Cập nhật lúc 15h10' ngày 17/06/2011 |
Việc xuất bản trên mạng Internet hiện nay được đánh giá là rất phức tạp. Chính vì vậy, Bộ TT&TT đã chủ trì soạn thảo để trình Chính phủ Nghị định quy định về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm trên mạng Internet và các thiết bị kỹ thuật số. Còn nhiều bất cậpTheo Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, tuy đã có Luật xuất bản năm 2004, rồi sau đó trong Nghị định số 11/2009/NĐ-CP cũng đã có quy định một số khoản tại Điều 11b, tuy nhiên do sự phát triển mạnh mẽ của Internet, trong giai đoạn hiện nay vấn đề xuất bản trên mạng đang diễn ra rất phức tạp. Chúng ta vẫn đang thiếu những quy định cụ thể có tính pháp lý cao để điều chỉnh. Vì vậy rất cần thiết triển khai, xây dựng Nghị định quy định về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm trên mạng Internet và các thiết bị kỹ thuật số. Hiện nay, ngành xuất bản đang gặp phải những khó khăn với những khái niệm mới nảy sinh, ví dụ như xuất bản trực tuyến. Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ TT&TT) Nguyễn Kiểm nhận định: Hiện nay vấn đề xuất bản trực tuyến đang rất khó kiểm soát. Chúng ta sẽ phải làm rõ những khái niệm nảy sinh trong thời đại Internet như: xuất bản trực tuyến, cơ chế xuất bản trực tuyến, kiểm soát và xử lý, nộp lưu chiểu… là những điều khó làm. Nhất là khi xuất bản trực tuyến là tức thì đưa lên mạng thì kiểm soát như thế nào? Cho dù có đăng ký trước 10 ngày thì cũng rất khó kiểm soát. Hoặc là các đài truyền hình tổ chức phát sóng trực tiếp giới thiệu một tác phẩm mới có được coi là xuất bản không và sẽ được điều chỉnh bằng cách nào? Theo quy định của Luật Xuất bản, tất cả mọi tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam muốn công bố các tác phẩm của mình đều phải thông qua nhà xuất bản và chỉ nhà xuất bản mới có quyền làm việc đó. Như vậy những trang web hay báo điện tử như: Vietnamnet, VnExpress… trước khi đăng tải những tác phẩm văn học, những chuyên mục giải trí về nguyên tắc phải làm việc với nhà xuất bản xong, có quyết định mới được quyền đưa lên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa điều chỉnh được vì chưa có những quy định cụ thể đối với những xuất bản phẩm hình thành qua con đường này. Đó là chưa kể hiện nay những tác phẩm được đăng trên blog cá nhân cũng không thực hiện đầy đủ những quy định của Luật Xuất bản. Trên thực tế, tác phẩm được xuất bản qua Internet hay in thành sách chỉ khác về hình thức công bố, còn nội dung, chủ quyền của tác giả gần như không có gì khác. Trong khi đó nếu in thành sách thì phải thông qua nhà xuất bản và chịu sự kiểm soát, còn nếu đưa lên Internet thì hiện nay chưa bị điều chỉnh. Đó là một sự bất bình đẳng trong ứng xử với các tác phẩm. Siết chặt đến đâu?Việc xây dựng bản dự thảo nghị định này vẫn đang ở giai đoạn bước đầu, chính vì vậy hiện còn rất nhiều vấn đề cần được làm rõ. Đơn cử như vấn đề tác giả không xuất bản trên các trang mạng tại Việt Nam mà lại xuất bản trên các trang mạng nước ngoài thì sẽ phải điều chỉnh ra sao? Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT đề xuất: Nếu Nghị định quy định về xuất bản và các xuất bản phẩm trên mạng Internet và các thiết bị kỹ thuật số thì quá rộng. Nghị định nên loại bỏ thiết bị kỹ thuật số và chủ yếu nói về xuất bản trên mạng Internet. Đồng thời cũng phải cân nhắc phạm vi điều chỉnh. “Trong dự thảo chúng ta chỉ nói đến việc xuất bản trên mạng Internet nhưng phạm vi địa lý thì không biết sẽ điều chỉnh đến đâu vì Internet không có biên giới thì những người như thế nào sẽ bị điều chỉnh bởi nghị định này? Đây là một điều rất khó”, ông Tuyên nói. Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, trước mắt, Cục Xuất bản cần có đánh giá lại về việc thực hiện Luật Xuất bản và Nghị định số 11/2009/NĐ-CP để từ đó đánh giá lại việc hậu kiểm các xuất bản phẩm trên Internet. Việc ra đời nghị định này là cần thiết nhưng cần khoanh lại đối tượng cụ thể là các xuất bản phẩm do các nhà xuất bản phát hành. Bởi đối với những vấn đề khác như các cá nhân tự đăng tải lên mạng đều cũng đã được điều chỉnh bởi các chế tài khác như Luật Dân sự, Luật Báo chí… Việc mở rộng quá đối tượng sẽ dẫn đến khó quản lý. Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng nhấn mạnh cần phải có quy định về việc ra đời nhà xuất bản thuần túy xuất bản trên mạng. |
| ||||
Theo ICTnews |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét