàng. Các sản phẩm của người làng Mẹo làm ra, người làng Mẹo tự mang đi bán không những khắp nước mà khắp thế giới. Từ xa xưa, người làng Mẹo có câu ca: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về làng Mẹo với anh thì về/ Làng Mẹo buôn bán trăm nghề/ Sáng đi bán lụa, tối về buôn tơ”.
Đàn ông làng Mẹo nổi tiếng giỏi giang, thành đạt, con gái làng Mẹo nổi tiếng xinh đẹp, khéo tay, có tài dệt cửi, lại hay nết. Con gái nơi khác lấy được con trai làng Mẹo là cái phúc, con trai ngoài làng lấy được con gái làng Mẹo thì chẳng khác gì vớ được vàng. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, chỉ với những truyền thuyết lưu truyền dân gian về con người làng Mẹo như thế, cũng phần nào lý giải vì sao làng Mẹo lại giàu có từ gần ngàn năm trước và sẽ ngày càng giàu có hơn.
Những ngôi nhà cao tầng như thế này ngày càng nhiều ở làng Mẹo. |
Ông Đặng Hùng đã nhiều lần về làng Mẹo nghiên cứu và theo ông, các cụ trong dòng họ Trần, Lê , Vũ, Đinh… có một bài kệ bí mật dạy con cháu cách làm giàu. Ông Hùng đã tìm hiểu, song họ không tiết lộ. Theo lời đồn, chỉ cần thuộc nằm lòng bài kệ đó và cứ thế làm theo, ắt sẽ nhanh chóng làm giàu. Thực hư bài kệ chẳng biết thế nào, nhưng chuyện người làng Mẹo lập nghiệp đều thành công vang dội, nhất là bên ngoài làng, thì đã quá rõ.
Từ Quốc lộ 39B, phải đi qua cánh đồng mới vào đến làng Mẹo. Đứng từ xa nhìn lại, làng Mẹo nằm giữa cánh đồng lúa. Chiều đến, khung cảnh làng Mẹo tấp nập như một khu công nghiệp. Xe tải, container nối đuôi nhau ra vào làng, công nhân tan ca đông như trẩy hội. Vào làng Mẹo, mà tôi ngỡ như lạc vào một khu công nghiệp tầm cỡ, hiện đại, giàu có. Thậm chí, ngay đầu làng còn có một khu mua sắm hiện đại của đại gia Trần Văn Sen, đứng ngoài đường nhìn vào, to cỡ siêu thị BigC, người ra, người vào mua bán tấp nập.
Theo ông Bùi Đức Năng, Trưởng phòng Công thương huyện Hưng Hà, doanh thu của riêng làng Mẹo cũng cỡ 500 tỷ đồng, bằng 2/3 toàn huyện. Tuy nhiên, theo ông Năng, đây là con số trên giấy tờ, nộp thuế, con số thực tế vượt xa nhiều lần.
Ông Bùi Đức Năng và cuốn sổ ghi tên các tỷ phú làng Mẹo. |
Ông Trần Duy Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương có cách tính đơn giản, mà chính xác hơn: Làng Phương La có 3.000 máy dệt, hoạt động không ngừng nghỉ. Trừ các loại chi phí, mỗi chiếc máy dệt làm lãi 150 ngàn đồng/ngày. Như vậy, mỗi năm, riêng những chiếc máy dệt ở Phương La đã thu lãi 160 tỷ đồng. Các doanh nghiệp xuất khẩu còn thu lãi cao hơn nữa. Rồi các cơ sở chế biến nguyên liệu, nhuộm hấp, thêu ren... Cứ theo cách tính trên thì doanh thu của làng Mẹo phải là cả ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Cứ cho con số doanh thu của cả làng Mẹo mỗi năm khoảng 1.000 tỷ, liệu có phải lớn? Qua tìm hiểu, con số đó, cũng chưa thể bằng một doanh nghiệp lớn của một đại gia sinh ra từ làng Mẹo, nhưng lập nghiệp ở nơi khác. Còn hàng chục con em của làng Mẹo lập doanh nghiệp lớn ở thị trấn Hưng Hà, ở các xã trong huyện, ở TP. Thái Bình và ở khắp cả nước nữa.
» Anh chàng buôn chuối biến cả làng thành tỷ phú |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét