Mỹ cảnh báo Iran chớ ‘thừa nước đục thả câu’

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :10:45 AM, 24/10/2011
Mỹ cam kết duy trì hợp tác an ninh với Iraq sau khi rút quân. Do đó, Iran "đừng mong" lợi dụng tình hình phức tạp tại Baghdad, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định.

>> Iran 'gọi', Mỹ có 'trả lời'?

Theo bà Hillary, Iraq là một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Mỹ có mối quan hệ hết sức thân thiết với quốc gia này và sẽ duy trì sự hợp tác an ninh chặt chẽ trong nhiều năm tới.

“Bất cứ ai cũng không nên nghi ngờ cam kết hỗ trợ an ninh của Mỹ đối với nền dân chủ Iraq sau khi binh sĩ Mỹ rút khỏi quốc gia này. Chúng tôi đã phải trả cái giá quá đắt mới có thể cho Baghdad cơ hội này. Vì vậy, quốc gia láng giềng Iran không nên thừa nước đục mà thả câu. Đó sẽ là sự tính toán hết sức sai lầm nếu quốc gia này tỏ ý nghi ngờ nỗ lực của Washington cũng như phớt lờ thực tế là quân đội Mỹ có mặt tại rất nhiều nước trong khu vực”, bà Clinton nhấn mạnh trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” của đài NBC.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng, thỏa thuận mà Washington đạt được với Baghdad là sự hỗ trợ về an ninh giống như với Jordan và Colombia. Tuy nhiên, bà khẳng định, Mỹ sẽ không đặt căn cứ quân sự tại Iraq song có nhiều căn cứ ở các quốc gia láng giềng.

Ngoài ra, theo bà Clinton, bên cạnh sự hợp tác an ninh, từ nay Mỹ cũng sẽ thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao tại quốc gia này.

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Iran chớ "thừa nước đục thả câu". Ảnh minh họa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta bày tỏ sự tin tưởng rằng, Iraq có thể đối phó với mọi mối đe dọa an ninh từ các phiến quân do Iran hậu thuẫn sau khi Mỹ rút quân.

“Chúng tôi từng được chứng kiến cách ứng phó khá nhanh nhạy của Iraq trước mối đe dọa của các phần tử cực đoan Shiite. Họ đã phối hợp khá chuyên nghiệp với chúng tôi để tiêu diệt các phiến quân này và giờ công việc đó càng dễ dàng hơn khi Iraq xây dựng được một lực lượng tinh nhuệ”, ông Leon Panetta nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, dù không còn hiện diện quân sự tại Iraq nhưng Washington vẫn có tới 40.000 binh sĩ tại khu vực, trong đó chưa tính số quân hùng hậu tại Afghanistan. Vì vậy, khi Iraq cần Mỹ sẽ dễ dàng hỗ trợ.

Về phần mình, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho rằng, ông không nhận thấy bất cứ thay đổi nào trong mối quan hệ với Iraq say khi Mỹ rút quân.

“Chúng tôi có quan hệ khá tốt với cả Chính phủ và Quốc hội Iraq. Mối quan hệ đó đang khăng khít qua từng ngày”, ông Ahmadinejad cho hay.

Trước đó, Tổng thống Obama loan báo Mỹ sẽ rút toàn bộ 40.000 binh sĩ Mỹ còn lại khỏi Iraq vào cuối năm nay. “Sau 9 năm, chiến tranh Iraq sẽ kết thúc”, ông Obama quả quyết.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Mỹ bị phe Cộng hòa kịch liệt phản đối. Theo họ, sự thoái lui của Mỹ sẽ tạo cơ hội vàng cho Iran.

Thượng nghị sĩ John McCain cho biết, quyết định này trái ngược với lời khuyên của các chỉ huy quân đội Mỹ và được xem là chiến thắng của Iran, đồng thời ảnh hưởng đến cam kết của Mỹ với Afghanistan.

Đồng nhất quan điểm này, Thượng nghĩ sĩ Lindsey Graham, một nhân vật có tiếng của đảng Cộng hòa khăng khăng: “Quyết định này của ông Obama mang đến một kết cục thảm hại cho nước Mỹ. Iraq không có không quân, tình báo. Họ cần sự hỗ trợ lớn trong nỗ lực chống khủng bố và chỉ chúng ta mới có thể giúp họ”.

Trà My (theo Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét