Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, cũng như sự tham gia của Mỹ trong một loạt vấn đề nóng ở Đông Á thời gian qua cho thấy nước này đang trở lại khu vực, bài phân tích dưới đây của The New York Times cho thấy.
Trong nhiều năm qua, một trong những câu chuyện được nói đến nhiều nhất ở châu Á là khi Trung Quốc trỗi dậy, các nước láng giềng của họ sẽ bị cuốn vào quỹ đạo của nó và ngả vào vòng tay của một siêu cường mới. Và trong một kịch bản như thế, người mất mát chính là Mỹ, quốc gia đang dồn cả tiền bạc cũng như ảnh hưởng của mình vào các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan; nền kinh tế gặp khó khăn và đang mất dần chỗ đứng ở châu Á.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng và tranh chấp ngày càng rõ rệt giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong thời gian gần đây đã cho Mỹ một cơ hội để giành lại vị trí trong khu vực - một cơ hội mà chính quyền của Tổng thống Obama mong chờ tận dụng.
Một người Hong Kong, Trung Quốc, trên con tàu định tiến ra khu vực đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong lúc cẳng thẳng giữa hai nước đang lên cao. Ảnh: AFP. |
Washington đã nhắc đến tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á trên Biển Đông, bất chấp quan điểm của Bắc Kinh cho rằng đây là vấn đề nội bộ. Mỹ cùng với Hàn Quốc đã tiến hành những cuộc tập trận nhằm giúp Seoul đáp trả những lời đe dọa từ Bình Nhưỡng. Trung Quốc phản đối những cuộc tập trận này, và nói rằng các hoạt động diễn tập xâm phạm vào vùng nước mà quân đội Trung Quốc hoạt động.
Trong khi đó, căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vụ tàu cá Trung Quốc bị Nhật bắt giữ đang đẩy Tokyo trở lại gần hơn với người đồng minh lâu năm bên kia bán cầu.
Bối cảnh này được phản ánh trong dịp hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới đang diễn ra ở Mỹ. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã từ chối một cuộc gặp với người đồng nhiệm Nhật là Naoto Kan. Ông Ôn còn đe dọa sẽ "có hành động tiếp theo" nếu Tokyo không thả thuyền trưởng tàu đánh cá "ngay lập tức và vô điều kiện".
Hôm nay, Tổng thống Mỹ Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và có thể Mỹ sẽ cam kết giúp họ giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình.
"Mỹ thật là khôn", Carlyle A. Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Australia chuyên nghiên cứu về an ninh châu Á, bình luận. "Họ khôn khi chìa tay với các nước trong khu vực này".
"Ở khắp nơi nơi, Trung Quốc có thể nhận thấy rằng bầu không khí đang thay đổi mạnh mẽ", Thayer nói thêm.
Khẳng định chủ quyền lãnh thổ - ở khắp nơi từ Tây Tạng đến Đài Loan và Biển Đông - vốn từ lâu là ưu tiên hàng đầu của những người theo đường lối dân tộc ở Trung Quốc. Tuy nhiên điều này gây khó khăn cho những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc khẳng định sự trỗi dậy hòa bình, và có thể tạo nên sự xa cách với các nước láng giềng.
Một bằng chứng rõ ràng của tình trạng này là sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong vụ va chạm giữa tàu đánh cá và tàu tuần tra đôi bên. Sự vụ xảy ra tại khu vực tranh chấp gần một số đảo mang tên Senkaku trong tiếng Nhật và Điếu Ngư trong tiếng Trung. Các đảo này là đối tượng tuyên bố chủ quyền của cả Bắc Kinh lẫn Tokyo.
Tranh chấp này, cũng như sự việc trực thăng Trung Quốc lượn phía trên tàu khu trục Nhật hồi tháng 4, có thể giúp cho liên minh quân sự Nhật - Mỹ thêm vững chắc. Các nhà phân tích cho rằng những vụ đối đầu như thế có thể sẽ nhắc nhở các quan chức Nhật Bản - vốn từng chủ trương đưa chính sách đối ngoại của họ nghiêng thêm về phía Bắc Kinh - rằng họ vẫn cần dựa vào Mỹ để có được thế cân bằng.
Một người Nhật Bản leo lên sửa ngọn hải đăng trên đảo mà nước này gọi là Senkaku (Trung Quốc gọi Điếu Ngư) như một hành động biểu tượng để khẳng định chủ quyền. Ảnh chụp năm 1996, AFP. |
"Nhật Bản sẽ không có cách nào khác là tiến sâu hơn nữa vào trong vòng tay của Mỹ, củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ và sức mạnh quân sự của bản thân", Huang Jing, một học giả nghiên cứu về quân sự Trung Quốc, công tác tại Đại học Quốc gia Singapore, bình luận.
Hồi tháng 7, tại diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc đến vấn đề Biển Đông, bà nói rằng Mỹ sẵn sàng giúp để tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông, nơi được cho là dồi dào tài nguyên dầu, khí và hải sản. Phía Trung Quốc chủ trương giải quyết vấn đề với từng nước riêng rẽ, nhưng bà Clinton mong muốn có những cuộc đối thoại đa phương. Tự do hàng hải ở Biển Đông là vấn đề mà Mỹ quan tâm, Clinton nói.
Hôm nay Tổng thống Obama có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của 10 nước ASEAN. Hãng thông tấn AP cho hay, theo một dự thảo tuyên bố chung mà họ có được, các bên sẽ phản đối "việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông".
Đầu tuần này, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Khương Du lên tiếng chỉ trích bất kỳ nỗ lực làm trung gian nào của Mỹ. "Chúng tôi phản đối việc một nước không có gì liên quan đến biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) can dự vào tranh chấp ở đây", bà Khương nói.
Bắc Kinh cũng phản đối các kế hoạch tập trận của Mỹ và Hàn Quốc ở Hoàng Hải, nơi Trung Quốc tuyên bố là khu vực đặc quyền quân sự. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng sự phản đối này càng khiến Hàn Quốc ngả thêm về phía Mỹ.
Giới chức Mỹ ngày càng quan tâm đến tiến trình hiện đại hóa, cũng như khả năng vươn xa bờ và thái độ ngày càng tự tin hơn của hải quân của Trung Quốc. Hồi tháng 3, một quan chức Trung Quốc nói với các quan chức Nhà Trắng rằng Biển Đông là một phần trong "lợi ích cốt lõi" của chủ quyền quốc gia, ngang với Tây Tạng và Đài Loan.
Một số sĩ quan quân đội và nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Mỹ đang muốn ngăn cản họ. Hồi tháng 8, một phó đô đốc của Trung Quốc viết trên nhật báo của quân đội nước này rằng, một mặt Washington "muốn Trung Quốc thực hiện vai trò trong các vấn đề an ninh khu vực". "Mặt khác", ông này viết tiếp, "lại đang ngày càng xiết chặt vòng vây quanh Trung Quốc và liên tục thách thức các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Một số nước châu Á đã cảm thấy muốn ngả về phía Mỹ nhiều hơn. Hồi tháng 4, vụ việc trực thăng Trung Quốc lượn phía trên khu trục hạm Nhật khiến nhiều người Nhật Bản lo lắng, nhất là khi thủ tướng lúc đó là Yukio Hatoyama đang khiến Mỹ tức giận vì thái độ quyết tâm di dời căn cứ không quân của Mỹ ở Okinawa.
Thủ tướng kế nhiệm, ông Naoto Kan, đã tìm cách xoa dịu và thắt chặt hơn các mối quan hệ với Washington, nhấn mạnh rằng liên minh với Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
"Tranh chấp với Trung Quốc là yếu tố khiến cho mối quan hệ với Mỹ trở nên quan trọng hơn", giáo sư chính sách công Fumiaki Kubo của trường Đại học Tokyo, bình luận.
Thanh Mai (lược dịch từ NYT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét