Philippines 'trăm phương ngàn kế' đối chọi Trung Quốc

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :8:46 AM, 15/06/2011
Trong bối cảnh biển Đông tiếp tục "nổi sóng", Trung Quốc cử nhiều tàu chiến tới vùng biển Đông Bắc Philippines, khiến tình hình càng căng thẳng.

Biển Đông những tuần qua không ngừng dậy sóng bởi các cuộc “đấu khẩu”, tranh chấp chủ quyền nảy lửa giữa Trung Quốc và Philippines.

Trước những tuyên bố cứng rắn của Bắc Kinh, Manila cũng chứng tỏ khả năng “đáp trả” đáng gờm với hàng loạt những cáo buộc và động thái mang tính dằn mặt, tấn công dồn dập vào "rồng Trung Quốc".

Giới phân tích nhận định, Manila thực sự nổi lên như một đối thủ “cứng đầu” và khá “linh hoạt” với việc sử dụng “trăm phương ngàn kế” đối chọi lại Bắc kinh, từ những chiến lược ngoại giao, quân sự tới thương mại…

“Đánh đòn phủ đầu” bằng các tuyên bố ngoại giao

Mâu thuẫn giữa hai nước thực sự bùng phát vào những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 này. Theo thông cáo báo chí trên trang web của Bộ Ngoại giao Philippines (DFA), tàu hải giám và hải quân Trung Quốc ở gần Iroquois Reef-Amy Douglas Bank ngày 21/5 tháo dỡ vật liệu xây dựng, dựng nên một số lượng không xác định cột trụ, thả phao ở gần Iroquois Bank. DFA khẳng định, khu vực này “hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines”.

Philippines liên tiếp cáo buộc những động thái "xâm phạm chủ quyền" trên biển Đông của Trung Quốc.
Theo RFI, ngày 2/6, Manila tiếp tục cáo buộc Hải quân Trung Quốc nổ súng vào ngư dân, hù dọa một tàu thăm dò dầu khí, xây các trạm gác và một phao trong khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải của Philippines.

Manila khẳng định trên các phương tiện truyền thông nước này: “Những hành động của tàu Trung Quốc cản trở hoạt động đánh cá chính đáng và bình thường của ngư dân Philippines trong vùng và phá hoại hòa bình, ổn định khu vực“.

Ngày 7/6, Ngoại trưởng Albert del Rosario lại gay gắt chỉ trích Trung Quốc “vi phạm thô bạo” thỏa thuận năm 2002 giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN nhằm ngăn chặn các vụ xung đột tại quần đảo Trường Sa trên biển Đông.

Chính quyền Philippines cho rằng, họ có đủ tài liệu cho thấy, từ tháng 2 đến nay, Bắc Kinh ít nhất 6 lần xâm phạm vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền. Vụ xâm phạm nghiêm trọng nhất là ngày 25/2, một tàu hải quân của Trung Quóc nổ súng nhằm xua đuổi các ngư dân Philippines từ Jackson Atoll, khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Manila tuyên bố chủ quyền.

“Luật pháp quốc tế được đưa ra nhằm đem lại sự công bằng về chính trị, kinh tế và quân sự đối với các nước trên thế giới. Việc sử dụng vũ lực bất hợp pháp sẽ không bao giờ được chấp nhận”, Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh.

Giới phân tích nhận định, đòn “ăn miếng – trả miếng” dồn dập bằng các tuyên bố ngoại giao của Manila thời gian qua chứng tỏ, Philippines đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm và “khá hung hăng” trong cuộc đối chọi với một Trung Quốc đang tự cho mình là siêu cường biển.

Mời mọc Washington vào biển Đông

Quá phật lòng trước những tuyên bố và hành động “khẳng định chủ quyền” trên biển Đông của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin ngày 7/6 lên tiếng “cổ vũ” Mỹ lập căn cứ quân sự tại vùng biển đang “nổi sóng” này.

Đây được xem là đòn chí mạng giáng vào Bắc Kinh, diễn ra trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển Đông giữa Trung Quốc - Philippines đang “căng như dây đàn”.

Theo Reuters, đáp trả các tuyên bố cứng rắn của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi về vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin không ngần ngại ra lời kêu gọi: “Philippines ủng hộ Mỹ đưa quân đội tới đồn trú tại biển Đông, vì lợi ích căn bản của Washington liên quan trực tiếp tới vùng biển này”.

Manila ngỏ ý hoan nghênh Washington đồn trú quân sự tại biển Đông.
Ông Gazmin cũng nhấn mạnh thêm: “Sự xuất hiện của lực lượng quân sự Mỹ sẽ góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn bất kỳ hành động phi pháp nào tại đây. Washington thừa hiểu, tự do, hòa bình và ổn định trên biển Đông - con đường hàng hải thương mại lớn thứ 2 thế giới có quan hệ trực tiếp tới lợi ích chiến lược của Mỹ”.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines gay gắt chỉ trích: “Hành động gây hấn của tàu Trung Quốc xâm phạm lợi ích của Philippines, phá vỡ hòa bình, ổn định trong khu vực, đồng thời vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông được ký kết giữa Trung Quốc - ASEAN vào năm 2002”.

Tỉnh trưởng Philippines kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc

Không chỉ dùng các cáo buộc ngoại giao để tạo hiệu ứng dư luận phản đối Trung Quốc hay lên tiếng kêu gọi Washington đồn trú tại biển Đông nhằm củng cố sức mạnh quân sự trên biển, hôm qua, giới truyền thông Phillippines lại tiết lộ, một quan chức Chính phủ nước này lên tiếng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.

Theo tờ Philippines Daily, ông Saar Hida, tỉnh trưởng tỉnh Alberta trong hoạt động kỷ niệm ngày độc lập vào 12/6 lên tiếng kêu gọi: “Hãy tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Người Philippines dùng hàng Philippines. Chúng tôi muốn dùng cách này để phản đối Bắc Kinh. Chúng tôi muốn bảo vệ xã hội và con cái mình khỏi những mối nguy hàng giả, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa”.

Liệu Manila đang toan tính dằn mặt Bắc Kinh bằng các biện pháp thương mại?
Ông này cũng hy vọng tầng lớp "tinh hoa", những người có thu nhập cao của Philippines nên từ bỏ các kế hoạch mua sắm hoặc du lịch tại Đại lục, Hong Kong và Ma Cao.

Theo tỉnh trưởng tỉnh Alberta, thương mại là biện pháp hữu hiệu để đối phó với những động thái “xâm lược” trên biển Đông của “rồng Trung Quốc”.

Saar Hida cũng cho rằng: “Manila không cần dựa dẫm vào bất kỳ lực lượng ngoại quốc nào, vì Philippines là một một dân tộc, một quốc gia độc lập. Ỷ lại vào thế lực bên ngoài sẽ làm mất đi sự tôn nghiêm vốn có của đất nước”.

Tờ Buổi sáng Philippines tiết lộ, Saar Hida là một chuyên gia kinh tế, cũng là một đồng minh tin cậy của Tổng thống Aquino.

>> ‘Giận’ Trung Quốc, Philippines mời Mỹ vào biển Đông
>> 'TQ vi phạm thô bạo thỏa thuận biển Đông'
>> Philippines cáo buộc Trung Quốc phá hoại hòa bình và ổn định châu Á
>> Philippines ‘lên gân’ với Trung Quốc về biển Đông
Mai Anh (tổng hợp)

Thứ Tư, 15/06/2011, 09:42 (GMT+7)

Mỹ tập trận hải quân với các nước ASEAN

TTO - Một cuộc tập trận hải quân do Mỹ điều phối ở biển Sulu, thuộc phía tây nam Philippines và giáp với biển Đông có mặt năm thành viên của Tổ chức Các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu vào ngày 14-6.

Nhật báo Philippines Daily Inquirer cho biết trong 10 ngày tới, các lực lượng hải quân từ Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan sẽ cùng Mỹ tập trận ở khu vực biển Sulu, eo biển Malacca và biển Celebes.

>> Thăm tàu sân bay Mỹ
>>
Tàu chiến Mỹ USS Chung Hoon tới biển Đông

Tàu USS Chung Hoon của Mỹ (phải) đã tới vùng biển Philippines - Ảnh: AP

Cuộc tập trận hải quân sẽ được tiếp nối bằng tập trận huấn luyện hải quân chỉ riêng giữa Philippines và Mỹ ở biển Sulu.

Cuộc huấn luyện với tên gọi Hợp tác sẵn sàng và huấn luyện trên biển (Carat) dự kiến diễn ra từ 28-6 tới 8-7 tại vùng biển phía đông Palawan, Philippines với sự tham gia của năm tàu chiến, 1.000 lính hải quân Philippines và 3.000 lính hải quân phía Mỹ, sáu tàu chiến và ba tàu sân bay.

Trong khi đó, cuộc tập trận đã diễn ra, Hợp tác và huấn luyện Đông Nam Á (Seacat), là một cuộc tập trận thường niên do Mỹ khởi xướng với các nước trong khu vực, bao gồm huấn luyện chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia "và các mối đe dọa khác trên biển".

Inquirer dẫn lời một người phát ngôn hải quân Philippines nói các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ những căng thẳng gần đây giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông.

Cuộc tập trận cũng trùng với chuyến thăm của tư lệnh hải quân Philippines, phó đô đốc Alexander Pama tới căn cứ hải quân Tây Palawan, chuyến đi đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức vào tháng 1. Ông Pama dự kiến sẽ thăm Apolinario Jalandoon, tổng hành dinh của căn cứ hải quân Tây Palawan, cũng như một căn cứ khác ở vịnh Oyster.

Thuyền trưởng Sebastian Pan, người đứng đầu cuộc tập trận bên phía Philippines, nói ba tàu hải quân của nước này sẽ tham gia Seacat năm nay. “Cuộc tập trận sẽ bao gồm các lực lượng trên bộ, trên không và đặc nhiệm để thăm dò, theo dõi và đối phó với các mối đe dọa trên biển với sự tham gia của hải quân các nước”.

Về phía Mỹ, Inquirer cho biết sẽ có ba tàu chiến tham gia cuộc tập trận. “Cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước - thiếu tá Omar Tonsay thuộc hải quân Philippines nói - Nó đã tiến hành được hơn 10 năm tính đến nay. Năm ngoái là ở Zambales, năm nay là ở Palawan và năm sau sẽ là Zamboanga”. Những tàu chiến Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận bao gồm các khu trục hạm USS Chung Hoon và USS Howard, cùng tàu cứu hộ USNS Safeguard.

H.MINH


Thứ Ba, 14/06/2011, 23:14 (GMT+7)

280 tàu cá xa bờ Bình Định được gắn thiết bị vệ tinh

TTO - Chiều 14-6, bà Mai Kim Thi, chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết Bộ NN&PTNT vừa quyết định cấp cho Bình Định 280 thiết bị vệ tinh để gắn lên các tàu cá đánh bắt xa bờ.

Việc này giúp ngư dân chủ động đón nhận các thông tin về các cơn bão, áp thấp nhiệt đới… từ đất liền. Đồng thời, đất liền cũng có thể liên tục theo dõi tọa độ chính xác của từng con tàu trên biển 24/24 giờ, hỗ trợ thông tin tốc độ và hướng đi của tàu…

Theo bà Thi, các tàu cá được ưu tiên gắn thiết bị vệ tinh là tàu có công suất từ 90 CV trở lên, thường xuyên đánh bắt xa bờ và đánh bắt theo tổ, nhóm…

Theo kế hoạch, đầu tháng 9 Bộ NN&PTNT sẽ triển khai lắp đặt đợt đầu cho tàu cá các tỉnh miền Trung trên tổng số 3.000 thiết bị vệ tinh được gắn miễn phí trên tàu cá đánh bắt xa bờ của 28 tỉnh thành ven biển.

Việc gắn thiết bị vệ tinh trên tàu cá nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý các hoạt động khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Việt Nam.

N.TRẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét