Giám khảo bức xúc vì “chấm giả”

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 21/06/2011, 07:43 (GMT+7)

Vụ “Bắt tay” nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT: Giám khảo bức xúc vì “chấm giả”

TT - “Không chấm thì bị quy kết chống chủ trương chung, mà chấm thì thấy xấu hổ vô cùng. Ai đời chỉ cần viết “đàn bà”, “màu hồng hồng”, “ánh sương mai”, “chiếc thuyền ngoài xa” là có điểm”.

>> Tốt nghiệp trung học phổ thông: Tăng đột biến
>> “Bắt tay” nới lỏng chấm thi THPT

Học sinh Tiền Giang xem kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011 - Ảnh: Nguyễn Tú

Đó là bức xúc của thầy L.T.T. khi phải chấm thi môn văn theo hướng dẫn mà 11 tỉnh ĐBSCL đưa ra.

Viết gì cũng có điểm

Không chỉ thầy L.T.T., nhiều giáo viên khác cũng tỏ ra bức xúc vì phải “chấm giả”. T.A. - một giáo viên chấm thi môn văn - bức xúc về việc mình phải “chấm giả”.

Anh cho biết: “Là người được điều động chấm thi môn văn của một tỉnh ở ĐBSCL, thú thật tôi và nhiều đồng nghiệp bất ngờ khi ngay ngày đầu tiên sinh hoạt hướng dẫn chấm, chúng tôi được yêu cầu chấm theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn ở ĐBSCL chứ không theo hướng dẫn chấm của bộ”.

Học sinh cũng bất ngờ

“Sau khi có kết quả tốt nghiệp, một số học sinh nói với tôi là khi làm xong bài môn văn và đối chiếu đáp án của bộ, các em nghĩ mình chỉ được 3 điểm nhưng không ngờ kết quả được 7 điểm. Trong khi đó một học sinh giỏi môn văn cấp quốc gia là học trò của tôi nói với với tôi rằng so với đáp án của bộ em làm lạc đề câu 3 điểm, còn phần phân tích câu 2 điểm thì nêu không đủ ý nên nghĩ bài làm của mình không được 6 điểm, nhưng kết quả đạt 8,5 điểm”.

Cô BÙI THỊ HÒA
(tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang)

Với những bản thống nhất làm căn cứ chấm thi, không ít giáo viên, cán bộ chấm thi, cán bộ quản lý tỏ ra bất ngờ. Thầy T.A. chia sẻ: “Ai đời học sinh chỉ cần viết “đàn bà”, “màu hồng hồng”, “ánh sương mai”, “chiếc thuyền ngoài xa” là có điểm trọn vẹn. Thậm chí học sinh viết lan man nhưng có một vài chữ liên quan cũng có điểm. Đề yêu cầu phân tích nhân vật Tràng nhưng học sinh phân tích cả ba nhân vật Tràng, bà cụ Tứ, cô vợ nhặt, thậm chí tóm tắt cốt truyện cũng chấm điểm cao... Nói thật, chúng tôi bị buộc phải chấm giả”.

Trong khi đó cô Bùi Thị Hòa, tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang), phân tích: “Trong đề thi môn văn, ở câu 2 điểm, hướng dẫn của bộ yêu cầu thí sinh phải nêu được hai ý chính nhưng khi chấm phải chấm theo hướng mở, tức là thí sinh viết cái gì cũng có điểm.

Cán bộ chấm thi bức xúc vì chấm theo kiểu đó thì qua năm học trò không thèm học. Tôi đồng ý nới lỏng nhưng nới trong mức độ cho phép.

Một thực tế nữa là trong đáp án của bộ yêu cầu phải trình bày đủ ý thì được tròn điểm, còn đáp án của ĐBSCL thiếu ý vẫn cho điểm tối đa nếu không sai kiến thức. Chẳng hạn ý 1 có hình ảnh người đàn bà thì cứ hễ có người đàn bà là cho điểm mà không kể người đàn bà đó là người đàn bà như thế nào. Vậy là sai so với đáp án.

Ở Kiên Giang, khi chấm chung chúng tôi đề nghị sai không cho điểm, còn thiếu ý thì vẫn cho điểm vì thiếu khác với sai”.

Có thêm đáp án

Thầy T. - giáo viên toán một trường THPT tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau) tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT - cho biết ngày đầu tiên hội đồng chấm thi sinh hoạt với tất cả giáo viên về đáp án của bộ và hướng dẫn chấm của 11 tỉnh thành khu vực ĐBSCL. “Tinh thần là theo hướng dẫn của bộ nhưng hầu như khi được sinh hoạt, giáo viên đều căn cứ vào hướng dẫn của 11 tỉnh thành ĐBSCL để chấm” - thầy nói thêm.

Thầy T. nói có những ý thí sinh làm sai kết quả nhưng quá trình làm đúng vẫn được các giám khảo cho phân nửa số điểm, trong khi đáp án của bộ chỉ nêu ý kết quả để cho điểm mà không có điểm cho quá trình làm.

Một cán bộ chấm thi môn toán của Kiên Giang (chấm bài cho học sinh Đồng Tháp) cho biết đến hôm chấm thi anh mới biết về bản thống nhất hướng dẫn chấm thi của 11 tỉnh thành ĐBSCL. Hội đồng chấm thi sinh hoạt và yêu cầu cán bộ chấm thi chấm theo bản hướng dẫn thống nhất này.

“Trong buổi sinh hoạt về hướng dẫn chấm cũng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cơ bản thống nhất chấm theo bản hướng dẫn chung này. Phần vì đáp án của bộ khá chung chung, theo sách giáo khoa trong khi học sinh có thể lập luận và làm theo cách khác, phần vì cũng cần thống nhất trong toàn giáo viên để tránh người chấm chặt, người chấm lỏng” - giáo viên này nói thêm.

Cô Bùi Thị Hòa cho biết nhìn chung hướng dẫn chấm của ĐBSCL có bám sát đáp án của bộ, nhưng khi áp dụng có nhiều điểm rất phi lý. Cô Hòa nhấn mạnh vẫn đồng ý với quan điểm thống nhất hướng dẫn chấm thi của ĐBSCL. Tuy nhiên, khi chấm chéo cần có một cuộc họp thống nhất để vận dụng đáp án như thế nào cho linh hoạt chứ không phải họp lại để đưa ra một đáp án ngoài đáp án của bộ.

“Tôi nghĩ năm tới không nên thêm một đáp án như thế này. Tôi đồng ý ở khâu chấm thi môn văn nên nhẹ nhàng, đừng quá nặng nề vì học sinh học 12 năm rồi, nhưng kiểu chấm “thả” như năm nay thì không thể chấp nhận” - cô Hòa cho biết.

M.GIẢNG - T.XUÂN

“Hôm nay là hạn chót để các tỉnh báo cáo”

Chiều 20-6, ông Bùi Anh Tuấn, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đang chờ báo cáo của 11 tỉnh thành. Ngày 21-6 là hạn chót để các sở gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở báo cáo và các dữ liệu đi kèm mà các sở GD-ĐT gửi, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và kết luận về sự việc trên”.

Trao đổi thêm về việc 11 tỉnh thành tổ chức họp để thống nhất phương án chấm thi, ông Tuấn nói: “Khi chấm bài thi tự luận, nhất là môn văn, có những tình huống đặt ra mà nếu không có sự trao đổi, thống nhất sẽ dễ dẫn đến việc mỗi giám khảo vận dụng một cách. Vì vậy, không chỉ riêng đối với ĐBSCL mà trong hướng dẫn chung cho toàn quốc, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các hội đồng chấm thi phải chấm thử chung 10 bài, từ đó rút ra những vấn đề cần phải trao đổi thống nhất. Phương án được vận dụng chỉ khi được 100% thành viên trong hội đồng chấm thi đồng ý. Nếu còn có ý kiến khác nhau phải đề xuất xin ý kiến Bộ GD-ĐT”.

Ông Tuấn cũng khẳng định bộ đồng ý cho các tỉnh ĐBSCL tổ chức cuộc họp chỉ với mục đích quán triệt hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT, tránh việc “chấm chặt, chấm lỏng” chứ không có chuyện “bật đèn xanh” cho việc vô tư nâng điểm.

VĨNH HÀ



dantri.com.vn:
Thứ Ba, 21/06/2011 - 06:48

(Dân trí) - Một giáo viên đã phản ánh với báo chí về việc 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã “thỏa hiệp” để nâng điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chỉ xuất phát từ một văn bản thống nhất hướng dẫn chấm thi để kết luận có vấn đề thì liệu đã thuyết phục?

>> Sẽ xác minh tin đồn nới lỏng chấm thi môn Văn
>> “Xì-căng-đan” chấm thi tốt nghiệp ở ĐBSCL: Thỏa thuận để cho điểm vô tư!

Đâu là sự thật?
Theo tìm hiểu của Dân trí, người phản ánh thông tin về việc chấm thi có vấn đề của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (vùng 6) là một giáo viên tên L. của Trường THPT chuyên Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang). Đây là một giáo viên dạy văn đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề và cũng là người từng không ngần ngại “phê bình” về cách ra đề cũng như hướng dẫn chấm thi của Bộ ở các cuộc Hội nghị.

"Chúng tôi sẵn sàng chờ Bộ GD-ĐT chấm thẩm định để làm sáng tỏ vấn đề" - ông Hoàng Văn Nhi, Sở GD-ĐT Đồng Tháp

Tuy nhiên điều đáng nói là ở chỗ, giáo viên L. không tham gia vào công tác chấm thi ở các tỉnh vùng 6. Qua sự quen biết, giáo viên L. có trong tay “văn bản thống nhất hướng dẫn chấm thi” và sau đó đã phân tích và đưa ra nhận xét của mình. Dân trí cũng đã nhiều lần liên hệ với giáo viên L. để tìm hiểu thêm về việc dựa vào những chứng cứ nào để kết luận: “Các tỉnh vùng 6 chấm theo đáp án riêng?” nhưng đáng tiếc cô L. lại không nhấc máy.
Trong khi đó, khi đón nhận thông tin này, lãnh đạo các Sở GD-ĐT vùng 6 tỏ vẻ đầy bức xúc. Theo họ thì cô L. chỉ phán ánh đúng một phần. Cụ thể, các tỉnh vùng 6 có tổ chức một cuộc họp gồm một số đại diện các Hội đồng chấm thi của các tỉnh trong vùng để “thảo luận Hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận của Bộ GD-ĐT ở từng môn thi” sau khi nhận được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT. Mục đích của cuộc họp này là thống nhất cách hiểu và vận dụng nhằm tạo sự đồng đều khi chấm thi, tránh tình trạng chấm chặt hay chấm lỏng.
Thí sinh Cần Thơ trao đổi bài sau khi dự thi môn Vật lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, Cụm trưởng Cụm Thi đua GD-ĐT vùng 6 chia sẻ: “Do tiền lệ đã có việc một số tỉnh chấm quá chặt gây thiệt thòi cho thí sinh tỉnh bạn nên việc thống nhất để chấm công bằng cho thí sinh tất cả các tỉnh trong khu vực là điều cần thiết. Dư luận cho rằng nội dung thống nhất hướng dẫn chấm thi tạo điều kiện nâng điểm cho thí sinh là không có cơ sở”.

Cũng theo ông Nhi, kết quả chấm thi môn Văn nhìn chung không có gì bất thường so với năm ngoái. Tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình trở lên ở môn Văn có tỉnh tăng từ 5 đến 7% nhưng có tỉnh thấp hơn. Chẳng hạn tỉ lệ này ở Đồng Tháp khoảng 72% và so với các môn khác thì tỉ lệ này bình thường, không thấp không cao. Thậm chí tỉ lệ này là thấp so với môn Toán và môn Sử.

Hẳn chúng ta còn nhớ, năm 2009 khi Bộ GD-ĐT lần đầu áp dụng hình thức chấm chéo thì việc chấm thi ở vùng 6 đã không thuận buồm xuôi gió. Cùng xuất phát từ kết quả chấm thi môn Văn một số tỉnh trong vùng thấy “sốc” khi số thí sinh đạt điểm trung bình ở mức rất thấp. Trước dấu hiệu “lạ”, các tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT yêu cầu chấm thẩm định.
Kết quả cho thấy việc “chấm không đều tay” ở môn thi Văn, Địa lý do cách vận dụng biểu điểm, hướng dẫn chấm của giám khảo khác nhau là có. Thời điểm đó Bộ GD-ĐT cũng khuyến cáo, với việc tỉ lệ bài thi đạt trên trung bình ở môn Văn bị tụt đến chóng mặt ở một số tỉnh ĐBSCL, chắc chắn sẽ có những nguyên nhân khác nằm ngoài công tác chấm thi cần được tìm hiểu và khắc phục.
Theo đánh giá của một số giáo viên dạy môn Văn ở các trường THPT thì chấm thi đối với môn học này là một việc làm rất chủ quan, nên rất dễ xảy ra tình trạng chấm chặt, chấm lỏng. Vì vậy, việc các Sở, giáo viên chấm thi cùng ngồi lại bàn bạc, trao đổi những phán đoán, rồi đưa ra biên bản thống nhất là nhằm để cho điểm thi chính xác và công bằng với thí sinh hơn. Việc làm này không phải là điều gì đó quá bất thường. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt là ở chỗ, liệu các đơn vị này có chấm thi theo hướng dẫn chấm của Bộ và tuân thủ quy chế hay không cần phải được làm rõ.
Không nên vội vàng “quy chụp”!
“Chúng ta không thể dựa vào thông tin từ một giáo viên để rồi quy chụp chấm thi ở đồng bằng Sông Cửu Long có vấn đề. Hiện tại vụ việc đang được Bộ GD-ĐT khẩn trương xác minh và sẽ sớm đưa ra luận” - ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) chia sẻ với Dân trí chiều ngày 20/6.
Cũng theo ông Tuấn, ngay sau khi vụ việc được báo chí phản ánh, Bộ GD-ĐT đã nghiêm túc ghi nhận và ngay lập tức có công văn gửi 11 tỉnh ĐBSCL yêu cầu báo cáo lại quy trình thực hiện chấm thi và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia chấm thi. Tuy nhiên do rơi vào ngày nghỉ cuối tuần nên chiều nay (21/6), các Sở mới hoàn tất việc giửi báo cáo. Căn cứ vào đấy Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra và xác minh sau đó sẽ đưa ra ra kết luận cuối cùng.
Theo đánh giá của ông Tuấn thì rất khó xảy ra việc các địa phương vùng 6 chấm thi không theo hướng dẫn chấm của Bộ bởi lẽ quy trình chấm thi rất là chặt chẽ. Bên cạnh đó lại có thêm bộ phận thanh tra chấm thi làm việc độc lập với Hội đồng chấm thi.
“Trong chấm thi, người có quyền cao nhất là giám khảo và không có ai có thể bắt ép giám khảo được. Trong khi đó nguyên tắc cao nhất của giám khảo là phải tuân thủ quy chế chấm thi. Mà theo điều 25 của quy chế chấm thi thì giám khảo phải dựa vào hướng dẫn chấm thi”- ông Tuấn chia sẻ thêm.
Chốt lại vấn đề, ông Tuấn nhấn mạnh: “Bây giờ chúng ta vẫn chưa có cơ sở để kết luận được nên mọi việc vẫn phải bình thường. Việc gây hoang mang cho thí sinh và xã hội là điều không nên”.
Cũng liên quan đến vụ việc về chấm thi ở các tỉnh vùng 6, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng quán triệt, đề Văn là đề thi mở nên việc chấm thi cũng không thể máy móc, phải tùy theo sự sáng tạo của từng thí sinh để đánh giá. Nhưng dù thế nào cũng không được vì thế mà phóng điểm. Bộ sẽ xác minh và nếu cần thiết sẽ chấm thẩm định, xử lý theo quy chế.
Nguyễn Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét