Kiểm điểm, xử lý tập thể và cá nhân sai phạm

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 25/06/2011, 07:11 (GMT+7)

Vụ “bắt tay nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT”: Kiểm điểm, xử lý tập thể và cá nhân sai phạm

TT - Ngày 24-6, Bộ GD-ĐT đã có công văn chính thức gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành liên quan trong vụ “bắt tay nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT” để đề nghị phối hợp xử lý sai phạm trong chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2011.

Khu vực có tỉ lệ tốt nghiệp THPT bình quân thấp nhất năm 2011 là khu vực Đông Nam bộ. Trong ảnh: thầy trò Trường THPT Hàn Thuyên (TP.HCM) vui mừng khi xem kết quả thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: N.HÙNG

Trong công văn này, Bộ GD-ĐT coi việc lãnh đạo các hội đồng chấm thi An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long tham gia cuộc họp đã xây dựng văn bản thống nhất hướng dẫn chấm thi các môn tự luận, khác với văn bản hướng dẫn chấm thi của bộ và cho lưu hành văn bản này ở một số hội đồng chấm thi trong vùng là điều đáng tiếc.

Nhiều sở chưa tâm phục

Bộ GD-ĐT khẳng định việc làm này trái với quy chế thi, không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, gây ra sự lo lắng cho học sinh và gia đình, gây bức xúc trong xã hội. Đây là việc làm sai của một số lãnh đạo và cán bộ chấm thi của các hội đồng chấm thi trong vùng. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành ở khu vực trên chỉ đạo ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và giám đốc sở GD-ĐT tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm và thông báo kết quả về Bộ GD-ĐT trước ngày 31-7. Bộ GD-ĐT cũng thông báo quyết định công nhận kết quả chấm thi và xét tốt nghiệp của 11 sở GD-ĐT vùng ĐBSCL.

Tiếp nhận thông tin này, giám đốc các sở GD-ĐT tại khu vực ĐBSCL cho biết họ thống nhất với quyết định không chấm lại bài thi của thí sinh khu vực này. Ông Trần Việt Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng - cho rằng quyết định này là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các em cần ổn định tinh thần để chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh quan trọng sắp tới. Ông Hùng cho biết tuy tỉ lệ tốt nghiệp Sóc Trăng có tăng so với năm trước nhưng hầu hết các địa phương khác trong cả nước cũng tăng, nên chưa thể khẳng định có sự tác động của việc nới lỏng chấm thi từ hướng dẫn chấm của các tỉnh ĐBSCL.

Ông Thái Văn Long, giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, cho rằng: “Nếu có một động thái nào đó mà ảnh hưởng đến kỳ thi vào các trường ĐH, CĐ của các em thì không hay. Trong thời điểm hiện nay, tôi cho rằng quyết định của bộ là rất đúng đắn và cần thiết”. Đồng tình với ý kiến trên, ông Ninh Thành Viên - phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang - cho rằng nếu có sai sót trong chuyện này là chuyện của các thầy chứ không phải của học sinh, nên việc công nhận kết quả và không chấm lại bài thi là điều cần thiết.

Tốp cuối tăng vọt

Tuy không được Bộ GD-ĐT phân tích kỹ, nhưng khu vực miền núi phía Bắc năm nay có tỉ lệ tốt nghiệp tăng vọt. Duy nhất một tỉnh ở mức dưới 90% (Bắc Kạn), còn tất cả đều ở mức trên 91%. Tăng rõ rệt ở các tỉnh từng đứng cuối bảng xếp hạng các năm trước là Điện Biên (95,65% hệ THPT và 91,17% hệ giáo dục thường xuyên), Cao Bằng (93,73% THPT và 94,18% giáo dục thường xuyên), Sơn La (97,9% THPT và 98,32% giáo dục thường xuyên). Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang đã vọt lên vị trí thứ 3 với 96,76% hệ THPT, hệ giáo dục thường xuyên của tỉnh này cũng cao ngất với 99,62%.

Tuy nhiên, ông Viên cho rằng: “Việc Bộ GD-ĐT kết luận hướng dẫn chấm của 11 tỉnh thành ĐBSCL là sai, theo tôi, cần phải xét trên hai phương diện quản lý và chuyên môn. Về quản lý, cuộc họp thống nhất này đã được Bộ GD-ĐT cho phép chứ không phải các sở tự ý ngồi lại với nhau. Do đó có thể nói các sở làm không sai”.

Tương tự, ông Bùi Văn Dũng - giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang - chưa hoàn toàn thống nhất với kết luận của Bộ GD-ĐT. Ông Dũng cho rằng kết luận hướng dẫn chấm của 11 tỉnh thành ĐBSCL sai so với hướng dẫn của bộ là chưa thỏa đáng.

“Chỉ căn cứ vào bản thỏa thuận chấm thi của các tỉnh ĐBSCL, bộ kết luận sai, nhiều tỉnh nới lỏng nhưng lại không đưa ra các dẫn chứng cụ thể. Tỉnh nào sai, nới lỏng chỗ nào, nới lỏng làm tăng bao nhiêu phần trăm? Bài thi vẫn còn đó, điểm số vẫn như thế, lẽ ra với vai trò của mình bộ cần chấm thanh tra bài thi ngẫu nhiên với xác suất nhất định để xem kết quả thay đổi thế nào rồi hãy đưa ra kết luận” - ông Dũng nói.

Giám đốc một sở GD-ĐT đề nghị không nêu tên cho rằng: “Để chấn chỉnh và trả lời “hai không” có phá sản hay không thì bộ nên chấm lại ở những tỉnh có tỉ lệ đậu tốt nghiệp từ 92% trở lên”.

Đông Nam bộ thấp nhất

Cũng trong hôm qua, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chính thức báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong văn bản này, Bộ GD-ĐT nhìn nhận việc 11 hội đồng chấm thi các tỉnh thành ĐBSCL soạn thảo và cho lưu hành hướng dẫn chấm thi các môn tự luận khác với hướng dẫn chấm thi như nêu trên là một khuyết điểm.

Bên cạnh đó, bộ cũng chính thức công bố kết quả tốt nghiệp THPT năm 2011 với tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010. Tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên là 85,47%, tăng 18,76% so với năm 2010. Dù tỉ lệ chung tăng nhưng nhìn vào tương quan giữa các khu vực trên cả nước vẫn thấy có sự chênh lệch. Tám tỉnh đồng bằng Bắc bộ tiếp tục có tỉ lệ tốt nghiệp bình quân 99,52%, cao nhất nước (năm 2010 là 99,14%).

Các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh... là những tỉnh nhiều năm qua có tỉ lệ tốt nghiệp cao dù mức tăng giữa các năm không nhiều. Vượt lên năm nay ở khu vực này là Ninh Bình (99,78%). Hà Nội có tỉ lệ tốt nghiệp 97,79%, xếp hạng 20 so với toàn quốc, nhưng đây là tỉ lệ khả quan nhất từ khi Hà Nội hợp nhất. Ở hệ giáo dục thường xuyên, tỉ lệ tốt nghiệp bình quân của khu vực đồng bằng Bắc bộ cũng cao nhất (99,66%). Trong đó có nhiều tỉnh sát nút 100% như Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương...

Khu vực có tỉ lệ tốt nghiệp THPT bình quân thấp nhất cả nước năm nay vẫn là các tỉnh Đông Nam bộ với 90,73% và ĐBSCL với 90,81%. Tương tự, ĐBSCL là khu vực có tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên thấp nhất cả nước với 67,26%. Tuy so với năm 2010 tỉ lệ tốt nghiệp bình quân của khu vực ĐBSCL đã tăng đáng kể, đặc biệt ở hệ giáo dục thường xuyên tăng đến 36,67% với vụ lùm xùm “bắt tay” nới lỏng chấm thi ở 11 tỉnh, nhưng vẫn không thay đổi được cục diện. Đây là điều đáng lo ngại cho chất lượng giáo dục ở khu vực này.

V.HÀ - M.GIẢNG - T.XUÂN


Thứ Tư, 22/06/2011, 07:35 (GMT+7)

Phá sản “hai không”?

TT - "Chúng ta đang chống lại bệnh thành tích nhưng cách đánh giá hiện nay (qua thi cử, qua các chỉ tiêu, tỉ lệ) khiến các địa phương phải chạy theo thành tích", ông Hồ việt Hiệp, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, nhận định.

Hơn 50 tỉnh thành có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trên 90%. Dẫn đầu là Nam Định với tỉ lệ 99,89%. Cũng ở tỉnh này, 100% học sinh hệ giáo dục thường xuyên đậu tốt nghiệp. Nhiều chuyên gia giáo dục đặt vấn đề có cần phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay.

Học sinh Trường Marie Curie, TP.HCM chúc mừng nhau sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp - Ảnh: Như Hùng

>> “Bắt tay” nới lỏng chấm thi THPT
>> Tốt nghiệp trung học phổ thông: Tăng đột biến

Theo số liệu Tuổi Trẻ thu nhận được, khoảng 37 tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp trên 95%, trong đó có 12 tỉnh thành tốt nghiệp đạt trên 99%. Dẫn đầu là Nam Định 99,89%, kế tiếp là Ninh Bình 99,78%.

Vụ "bắt tay" nới lỏng chấm thi tốt nghiệp:

Chưa kết luận vì nhạy cảm

Hôm qua 21-6, Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo của các tỉnh ĐBSCL về việc tổ chức họp thống nhất phương án chấm các môn thi tự luận. Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp để phân tích tình hình trên cơ sở các báo cáo của các tỉnh, nhưng do đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều thí sinh nên Bộ GD-ĐT chưa thể có kết luận về việc này.

Tăng trên 68%

Đáng nói là những tỉnh thuộc các khu vực khó khăn năm nay có tỉ lệ tốt nghiệp nhảy vọt. 12/13 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc năm nay đều có tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT từ trên 91% trở lên.

Gây ngạc nhiên cho nhiều người là Tuyên Quang với tỉ lệ 99,76%, vươn lên đứng thứ ba cả nước. Điện Biên từ một tỉnh đứng thứ 63 cả nước năm 2010 với 71% đậu tốt nghiệp thì năm nay vươn lên 95,65%. Sơn La từ vị trí cuối bảng xếp hạng năm 2009, sau hai năm cũng vọt lên 97,79%. Bắc Kạn tuy là tỉnh duy nhất của khu vực miền núi phía Bắc đạt kết quả tốt nghiệp dưới 90% (88,70%) nhưng so với năm 2010, tỉ lệ này đã tăng gần 20%.

Khu vực ĐBSCL năm nay cũng có tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT tăng cao với 10/12 tỉnh có kết quả tốt nghiệp đạt trên 90%, trong đó có ba tỉnh đạt trên 97%. Hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre có tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực (86,56% và 84,15%) nhưng so với chính các tỉnh này năm 2010 cũng cao hơn. Trong đó, Bến Tre là một trong hai tỉnh ở ĐBSCL không tham gia thỏa thuận hướng dẫn chấm thi các môn tự luận (tỉnh còn lại là Tiền Giang). Ở khu vực này, Hậu Giang là tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng nhiều nhất, từ 88,67% lên 97,97%.

Ở hệ giáo dục thường xuyên, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay còn tăng rõ hơn. Trong số các tỉnh thành đã gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT, có khoảng 31 tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp đạt từ 91% trở lên, trong đó có 12 tỉnh thành đạt 99% trở lên. Nam Định đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100% ở hệ giáo dục thường xuyên. Theo số liệu từ các tỉnh thành, tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên năm nay tăng từ 15% đến trên 60%. Điển hình là Điện Biên có tỉ lệ tốt nghiệp 88,86%, tăng trên 68% so với năm 2010.

Trong số các tỉnh có báo cáo, chỉ có hai tỉnh là An Giang và Tiền Giang năm nay có tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên dưới 50%. Nhiều tỉnh thành có nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên tốt nghiệp 100%, như Bắc Giang 11/16 trung tâm, Ninh Bình 6/8 trung tâm, Bắc Ninh 6/14 trung tâm.

Tỉ lệ có từ đầu năm

Tỉ lệ tốt nghiệp cao hẳn nhiên tỉnh nào cũng vui. Nhưng đã đến lúc không còn nhiều người dám tin tỉ lệ này phản ánh được hiệu quả giáo dục tỉnh đó. Bởi lẽ, nói như một giám đốc sở phía Nam, “nếu coi tỉ lệ đậu là hiệu quả giáo dục, bộ nên tuyên dương những nơi có tỉ lệ tốt nghiệp giáo dục thường xuyên xấp xỉ hoặc đạt 100%, cao hơn cả tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đó. Và có lẽ cả nước phải đến những nơi đó để học tập kinh nghiệm, bí quyết!”.

Vị giám đốc trên dám nói điều này bởi không phải đến năm nay mà từ nhiều năm trước, người ta đã phát hiện có tình trạng buông lỏng trong khâu coi thi để đẩy tỉ lệ đậu tốt nghiệp của địa phương lên cao. Vì sao các tỉnh cứ chạy đua tỉ lệ ảo này? Ở nhiều tỉnh thành, tỉ lệ đậu tốt nghiệp đã được đưa vào kế hoạch thi đua từ đầu năm học. Khi tất cả các tỉnh thành đều thấp như nhau thì không sao. Nếu tỉnh bạn tăng vọt mà tỉnh mình (vì coi thi thật thà, nghiêm túc) mà tỉ lệ thấp, lãnh đạo sở sẽ khó nói chuyện với cấp trên.

Giám đốc một sở GD-ĐT khác tại ĐBSCL lý giải: “Cách xếp hạng hiện nay khiến giám đốc sở bị áp lực rất lớn với dư luận và chính quyền địa phương, từ đó khó mà trung thực được”.

Ông Hồ Việt Hiệp, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết: “Từ kỳ thi năm ngoái, một số tỉnh tuy không có văn bản như các tỉnh ĐBSCL nhưng đã “hợp tác” chấm chéo nhằm đối phó với Bộ GD-ĐT và để có kết quả đẹp. Qua đó cho thấy cuộc vận động “hai không” đến nay không còn nữa, các tỉnh chủ yếu cục bộ địa phương, ai cũng muốn bảo vệ lợi ích của tỉnh mình. Chúng ta đang chống lại bệnh thành tích nhưng cách đánh giá hiện nay (đánh giá qua thi cử, qua các chỉ tiêu, tỉ lệ) khiến các địa phương phải chạy theo thành tích”.

Thi thế này thì thi làm gì?

Thực hiện không tốt sẽ thành dối trá

“Kết quả thi tốt nghiệp THPT tùy thuộc ba yếu tố: đề thi - đáp án (dễ hay khó), coi thi (nghiêm túc hay thả lỏng) và khâu chấm thi như thế nào. Nếu thực hiện nghiêm túc cả ba khâu này, tỉ lệ tốt nghiệp mới thể hiện đúng hiệu quả chất lượng từng địa phương. Nếu thực hiện không tốt một trong ba khâu trên, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ trở thành chuyện thành tích, tiêu cực và dối trá trong giáo dục. Nếu có tỉ lệ cao, khoan khen ngợi, tỉ lệ thấp cũng đừng vội phê bình”.

Ông Nguyễn Trọng Nhân (trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Tây Ninh)

Từ những lý do trên, ông Hồ Việt Hiệp cho rằng không cần thiết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa, tốn kém mà không phản ánh được thực chất bởi tỉnh nào cũng gần 100%. Các tỉnh nếu tổ chức thi chắc tỉ lệ cũng như vậy, thế thì tổ chức kỳ thi quốc gia làm gì?

Một cựu giám đốc sở GD-ĐT khu vực miền Trung nhận xét: “Mấy năm nay, người trong ngành đã thấy chấm chéo không giải quyết vấn đề gì. Trước sau rồi Bộ GD-ĐT cũng phải bỏ, vì phiền phức, tốn kém. Một kỳ thi cồng kềnh nhưng không hiệu quả đến lúc phải tiếp tục thay đổi”. Theo vị lãnh đạo này, năm 2011 chỉ riêng kinh phí chi cho kỳ thi của một tỉnh đã đến trên 10 tỉ đồng. Tính chi phí của cả nước còn lớn đến đâu, nhưng điều toàn dân mong đợi là “kết quả thực chất” vẫn không giải quyết được.

Về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Ngay từ đầu khi Bộ GD-ĐT tiến hành thi cụm, chấm chéo tôi đã nghĩ là không thể giải quyết được vấn nạn thi cử, chỉ tạo thêm tốn kém, phiền phức”. Còn GS Nguyễn Lân Dũng nhận xét: “Thi cụm, chấm chéo chỉ là giải pháp đối phó, tốn kém mà không đạt được mục đích là có một kết quả đánh giá thực chất”.

GS Văn Như Cương thẳng thắn bày tỏ: “Khi bộ có sáng kiến thi cụm, chấm chéo, tôi cũng chờ đợi hiệu quả của việc này nhưng khó có thể nói giải pháp này có hiệu quả khi đến trên 50 tỉnh thành có kết quả thi cao, nhiều nơi cao đột biến”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc nên hay không nên có kỳ thi tốt nghiệp THPT khi tỉ lệ tốt nghiệp đã đạt đến sát ngưỡng 100%, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng kỳ thi tốt nghiệp không chỉ nhằm một việc là đánh giá học sinh mà còn để đánh giá mặt bằng chất lượng giáo dục của các địa phương. Kết quả thi tốt nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để soi rọi và tác động trở lại việc dạy học, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên toàn quốc. Mục đích của kỳ thi không phải để chăm chăm đánh trượt học sinh mà là để các nhà trường, giáo viên, học sinh cố gắng.

Giao cho địa phương

Trước thực tế này, ông Trần Thanh Đức - giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang - cho rằng không thể thấy kết quả quá cao mà bỏ thi tốt nghiệp THPT, việc bỏ thi khi chưa có những chuẩn bị cần thiết là không khoa học. “Theo quan điểm cá nhân tôi thì từ từ không cần tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia nữa mà giao cho từng địa phương tổ chức. Để thực hiện việc này, cần phải có nhiều giải pháp song song, trong đó có việc cải tiến thi tuyển sinh ĐH-CĐ” - ông Đức đề nghị.

Ông Hồ Việt Hiệp cũng đề nghị bộ giao lại cho các địa phương tổ chức sát hạch để tập trung cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhằm giảm bớt sự nặng nề, tốn kém. Ông Hiệp cho rằng: “Chúng ta đã bỏ thi tốt nghiệp THCS và kết quả giáo dục vẫn đảm bảo. Việc đánh giá chất lượng giáo dục qua kết quả tốt nghiệp là không khách quan bởi chất lượng phải đánh giá trên nhiều yếu tố khác nữa”.

Đồng tình với việc “không nên bỏ thi” trong bối cảnh hiện tại, GS Nguyễn Minh Thuyết bình luận: “Nếu kết quả tốt nghiệp 98-99% kia là thực chất thì quá tốt và tôi nghĩ cũng không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi quốc gia tốn kém làm gì. Nhưng vấn đề ở chỗ kết quả đó không thực chất. Vì vậy thay vào việc bàn chuyện bỏ thi thì nên tính phương án làm gì để kỳ thi gần với thực chất hơn. Kỳ thi nghiêm túc trong tình thế chất lượng giáo dục còn chưa ổn sẽ giúp ngành giáo dục có cơ sở điều chỉnh chương trình - sách giáo khoa, phương pháp dạy học, đánh giá, đầu tư vào những khâu còn yếu, thiếu...”. GS Thuyết đề nghị nên giao kỳ thi về cho các địa phương tự chịu trách nhiệm. Vì khi phải tự chịu trách nhiệm, người ta sẽ có trách nhiệm cao hơn. Bộ GD-ĐT nên lo các việc to lớn hơn là ôm quá nhiều việc như hiện nay.

GS Văn Như Cương cũng có quan điểm đồng nhất với GS Thuyết khi cho rằng “nên đưa kỳ thi về địa phương, để các sở GD-ĐT tổ chức thi, ra đề, chấm thi”. Và như vậy hoàn toàn có thể chấp nhận việc đề thi tốt nghiệp ở Hà Nội khó hơn Lai Châu do điều kiện, chất lượng giáo dục khác biệt. Nếu làm như thế, kết quả thi sẽ thực chất hơn bây giờ.

Vượt ngưỡng trước “hai không”

Trước tình trạng thiếu thực chất trong thi cử, với nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra trên cả nước khiến tỉ lệ tốt nghiệp từ năm 2006 trở về trước cao ngất ngưởng, năm 2007, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”, gọi tắt là “hai không". Nhiều người đã ví “hai không” như luồng gió mới làm lung lay tình trạng trì trệ của giáo dục nước nhà thời gian đó. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 tụt thê thảm xuống còn 66,72%.

Bàng hoàng, nhưng nhiều người trong ngành GD-ĐT đã vui mừng vì hi vọng chất lượng giáo dục từ đó sẽ thay đổi. Năm 2008, tỉ lệ tốt nghiệp nhích lên 75,96%. Năm 2009, để củng cố kết quả của “hai không”, Bộ GD-ĐT áp dụng phương thức “thi cụm, chấm chéo”. Tỉ lệ tốt nghiệp năm đó vẫn tăng lên 83,8%. Năm 2010, tỉ lệ tốt nghiệp là 92,57%.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, năm nay tỉ lệ tốt nghiệp THPT có khả năng sẽ vượt cả năm 2006! Năm năm đổi mới thi cử để quay lại tỉ lệ tốt nghiệp như trước, theo Bộ GD-ĐT, đó là nỗ lực của ngành GD-ĐT trong việc khắc phục tình trạng học sinh yếu, kém, nâng chất lượng dạy học. Nhưng nhiều người trong cuộc lại đang băn khoăn khi cho rằng đó là bằng chứng sự phá sản của “hai không”.

TR.V.HÀ - P.ĐIỀN - M.GIẢNG


Thứ Bảy, 18/06/2011, 07:32 (GMT+7)

Tốt nghiệp trung học phổ thông: Tăng đột biến

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ không chủ trương giảm độ khó đề thi
* Xem điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh trên Tuổi Trẻ Online tại đây

TT - Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay trên 90%, thậm chí có nơi xấp xỉ 100% (Bắc Giang, Ninh Bình...). So với năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tuyên bố chống tiêu cực trong thi cử (năm 2007), tỉ lệ đậu tốt nghiệp lần này tăng vượt bậc.

Niềm vui của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM khi biết mình thi đậu tốt nghiệp chiều 17-6-2011. Đây cũng là lần thứ 8 trường có học sinh đậu tốt nghiệp 100% - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngày 17-6, nhiều tỉnh thành tiếp tục công bố điểm thi tốt nghiệp và kết quả tốt nghiệp hầu hết đều ở mức từ 95% đến trên 99% ở cả hệ THPT lẫn giáo dục thường xuyên. Trong đó tại TP.HCM, tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT là 96,67%, tăng hơn 2%, và giáo dục thường xuyên là 76,2%, tăng đến 21,44% so với năm trước.

Những tỉ lệ đẹp

Từ 39,7% lên 100%

Ngày 17-6, Sở GD-ĐT Quảng Nam công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Theo đó, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Quảng Nam là 97,8%, tăng hơn 3% so với năm 2010. Lần đầu tiên Quảng Nam có đến 16 trường THPT (trong tổng số 44 trường) đậu tốt nghiệp 100%. Trong số này, đáng chú ý là Trường THPT Nam Trà My của huyện miền núi Nam Trà My. Với hầu hết học sinh là người dân tộc thiểu số và nhiều năm trước đều có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất tỉnh (8,7% năm 2008, 18% năm 2009, 39,7% năm 2010), nhưng năm nay trường đã đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Đối với giáo dục thường xuyên, tỉ lệ tốt nghiệp là 96,33%, tăng 38,47% so với năm 2010, trong đó có ba trung tâm đậu tốt nghiệp 100%. (X.Phú)

Năm nay, TP.HCM có 34 trường đạt tỉ lệ đậu tốt nghiệp 100%, tăng hơn nhiều so với con số 22 trường trong năm 2010. Tương tự, thông tin từ sở GD-ĐT các tỉnh thành Tiền Giang, Cà Mau, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ... cho biết tỉ lệ tốt nghiệp của các tỉnh thành này đều đạt từ 90% trở lên. Kết quả này cho thấy năm nay là một năm thu kết quả “đẹp” với hầu hết các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, lần đầu tiên nhiều địa phương đã chạm đến mốc tỉ lệ 90%, thậm chí xấp xỉ 98%. Riêng tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên còn được “cải thiện” đáng kể hơn. Cụ thể ở Tây Ninh, tỉ lệ tốt nghiệp 56,4%, trong khi năm 2010 chỉ 25,41%. Tỉ lệ này ở Đồng Tháp 81,9%, Cà Mau trên 83%.

Đặc biệt, nhìn lại lộ trình ba năm qua, nhiều địa phương đã có những “cú nhảy” ngoạn mục. Năm 2009, nhiều người dân Hà Tĩnh xôn xao vì kết quả tốt nghiệp của tỉnh tụt xuống còn 74% hệ THPT và 22% hệ giáo dục thường xuyên. Năm nay Hà Tĩnh có tỉ lệ đậu tốt nghiệp lên đến 99,14% ở hệ THPT và 97,61% ở hệ giáo dục thường xuyên.

Các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn trong các năm trước đều đứng cuối bảng xếp hạng về tỉ lệ đậu tốt nghiệp, thì năm nay tỉ lệ đậu cũng ở mức cao. Bắc Kạn năm 2010 tỉ lệ đậu tốt nghiệp khoảng 70% THPT và 50% giáo dục thường xuyên thì năm nay là 91,78% ở hệ THPT (chưa tính thí sinh tự do) và 88,86% hệ giáo dục thường xuyên.

Tỉnh Sơn La từ chỗ đứng cuối bảng xếp hạng năm 2009 với 39% đậu tốt nghiệp, năm 2010 vọt lên 91% và năm nay là 97% ở hệ THPT và 98% ở hệ giáo dục thường xuyên. Ở những tỉnh thành có điều kiện thuận lợi, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay đều ở mức xấp xỉ 100%. Đơn cử như Ninh Bình 99,8% hệ THPT và 99,87% hệ giáo dục thường xuyên, Bắc Giang 99,37% hệ THPT và 99,63% hệ giáo dục thường xuyên, Hưng Yên 97,05% hệ THPT và 98,05% hệ giáo dục thường xuyên...

Sẽ mừng nếu thực chất

Từ 15-6, Tuổi Trẻ Online đã lần lượt đăng điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh các tỉnh thành trên cả nước. Mời bạn đọc bấm vào đây để tiếp tục xem điểm thi của các tỉnh thành còn lại. Thông tin sẽ được cập nhật nhanh chóng và đầy đủ.

Lý giải về tỉ lệ đậu cao, đại diện nhiều sở GD-ĐT vùng khó khăn cho rằng họ đã có một năm nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp để nâng chất lượng dạy học, phụ đạo học sinh yếu kém.

Ông Ngô Thanh Sơn, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang - nơi có đến 11/16 trung tâm giáo dục thường xuyên đậu tốt nghiệp 100%, giải thích: “Do có biện pháp phân loại học sinh yếu kém, tổ chức ôn tập tốt. Học sinh hệ giáo dục thường xuyên lại được cộng điểm khuyến khích 3-4 điểm nên tỉ lệ đỗ cao”.

Tuy nhiên, lý do đề thi dễ nên tỉ lệ đậu cao là một trong những nhận định của nhiều giáo viên. GS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nhận xét: “Đề thi của cả sáu môn thi năm nay đều dễ hơn năm 2010. Đề dễ thì nhiều thí sinh làm được bài và tỉ lệ tốt nghiệp tăng là việc đương nhiên”.

Ông cũng cho rằng đề thi như năm nay phù hợp với mục đích kiểm tra việc hoàn thành chương trình THPT của học sinh. Chỉ có điều với những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng đột biến nhưng không thể hiện nỗ lực trong việc đẩy mạnh chất lượng dạy học, khắc phục tình trạng học sinh yếu kém thì Bộ GD-ĐT cần xem xét lại tính khách quan, nghiêm túc trong khâu coi thi.

Bà Phan Thị Thu Hà, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho rằng: ngoài nguyên nhân từ đề thi, đâu đó có thể có tình trạng lơi lỏng trong coi thi nhưng xã hội cần ghi nhận những nỗ lực giảng dạy của thầy cô giáo trong vài năm qua. Trong khi đó, một cựu lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An lại cho rằng “khâu coi thi chắc chắn đã bị buông lỏng”.

Bởi dù đề thi có được giảm nhẹ, vừa sức nhưng tỉ lệ tốt nghiệp ở nhiều nơi không thể tăng chóng mặt, nhất là ở hệ giáo dục thường xuyên. Theo vị lãnh đạo này, cho dù nỗ lực đến đâu, sau một năm tỉ lệ tốt nghiệp chỉ tăng khoảng 5% là phù hợp với quy luật tự nhiên. Tỉ lệ tốt nghiệp cao thì mừng, nhưng nếu nó không thực chất lại là điều đáng lo ngại.


Thứ Bảy, 18/06/2011, 07:32 (GMT+7)
(Trang 2)

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ không chủ trương giảm độ khó đề thi

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 17-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng:

- Việc một số nơi có hoàn cảnh khó khăn, năm trước có tỉ lệ đậu tốt nghiệp thấp, với nhiều cố gắng thì tỉ lệ tốt nghiệp tăng nhiều hơn so với những nơi đã có tỉ lệ tốt nghiệp cao. Điều đó cũng giống như tăng trưởng của bất kỳ lĩnh vực nào ở những nơi có năng suất thấp thì dễ đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn ở những nơi đã đạt được năng suất cao.

* Nhiều ý kiến cho rằng để có kết quả thi đẹp, Bộ GD-ĐT chủ trương giảm độ khó của đề thi năm nay. Điều này có đúng không, thưa ông?

- Như đã có lần tôi trao đổi trước đây: Bộ GD-ĐT không lấy mức độ khó hay dễ đối với học sinh làm tiêu chuẩn của đề thi mà nội dung của đề thi căn cứ vào yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng và mục tiêu đào tạo. Nếu các em học sinh có nhiều cố gắng trong học tập, đạt được kết quả tốt thì sẽ cảm thấy đề thi dễ và ngược lại, nếu kết quả học tập thấp thì sẽ thấy đề thi khó. Bộ không có chủ trương giảm độ khó của đề thi. Mặt khác, đề thi năm nay được đánh giá có nhiều tiến bộ về mặt bao quát chương trình, mức độ phân hóa, khuyến khích tư duy sáng tạo và chính kiến của học sinh.

* Với những địa phương có kết quả tốt nghiệp tăng cao bất thường, Bộ GD-ĐT có tính đến việc kiểm tra lại không? Như thế nào có thể xem là kết quả thi có dấu hiệu bất thường? Trong trường hợp đó, Bộ GD-ĐT có tổ chức chấm thẩm định đối với các tỉnh này không?

- Quy chế thi có quy định việc Bộ GD-ĐT chấm thẩm tra kết quả thi ở những nơi có dấu hiệu bất thường. Sau khi có kết quả chấm trong toàn quốc, nếu nơi nào có dấu hiệu bất thường, thể hiện qua các dấu hiệu mâu thuẫn giữa kết quả quản lý chỉ đạo dạy và học, coi thi, chấm thi và kết quả đậu tốt nghiệp, bộ có thể tổ chức chấm thẩm định bài thi theo quy định của quy chế.

* Một số chuyên gia giáo dục cho rằng nếu đã đậu tốt nghiệp đến 98-99% thì không nên tổ chức một kỳ thi quốc gia tốn kém nữa. Ý kiến của ông về việc này?

- Kỳ thi tốt nghiệp quốc gia có nhiều mục đích khác nhau như: đánh giá mặt bằng kết quả giáo dục của các địa phương và kết quả rèn luyện phấn đấu của các em học sinh; kết quả kỳ thi sẽ có tác động trở lại đối với việc quản lý chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ dạy và học. Kỳ thi không có mục đích đánh trượt nhiều hay ít học sinh nhưng khi có kỳ thi thì cả giáo viên và học sinh đều cố gắng hơn là không có kỳ thi.

Do đó rất cần thiết có kỳ thi tốt nghiệp mang tính quốc gia để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, một giai đoạn quyết định cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, cũng là đánh dấu một bước chuyển tiếp rất quan trọng trong cuộc đời học tập của các em học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính quốc gia đã được quy định trong Luật giáo dục.

Qua kết quả bước đầu từ báo cáo của 16 tỉnh thấy rằng tỉ lệ đậu tốt nghiệp năm nay cao hơn so với năm trước nhưng không nhiều; đặc biệt, không tăng tỉ lệ học sinh đậu khá giỏi. Điều đó sơ bộ cho thấy việc nâng cao chất lượng học sinh đại trà có tiến bộ, nhưng sự cố gắng bồi dưỡng học sinh giỏi chưa có kết quả rõ. Tuy nhiên, các đánh giá chính thức phải chờ phân tích báo cáo số liệu của toàn quốc.

V.HÀ - P.ĐIỀN - L.TRANG

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT ở một số tỉnh thành năm 2011. Nguồn: Tuổi Trẻ - Đồ họa: Như Khanh

* ĐBSCL: nhiều tỉnh có tỉ lệ đậu cao

Tại Bến Tre, tỉ lệ đậu tốt nghiệp hệ THPT đạt 84,15% (năm 2010 đạt hơn 73%), hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) đạt 53,02% (năm 2010 đạt hơn 30%). Tại Tiền Giang, hệ THPT đạt tỉ lệ 90,95%, GDTX đạt 45,34%. Tại Long An, hệ THPT đạt tỉ lệ 88,96% (năm 2010 đạt 87,14%), hệ GDTX đạt tỉ lệ 60,12% (năm 2010 đạt 45,45%). Tại Sóc Trăng, tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 90,74%, (năm 2010 là 71,75%), hệ GDTX có 988/1.447 thí sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 68,27% (năm 2010 là 37,97%). (Thanh Xuân)

* Khánh Hòa: tỉ lệ 96,6%

Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết hệ THPT có 12.263 thí sinh đậu tốt nghiệp trong 12.692 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 96,6%. Ở hệ GDTX, có 1.987 thí sinh đậu tốt nghiệp trong 2.341 thí sinh dự thi, đạt 84,87%. Trong đó, hệ GDTX của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100%. (CHÂU TƯỜNG)

* Bình Phước: cao nhất từ khi tách tỉnh

Tại Bình Phước, có 8.081 học sinh hệ THPT dự thi với 7.643 thí sinh đậu, đạt 94,57% (năm 2010 là 92%). Theo ông Huỳnh Công Khanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, đây là năm học có tỉ lệ học sinh (hệ THPT) đậu tốt nghiệp cao nhất từ khi tách ra từ tỉnh Sông Bé (năm 1997) đến nay. (BÙI LIÊM - THIÊN PHÚC)

* Lâm Đồng: tỉ lệ trên 93%

Tỉ lệ học sinh hệ THPT đậu tốt nghiệp đạt 93,54%, học sinh hệ GDTX là 96,59%, cao hơn 2% so với năm học trước. Ông Nguyễn Văn Sang - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Lâm Đồng - nhận định so với kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm trước, năm nay thí sinh người dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng đậu tốt nghiệp đạt 79,6%, cao nhất từ trước tới nay. (TÂY NGUYÊN)

< Trang trước 12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét