Truy nã quốc tế nguyên tổng giám đốc tài chính Vinashin

Tuổi Trẻ Online:
Chủ Nhật, 19/06/2011, 21:05 (GMT+7)

TT - Ngày 18-6, ban tổng thư ký của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với ông Hồ Ngọc Tùng (ảnh văn bản), nguyên tổng giám đốc tài chính của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) và Giang Kim Đạt, nguyên trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương Vinashin.

>> Vinashin nợ hơn 80.000 tỉ đồng
>> Vinashin khó trả nợ trong năm nay
>> Thủ tướng chỉ đạo xử lý sau thanh tra tại Vinashin

Hai người này là bị can trong vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinashin nhưng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú. Do đó cơ quan an ninh điều tra đã ra lệnh truy nã toàn quốc. Sau khi xác định hai bị can đã ra nước ngoài, cơ quan chức năng của VN đề nghị Interpol ra lệnh truy nã quốc tế. Bị can Giang Kim Đạt được xác định đã đi nước ngoài trước khi vụ án được khởi tố. Trong khi đó, bị can Hồ Ngọc Tùng xuất cảnh sau đó ít lâu với danh nghĩa đi chữa bệnh nhưng đến nay chưa về nước.

Đã bắt tạm giam 8 bị can

Ngày 4-8-2010, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với ông Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin), về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tới nay đã khởi tố 10 bị can, bắt tạm giam tám bị can, truy nã hai bị can là Hồ Ngọc Tùng và Giang Kim Đạt.

Khi ông Hồ Ngọc Tùng giữ cương vị tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC) cùng với bị can Trịnh Thị Hậu (khi đó là phó tổng giám đốc) đã chủ trương và ký duyệt giải ngân một số khoản cho vay vốn có tổng giá trị khoảng 60 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ trái quy định.

Trong đó, một số khoản vay đã bị sử dụng vào mục đích khác không theo đúng dự án và kế hoạch ban đầu dẫn đến mất khả năng thu hồi vốn cho Nhà nước. Điển hình là khoản 42,8 tỉ đồng cho Công ty Hoàng Anh - Vinashin (do bị can Nguyễn Văn Tuyên làm tổng giám đốc và bị can Đỗ Đình Côn làm phó tổng giám đốc) để thực hiện giao dịch mua thép.

Tháng 7-2006, bị can Đỗ Đình Côn khi đó làm kế toán trưởng đã cùng Nguyễn Văn Tuyên lập hồ sơ khống mua bán 4.500 tấn thép với Công ty cổ phần đầu tư thương mại Cửu Long nhưng thực chất không có giao dịch nào. Số tiền 42,8 tỉ đồng các bị can sử dụng để nhập hai nhà máy nhiệt điện cũ (thực chất là rác thải công nghiệp độc hại) cho dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng - Nam Định.

Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, ông Hồ Ngọc Tùng còn phải chịu trách nhiệm chung vì để xảy ra hàng loạt sai phạm tại Vinashin về tài chính, kế toán, đầu tư, kinh doanh của tập đoàn. Về trách nhiệm cá nhân, Thanh tra Chính phủ xác định ông Hồ Ngọc Tùng có hành vi cố ý làm trái trong việc cho Công ty Vận tải viễn dương vay 106 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế để thực hiện dự án hoán cải tàu Bạch Đằng Giang gây thất thoát lớn vốn đầu tư của dự án này.

Trong việc tư vấn dự án mua tàu Energy của Công ty vận tải Biển Đông, Công ty VFC do ông Tùng làm tổng giám đốc đã chi hơn 1,5 tỉ đồng tư vấn dự án nhưng thực chất là hợp thức hóa hợp đồng thuê tư vấn, ghi lùi ngày trên chứng từ thanh toán. Ông Hồ Ngọc Tùng còn sử dụng 1.000 tỉ đồng vay từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế để mua lại khoản nợ của các đơn vị thành viên và bản thân công ty mẹ, trong đó có nhiều khoản là nợ xấu tại ngân hàng. Đáng chú ý việc mua lại này được thực hiện ngay trong ngày ký hợp đồng vay vốn trái phiếu quốc tế.

Đối với bị can Giang Kim Đạt, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị can này được xác định là người được giao trực tiếp tiến hành đàm phán mua tàu Cartour của Ý (tàu Hoa Sen).

Tàu Hoa Sen là tàu biển cũ đã qua sử dụng nên việc mua không phù hợp với quyết định của Thủ tướng. Quyết định phê duyệt đầu tư ban đầu của dự án là gần 1.400 tỉ đồng nhưng sau khi mua tàu đưa vào sử dụng, ông Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin) đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 1.500 tỉ đồng. Đến nay, cơ quan chức năng xác định việc mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại ít nhất 550 tỉ đồng.

MINH QUANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét