Vĩnh biệt nhà dân tộc học của núi rừng Tây nguyên

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Tư, 20/07/2011, 06:10 (GMT+7)

TT - Nhà dân tộc học Georges Condominas (“Dân tộc học như một nghệ thuật sống”, Tuổi Trẻ ngày 20-12-2007) đã từ trần ngày 17-7 tại Bệnh viện Broca, Paris, thọ 90 tuổi. Giáo sư Georges Condominas qua đời là một mất mát to lớn cho giới nghiên cứu văn hóa - xã hội Việt Nam.

Georges Condominas ở Tây nguyên năm 2006 - Ảnh tư liệu

Tên của ông luôn được gắn liền với Tây nguyên, với Mnông Gar, làng Sar Luk và núi rừng Đông Nam Á. Tây nguyên và tỉnh Đắk Lắk cũng là nơi mà ông từng bận chiếc khố của người dân tộc, nơi mà ông cống hiến cả cuộc đời cho công trình nhân học qua bộ sách nổi tiếng Nous avons mange la foret de la pierre - genie Goo (Chúng tôi ăn rừng Đá - thần Goo) xuất bản năm 1957.

Georges Condominas là một trong ba nhà nhân học đã dành trọn cuộc đời cho Việt Nam. Hai nhà nghiên cứu kia đã ra đi trước ông là giáo sư Gerald Cannon Hickey và Jacques Dournes. Rất nhiều nhà nghiên cứu gọi ông thân mật là Condo để nhắc đến một người đàn anh trong hoạt động nghiên cứu về Đông Nam Á và cũng là một người bạn luôn tranh đấu cho những người dân tộc thiểu số ở vùng cao.

Không những là một nhà nhân học nổi tiếng, ông Condominas đã cống hiến rất nhiều trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ngôn ngữ học, thời đại nô lệ, ngành canh nông, đặc biệt về du canh du cư. Năm 2007, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Quai Branly (Pháp) đã tổ chức cuộc trưng bày hiện vật, phim ảnh, ghi chép Chúng tôi ăn rừng - Georges Condominas ở Sar Luk tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cũng trong năm này, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị.

Tên tuổi của Georges Condominas sẽ luôn được nhắc tới và ông sẽ mãi là một người dân của núi rừng Tây nguyên Việt Nam.

CHUNG HOÀNG CHƯƠNG

(giáo sư ngành Đông Nam Á học tại Đại học San Francisco)

* Nhà dân tộc học Georges Condominas sinh năm 1921 tại Hải Phòng; cha là người Pháp, mẹ là người Việt lai Bồ Ðào Nha. Ông đỗ cử nhân luật tại Trường đại học Hà Nội, đồng thời theo học Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương vào năm 1943, cử nhân văn chương rồi tiến sĩ khoa học nhân văn ở Sorbonne (Paris) vào năm 1947 và 1970... Ông là người sáng lập Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Ðông Nam Á và vùng Insulien (CeDRASEMI).

* Các tác phẩm Chúng tôi ăn rừng, Không gian xã hội vùng Ðông Nam Á, Biên niên của Sar Luk, Làng Mnông Gar của ông đã được ấn hành ở Việt Nam. Hai tác phẩm Xa lạ là chuyện thường ngày, Sar Luk - miền Trung Việt Nam được xem là hai cuốn sách làm khuấy động ngành dân tộc học thế giới.

* “Tôi tin rằng chính trong vô thức tôi đã chọn lựa cư dân nghèo khổ, sống nhọc nhằn trong những không gian xã hội hạn hẹp, nhưng gắn bó trực tiếp với Tự nhiên và với những tài nguyên của nó. Rời bỏ thế giới của những đặc quyền và thích nghi với lối sống của người Mnông Gar để hiểu họ hơn không chỉ là một thử thách mà còn làm cho bản thân tôi phong phú thêm lên, bởi vì tôi đã được hưởng tình bằng hữu của họ. Họ đã rèn luyện nhân cách của tôi và đã bắt tôi - dù họ không ý thức được điều đó - tìm một phương pháp nghiên cứu tôn trọng được tập tục và ngôn ngữ của họ. Ðúng là tôi nợ họ quá nhiều!...”. (Trích Diễn từ nhận giải Việt Nam học - Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh năm 2009 của Georges Condominas)



tuoitre.vn
Thứ Năm, 20/12/2007, 04:15 (GMT+7)

Cây đại thụ của ngành dân tộc học thế giới Georges Condominas:

Dân tộc học như một nghệ thuật sống

Georges Condominas ở Tây nguyên năm 2006

TT - Trong những năm 1948-1949 đầy bất ổn do chiến tranh, Georges Condominas, nhà dân tộc học trẻ tuổi người Pháp lai Việt, đã cùng ăn, cùng ở với dân làng Sar Luk, một ngôi làng hẻo lánh (nay là làng Rchai A, xã Krông Knô, huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc). Nhờ có ông, dân tộc Mnông Gar đã được ngành dân tộc học thế giới biết đến.


Năm 2007, ông đã được Nhà nước VN trao tặng Huy chương Hữu nghị. Nhân dịp trở lại VN cùng với cuộc trưng bày hiện vật, phim ảnh, ghi chép Chúng tôi ăn rừng - Georges Condominas ở Sar Luk do Bảo tàng Dân tộc học VN và Bảo tàng Quai Branly (Pháp) tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học VN từ giữa tháng 12-2007 đến đầu tháng 3-2008, Tuổi Trẻ đã hẹn phỏng vấn ông.

Ấn tượng đầu tiên về bậc thầy của ngành dân tộc học thế giới là sự ấm áp của không khí gia đình: đi cùng ông sang VN có vợ, các con trai, con dâu, cháu gái và chắt. Cháu gái ông đã khóc vì xúc động trong buổi khai mạc triển lãm, khi nhìn thấy ông mình đứng phát biểu trước đám đông. Ấn tượng thứ hai về Condominas là vẻ hóm hỉnh và trí óc minh mẫn ở tuổi 86. Ấn tượng thứ ba về ông là lời khẳng định: "Trong tôi luôn có hai nền văn hóa, VN và Pháp".

* Lý do nào đưa ông đến với ngành dân tộc học?

- Thật ra tôi rất thích vẽ, tôi từng theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, đồng thời lấy bằng cử nhân luật. Nhưng tôi vẽ rất tồi. Một người lính đã khuyên tôi tại sao không đi vào các bộ tộc, hòa mình cùng với họ, như thế kiến thức sẽ được mở rộng rất nhiều. Khi ra khỏi hải quân Pháp, tôi trở về Paris, theo học ở Viện bảo tàng Con người và phát hiện đam mê dân tộc học của mình. Sau đó, trở lại VN, tôi đã tới làng của người Mnông ở huyện Lắc.

* Điều quan trọng nhất để hòa nhập với một dân tộc xa lạ là gì?

- Điều quan trọng nhất là mình phải là chính mình, không cố gắng thể hiện mình là ai, quan tâm đến người khác một cách tự nhiên bằng cách đặt câu hỏi với người khác. Họ sẽ yêu mình khi mình quan tâm đến họ, ngay cả những người khó tính nhất. Sự hòa hợp là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian. Ngôn ngữ cũng là điều rất quan trọng để hiểu được họ. (Condominas không thuê phiên dịch vì ông muốn trao đổi trực tiếp với người làng Sar Luk, bởi vậy ông đã dành thời gian học tiếng Mnông trước khi bắt đầu chuyến nghiên cứu - PV).

* Ông là người Pháp, văn hóa Pháp có ảnh hưởng đến ông khi nghiên cứu người Mnông Gar không?

- Tôi không hoàn toàn châu Âu đâu. Mẹ tôi vẫn dạy tiếng Việt cho tôi. Tôi được sống trong hai nền văn hóa. Thời gian tôi sống ở phương Tây nhiều hơn, tuy vậy tôi vẫn không quên giai đoạn đầu trong đời mình. Mỗi cộng đồng có cách nhìn nhận giá trị khác nhau. Trong khi người châu Âu muốn tích trữ cho mình thì người Mnông coi giá trị của tích trữ là họ có thể phân phát những thứ mình có được cho bạn bè, đồng bào của mình, chia được càng nhiều thì càng tốt. Đối với người Mnông, giàu có là mua được nhiều chum ché, sau đó phát lại cho người khác. Khi tiếp xúc với người Mnông, bạn sẽ được tiếp xúc với bản ngã của chính mình.

* Ông từng tuyên bố "dân tộc học như một nghệ thuật sống", điều này có nghĩa là gì?

- Nghệ thuật sống là những trải nghiệm của tôi khi phải sống, phải học, phải khám phá cách sống của một cộng đồng người, sau đó lại phải học ở một cộng đồng người khác. Ngay cả khi chúng tôi không phải đi nghiên cứu nữa, chúng tôi vẫn phải giữ cách sống không định kiến, thận trọng trước cách nhìn của người khác để tránh rơi vào những đánh giá chủ quan, tránh áp đặt cách sống của mình lên người khác và cho đó là đúng.

Khuấy động ngành dân tộc học thế giới

Georges Condonminas sinh ngày 29-6-1921 tại Hải Phòng, bố là người Pháp, mẹ là người Việt lai Bồ Đào Nha. Năm 1945, ông từng bị quân đội Nhật giam tại Sài Gòn, sau đó giải ngũ và trở về Pháp năm 1946. Sau khi theo học tại Trung tâm Đào tạo nghiên cứu dân tộc học tại Bảo tàng Con người (Musee de lHomme), ông trở thành nhà nghiên cứu thuộc cơ quan này.

Từ năm 1947, ông kết hợp nhiều lần cùng Trường Viễn Đông Bác Cổ để nghiên cứu ở miền Trung VN (làng Mnông Gar, 1948 - 1949), Thái Lan (1957-1958), Madagasca (1955)... Ông đã viết rất nhiều sách, báo, làm phim và đĩa. Sau chuyến nghiên cứu làng Mnông Gar, ông đã viết các cuốn sách: Chúng tôi ăn rừng Đá - Thần Gôo (đã in tại VN), Biên niên của Sar Luk, Làng Mnông Gar (đã in tại VN); Xa lạ là chuyện thường ngày, Sar Luk - miền Trung VN - hai cuốn sách làm khuấy động ngành dân tộc học thế giới.

UYÊN LY - ĐÀM VŨ thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét