Mưu trí cha ông đánh bại âm mưu xâm lược của địch

Cập nhật lúc :8:22 PM, 16/06/2011
(ĐVO) Do ở vị trí chiến lược trọng yếu và có tài nguyên phong phú nên từ xưa đến nay, nước ta luôn trở thành mục tiêu xâm lược của nhiều nước lớn. Tuy nhiên, với sự mưu trí, đoàn kết, sáng tạo, kiên định và lòng dũng cảm..., cha ông đã đánh bại mọi âm mưu thôn tính của địch, bảo toàn lãnh thổ và giữ vững chủ quyền đất nước.

Cùng Đất Việt điểm lại tư duy chiến lược đánh giặc độc đáo của cha ông, như: mưu giỏi mà đánh cũng giỏi (Ngô Quyền), tiên phát chế nhân (Lý Thường  Kiệt), chế ngự sức mạnh của địch và phản công khi chúng suy yếu (Trần Hưng Đạo), đánh lâu dài (Lê Lợi), đánh thần tốc (Quang Trung)...

Ngô Quyền: Mưu giỏi mà đánh cũng giỏi

Phán đoán đúng con đường tiến quân của địch, Ngô Quyền đã chủ trương bố trí một trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng, rồi nhân khi nước triều lên, nhử thuyền địch tiến vào bên trong hàng cọc và tập trung lực lượng tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh, gọn, triệt để. Để ngợi ca ông và chiến thắng Bạch Đằng, nhà sử học Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy".

Với chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền được ngợi ca "mưu giỏi mà đánh cũng giỏi". Ảnh minh họa
Sông Bạch Đằng là một nhánh sông dài hơn 20 km, từ Do Nghi đến Phả Lễ giữa Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), nơi đã ghi dấu chiến công của Ngô Quyền chống giặc Nam Hán; chiến công của Lê Hoàn chống giặc Tống; chiến công của Trần Hưng Đạo chống giặc Nguyên Mông. Trong đó, trận thắng giặc Nam Hán vào năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy là mốc son mở ra nền độc lập tự chủ của dân tộc ta.
Theo sử sách, năm 920, Ngô Quyền đi theo Dương Đình Nghệ, một tướng của họ Khúc ở đất Ái Châu (Thanh Hóa). Dương Đình Nghệ là anh hùng dân tộc từng có công đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm được thành Đại La năm 931, thúc đẩy bước tiến của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Dương Đình Nghệ lên cầm quyền, tự xưng Tiết độ sứ, giao cho Ngô Quyền cai quản Ái Châu . Yêu mến tài năng và nhiệt huyết cứu đời, giúp nước của Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ đã gả con gái cho ông.

Trong 7 năm (931-938), quản lĩnh đất Ái Châu, Ngô Quyền trổ tài lực, đem lại yên vui cho dân trong hạt. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, một thuộc tướng và là hào trưởng đất Phong Châu giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Hành động phản trắc của Kiều Công Tiễn đã gây nên một làn sóng bất bình, căm giận sâu sắc trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngô Quyền trở thành ngọn cờ qui tụ mọi lực lượng yêu nước.
Có thể nói, vào thời điểm đó, nền độc lập của dân tộc ta vừa mới giành được sau đêm trường Bắc thuộc lại bị đe dọa. Kiều Công Tiễn hoảng sợ trước sự cǎm phẫn của nhân dân, đã cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Nhân cơ hội đó, Nam Hán đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Vua Nam Hán là Lưu Cung đã cử con trai là thái tử Hoằng Thao thống lĩnh quân thuỷ vượt biển tiến vào nước ta. Bản thân Lưu Cung cũng tự cầm quân đóng ở Hải Môn (Quảng Đông) để sẵn sàng tiếp ứng.

Cuối năm 938, Ngô Quyền (898-944), vị tướng giỏi đồng thời là con rể của Dương Đình Nghệ đã đem binh từ châu ái (Thanh Hoá) ra diệt Kiều Công Tiễn, trừ mối hoạ bên trong. Sau đó, ông huy động nhân dân cả nước khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Nắm vững tình hình cũng như đường tiến quân của địch, Ngô Quyền bàn với các tướng sĩ rằng: "Hoằng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được! Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua cũng chưa biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu và bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự không kế gì hay hơn kế ấy cả". Các tướng đều phục kế sách ấy là chắc thắng.

Ngay sau đó, Ngô Quyền đã huy động quân dân đẵn gỗ, đẽo cọc vát nhọn, bịt sắt cắm đầy lòng sông Bạch Đằng ở những chỗ hiểm yếu gần cửa biển tạo thành một trận địa ngầm, hai bên bờ có quân mai phục. Đó là một thế trận hết sức chủ động và lợi hại, thể hiện một quyết tâm đánh thắng quân giặc của chủ tướng Ngô Quyền và quân dân ta.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hoằng Thao thống lĩnh thuỷ binh hùng hổ kéo vào cửa sông Bạch Đằng. Lúc đó nước triều đang lên ngập hết bãi cọc, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, dụ quân giặc từ vịnh Hạ Long vào sông Bạch Đằng, rồi vờ thua chạy. Tên tướng trẻ kiêu ngạo Hoằng Thao mắc mưu, thúc quân chèo thuyền hǎm hở đuổi theo, vượt qua trận địa cọc ngầm của ta. Quân ta cầm cự với giặc. Đợi khi nước thuỷ triều rút xuống, Ngô Quyền hạ lệnh cho toàn quân đánh quật trở lại. Thuỷ quân giặc hốt hoảng quay đầu chạy. Ra đến gần cửa biển, thuyền địch đâm phải cọc nhọn, bị vỡ và bị đắm rất nhiều. Quân giặc phần bị giết, phần chết đuối, phần còn lại phải đầu hàng hoặc bị quân ta bắt sống. Toàn bộ đạo quân thuỷ xâm lược của Nam Hán, kể cả Hoằng Thao đã vĩnh viễn bị nhấn chìm xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Vua Nam Hán đang điều quân sang tiếp viện cho con, nhưng nửa đường nghe tin Hoằng Thao chết trận, quân lính bị tiêu diệt gần hết, hắn kinh hoàng, khủng khiếp đành "thương khóc thu nhặt quân còn sót lại mà rút lui".

Như vậy, trước mưu đồ xâm lược trở lại của phong kiến phương Bắc, ngọn cờ cứu nước của Ngô Quyền trở thành ngọn cờ đoàn kết của cả dân tộc. Hai tiếng Bạch Đằng mãi đi vào lịch sử. Trong tâm thức nghìn năm của người Việt Nam, Bạch Đằng đã trở thành điểm hội tụ của sức sống dân tộc, đúng như lời ngợi ca của Phạm Sư Mạnh: Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật, Giang san vương khí Bạch Đằng thâu (Tạm dịch: Kỳ quan của vũ trụ là mặt trời lên tại hang Dương Cốc, Khí thiêng của núi sông đọng lại ở chốn Bạch Đằng).

Lý Thường Kiệt: Tiên phát chế nhân

Thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống (1075-1077) là một minh chứng hùng hồn về sự phát triển vượt bậc của dân tộc Việt sau một thế kỷ giành độc lập: quốc gia Đại Việt đã có đủ sức mạnh để chống lại một đế quốc lớn mạnh. Và gắn liền với chiến công ấy là tên tuổi vị chủ tướng tài ba Lý Thường Kiệt - nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị kiệt xuất mang một nhân cách lớn.

Trận Như Nguyệt do Lý Thường Kiệt chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2. Ảnh minh họa

Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần. Lý Nhân Tông lên nối ngôi khi mới có 7 tuổi. Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công.

Vào thời gian đó, chính quyền phương Bắc vẫn luôn nhòm ngó. Chúng xem đây là một cơ hội tốt để tiến hành ráo riết việc chuẩn bị xâm lược nước ta. Tại ba châu Ung, Khâm, Liêm, chúng xây dựng những căn cứ quân sự và hậu cứ to lớn để làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân xâm lược.
Nhớ lại Chiến dịch Ung Châu, trước âm mưu và hành động rõ ràng công khai của địch, Lý Thường Kiệt cho rằng: "Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước, chặn thế mạnh của giặc". Được triều đình tán thành, ông huy động 10 vạn quân tiến hành một cuộc tập kích đánh thẳng vào các căn cứ chuẩn bị xâm lược của kẻ thù ngay trên đất Tống.

Quân Việt bắt đầu tiến công vào đất Tống từ ngày 27 tháng 10 năm 1075. Thoạt tiên, quân Việt phá hủy một loạt các đồn trại biên giới, rồi lần lượt đổ bộ lên cảng và đánh chiếm các thành Khâm, Liêm. Sau đó, đại quân tiếp tục tiến sâu vào đất địch. Ngày 18 tháng 1 năm 1076 áp sát thành Ung. Đây là căn cứ quan trọng nhất trong những căn cứ địch dùng cho cuộc viễn chinh xâm lược vào Đại Việt. Sau 42 ngày vây hãm và tấn công quyết liệt, ta hạ được thành, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch.

Theo chủ trương đã định, quân ta được lệnh san bằng các thành lũy lớn nhỏ, tiêu huy các kho tàng lương thực, vũ khí, giáng đòn sấm sét làm tổn thất nghiêm trọng các cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của địch, làm nhụt nhuệ của bọn cầm quyền phương Bắc trong việc chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Sau khi đã đạt mục tiêu của cuộc đánh sang đất Tống, Lý Thường Kiệt quyết định rút nhanh quân về nước. Cuộc rút quân rất đúng lúc, vừa bảo toàn được lực lượng, vừa phá được kế hiểm của giặc: chúng định điều quân lẻn sang đánh úp Đại Việt nhân lúc đại quân còn đang ở bên nước chúng.

Ghi nhận chiến công kỳ diệu, có một không hai trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt, trong Việt sử tiêu án, nhà viết sử Ngô Thì Sĩ đã ca ngợi Lý Thương Kiệt: "Bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai dám địch, lúc rút quân còn không ai dám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ".

Bị thua đau, nhưng nhà Tống vẫn rất ngoan cố. Lý Thường Kiệt biết chắc thế nào chúng cũng sẽ kéo quân sang phục thù và tiếp tục thực hiện mục tiêu xâm lược mà chúng chưa bao giờ chịu từ bỏ. Do vậy, ông phái người vào đất Tống để theo dõi cụ thể mọi động thái; đồng thời tập trung xây dựng phòng tuyến chính của quân ta dựa vào bờ nam sông Như Nguyệt (sông Cầu), có rào giậu nhiều tầng, chạy dài trên 200 dặm từ chân núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu. Dưới sông có thủy quân, trên thành có quân đóng và tuần tiễu. Với phòng tuyến này, quân ta nắm chắc khả năng chặn địch, bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và cả một vùng trung châu rộng lớn và trù phú của đất nước.

Cuối năm 1076, đại quân Tống chia làm nhiều cách vượt biên giới tiên ào ạt vào Đại Việt. Sau một tháng phải luôn luôn đối phó với những cuộc chống trả quyết liệt của nhân dân Đại Việt trên vùng biên giới và thượng du. Cuối cùng, ngày 18 tháng 1 năm 1077, đại quân Tống cũng tiến được tới bờ bắc sông Cầu. Nhưng đến đây, chúng đã bị chặn đứng lại. Thế nhưng, lần tiếp, chúng tập trung binh lực, đột phá trận tuyến quân Việt ở bến đò Như Nguyệt, chọc thủng được một đoạn phòng tuyến, tiến về Thăng Long... Song, dưới sự chỉ huy linh hoạt sắc sảo của Lý Thưởng Kiệt, hết lần này đến lần khác, địch đều bị tiêu diệt, tháo chạy hoặc đầu hàng.

Tuy nhiên, phải nói rằng, trong trận chiến Như Nguyệt, chiến lược phản công hiệu quả nhất của Lý Thương Kiệt là sức mạnh kỳ lạ của bài thơ Nam quốc sơn hà - làm tăng nhuệ khí và thêm sức chiến đấu cho quân ta, đồng thời làm nao núng tinh thần quân địch; giúp đại quân ta vượt sông bất ngờ đánh úp vào doanh trại chính của địch. Theo Việt sử lược, quân Tống đại bại, bị tiêu diệt đến năm, sáu phần mười.

Vĩnh Khang


Báo Đất Việt:
Cập nhật lúc :11:06 AM, 17/06/2011
(ĐVO) Sử dụng chiến lược từng bước lui binh, bảo toàn lực lượng, hay cách đánh bất ngờ, thần tốc..., trong binh pháp của "thống soái", tùy theo bối cảnh chiến sự, để giành thắng lợi trước kẻ thù... đều là chiến lược "độc" bù đắp sự chênh lệch về số lượng giữa ta và địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lịch sử nước ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.

Trần Hưng Đạo: Chế ngự sức mạnh của địch và phản công khi chúng suy yếu

Trước chiến tranh chớp nhoáng đánh Đại Việt của đại quân Nguyên - Mông, quân ta dưới sự chỉ huy thao lược tài tình của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng tướng lĩnh kiệt xuất của nhà Trần, sử dụng chiến lược từng bước lui binh, bảo toàn lực lượng, bỏ ngỏ kinh thành cho giặc dữ, từ đó củng cố và tăng cường thực lực, phản công, đánh bại hoàn toàn 3 lần xâm lược của kẻ thù.


Trận Đông Bộ Đầu (1258): đánh tan đạo quân xâm lược Mông Cổ tại bến Đông Bộ Đầu (gần cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay), kết thúc khánh chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất. Ảnh minh họa
Tài ba của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gồm cả văn lẫn võ. Văn ở tầm "đại học vấn, đại uyên bác" với Hịch tướng sĩ: "Ta ngày thường quên ăn, đêm thường quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìạ.." - làm sáng bừng lên nghĩa khí Đại Việt, cuốn thiêu đi cạn hẹp lòng người, truyền khí phách tới ba quân tướng sĩ...
Võ ở tầm nhà chiến lược, quân sự phương Đông, hơn thế, nhà lập thuyết quân sự và bày binh Đại Việt. Lý thuyết và nghệ thuật dùng binh thuở ấy được Trần Hưng Đạo hội nhập và sáng tạo bộ chủ gia binh pháp, gọi là Binh thư yếu lược, từ đó soạn ra Vạn kiếp tông bí truyền thư, làm nền tảng cấu trúc quân đội thời Trần và luyện quân, tập tướng.
Lần thứ nhất với chiến thắng Đông Bộ Đầu vào đầu thế kỷ 13. Nắm bắt được mưu đồ xâm lược của 30 vạn quân Nguyên ào ạt tràn sang xâm lược nước ta, trước thế mạnh của giặc Nguyên, Trần Hưng Đạo không dùng đại quân chủ lực mà dùng quân địa phương, dân binh đánh chặn tiêu hao sinh lực, còn chủ lực “ẩn mình” cơ động về Vĩnh Phú, rồi sang Hưng Yên, để chờ thời cơ ra đòn phản công quân địch; đồng thời, thực hiện kế sách “thanh dã” – vườn không nhà trống ở thành Thăng Long. Đến giữa tháng 1/1258, quân Nguyên đã tràn vào Thăng Long bỏ trống và biến thành chiến địa. Sau 10 ngày chiếm kinh thành với vườn trống, nhà không, không tìm ra một cân lương thực nào trong thành Thăng Long, lại bị quân địa phương, dân binh quấy rối… Quân giặc lương thảo cạn dần, sức lực, sĩ khí quân Nguyên sa sút,… lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trần Hưng Đạo quyết định đêm 24/1/1258 dùng đại quân chủ lực mở cuộc tấn công từ Đông Bộ Đầu (phía Đông hữu ngạn sông Hồng) làm quân Nguyên bị bất ngờ, bỏ chạy tán loạn, hơn 60% binh lực bị tiêu diệt tại trận, tàn quân còn lại tháo chạy về nước.

Lần thứ hai với chiến thắng Chương Dương - Giang Khẩu. Cuối năm 1284, Thoát Hoan chỉ huy 60 vạn quân từ hướng Bắc tràn sang nước ta. Trần Hưng Đạo sau khi đã soạn thảo hai bộ binh thư yếu lược để luyện quân, động viên ba quân bằng “Hịch tướng sĩ” và vận dụng binh pháp “Kiên thủ chờ suy” bảo tồn lực lượng chủ lực chuyển vào ẩn quân ở Thiên Trường, Tam Điệp, Thanh Hóa, đồng thời tăng cường địa phương quân ra sức chặn đánh ngăn chặn phía trước, triệt hậu cần phía sau để cầm chân giặc.

Tháng 5/1285, Trần Hưng Đạo cho quân tổng phản công từ hai hướng Chương Dương và Giang Khẩu và trực tiếp chỉ huy đánh thắng trận đầu ở A Lỗ; liên tiếp thắng lớn trong các trận: Hàm Tử, Chương Dương và Vạn Kiếp. Giặc Nguyên không kịp trở tay. Quân ta đại thắng. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân lính khiêng tháo chạy về nước.


Chỉ sau 5 tháng xâm lược nước ta lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng, quân Nguyên lại buộc phải rút chạy và vĩnh viễn từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt. Ảnh minh họa
Ba năm sau, vào tháng 1/1288, quân Nguyên Mông tiếp tục tràn vào xâm lược nước ta. Trong lần tấn công lần thứ 3 này, Trần Hưng Đạo vẫn áp dụng kế sách bảo toàn quân chủ lực, nghi binh thu hút địch, dùng quân địa phương nhiều hơn đánh địch khắp nơi. Ngày 22/2/1288, quân Thoát Hoan tiến vào Thăng Long lại không một bóng người, bị dân binh ta bao vây và liên tiếp bị đánh khi đi cướp lương thực; đồng thời cắt đứt nguồn tiếp tế, khiến địch lại lâm vào thế khốn khó, rối loạn. Do vậy, chỉ sau 5 tháng xâm lược nước ta lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng, quân Nguyên lại buộc phải rút chạy và vĩnh viễn từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt.

Có thể nói, những trang sử chống ngoại xâm vàng son nhất của Việt Nam đều do công của Trần Hưng Đạo lập ra. Trong khi đội quân bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Hãn làm mưa làm gió gần như khắp thế giới thì Việt Nam là một trong ba nước hiếm hoi cùng với Ấn Độ và Indonesia ngăn chặn được cơn hồng thủy Mông Cổ.

Quang Trung: Đánh thần tốc

Điểm nổi bật và cũng là ưu thế tiến hành quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ là nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo và nắm chắc thời cơ. Trong suốt chặng đường chiến đấu, Nguyễn Huệ không chỉ chứng tỏ là nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc, mà còn là một nhà cầm quân tài ba. Những gì ông làm, không phải vị tướng nào cũng thực hiện được.

Với trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785) - trận quyết chiến chiến lược của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, diệt quân Xiêm (Thái Lan) trên sông Tiền Giang, đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút - ngoài lợi dụng thủy triều, ông còn áp dụng nghệ thuật nghi binh khá linh hoạt. Các tướng Xiêm biết quân Tây Sơn ít hơn, thế nào Nguyễn Huệ cũng dùng chiến thuật nghi binh, nhưng khi trận đánh xảy ra, chúng lại hoàn toàn bất ngờ.


Với trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785), ngoài lợi dụng thủy triều, Nguyễn Huệ còn áp dụng nghệ thuật nghi binh khá linh hoạt. Ảnh minh họa
Quân Tây Sơn không chỉ mai phục sẵn ở hai bên bờ sông, mà trong đêm trăng mờ mờ, quân của Võ Văn Dũng vừa đánh vừa lui. Một bộ phận quân Tây Sơn hai bên bờ cùng hợp lực với Dũng chặn giặc. Quân Xiêm nhận định: toàn bộ quân Tây Sơn đã lộ diện, vì vậy, không còn gì chần chờ nữa, tướng Xiêm đốc thúc ba quân đuổi theo thủy quân Võ Văn Dũng. Thuyền giặc cứ theo ánh sáng đèn của thủy quân Tây Sơn mà đuổi, chúng không biết rằng trên đường rút lui để dụ địch, thủy quân của Võ Văn Dũng đã dần dần tắt đèn tấp sang hai bên bờ chui vào các ngách sông. Quân Xiêm đuổi tới nơi thì thấy chỉ có mấy chiếc, biết là đã trúng kế Tây Sơn. Khi quân Xiêm lọt vào trận địa bày sẵn, Nguyễn Huệ đốc thúc thủy quân từ các nhánh sông đổ ra đánh. Đồng thời, súng đại bác trên cù lao Thới và hai bên bờ sông nã liên hồi vào thuyền giặc. Tướng Xiêm Chiêu Sương hoảng hốt cho dừng thuyền lại, nhưng bị thủy quân Tây Sơn từ các nhánh sông nhỏ đổ ra vây chặt, gồm: phía trước, phía sau, hai bên và ngay cả trên đầu, dẫn đến bị rối loạn hàng ngũ, quân sĩ lớp nhảy xuống nước bị chết chìm, lớp bị giáo đâm, gươm chém... thất bại nặng nề. Còn đạo quân bộ cũng bị quân Tây Sơn phục đánh tan, tướng Xiêm là Lục Côn bị Bùi Thị Xuân chém rơi đầu. Trong trận đánh này, với lực lượng khoảng ba vạn quân thủy bộ, Nguyễn Huệ đã tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm và 300 thuyền chiến.

Trong cuộc tiến công từ Phú Xuân ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh (1789), Nguyễn Huệ - khi đó đã là vua Quang Trung - chọn cách tấn công vào Thăng Long từ phía Nam. Đó là khu vực quân Thanh bố phòng cực kỳ kỹ lưỡng. Nhưng đó cũng là hướng quân Thanh chủ quan nhất, vì chúng đinh ninh rằng ít có khả năng bị tấn công, thế nên Nguyễn Huệ đã quyết định ra đòn phủ đầu. Và đợt phản kích quân Thanh theo hướng này diễn ra rất chóng vánh: chỉ trong vòng 6 ngày, kể từ khi xuất binh (Đêm 30 tết) đến khi tiêu diệt hoàn toàn quân Thanh trong trận Đống Đa (ngày mồng 5 tết).

Ở đây phải nói, chính yếu tố bí mật, địch quân không nắm được lực lượng của ta lại thêm thói khinh thường, đến khi ta bất ngờ tấn công thì không kịp chống đỡ, đã làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử của vua Quang Trung.

Như vậy, cách đánh bất ngờ, thần tốc là tâm điểm trong binh pháp của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đó là cách để bù đắp sự chênh lệch trước những đội quân đông hơn mình gấp nhiều lần...
 
Vĩnh Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét