Nga - Trung tìm kiếm lợi ích từ những điểm tương đồng

Nga - Trung tìm kiếm lợi ích từ những điểm tương đồng - Thế giới - Dân trí:
Thứ Hai, 27/09/2010 - 15:25

(Dân trí) - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Dmitry Medvedev hôm nay đã ký Tuyên bố chung tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung. Điều này cho thấy sự tin cậy trong quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không căn cứ vào những yếu tố kinh tế.
Đó là lời nhận định từ ông Sergey Luzhyanin, Giám đốc Học viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Bắc Kinh lần 2 trong nhiệm kỳ
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đang ở thăm Bắc Kinh đã ký tuyên bố trên trong cuộc gặp lần thứ 5 trong năm nay giữa hai vị đứng đầu nhà nước. Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần thứ hai của Tổng thống Medvedev trong nhiệm kỳ này. Ông Medvedev nhận định rằng những cuộc tiếp xúc tích cực giữa ban lãnh đạo hai nước đáp ứng quyền lợi của nhân dân Nga và Trung Quốc. Về phía mình, ông Hồ Cẩm Đào bày tỏ sự tin tưởng rằng chuyến công du của người đứng đầu quốc gia Nga đến Bắc Kinh sẽ giúp củng cố mật thiết sự hợp tác giữa hai đất nước.

Trong quá trình chuyến thăm, các bên đã thông qua Tuyên bố chung nhân 65 năm kết thúc Chiến tranh thế giới II. Lãnh đạo hai nước tham dự hoạt động ký kết hàng chục văn kiện hợp tác và tham dự lễ khánh thành đường ống dẫn dầu Trung - Nga sau các cuộc hội đàm.

Lợi ích từ những điểm tương đồng

Theo Giám đốc Học viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Luzhyanin, sở dĩ ông nói tuyên bố trên cho thấy sự tin cậy trong quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không căn cứ vào những yếu tố kinh tế, là vì qui mô hợp tác thương mại và đầu tư của hai nước chưa thể sánh với sự hợp tác của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này. “Tuy vậy, qua những liên lạc cá nhân của các nguyên thủ Nga và Trung Quốc, chúng ta nhận thấy rằng, hai cường quốc tin tưởng lẫn nhau về chính trị. Và trong phương diện các vấn đề khu vực, họ có nhiều điểm tương đồng hơn so với Bắc Kinh và Washington", ông Luzhyanin nói.

Hơn thế, Nga và Trung Quốc đã đề ra thái độ chiến lược chung trước các vấn đề Iran, Afganistan, Triều Tiên. Sự tin cậy trong các quan hệ này hoàn toàn có những nguyên nhân rõ ràng, bởi vị trí địa lý của hai nước tiếp cận gần gũi với các khu vực bất ổn định này. Nga và Trung Quốc nỗ lực đặt những chướng ngại lớn, chặn lối đi của ma túy Afganistan, vốn chủ yếu tìm cách thông qua lãnh thổ hai nước để đến với người tiêu thụ. Tiếp đến, cuộc đối đầu vũ trang của các lực lượng Taliban và Mojahed ở Afganistan là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng trong khu vực, có nghĩa cũng là nguy cơ đối với Nga và Trung Quốc.

Tuy thế, không thể bỏ qua những lợi ích đôi bên về kinh tế, hiện tại chủ yếu đang tập trung quanh sự hợp tác năng lượng. Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Medvedev và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tham gia lễ khởi động một đề án lớn vừa được hoàn thành thi công - ống dẫn dầu "Skovordino - Đại Khánh", nhánh thuộc trục đường ống dẫn dầu Đông Sibiri - Thái Bình Dương. Đồng thời, ở Bắc Kinh diễn ra lễ ký kết hợp đồng giữa Nga và Trung Quốc về xây dựng các blok số 3 và số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan.

Nga lên kế hoạch bắt đầu cung cấp gas cho Trung Quốc kể từ năm 2015, còn khoảng giữa năm tới sẽ ký kết các hợp đồng kinh doanh. Tin này đã được Phó Thủ tướng Igor Sechin, đang tháp tùng Tổng thống Medvedev tới Bắc Kinh, công bố với các nhà báo. Phó Thủ tướng Nga cũng cho hay rằng tại các cuộc đàm phán đang xem xét tất cả những khía cạnh của sự hợp tác như cơ sở hạ tầng, những lộ trình và các mỏ khác nhau, những nguồn cung cấp, trong đó có cả hợp tác trong lĩnh vực tài chính. Theo lời ông Sechin, Nga sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu khí đốt của Trung Quốc.

Phương diện hợp tác nhân văn cũng không bị hai bên bỏ qua. Trong Năm tiếng Trung Quốc ở Nga, tại Bắc Kinh đã khánh thành Trung tâm văn hóa Nga, nơi dành nhiều chú ý vào sự hợp tác giáo dục, văn hóa, khoa học và thể thao. Cuối tuần trước, chiến hạm "Hy vọng" nổi tiếng của Nga đã đến Thượng Hải và bỏ neo tại cảng thành phố này, cách không xa Tổng lãnh sự Nga. Tàu sẽ tham gia Ngày quốc gia Nga tại Triển lãm toàn thế giới ESPO-2010.

Trước đó, trong cuộc họp báo về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Chen Gopin cũng từng nói hiện tại,Nga và Trung Quốc có cái nhìn giống nhau về sự phát triển của quan hệ quốc tế và tình hình quốc tế; Trung Quốc và Nga là những đối tác chiến lược quan trọng; Bắc Kinh và Mátxcơva đều tán thành xây dựng thiết chế thế giới đa cực,bình đẳng và hài hòa. Đề cập đến sự hợp tác Nga-Trung trên vũ đài quốc tế, ông Chen Gopin chỉ ra rằng, sự hợp tác này đóng vai trò nổi bật trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế quan trọng như tình hình xung quanh chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cũng như thực trạng ở Afghanistan.

Trước thềm chuyến thăm, khi trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc, ông Dmitry Medvedev đã khẳng định những nguyên tắc nền tảng bất di bất dịch trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga. Đó là chủ nghĩa thực dụng, cởi mở từ chối sự đối đầu khi thúc đẩy những quyền lợi quốc gia. Nga cũng duy trì nền ngoại giao đa phương. Theo lời ông Dmitry Medvedev, việc chạy theo chính sách đối ngoại độc hướng gây tổn hại cho nước khác sẽ không khi nào dẫn đến kết quả xây dựng. Ông nhắc lại rằng, trong số những ưu tiên đối ngoại của Nga, có quan hệ với các nước SNG và Liên minh châu Âu, với Mỹ và các đối tác châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có với Trung Quốc.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét