Một đêm theo chân CSGT kiểm tra các tài xế “ma men”

Dân trí:
Thứ Bẩy, 10/09/2011 - 16:28

Cần Thơ: Một đêm theo chân CSGT kiểm tra các tài xế “ma men”

(Dân trí) - “Việc uống rượu bia khi tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm. Sự nguy hiểm có thể đánh đổi cả tính mạng của mình và của người khác” - một chiến sĩ CSGT nhắn nhủ.
>> Uống rượu bia điều khiển phương tiện sẽ bị xử lý nghiêm
>> Mở tháng cao điểm xử lý vi phạm giao thông do rượu bia


Kiểm tra nồng độ cồn các tài xế có dấu hiệu vừa rời quán nhậu

Đêm 9/9, chúng tôi theo chân đoàn CSGT đường bộ Công an TP Cần Thơ tuần tra một số tuyến đường chính trong nội ô TP. 19h tối, một tổ tuần tra do Thiếu tá Lê Vũ Tiến dẫn đầu rời trụ sở Phòng CSGT đường bộ đến chốt tại ngã tư đường Lê Lơi và Trần Văn Khéo (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều). Sau khi cho xe chiếc tải đặc chủng yên vị ngay góc sân vận động, Thiếu tá Tiến cử 4 chiến sĩ CSGT tuần tra trên các tuyến đường Lê Lợi, Trần Văn Khéo, Nguyễn Trãi, Đại lộ Hòa Bình…

Liên tục gọi điện… cho người thân

Chỉ ít phút sau, 2 chiến sĩ CSGT đưa về một người có dấu hiệu uống rượu bia. Người này tên T.C.T điều khiển xe mô tô BKS 65-H1 9099. Khi về tới chỗ kiểm tra, người đàn ông này chưa chịu cho kiểm tra nồng độ cồn mà đứng ra phía xa gọi điện thoại cho ai đó. Ông này gọi điện lâu đến mức các chiến sĩ CSGT và những người đứng xem “sốt cả ruột”. Một đồng nghiệp của chúng tôi nói vui: “Chắc ông này gọi nói chuyện cho bay hết hơi rượu bia”.

Sau nhiều lần nhắc nhở, ông T. cũng đành đến bàn để các chiến sĩ CSGT hướng dẫn kiểm tra nồng độ cồn. Khâu kiểm tra nồng độ cồn người vi phạm không hề đơn giản. Mất chừng gần 10 phút ông T. mới tiến hành cho kiểm tra xong; con số hiện lên trên màn hình máy đo là 0,860mg/lít khí thở. Với kết quả này, ông T. bị lập biên bản theo quy định.

Vài phút sau, thêm một người được đưa về chỗ kiểm tra, ông này tên L.N.T, điều khiển xe máy BKS 65-P9 4266. Ông N.T cũng xin vài phút để gọi điện cho người thân nhưng sau đó cũng chấp hành vào kiểm tra nồng độ cồn. Màn hình hiện lên con số 0,533mg/lít khí thở, ông T. bị lập biên bản giữ giấy tờ và xe theo quy định.

Trước khi có người thân đến đón về, ông T. nói với chúng tôi: “Hôm nay xui quá, vừa mới rời quán thì không biết từ đâu CSGT chạy tới rồi kè tôi về đây luôn. Mà cũng hay, một lần bị phạt xem như rút kinh nghiệm cho lần sau sẽ nhậu ít hơn hoặc đi taxi cho chắc”.

Cùng lúc này, các chiến sĩ CSGT phát hiện một thanh niên chạy xe SH có dấu hiệu “vừa rời quán nhậu”. Thiếu tá Tiến cho 2 chiến sĩ CGST đuổi theo, ít phút sau người và xe được đưa về kiểm tra. Người vi phạm là một thanh niên khá trẻ tên N.T.P, điều khiển xe máy BKS 65-B1 058.61. Kết quả kiểm tra P. là 0,467mg/lít khí thở, P. bị lập biên bản giữ xe và giấy tờ.
Việc làm hồ sơ rất thuận lợi khi phiếu kiểm tra nồng độ cồn được in tại chỗ (trên đó có ghi các thông tin cần thiết), 1 bản gửi cho người vi phạm, 1 bản lưu hồ sơ xử lý

Thách thức cả CSGT

Trong khi tuần tra gần công viên sông Hậu, nhóm của Thiếu tá Lê Vũ Tiến phát hiện một thanh niên điều khiển xe máy BKS 65-H6 4898 có biểu hiện vi phạm. Một chiến sĩ CSGT tuýt còi ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, người thanh niên này không dừng mà rồ ga, tăng tốc như thách thức CSGT.

Các chiến sĩ tiến hành truy đuổi. Người thanh niên chạy thêm được hơn 300m thì bỏ chạy vào một quán nhậu trốn nhưng vẫn bị các chiến sĩ CSGT áp giải cả người và xe về nơi kiểm tra.

Người này tên T.M.L, kết quả nồng độ cồn đo được cũng vượt quy định cho phép. Khi được hỏi vì sao bỏ chạy, L. cho biết vì sợ bị kiểm tra nồng độ cồn, mất tiền phạt nên chạy trốn. Theo một chiến sĩ CGST thì L. còn có dấu hiệu chống cự khi bị CSGT bắt kịp nhưng chưa đến mức nghiêm trọng.

Gần 21h, trời bắt đầu lác đác mưa. Các chiến sĩ CSGT chuẩn bị trở về trụ sở thì từ đầu đường Trần Phú, một thanh niên điều khiển xe máy BKS 95-F4 3939 chạy với tốc độ cao; khi đi ngang qua các chiến sĩ CSGT còn rú ga, nẹt pô rồi lạng lách, đánh võng... Chưa dừng lại ở đó, đối tượng này còn vượt đèn đỏ ngay ngã tư đường Lê Lợi và Trần Văn Khéo trong sự “hú vía” của nhiều người đi đường.

Ngay lập tức, một tổ gồm 6 chiến sĩ CSGT đuổi theo. Cuộc rượt đuổi qua tuyến đường Lê Lợi khá đông khiến đường phố náo loạn. Cuối cùng các chiến sĩ CSGT cũng bắt được đối tượng, đưa về trụ sở Phòng CSGT. Qua kiểm tra giấy tờ xe xác định đối tượng tên L.T.P (SN 1989). Nồng độ cồn đo được là 0,621mg. Ngoài việc bị giữ xe và giấy tờ xe, P. còn bị lập biên bản vi phạm điều khiển xe lạng lách, đánh võng trong đô thị, mức phạt vào khoảng gần 7 triệu đồng.

P. nhận biên bản vi phạm mà “lòng nặng trĩu” vì “xe mượn” và “chưa biết lấy tiền đâu để nộp phạt”.

Qua thống kê của đoàn tuần tra, đêm ra quân 9/9 tổng cộng có 19 trường hợp vi phạm; trong đó có 8 trường hợp vượt độ cồn quy định, các trường hợp còn lại là không giấy tờ, không chấp hành hiệu lệnh, không mở đèn, không đội mũ bảo hiểm…

Khó khăn kiểm tra người vi phạm

Thiếu tá Lê Vũ Tiến cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn người vi phạm gặp khá nhiều khó khăn. Trước hết, do người vi phạm không tự nguyện nên không chịu thổi hơi đúng cách để kiểm tra.

Ngoài ra một số người còn có thái độ không đàng hoàng, cù cưa, thách thức, nhất quyết không cho kiểm tra. Song hiện cũng có một chế tài là “không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn” sẽ bị phạt đến 2,5 triệu đồng. Chế tài này khiến người vi phạm “tự nguyện” hơn.
Các chiến sĩ CSGT đưa xe người vi phạm về trụ sở tạm giữ để chờ xử lý

Cũng theo Thiếu tá Lê Vũ Tiến, hiện nay mức độ xử lý vượt độ cồn quy định có 2 khung đối với người điều khiển xe môtô. Khung 1 có tỷ lệ từ 0,25- 0,4mg/lít khí thở, bị phạt 200.000 - 300.000 đồng, bị giữ GPLX 30 ngày; khung 2 có tỷ lệ từ 0,4mg trở lên bị phạt tiền là 500.000 - 1.000.000 đồng, bị giữ GPLX 60 ngày, giữ xe 10 ngày. Hầu hết người vi phạm đều thuộc vào khung 2.

“Việc uống rượu bia khi tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm, bởi hiện nay lượng xe rất đông nên khó tránh khỏi những va chạm khi người điều khiển xe có rượu bia không cầm vững tay lái. Sự nguy hiểm có thể đánh đổi cả tính mạng của mình và của người khác. Khi đi kiểm tra, chúng tôi luôn khuyên người dân nên hạn chế đi tình trạng này. Nếu có uống thì tốt nhất là nhờ người khác chở về hoặc đi taxi để đảm bảo an toàn cho mình”- một chiến sĩ CSGT Cần Thơ nhắn gửi.

Huỳnh Hải


vnexpress.net
Thứ sáu, 9/9/2011, 10:35 GMT+7

Uống 2 cốc bia, lái xe máy sẽ bị phạt 300.000 đồng

Theo Cảnh sát giao thông Hà Nội, thông thường nếu uống 2-3 cốc bia (loại 400 ml) thì nồng độ cồn đo được 0,25-0,4 mg trên một lít khí thở. Với mức này, người đi xe máy có thể bị phạt 200.000-300.000 đồng.
>Cảnh sát Hà Nội đo nồng độ cồn gần quán bia

*Clip: Cảnh sát Hà Nội đo nồng độ cồn người lái xe

Chiều 8/9, trao đổi với VnExpress.net, trung tá Hà Văn Tuân, Đội phó Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, sau 4 ngày triển khai, đội đã xử lý được khoảng 20 trường hợp đi ôtô, môtô vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Trung tá Tuân cho hay, theo nghị định 34 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển ôtô, môtô có nồng độ cồn từ 0,25 mg trên một lít khí thở bắt đầu bị xử phạt.

Cụ thể, nếu trong một lít khí thở có 0,25-0,4 mg cồn thì người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng, người lái môtô bị phạt 200.000-300.000 đồng, và cùng bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày; nếu nồng độ cồn vượt mức 0,4 mg, người lái ôtô sẽ chịu mức phạt 4-6 triệu đồng, còn người lái môtô bị phạt 500.000-1.000.000 đồng và cùng bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Riêng ở Hà Nội và các thành phố lớn, mức phạt này sẽ bị tăng gấp đôi.

nong do con
Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện. Ảnh: Tiến Dũng.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, tại các điểm xử lý, dù nhiều người thở ra nồng nặc hơi men nhưng làm đi làm lại cả chục lần vẫn không thể thổi đủ một lít khí vào máy nên không cho kết quả xét nghiệm. Lực lượng chức năng mất nhiều thời gian và không có căn cứ xử phạt. Ông Tuân khẳng định, do người vi phạm biết rằng nếu thổi thì sẽ bị phạt nên không muốn thổi và đã dùng mọi cách để làm không đúng yêu cầu.

“Đây là điều khiến chúng tôi đau đầu. Chúng tôi mong muốn bắt được 100 thì phải xử lý được 100 người chứ không phải như hiện nay. Ở nước ngoài, họ có túi chụp vào toàn bộ mặt nên người vi phạm không muốn thở cũng không được và kết quả xét nghiệm nồng độ cồn sẽ hiện ra ngay”, ông Tuân chia sẻ.

Ông Đội phó kiến nghị, với những trường hợp chống chế cần dùng biện pháp khác để xác định nồng độ cồn, như cách dùng túi thở mà nhiều nước đang áp dụng.

Trả lời câu hỏi uống bao nhiêu cốc bia thì không phạm luật khi tham gia giao thông, ông Tuân cho hay, điều này tùy thuộc vào cơ địa từng người, nhưng thông thường nếu uống 2-3 cốc bia Hà Nội (loại 400 ml) thì nồng độ cồn đo được 0,25-0,4 mg trên một lít khí thở. Nếu uống từ 4 cốc trở lên nồng độ này sẽ vượt quá 0,4 mg trên một lít khí thở.

Trung tá Tuân cho biết, do mỗi ống thổi bằng nhựa được dùng một lần, người vi phạm không phải dùng chung nên người dân không phải lo lắng về vấn đề vệ sinh, dịch bệnh.

"Chúng tôi cũng không kiêng nể trường hợp nào, kể cả xe công, vì xử lý lái xe vi phạm chứ không phải xử lý cán bộ nào đó ngồi trong xe. Thời gian tới đội sẽ tiếp tục xử lý ôtô vi phạm”, ông Tuân nhấn mạnh.

Lập biên bản những lái xe vi phạm. Ảnh: Tiến Dũng.

Còn trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội CSGT số 4 cho biết, sau 4 ngày đã xử lý được 55 trường hợp, trong đó tạm giữ 2 ôtô và 3 xe máy do những tài xế này có nồng độ cồn quá cao.

Với những người vi phạm không hợp tác, trung tá Ngoại cho rằng vẫn có cách xử lý mềm mỏng khiến họ thổi được, dù lắm khi phải mất tới cả nửa giờ. Cá biệt, có trường hợp ngoan cố phải nhờ cảnh sát 113 đưa vào công an phường thì người này mới chịu hợp tác.

“Tôi chỉ kiến nghị các VIP không nên gọi điện cũng như can thiệp mỗi khi có xe bị giữ vì vi phạm nồng độ cồn. Nhiều khi tôi phải nghe điện thoại nóng cả tai về các trường hợp vi phạm, rồi giải thích tế nhị và vẫn xử lý tài xế vi phạm”, trung tá Ngoại chia sẻ.

Hiện, Đội CSGT số 4 đã xử phạt một xe biển xanh vi phạm.

Tiến Dũng


cand.com.vn
17:10:00 08/09/2011
Việc kiểm tra vi phạm vào thời điểm đèn đường, đèn xe đã bật chói lòa là chuyện không đơn giản, vì các chiến sĩ khó có thể quan sát bằng mắt thường thấy sắc mặt đỏ hay tái lờ đờ của người điều khiển phương tiện, để tiến hành dừng xe. Vì thế tổ CSGT phải sử dụng đến bộ đàm, cắt cử một chiến sĩ lên phía trên quan sát, thấy người điều khiển phương tiện đi ra từ quán bia có dấu hiệu say xỉn thì báo về qua bộ đàm, để chiến sĩ chốt phía dưới nhận biết, tiến hành dừng xe.
>> CSGT đồng loạt kiểm tra nồng độ cồn từ 1/9

Thực hiện Tháng An toàn giao thông quốc gia 2011, với khẩu hiệu "đã uống rượu, bia thì không lái xe", Cảnh sát giao thông Hà Nội vừa triển khai đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực tập trung nhiều quán nhậu. Hơn 100 trường hợp người dân sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã bị xử lý nghiêm. Đa phần trong đó là nam giới, điều khiển môtô, xe máy.

Nhiều người mắc lỗi biết luật nhưng vẫn vi phạm

18h30', trời nhá nhem tối. Dù đã bước sang thu, nhưng dường như cái không khí oi ả, nóng bức của ngày hè vẫn hiện hữu. Chẳng thế mà, các quán nhậu trên đường Tăng Bạt Hổ, người ra, người vào cứ nườm nượp. Dường như ở "thế giới" nhậu này, đây mới là giờ vàng của cửa hàng, cũng như thực khách. Ai đã vào quán, khi rời khỏi nơi này, trong người ít nhiều cũng có một chút bia hay rượu, thế nhưng vẫn ngang nhiên điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường, tối 6/9, lực lượng CSGT thành phố đã tung quân chốt chặn trên nhiều nẻo đường, nơi tập trung nhiều quán nhậu, kiên quyết xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia.

19h, theo chân tổ tuần tra thuộc Đội CSGT số 4 Công an TP Hà Nội, chúng tôi đã có mặt tại ngã ba Tăng Bạt Hổ - Yersin (khu vực trước cửa Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1).

Có tận mắt thực tế mới hay việc kiểm tra vi phạm vào thời điểm đèn đường, đèn xe đã bật chói lòa là chuyện không đơn giản, vì các chiến sĩ khó có thể quan sát bằng mắt thường thấy sắc mặt đỏ hay tái lờ đờ của người điều khiển phương tiện, để tiến hành dừng xe. Vì thế tổ CSGT phải sử dụng đến bộ đàm, cắt cử một chiến sĩ lên phía trên quan sát, thấy người điều khiển phương tiện đi ra từ quán bia có dấu hiệu say xỉn thì báo về qua bộ đàm, để chiến sĩ chốt phía dưới nhận biết, tiến hành dừng xe.

CSGT yêu cầu người điều khiển phương tiện thở vào ống để đo nồng độ cồn.

Là một trong những trường hợp đầu tiên bị lập biên bản tối 6/9 với nồng độ cồn là 0,38mg/lít khí thở (qua máy đo), anh Trương Quang Dương (Trương Định, Hà Nội) thừa nhận là mình đã uống bia, nhưng là… từ chiều. Anh Dương cũng cho biết, là người thường xuyên đọc báo chí nên rất rõ việc điều khiển phương tiện lưu thông trên đường sau khi uống rượu, bia là sai luật, thế nhưng khi bạn bè rủ đi nhậu, sao mà từ chối được.

Cùng thời điểm đó, hơn chục trường hợp khác đã được Đội CSGT số 4 tiếp tục dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Hầu hết, các lái xe đều tỏ ra khá hợp tác sau khi nghe lực lượng CSGT giải thích về việc kiểm tra này. Mặc dù, được hướng dẫn về cách thở vào máy, song theo quan sát của phóng viên, nhiều người khá lúng túng, thường phải thở đi thở lại đến lần thứ 2, thứ 3 mới đo được nồng độ cồn.

Một vài trường hợp, biết rằng mình vừa uống bia rượu, cố tình không hợp tác bằng cách thở nhẹ, để máy không đo được. Đối với những trường hợp này, lực lượng CSGT đã nhẹ nhàng hướng dẫn, yêu cầu thực hiện lại động tác. Thậm chí, có trường hợp CSGT đã bố trí cho người vi phạm nghỉ ngơi ít phút, để có thể ổn định lấy hơi. Sau khi thở, chiếc máy lập tức báo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện có nằm trong mức bị phạt hay không. Với bằng chứng hiện hữu, không ít lái xe đã phải nghiêm chỉnh ký vào biên bản nộp phạt.

Cũng trong buổi tối 6/9, tại nút giao thông Trần Khánh Dư, tổ công tác của Đội 1, Phòng CSGT Hà Nội đã tiến hành đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông và phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm.

Không có chuyện xử phạt lấy lệ, nương nhẹ xe biển đỏ, biển xanh

Trao đổi nhanh với phóng viên, Trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội trưởng Đội Khám nghiệm và Tuyên truyền ATGT, Phòng CSGT Hà Nội cho hay: "Thực hiện biện pháp đo bằng máy đo hơi thở không khó khăn để phát hiện nồng độ cồn của người tham gia giao thông, nên sẽ không có chuyện xử phạt lấy lệ. Trước khi ra quân, Phòng CSGT thành phố đã mở lớp tập huấn cho tất cả các chiến sỹ CSGT để sử dụng máy đo này. Người bị đo chỉ cần ngậm vào đầu ống và thở đều từ 3-5 giây là máy đã đo được nồng độ cồn".

Còn Trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội CSGT số 4 chia sẻ: Trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn do người vi phạm cố tình không hợp tác, tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ, cùng với thuyết phục, giáo dục sẽ khiến người vi phạm hợp tác. Sau khi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục mà người vi phạm vẫn cố tình không hợp tác, chúng tôi sẽ áp lỗi không chấp hành việc kiểm tra xử lý của Cảnh sát. Lỗi phạt này còn nặng hơn lỗi vi phạm nồng độ cồn.

Chúng tôi cũng hy vọng việc tăng cường xử lý sẽ giúp cảnh báo người sử dụng rượu bia không lái xe dù biết việc này sẽ cần nhiều thời gian hơn. Song trong hoàn cảnh nào, lực lượng CSGT cũng sẽ cương quyết, mềm dẻo, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Không nương nhẹ xe biển xanh, biển đỏ. Trong ngày 6/9, đã có trường hợp xe của UBND tỉnh bị xử lý".

Theo quy định, đối với người điều khiển môtô vi phạm có nồng độ cồn vượt quá từ 0,25-0,4 miligam/lít khí thở thì mức xử lý hành chính trung bình từ 200.000đ-400.000đ; nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam thì sẽ bị xử phạt từ 500.000đ-1.000.000đ và tạm giữ xe 10 ngày. Đối với người điều khiển ôtô có nồng độ cồn thấp hơn 0,25 miligam/lít khí thở sẽ phải chịu mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, mức trung bình là 5 triệu đồng và tạm giữ xe 10 ngày.

Cuối năm sẽ có quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 88 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian qua, các vụ tai nạn giao thông đã giảm nhưng chưa bền vững, số người bị thương do tai nạn giao thông vẫn cao và còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vậy, Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia. Trong đó, Bộ Y tế và Bộ Công an trong quý IV năm nay phải ban hành được quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người tham gia điều khiển phương tiện giao thông

PV


Thanh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét