Nga giành được “bảo bối” Mistral

SGGP Online
Chủ nhật, 19/06/2011, 02:08 (GMT+7)

Ngày 17-6, Nga đã ký hợp đồng mua tàu chiến lớp Mistral của Pháp sau hơn một năm đàm phán căng thẳng và gặp cản trở từ phía các đồng minh của Pháp. Đây là lần đầu tiên một thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bán thiết bị quân sự hiện đại cho Nga. Đó là lý do thương vụ này bị Mỹ và NATO kiên quyết phản đối và còn cho rằng đó là mối đe dọa an ninh NATO.

  • Hợp đồng được trông đợi

Theo RIA Novosti, hợp đồng được ký ngay bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (hội nghị kinh tế thường niên lớn nhất ở Nga) giữa tập đoàn quân sự Rosoboronexport, Nga và nhà sản xuất tàu chiến DCNS, Pháp. Với hợp đồng này, Pháp đã đồng ý chuyển giao cho Nga công nghệ đóng tàu cũng như hệ thống vận hành hải quân tiên tiến có tên gọi SENIT-9 (hệ thống thông tin chiến thuật hải quân).

Tàu chiến đổ bộ lớp Mistral đặt tại Saint-Nazaire, miền Tây nước Pháp. Ảnh: AFP

Dự kiến, chiếc tàu thứ nhất sẽ được chuyển giao trong năm 2014, chiếc thứ hai được giao trong năm 2015. Hợp đồng này trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, mang lại 1.000 việc làm cho Pháp trong vòng 4 năm.

Chỉ riêng trong quá trình đàm phán giữa hai nước, số phận thương vụ tàu Mistral cũng gặp nhiều trở ngại. Bế tắc phát sinh do Nga yêu cầu chuyển giao công nghệ và giấy phép sản xuất các hệ thống điện tử nhạy cảm đi kèm với việc chuyển giao tàu chiến lớp Mistral. Ban đầu Pháp một mực từ chối, nhưng kết quả đạt được hiện nay đã cho thấy, hai nước thật sự dành nhiều nỗ lực cho quá trình “tan băng” kể từ thời kỳ chiến tranh lạnh.



Tàu chiến lớp Mistral có trọng tải 23.000 tấn, có thể chở tới 16 máy bay lên thẳng, 4 tàu đổ bộ, 13 xe tăng tấn công, khoảng 70 xe cơ giới và 450 binh sĩ. Nó còn gồm các cơ sở kỹ thuật cho một ban chỉ huy đầy đủ và một bệnh viện 69 giường.

Hợp đồng tàu Mistral còn có một số hợp đồng đi kèm: Nga mua khoảng 500 - 1.000 xe thiết giáp hạng nhẹ do Nhà máy Panhard của Pháp sản xuất. Những thiết bị này được trang bị các phương tiện thông tin tối tân, cho phép hoạt động tại những vùng đất hiểm trở.

Theo Le Figaro, tin tức từ một giới chức nắm chắc hồ sơ này cho biết, hợp đồng chiến hạm Mistral chỉ là điểm khởi đầu. Cụ thể, Nga cũng dự kiến sẽ mua của Pháp khoảng 20 phiên bản của chương trình Felin (hệ thống hoạt động bộ binh thế kỷ 21, với các phương tiện định vị, phương tiện liên lạc vô tuyến cá nhân và máy vi tính).

  • Mỹ và đồng minh lo lắng

Trước thông tin này, nữ dân biểu Ileana Ros - Lehtinen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho rằng sẽ đe dọa an ninh Mỹ cùng những đồng minh của Washington trong khối NATO, cũng như những quốc gia láng giềng vốn đang có quan hệ căng thẳng với Nga. Theo bà Ileana Ros - Lehtinen, Mỹ quan ngại việc Pháp đã phớt lờ mối nguy hiểm khi trở thành đồng minh NATO đầu tiên bán các tàu chiến hiện đại cho Nga.

RIA Novosti cho biết, thỏa thuận Mistral đã gây lo lắng cho các nước láng giềng của Nga, đặc biệt là Gruzia, nước có mối quan hệ rất căng thẳng với Nga kể từ cuộc chiến 5 ngày hồi tháng 8-2008 giữa hai quốc gia về chủ quyền của nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia, mà sau đó Nga đã công nhận là một quốc gia độc lập.

Trước khi hợp đồng được ký kết, lãnh đạo các nước Gruzia, Estonia, Latvia đều công khai bày tỏ lo ngại và kịch liệt phản đối. Các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Latvia khẳng định, sẽ xem xét lại chiến lược quốc phòng hiện nay trong bối cảnh có mối đe dọa mới đối với an ninh quốc gia. Bà Francoise Thom, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sorbonne (Pháp), cho biết quyết định bán tàu chiến cho Nga cần đi cùng việc cân nhắc và hiểu rõ hậu quả lâu dài.

  • Phép thử quan hệ Nga - NATO

Nga cũng tỏ ra khá ngạc nhiên khi các thành viên NATO phản đối thương vụ này. Các quan chức Nga khẳng định, chiến tranh lạnh đã qua, NATO và Nga giờ đây đã trở thành đối tác, nên việc Mỹ và các đồng minh NATO lo lắng cho thấy họ vẫn còn mang tư duy chiến tranh lạnh, luôn đối đầu với Nga. Nga cũng nói rằng thái độ của Mỹ và các đồng minh khác cho thấy, họ thật sự không có bất kỳ niềm tin nào vào Nga trong khi luôn miệng tuyên bố muốn xây dựng quan hệ đối tác tin cậy với Nga.

Và vì vậy, Nga có quyền nghi ngờ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo châu Âu mà Mỹ đang triển khai ở các nước Đông Âu là đang nhắm vào Nga, dù họ luôn cho rằng chỉ nhằm bảo vệ các đồng minh châu Âu khỏi tầm tên lửa đạn đạo của Iran và CHDCND Triều Tiên. Dư luận thế giới nhận định, thương vụ tàu chiến Mistral thật sự là phép thử cho quan hệ Nga-NATO và giờ đây rõ ràng nó đã bộc lộ hết quan điểm của NATO đối với đối tác khổng lồ phía Đông của mình.

HÀ NHI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét