Mở cửa cho đánh bắt xa bờ

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Tư, 15/06/2011, 07:54 (GMT+7)

TT - Việt Nam cần có chính sách tốt để chuyển đổi theo hướng thu gọn việc đánh bắt thủy sản ven bờ, đầu tư nhiều hơn cho đánh bắt xa bờ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Ảnh: V.V.Thành

"Với trình độ của chúng ta hiện nay mà cứ đóng cửa thì rất khó thay đổi được công nghệ"

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, trưởng nhóm tư vấn xây dựng chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2015, định hướng 2020) cho biết như trên trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-6. Bà Hồng Minh nói:

- Trong ba trụ cột là khai thác, nuôi trồng và chế biến thì nhiều năm nay khai thác vẫn yếu nhất. Đánh bắt xa bờ chỉ đóng góp khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm. Có thể nói lực lượng, trình độ và năng lực đánh bắt xa bờ của ta thua thế giới, thua ngay cả các nước trong khu vực.

Cụ thể các điều kiện cơ sở hạ tầng như cảng cá, chợ cá, tàu thuyền, nơi tránh trú bão... đều hạn chế. Trong khi việc đánh bắt xa bờ của các nước đã bỏ qua tàu gỗ, thay bằng tàu sắt, tàu bằng vật liệu composite cùng với thiết bị hiện đại để vươn ra đại dương thì chúng ta vẫn ra khơi bằng tàu gỗ rất nhiều và công nghệ đánh bắt chậm thay đổi.

* Nghĩa là vừa qua số lượng tàu đánh bắt xa bờ có thể nhiều lên nhưng chất lượng chưa được cải thiện tương ứng?

- Đúng vậy. Việc đánh bắt xa bờ cần được tổ chức chặt chẽ, đòi hỏi đầu tư công nghệ cao, thiết bị cải tiến liên tục, vốn nhiều, nhưng ở nước ta đánh bắt xa bờ vẫn là “nghề cá nhân dân”, tức là dựa vào kinh nghiệm, truyền thống, thói quen của người dân là chính. Chúng ta đã có chiến lược phát triển thủy sản nhưng thiếu các chính sách cụ thể. Thật ra chúng ta từng có chương trình cho vay để đóng tàu đánh bắt xa bờ, nhưng cách quản lý không đáp ứng được yêu cầu.

* Từ sự không thành công của chương trình cho vay để đóng tàu đánh bắt xa bờ, theo bà, cần làm gì để Việt Nam có được những đội tàu đánh bắt xa bờ ngang tầm khu vực và thế giới?

- Trước đây chúng ta đã mở cửa cho một số quốc gia trong khu vực đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ, nhưng về sau nảy sinh vấn đề không hay nên đã có rút kinh nghiệm theo hướng hạn chế lại. Quan điểm của tôi là nên mở cửa có chọn lọc, đơn giản vì nếu không mở cửa thì chúng ta sẽ không thu hút được vốn đầu tư, không tiếp thu được công nghệ hiện đại của nước ngoài.

Lĩnh vực đánh bắt xa bờ đòi hỏi đầu tư rất lớn, lại thêm rủi ro, làm sao người dân có vốn để đáp ứng được. Không chỉ có đánh bắt xa bờ mà nuôi trên biển cũng là ngành rất lớn, đi nhiều nước tôi thấy có những lồng nuôi cá trên biển vốn đầu tư lên đến vài chục triệu USD. Vừa rồi có đối tác từ Đan Mạch viết thư cho tôi, nói rằng họ muốn vào Việt Nam đầu tư lồng nuôi cá trên biển ngoài khơi xa (vùng nước sâu), nhưng chưa rõ chính sách trong lĩnh vực này như thế nào.

Hỗ trợ gia đình 6 ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa

Sáng 14-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã đến thăm hỏi, trao quà cho sáu gia đình của sáu ngư dân đi trên tàu của ông Lê Minh Tân (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị mất tích khi đi khai thác rau chân vịt tại vùng biển Hoàng Sa hôm 23-1.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã trao mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng tiền mặt cho sáu ngư dân mất tích và trao tặng thêm 10 triệu đồng cho gia đình bà Ngô Thị Việt - vợ ông Lê Minh Tân. Số tiền trên được trích từ quỹ cứu trợ tỉnh Quảng Ngãi.

VÕ MINH

* Trong bối cảnh hiện nay trên biển Đông, nếu chúng ta mở cửa có chọn lọc như bà nói, liệu có thật sự thu hút được đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ?

- Theo tôi được biết có những đối tác từ Nga, Tây Ban Nha... đã bày tỏ sự quan tâm. Trước đây cũng từng có đối tác từ Nga vào, nhưng về sau gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc cảng của ta thu phí như đối với tàu nước ngoài nên họ không chịu nổi mức phí đó và rút ra.

Chúng ta không thể chỉ nói mở cửa có chọn lọc là xong, kèm theo đó phải là những chính sách hết sức cụ thể để bảo vệ lợi ích thiết thực của đối tác, phải trên cơ sở đôi bên cùng có lợi thì mới làm ăn lâu dài được.

* Việc hỗ trợ ngư dân để họ yên tâm bám biển cũng rất cần thiết, thưa bà?

- Trước hết, Nhà nước nên tiếp tục có những thỏa thuận về nghề cá với các nước trong khu vực để giúp ngư dân yên tâm đi biển. Việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thủy sản nói chung, nghề cá nói riêng cũng hết sức quan trọng. Tôi thấy quản lý nhà nước hiện nay còn chồng chéo và không đảm bảo quản lý theo chuỗi một cách có hiệu quả, kinh phí đầu tư còn dàn trải.

Lực lượng kiểm ngư của chúng ta hiện nay còn yếu, cho nên kiểm soát tàu cá trong nước đã khó chứ chưa nói đến tàu cá nước ngoài. Cần thiết tăng cường năng lực của kiểm ngư và tổ chức lực lượng này theo vùng (mỗi vùng có nhiều tỉnh), tuy nhiên việc cấp phép, giải quyết giấy tờ thủ tục cho bà con ngư dân thì phải là cấp tỉnh, nghĩa là tạo thuận lợi nhất có thể cho bà con hoạt động nghề cá. Để tổ chức lại ngành thủy sản phải có sự nghiên cứu sâu hơn, không nên thấy các nước xung quanh làm thế nào thì mình bê nguyên mô hình như vậy, mà phải dựa trên thực tế của nước ta.

Tiếp theo là các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân. Theo tôi, sự hỗ trợ này nên có định hướng hạn chế đánh bắt gần bờ, ưu tiên cho đánh bắt xa bờ. Các nước thường áp dụng chính sách hỗ trợ ngư dân thông qua tổ chức cộng đồng nghề cá. Tổ chức này tiếp nhận, quản lý và phân phối rất chặt chẽ các khoản hỗ trợ nên ít khi có tiêu cực. Chẳng hạn như Malaysia đã xây dựng nhiều bến cá, cảng cá và giao cho tổ chức cộng đồng ngư dân quản lý. Ở ta cũng đã đầu tư xây dựng một số cảng cá, chợ cá nhưng cách thức tổ chức, quản lý không phù hợp nên rất ít phát huy tác dụng.

* Bà có đề xuất cụ thể nào về việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ?

- Nói chung Nhà nước không nên và không thể làm thay người dân, cái chính là Nhà nước ra chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển và giúp họ tổ chức lại. Ví dụ như khuyến khích thành lập các hội nghề nghiệp tương tự như hiệp hội khai thác cá ngừ, hiệp hội khai thác cá cơm. Nhà nước giúp hình thành tổ chức, giúp ngư dân xây dựng đội ngũ quản lý là người của họ chứ không phải quan chức nhà nước đứng ra làm, rồi giúp xây dựng thương hiệu... sao cho không chỉ người tiêu dùng Việt Nam mà cả thế giới biết đến các hiệp hội này.

Tôi đi sang cảng cá bên Pháp, thấy có những loại cá như nhau, nhưng chỗ này cá có vẻ tươi ngon hơn thì trên đó có dán một cái nhãn hiệu riêng, còn cá chỗ khác không có nhãn hiệu. Đó là cách làm của hiệp hội ngư dân, họ tiêu chuẩn hóa sản phẩm của mình để gia tăng giá trị.

Việc tổ chức cộng đồng là rất quan trọng đối với nghề cá, thông qua tổ chức cộng đồng mới có thể thực hiện tốt nhất các hoạt động về tiêu chuẩn hóa, về quản lý, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi... Vấn đề ở đây tổ chức cộng đồng không phải là hợp tác xã, vì hợp tác xã có thể chung tài sản, còn tổ chức cộng đồng không chung tài sản mà xây dựng những giá trị mềm chung. Đó là thương hiệu chung, hệ thống quản lý chung, tiêu chuẩn chung...

ĐỨC BÌNH - V.V.THÀNH thực hiện


Thứ Năm, 09/06/2011, 10:10 (GMT+7)

Phát triển kinh tế biển: Cần một tư duy đột phá

TT - Muốn phát triển kinh tế biển hiệu quả, tương xứng với tiềm năng cần phải thoát ra khỏi tư duy “tiểu nông”, “cục bộ địa phương”. Thay vào đó, phải có đột phá về tư duy trên cơ sở phát huy các nguồn lực và phải đầu tư có trọng điểm.

Giàn khoan khai thác dầu khí của VN ở ngoài khơi vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: P.LONG

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình tại Diễn đàn kinh tế biển VN 2011, diễn ra ngày 8-6 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, do Tổng cục Biển và hải đảo phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ biển và hải đảo VN.

“Biển bạc” nhưng sao vẫn nghèo?

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định biển VN đúng nghĩa là “biển bạc” vì chứa đựng trong nó tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế. Cụ thể, nước ta có bờ biển dài 3.260km, vùng biển chủ quyền rộng khoảng 1 triệu km2, trung bình 100km2 đất liền thì có 1km bờ biển, cao gấp sáu lần mức trung bình của thế giới.

Dọc biển có nhiều vịnh đẹp (Hạ Long, Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang...) và 2.779 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1.636km2, có 90 cảng biển lớn nhỏ và gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, kể cả cảng trung chuyển quốc tế, 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển.

Ven biển có nhiều loại khoáng sản và vật liệu xây dựng. Tổng trữ lượng dầu khí dự báo địa chất của toàn thềm lục địa khoảng 10 tỉ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác 4-5 tỉ tấn, trữ lượng khí đồng hành 250-300 tỉ m3. Trữ lượng hải sản khoảng 3-3,5 triệu tấn...

Tuy nhiên, GS Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đặt vấn đề: “Tại sao có tiềm năng to lớn như vậy mà bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn cứ nghèo?”. Ông Lược cho rằng nhiều nước trên thế giới không có được tiềm năng biển như VN nhưng vẫn phát triển rất mạnh, như Singapore là một ví dụ.

Theo ông Lược, thể chế hành chính và thể chế kinh tế bất cập của chúng ta là hai điểm nghẽn. “Giống như chúng ta ở bên bờ hồ Hoàn Kiếm, giá trị mỗi mét đất cả 1 tỉ đồng nhưng nếu chúng ta chỉ mở một hàng nước chè thì muôn đời vẫn nghèo” - ông Lược ví von.

TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của VN hiện nay có hai thiếu sót lớn. “Một là xu hướng muốn vận dụng một cách đơn giản và dễ dãi tư duy phát triển nông nghiệp truyền thống - tư duy phát triển tiểu nông, gắn với “con trâu đi trước cái cày đi sau” - vào công cuộc phát triển kinh tế biển. Đó là cách thức khai thác biển theo lối đánh bắt ven bờ” - ông Thiên phân tích.

Và theo ông, về thực chất, đó là việc mang vác cách thức phát triển nông dân cổ truyền, làm ruộng trên cạn ra khai thác biển, chinh phục đại dương vốn khác căn bản về tính chất, về các điều kiện khai thác và mức độ rủi ro. “Hai là thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện đại, trong khi cả thế giới đang đồng loạt tiến ra biển, chiếm hữu không gian biển, khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ với những công cụ và phương thức hiện đại” - ông Thiên nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM - lại cho rằng ở tầm vĩ mô chúng ta chưa thấy hết lợi thế so sánh về tiềm năng kinh tế biển, mà ông gọi là “cái mặt tiền”. Ông Lịch nhắc lại từ Quốc hội khóa IX đã có chủ trương về đánh bắt xa bờ nhưng khi thực hiện lại không đồng bộ dẫn đến không hiệu quả.

Giảm bớt các khu kinh tế

GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét rằng VN có thừa cảng biển nhưng lại thiếu hệ thống hạ tầng kết nối nên không phát huy được lợi thế vận tải biển và vì thế không thu hút được nhà đầu tư. Từ góc độ nhà quản lý, ông Trần Duy Đông - phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và đầu tư - nhìn nhận một số khu kinh tế được thành lập khi chưa thật sự đáp ứng đầy đủ các yếu tố và điều kiện cần thiết, do đó gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư, kết quả hoạt động chưa đạt được như mong muốn.

Các khu kinh tế chưa thể hiện được mối quan hệ liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động mặc dù một số khu kinh tế có vị trí địa lý và các điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông kết nối để hình thành mối quan hệ này. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật như cảng biển nước sâu, nhà máy điện, nhà máy thép... đã không được tính toán để có sự chia sẻ trong quá trình đầu tư.

GS Võ Đại Lược cho rằng việc cần làm là giảm bớt các khu kinh tế hiện nay và chỉ nên tập trung xây dựng ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam một khu kinh tế theo mô hình đặc khu kinh tế tự do mà ở đó những nút thắt về thể chế kinh tế được tháo bỏ.

TS. Bùi Tất Thắng - phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư - cũng cho rằng không nên chạy theo phát triển số lượng khu kinh tế biển mà nên chọn một vài khu kinh tế để đầu tư có trọng điểm với một thể chế kinh tế, trình độ quản lý, trình độ công nghệ cao.

Về tổng thể, các chuyên gia khuyến nghị cần có đột phá về tư duy kinh tế để đánh giá một cách đầy đủ về các nguồn lực đầu tư, con người, khoa học công nghệ, từ đó ưu tiên các mục tiêu đầu tư cho kinh tế biển.

Riêng với hệ thống các khu kinh tế biển, cảng biển trên cơ sở quy hoạch hiện có cần phải cân nhắc đặc thù, lợi thế của từng khu vực để dồn sức đầu tư có trọng điểm. Chẳng hạn, nhiều chuyên gia cho rằng lợi thế về vị trí chiến lược của vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) trên bản đồ vận tải hàng hải quốc tế là không phải bàn cãi, thậm chí có chuyên gia còn đặt Vân Phong trong tam giác liên kết với Hong Kong và Singapore.

TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN): Đừng phung phí mỏ vàng

Ngày nay, VN không tiến ra biển với “hành trang” thời Mai An Tiêm. Tư duy biển - chủ quyền lãnh hải, sự hiện diện, sự chinh phục, hợp tác quốc tế giải quyết tranh chấp... Các định hướng phát triển biển theo nguyên lý hiện đại như phát triển ngành đóng tàu và hàng hải viễn dương, du lịch biển, thăm dò, khai thác biển đã bắt đầu định hình và được thực thi.

Đó là những nền tảng ban đầu để hình thành một chiến lược biển với các nội dung cụ thể, khả thi, hay đúng hơn, các chiến lược kinh tế biển cụ thể. Chỉ với các chiến lược cụ thể đó, chúng ta mới trả lời được câu hỏi: VN sẽ vươn ra biển lớn như thế nào?

Việc định hình chiến lược kinh tế biển theo tư duy mới cần được thực hiện đồng thời và tổng thể ở ba phương diện: khai thác vùng không gian biển, khai thác vùng bờ biển và phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và các khu vực kết nối.

Ba phương diện này hình thành các khâu liên tục của một chuỗi phát triển cho bất cứ ngành kinh tế biển cụ thể nào. Thiếu một khâu bất kỳ nào, các ngành kinh tế biển cũng đều sẽ bị mất cân đối, khó vươn lên thành ngành hiện đại, hoạt động hiệu quả và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Mặt khác, cùng với cách tiếp cận hệ thống tổng thể, cần chú ý nguyên tắc tập trung phát huy lợi thế trong phát triển. Với nguồn lực có hạn, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm trong chiến lược biển để ưu tiên thực hiện là một yêu cầu bắt buộc đối với VN.

Để làm được điều này, phải thoát khỏi cách tư duy chia đều và phải nhất quán xuất phát từ lập trường, quan điểm phát triển vì lợi ích quốc gia để nhanh chóng hình thành các đầu mối, các tọa độ đột phá lớn, phục vụ cho chiến lược quốc gia tổng thể chứ không phải vì lợi ích của từng địa phương hay lợi ích nhóm.

Chẳng hạn, bờ biển và các bãi biển VN chính là mỏ vàng lớn, là một trong những nội dung chính tạo nên khái niệm “rừng vàng, biển bạc”. Ta đang khai thác một cách phung phí, ngắn hạn mỏ vàng này và gây ra những hệ lụy dài hạn không nhỏ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần chú ý khai thác bãi biển với tư cách là một trọng tâm ưu tiên quốc gia, không để xảy ra những tranh chấp thể hiện sự tham lam ngắn hạn, sự ngu dốt tiểu nông kiểu như giữa một bên là khai thác cát, khai thác titan với một bên là băm nát bờ biển để làm resort chỉ phục vụ người giàu.

Cái chúng ta đang cần là một tư duy “vượt trước” để có thể biến biển của chúng ta thật sự trở thành “biển bạc”!

GS.TSKH Võ Đại Lược (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế thế giới): Quy hoạch lại toàn bộ vùng kinh tế ven biển

Tôi kiến nghị nên tìm một tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để giúp chúng ta quy hoạch lại toàn bộ vùng kinh tế ven biển. Và theo tôi nên mời các tập đoàn ở những nước không có lợi ích tại vùng biển Đông. Phải lấy sức mạnh của thời đại để giúp ta khai thác tài nguyên biển, chứ nếu chỉ dùng sức lực của chúng ta thì cũng chỉ như mang vó ra khơi bắt cá mà thôi.

TS Nguyễn Chu Hồi (phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN): Cần quản lý theo không gian ba chiều

Chúng ta chỉ mới chú trọng nhiều vào khai thác tài nguyên vật chất, chưa chú ý nhiều vào các dạng tài nguyên phi vật chất, phi vật thể như giá trị vị thế các mảng không gian biển, giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái... Biển phải được quản lý theo không gian ba chiều, bởi tài nguyên biển phân tầng ở trên mặt nước, mặt bằng dưới đáy biển và ở tầng sâu dưới đáy biển đều có tài nguyên.

TS Trần Du Lịch (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM): Phải có bộ quản lý phát triển kinh tế biển

Nếu ta thấy kinh tế biển là một động lực cạnh tranh thì sau diễn đàn này nên kiến nghị với Nhà nước, với Quốc hội là phải có một bộ quản lý phát triển kinh tế biển có vị trí ngang tầm và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ những vấn đề về kinh tế biển, từ trên bờ cho tới đại dương.

NGUYỄN TRIỀU - VĂN KỲ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét