NATO lục đục nhau về Libya

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 24/06/2011, 07:41 (GMT+7)

TT - Cuộc không kích của NATO chống Libya bước vào tháng thứ tư. Nội bộ NATO bắt đầu có dấu hiệu bất đồng.

Ít nhất 5 trẻ em Libya thiệt mạng trong vụ đánh bom nhầm của NATO vài ngày qua. Trong ảnh: học sinh Libya tại Benghazi ngày 21-6 - Ảnh: Reuters

Ý muốn ngừng không kích. Pháp, Anh muốn tiếp tục. Quốc hội Mỹ có thể cắt trợ giúp cho cuộc chiến tại Libya.

Ý đã mở đầu sự lục đục trong nội bộ NATO khi yêu cầu ngừng bắn ở Tripoli nhân những vụ “bắn nhầm thường dân” ở Libya mới đây, theo AFP ngày 23-6.

Kẻ đòi ngừng, người đòi đánh

“Tôi tin rằng việc ngừng ngay lập tức các hành động thù địch là cần thiết để tạo các hành lang nhân đạo được hiệu quả, trong khi các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục nhằm đạt được thỏa thuận đình chiến chính thức và đàm phán hòa bình” - Bộ trưởng ngoại giao Ý Franco Frattini tuyên bố.

Ông Franco không quên chỉ trích vụ giết nhầm dân thường Libya cuối tuần trước của NATO, cho rằng mức độ tin cậy của chiến dịch không kích đang có nguy cơ giảm sút và các nước có quyền đòi hỏi thông tin chi tiết hơn về các kết quả từ chiến dịch do liên quân đảm nhiệm. Ý là nước đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch không kích bởi nằm đối diện với Tripoli trên Địa Trung Hải.

Cùng lúc đó, lãnh đạo Liên đoàn Ả Rập Amr Moussa, người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ủng hộ của thế giới Ả Rập đối với NATO, cho biết đang suy nghĩ lại về chiến lược này. “Khi nhìn thấy trẻ em bị giết hại, tôi dĩ nhiên cảm thấy e sợ. Đó là lý do tôi đã cảnh báo về nguy cơ làm thiệt mạng dân thường” - ông Moussa phát biểu với tờ Guardian (Anh).

NATO mới đây đã thừa nhận sai lầm làm chết ít nhất 24 dân thường Libya, bao gồm năm trẻ em, hơn nửa tháng sau khi tuyên bố kéo dài chiến dịch đến tháng 9-2011. Trước đó NATO bị chính quyền Tripoli cáo buộc giết 15 dân thường khác.

Tại Anh, vấn đề chi phí cho hoạt động ở Libya trở nên nóng hơn khi Bộ Quốc phòng nước này thừa nhận London đã đổ vào cuộc chiến vài tháng qua khoảng 400 triệu USD. Chính phủ nước này đang đứng trước áp lực đòi công bố thông tin về chiến dịch đang kéo dài hơn so với dự kiến, bên cạnh áp lực phải thắt chặt chi tiêu quốc phòng. Trước đó, Chính phủ Anh đã dự đoán chi phí tại Libya chỉ vào khoảng vài chục triệu USD.

Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây cũng gặp rắc rối liên quan đến sự can thiệp của Washington vào Trung Đông, khi một số nghị sĩ chỉ trích ông Obama quyết định tham gia chiến dịch mà không có sự đồng ý của quốc hội. Hạ viện Mỹ hôm 22-6 (giờ địa phương) đã họp để cân nhắc trước khi thông qua hai dự luật hạn chế vai trò quân sự của nước này tại Libya, đến nay tiêu tốn khoảng 1 tỉ USD.

Đề nghị của Ý lập tức bị Pháp bác bỏ bởi nếu ngừng chiến, dù chỉ ngắn, để trợ giúp nhân đạo sẽ có nguy cơ tạo điều kiện cho ông Gaddafi “tranh thủ thời gian và củng cố lực lượng của mình”.

Tại Brussels, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định NATO sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự bất chấp sự nhầm lẫn gần đây. Liên quân biện bạch việc thực hiện nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã bảo vệ được nhiều người hơn số bị giết nhầm. “Nếu bị gián đoạn sẽ có vô số dân thường mất mạng” - ông Rasmussen cảnh báo.

Trung Quốc thừa nhận NTC

Tại Bắc Kinh ngày 22-6, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nồng nhiệt tiếp đón lãnh đạo phe nổi dậy Libya Mahmoud Jibril và chính thức thừa nhận Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) là “một đối tác đối thoại quan trọng”.

“Kể từ khi được thành lập, NTC đã gia tăng tính đại diện cho người dân và ngày càng trở thành một lực lượng chính trị lớn” - ông Dương tuyên bố trên Tân Hoa xã. Dù Trung Quốc phủ nhận tìm kiếm lợi riêng ở Libya, song tờ New York Times dẫn lời giám đốc quản lý Hiệp hội Con đường tơ lụa Ben Simpfendorfer khẳng định Bắc Kinh có quan tâm đến dầu mỏ của Libya. Ngoài ra, trước khi bùng nổ xung đột, các công ty Trung Quốc đã tham gia tổng cộng 50 dự án xây dựng lớn ở Libya với tổng giá trị gần 20 tỉ USD.

Đan Mạch và 15 nước khác đã công nhận NTC là “đại diện hợp pháp” của người dân Libya.

TRẦN PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét