Biểu tình lớn vì "Quý bà Al Qaeda"

Biểu tình lớn vì "Quý bà Al Qaeda" - Thế giới - Thể thao & Văn hóa:

Chủ Nhật, 26/09/2010 11:00 In
(TT&VH) - Mấy ngày gần đây, người dân Pakistan trêm khắp đất nước đã đổ xuống đường để phản đối một quyết định của tòa án Mỹ do đã tuyên phạt một nữ khoa học gia của nước này, người bị báo chí Mỹ đặt biệt danh "quý bà Al Qaeda" mức án 86 năm tù giam.


"Quý bà Al Qaeda" Aafia Siddiqui
Aafia Siddiqui là người phụ nữ duy nhất từng được Cựu Tổng chưởng lý Mỹ John Ashcroft xếp vào danh sách “7 nhân vật chết chóc”. Suốt một thời gian dài các nhà điều tra Mỹ coi cô “người phụ nữ nguy hiểm nhất thế giới”, còn báo chí Mỹ gọi cô là "Mata Hari", "Quý bà của Al Qaeda".

Người phụ nữ nguy hiểm nhất

Sở dĩ Aafia Siddiqui nhận các biệt danh này bởi cô là một khoa học gia tài năng từng được ăn học ở Mỹ nhưng rồi lại chống người Mỹ. Theo cơ quan công tố Mỹ, Siddiqui sinh năm 1972, trong một gia đình trung lưu ở Pakistan và đã có 10 năm học hành tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ. Cô nhận được học bổng nghiên cứu về sinh học tại Học viện công nghệ Massachussett và nhận được bằng tiến sĩ khi nghiên cứu về khoa học thần kinh tại Đại học Brandeis.

Phía Mỹ tin rằng Siddiqui được Al Qaeda tuyển dụng làm điệp viên nằm vùng từ năm 2002. Chính Khalid Shaikh Mohammed, nhân vật chủ mưu gây ra vụ khủng bố ngày 11/9, đã tuyển dụng Siddiqui thông qua chồng của cô. Kể từ đây, Siddiqui đã thành lập Viện Nghiên cứu và Giáo dục Hồi giáo (IIRT) để tiếp nhận các khoản tài chính bí mật của Al-Qaeda nhằm phục vụ cho các hoạt động khủng bố.

Hoạt động của Siddiqui chỉ bị lộ khi Khalid bị bắt vào ngày 1/3/2003 tại thành phố Rawalpindi ở Pakistan. Chỉ vài ngày sau khi Khalid bị bắt, Siddiqui đã “biến mất” khi đang cùng các con tới sân bay để tới Islamabad thăm người chú. Dù Khalid không khai báo về Siddiqui song những tài liệu thu giữ được tại căn hộ của y đã giúp an ninh Mỹ lần ra hoạt động của Siddiqui. Nhưng phải tới tận tháng 7 năm 2008, Siddiqui mới bị bắt tại vùng Ghazni của Afghanistan.

Dành trọn đời "bóc lịch" trong tù

Lần đó, cảnh sát Afghanistan tình cờ phát hiện Siddiqui đang phủ phục bên ngoài một thánh đường ở Afghanistan. Tay cô nắm lấy tay một đứa trẻ và bên cạnh là hai chiếc túi nhỏ. Phía cảnh sát đã bắt giữ Siddiqui và giao lại cho cơ quan điều tra Mỹ.


Việc Aafia Siddiqui bị tuyên phạt 86 năm tù đã gây nên những cuộc biểu tình lớn ở Pakistan
Tuy nhiên trong quá trình thẩm vấn, Siddiqui đã vồ lấy một khẩu súng trường M-4 để hớ hênh gần đó và bắn xối xả về phía các nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ cùng các binh sĩ Mỹ đang có mặt trong phòng thẩm vấn. Vụ nổ súng khiến hai quân nhân bị thương. Về phần Siddiqui, cô ta bị bắn một phát vào bụng.

Sau khi Siddiqui hồi phục, cô ta được đưa tới Mỹ để xét xử. Quá trình xét xử, cơ quan công tố nói rằng một trong hai chiếc túi của Siddiqui có chứa chất sodium cyanide kịch độc. Túi còn lại có chứa các tài liệu với nội dung nói tới "một cuộc tấn công gây chết người hàng loạt" ở những công trình nổi tiếng của thành phố New York, Mỹ, như Tòa nhà Empire State, tượng Nữ thần Tự do, cầu Brooklyn. Ngoài ra các tài liệu cũng nhận định rằng việc dùng bom bẩn để khủng bố có thể phát tán nỗi sợ nhanh hơn nhiều các phương thức thông thường.

Dựa vào đó, cơ quan công tố kết luận Siddiqui là một nhân vật cực đoan "lạnh lùng, tính toán và đã ấp ủ kế hoạch gây hại lính Mỹ bằng đủ mọi cách".

Các luật sư của Siddiqui nói rằng chuỗi những sự bùng nổ thái độ đã diễn ra trong quá trình xét xử và hành vi không bình thường của Siddiqui chỉ cho thấy thực tế rằng cô có vấn đề về tâm thần. Họ cho rằng cô chỉ có thể bị tuyên phạt 12 năm tù. Tuy nhiên cơ quan công tố đã thắng lợi khi thuyết phục tòa án rằng Siddiqui là một mối đe dọa nghiêm trọng với Mỹ. Với bản án kéo dài tới hơn 8 thập kỷ, có thể nói Siddiqui sẽ phải dành nốt phần đời còn lại trong tù mà không có cơ hội được phóng thích sớm.

"Không muốn có thêm bạo lực"

Vụ việc của Siddiqui đã thu hút sự chú ý lớn cũng như sự phản đối từ phía Pakistan, nơi bà mẹ 38 tuổi có 3 con này được các nhóm nhân quyền và các nhóm Hồi giáo cực đoan xem là biểu tượng của sự vô tội. Phán quyết của phía Mỹ cũng đã gây những sức ép nhất định lên phía Pakistan và trong bài phát biểu trước Thượng viện hôm 24/9, Thủ tướng Pakistan Syed Yusuf Raza Gilani đã đề xuất việc trao đổi các tù nhân Mỹ để lấy sự tự do cho Siddiqui nhằm làm giảm không khí căng thẳng trong nước.

Bản thân Siddiqui tỏ ra khá bình tĩnh trước bản án và đã kêu gọi người ủng hộ đừng gây thêm bạo lực trên tên tuổi của cô. "Tôi không muốn có thêm bạo lực liên quan tới tên mình. Nhờ ơn Thượng đế, tôi vẫn khỏe khi ở trong tù. Họ không tra tấn tôi. Tôi là người Hồi giáo nhưng tôi cũng yêu những người Mỹ" - Siddiqui nói.

Tường Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét