Ông già 50 năm khắc bút bên hồ Gươm

VnExpress - Ông già 50 năm khắc bút bên hồ Gươm - Ong gia 50 nam khac but ben ho Guom:

Thứ sáu, 10/9/2010, 10:14 GMT+7
Dưới gốc đa cổ thụ bên hồ Gươm (Hà Nội), 50 năm nay, ông Lê Văn Quý gắn bó với nghề khắc chữ đẹp lên bút, vật phẩm, dù khách hàng ngày càng thưa vắng.
>'Đại gia' sách Hà Nội/ Cuộc sống của cư dân già nhất xóm nổi sông Hồng
Tại gốc đa hàng trăm tuổi bên đền Bà Kiệu, gần hồ Gươm, ông Lê Văn Quý, 70 tuổi, ở phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm) hành nghề khắc bút tròn 50 năm.
Ông vốn quê Hưng Yên nhưng sinh ra tại Hà Nội. Trước khi làm nghề khắc bút, ông là thợ đóng giày. Những năm 50, ít người đi giày như bây giờ nên ít việc, ông đã chuyển sang công việc khắc bút lưu niệm cho người qua lại bên hồ Gươm.
Hồi đó, thấy những chiếc máy khắc bút xuất hiện ở phố Hàng Gai không đẹp bằng chữ mình, ông Quý mày mò học cách chuyển những vần chữ bay bướm của mình lên đồ vật bằng gỗ, nhựa...
Dưới gốc đa hàng trăm tuổi ấy có nhiều người hành nghề này nhưng gần đây chỉ còn lại mình ông. Suốt 50 năm qua, từ 7h30 sáng đến 18h chiều, ông hầu như không rời gốc đa.
Đồ nghề của ông gồm chiếc bút khắc tự chế, tuốc nơ vít và vài chiếc bút mực, được gói gọn trong chiếc hộp sắt nhỏ bé. Không chỉ khắc bút, ông có thể khắc lên tất cả đồ dùng hoặc tặng phẩm theo yêu cầu của khách như nhựa, gỗ, tranh sơn mài.
Nói về việc truyền nghề, ông bảo không ai muốn theo nghề này. Cách đây gần 10 năm, có một sinh viên đến xin được dạy cách khắc lên vật phẩm bằng sơn mài. Anh ta học để viết lên đồ lưu niệm.
Tùy theo mức độ khó dễ của con chữ, giá mỗi chiếc bút khắc dao động 3-10 nghìn đồng. Tháng nào thu nhập cao cũng chỉ hơn một triệu đồng.
Ông làm chỉ vì yêu thích, chứ thực ra tiền khắc bút chỉ đủ cho ông đi tập thể hình và nước nôi. Ông có 4 người con trai đều sinh sống ở nước ngoài. Ở Hà Nội ông sống với vợ trong căn nhà nhỏ tại phường Phúc Tân. Hai cô con gái đi lấy chồng hằng tháng vẫn chu cấp cho 2 ông bà đầy đủ.
Không chỉ khắc chữ, ông Quý còn có thể vẽ lên những hình ảnh khác như tháp Rùa, cầu Thê Húc... Kỷ niệm nhớ nhất của ông là từng khắc bút cho khách để tặng Thủ tướng Đức cách đây gần 20 năm.
Nhiều vị khách du lịch quốc tế cũng tìm tới ông khắc bút mang về nước làm quà.
Người bạn tâm giao của ông Quý từ lâu năm là một người canh gác đền Bà Kiệu. Ngày ngày mỗi khi rỗi hai ông lại tìm đến nhau hàn huyên.
Hoàng Hà
Ý kiến bạn đọc ()
Cảm ơn bác đã giữ lại hồn xưa!
Ở nơi xa, xem lại bài viết của VnExpress, tôi rưng rưng xúc động với ký ức xa xưa lại hiện về, với tuổi học trò đầy khốn khó... Thuở xin được mẹ 5 hào mua chiếc bút máy Hồng Hà có khắc "Cây dừa thành cây cau, khắc chim bồ câu thành chim sẻ" của ông lão cổng trường cấp 2... Chắc là ông đã đi xa trở thành người thiên cổ?
Lúc ông lúi húi cúi xuống thả hồn theo những nét vẽ bay bướm, bọn nhất quỷ nhì ma chúng tôi lại giật cái mũ nồi cáu bẩn làm trật ra mái đầu hói đến không còn sợi tóc của ông... Cả giờ ra chơi ông không vẽ xong một chiếc để kiếm được năm xu vật lộn cho cuộc mưu sinh... Hy vọng rằng, Tết này, khi trở về Hà Nội tôi sẽ đưa 2 con tôi ra hồ Gươm tìm theo địa chỉ của Hoàng Hà tìm về nét xưa trên cây bút của con tôi... Chúc bác Lê Văn Quý luôn sống vui, sống khỏe và sống có ích cho đời!
(Binh Yen)

Nhớ
Hồi đó ở SG cũng có cái này, giờ thì hết rồi, ước gì mình ở HN để nhờ bác ấy khắc để nhớ lại tuổi học trò.
(Jarry King)

Một nét đẹp văn hóa đã dần phai mờ
Thật đáng tiếc khi những nét đẹp văn hóa dần tan biến đi theo sự phát triển của xã hội. Mỗi tác phẩm của bác là một kiệt tác độc nhất mà khắc ghi vào chúng ta những kỷ niệm khó quên!
(Mrbee 2707)

Chờ một ngày tôi sẽ tới!
Đọc được bài viết này thấy càng yêu Hà Nội hơn. Thấy Hà Nội thật đẹp. Đẹp không chỉ vì nét hiện đại, vì nét cổ kính mà còn vì những chỉ có ở Hà Nội mới giữ được những nét xưa thật thân thương. Tôi đã nhiều lần đến Hồ Gươm, cũng đã gửi xe nhiều lần ở chính nơi mà ông lão đang ngồi. Vậy mà chưa một lần tôi để ý! Thấy tiếc quá! Thời gian tới nhất định mình sẽ cùng bạn gái của mình đến đó!
(Cáo già)

Đó là sở thích
Thật ra mỗi chúng ta ai cũng đều có sở thích riêng, chỉ vì cứ mãi chạy theo cái gọi là "phát triển tương lai" nên ta đã bỏ quên những sở thích của mình thôi. Bác ấy sống và làm những sở thích của bác ấy. Có lẽ một số người cho rằng cuộc sống an nhàn đó là dậm chân tại chỗ. Nhưng với bác đó là sự đam mê. Để giờ đây 50 năm sau chúng ta nhìn thấy điều đó, chúng ta lại khâm phục.
(Divo)

Chúc ông mạnh khỏe
Lâu không khắc bút nghĩ rằng ông không còn ở đấy. Tý lại ra ông vậy. Ngày xưa đi học nhớ rằng có được cái bút ông khắc oai lắm đấy chứ. Nhiều khi có nhiều thứ muốn khắc mà chẳng biết khắc ở đâu. Chúc ông mạnh khỏe.
(Trịnh Xuân Hà)

Sành chơi và đẹp giản dị
Hãng đồ sành điệu (và đắt đỏ) MontBlanc mới đưa ra dịch vụ mới, khắc tên chủ nhân miễn phí vào những cây bút máy của họ, cũng chỉ có 3, 4 kiểu chữ gì đó. Đây coi như một cách khẳng định sở hữu những cây bút đắt tiền của chủ nhân, gọi đó là sành chơi.

Họ có biết đâu dân Hà thành chúng ta (và những người đang sinh sống ở Hà thành) có cái thú này từ lâu rồi! Một nét đẹp giản dị! Đúng như một số anh chị nói, khắc bút ở Hồ Gươm có từ rất lâu; tôi cũng có biết từ bé nhưng sau này lớn lên cuộc sống hối hả quá nên quên mất.

Kể ra những nét đẹp này mà mất đi thì cũng tiếc, nhất là những ai từng được chứng kiến từ thuở bé. Tôi mới được tặng cây bút máy Montblanc, đọc bài này lại trở nên phân vân giữa sành điệu đủ bộ (tại hãng) và nét đẹp giản dị...

(Đặng Anh Quân)

Chúc ông luôn khỏe
Đọc bài viết thấy nhớ những kỷ niệm ngày xưa quá. Chúc ông luôn khỏe để giữ cho đời một công việc giản dị nhưng đầy ý nghĩa, một chiếc bút có tên của nhau là một kỷ niệm không thể nào quên được.
(chatnguyen)

Hoài cổ quá
Cũng đến 15 năm trời từ cái thủa tôi học cấp 2. Hình ảnh cây bút máy viết mực Cửu Long hồi đó. Hành trang vào đời là cây bút với quyển vở hồng, tôi nhớ lại cái thời me sấu ấy. Cuộc sống ngày xưa sao khác thế? Đơn sơ mà thanh tao. Hàng ngày rồi lại hàng ngày, dưới gốc đa cổng trường, một bên là ông nặn tò hè, một bên là ông khắc bút với con ngan quàng quạc sau chiếc xe đạp "Phượng Hoàng". Đọc bài viết này tôi thấy rất Hà Nội. Đâu đó ở một góc khuất, còn có những người như bác Quý. Sống dung dị và rất đỗi thanh tao. Qua đây cháu cũng xin gửi lời chúc sức khỏe và thật nhiều niềm vui tới bác Quý. Hy vọng gốc đa này sẽ còn chứng kiến cái tuổi khắc bút của bác thứ 100.

(Thọ Tuyển)

Thật tuyệt
Đọc qua bài báo này mình mới biết về ông cụ khắc bút. Nhất định sẽ tới thử một lần.
(duy khánh)

Thanh thản
Cuộc sống của ông thật thanh thản và nhẹ nhàng. Không phải âu lo nhiều về cái ăn!
(wocwoc)

Bác nên thêm dịch vụ khắc hình trên DTDĐ
Theo cháu bác nên khắc hình lên điện thoại di động
tuổi teen mà có điện thoại với hình khắc độc đáo thì tuyệt vời.
(Nguyễn Văn Minh)

Kỷ niệm!
Tôi còn nhớ từ rất lâu rồi, khi mà tôi còn học cấp 1 hay cấp 2, thi thoảng ở trước cổng trường hay có bác (hay chú) ngồi khắc bút, mỗi lần như thế tôi đều khắc lên chiếc bút mực đang dùng.
Thời gian đã qua lâu rồi, bây giờ thời hiện đại lại càng hiếm những người giữ được nghề khắc bút như ông. Chúc ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục để khắc những đường nét muôn đời vẫn mới...
(ATHK)

Tuyệt
Đợt tới về HN, mình sẽ ra đây khắc bút để tặng người thầy đáng kính của mình. Cảm ơn VnExpess.
(Đào Quang Dũng)

Ngưỡng mộ
Có những người thật làm người ta ngưỡng mộ. Cuộc sống bình dị và niềm vui...
(duy khoa)

Một nét đẹp văn hoá rất đáng trân trọng và gìn giữ
Bài viết này làm tôi nhớ lại 25 năm về trước, khi tôi còn là học sinh tiểu học của một trường nhỏ ở Hà Nội. Học kỳ 1 năm học đó, tôi được học sinh tiến tiến. Quà tặng của mẹ dành cho tôi khi đó là chiếc bút máy Trường Sơn có khắc tên tôi, bên cạnh là nhành lá non với những nét khắc mảnh mai bay bướm trông rất đẹp mắt.
Tôi không biết mẹ đã thuê dịch vụ ở đâu hay nhờ ai nhưng với tôi khi ấy, nó là tặng vật vô cùng quý giá và hữu dụng. Rồi thời gian trôi qua, cuộc sống, xã hội đổi mới theo quy luật thị trường. Chuyện khắc bút lưu niệm mai một, dần đi vào quá khứ.
Ấy vậy mà hôm nay khi đọc bài này mới chợt giật mình nhận ra một nét đẹp văn hoá sắp và suýt bị lãng quên. May thay, vẫn còn có những người hoài cổ, trân trọng gìn giữ những giá trị văn hoá tinh thần như cụ Quý. Thật đáng trân trọng! Ước gì, những giá trị tinh thần này trường tồn.

(Nguyễn Hữu Minh)

Cảm xúc về một nghệ nhân
Người thợ khắc bút hồ Gươm
Kính tặng bác Quý

Có người thợ khắc bút ở hồ Gươm
Chiếc hộp đồ nghề: Dao cùng tuốc nơ vít
Tấm ghế nhựa, dựa lưng Bà Kiệu
Khách qua đường gồm tây và ta...

Ông khắc tên người trên cây viết nhỏ to
Cũng có khi họa tiết tranh, hoa
Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Bút...
Giản dị như người, cảnh vật quê ta.

Ông không quản mưa nắng
Không phân biệt sang hèn
Không chỉ vì mưu sinh...
Mà công việc một mình ông thích.

Năm mươi năm ông vẫn còn ngồi đó
Dước gốc si già, trùm bóng rễ si...
Người ta mang chữ, tranh ông đi:
Khắp các hang cùng nẻo đường thế giới...
......................
10/09/2010
Huy Lê
(Huy Lê)

Một nét Hà Nội
Hôm trước tôi cùng chồng và con gái đi chơi qua hồ Gươm, nhìn thấy ông khắc bút tôi lại nhớ lại hồi còn đi học cấp 2- khoảng những năm 90-93 bố tôi hay cho đến đây khắc tên vào bút máy. Nhìn ông khắc bút những nét chữ mềm mại, bay lượn tôi rất thích.
Tôi nhớ nhất chiếc dụng cụ khắc bút có cái đầu khắc bằng kim loại gì đó cong cong rất cứng, khắc xong ông lấy mẩu sáp chà lên rồi lấy khăn lau sạch. Nét chữ màu vàng hiện lên trên vỏ bút màu đen rất đẹp.
Đọc bài viết này tôi lại thấy nhớ lại thời đi học của mình, và thấy cái gì đó rất thân quen, rất Hà Nội, nhìn ông khắc bút vẫn chẳng thay đổi mấy, chỉ có mái tóc là bạc đi nhiều. Tôi kể cho chồng nghe và nói với chồng hôm nào sẽ cho con gái lên đây khắc tên con vào đồ dùng học tập.
Cảm ơn tác giả về những bức ảnh gợi lại kỷ niệm đẹp thời học sinh của tôi.
(Linhnhi)

Ôi nghề truyền thống thật đẹp biết bao
Mình rất thích khắc bút. Mình nhớ ngày còn nhỏ có rất nhiều người khắc bút nhưng theo thời gian không thấy mấy người khắc nữa. Nhiều lúc muốn khắc để tặng cho bạn bè làm kỷ niệm mà kiếm không ra. Cảm ơn VnExpress đã chỉ lối.
(ngoc tu)

Còn mãi hồn văn hiến
Cách đây 10 năm, là một học sinh từ vùng quê Hưng Yên bắt đầu lên Hà Nội, tôi được người thân cho đi học tiếng Anh ở Trung tâm Cambridge - Hàng Bè, do nhà xa nên tôi hay đạp xe đi sớm, rồi ra đây ngồi chơi.
Giờ tôi đã ra trường, lập gia đình, chuẩn bị có con, hàng ngày vẫn đi làm qua đây, vẫn thấy ông ngồi đó. Nhanh thật, mới đó mà đã 10 năm. Chúc ông luôn khỏe mạnh để lưu truyền lại những nét vẽ đẹp cho đời.
(Bồ Xuân Đạt)



Dấu chấm buồn
Đọc bài viết nghe cảm động quá. Đôi khi có những giá trị tinh thần có lớn lao hơn cả tiền bạc mà có mấy ai nhận thấy được đâu chứ. Xã hội ngày càng phát triển, và những thế hệ con người này mất đi là một dấu chấm man mác buồn cho văn hóa người Việt chúng ta.
(truong minh quan)

Ôi Hà Nội
Tuy sinh ra ở TP HCM, và chưa bao giờ đến Hà Nội, nhưng tôi thấy ở Hà Nội vẫn còn đó ở những con người, đường phố nét cổ kính của 1000 năm Thăng Long.
(Thang Nguyen)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét